You are here

VCPMC sẽ báo cáo CISAC về hành vi xâm phạm quyền tác giả của Sky Music

Tác giả: 
Dân Việt

Là thành viên của Hiệp hội các Nhà soạn nhạc và Soạn lời Quốc tế (CISAC) , chiều 12.4, Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả âm nhạc Việt Nam tổ chức gặp mặt các tác giả thành viên chi nhánh phía Nam nhằm hoàn tất hồ sơ báo cáo CISAC về sai phạm của Sky Music, đảm bảo quyền tác giả theo công ước quốc tế

Tham dự buổi gặp mặt có khoảng 40 thành viên, trong đó có các nhạc sĩ, đại diện gia đình các nhạc sĩ đã mất, các luật sư, các chuyên gia trong lĩnh vực Sở hữu trí tuệ và báo chí.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung đối soát các tác phẩm của mình

Làm rõ về việc Sky Mussic bị các nhạc sĩ tố cáo 

Tại buổi gặp mặt, VCPMC thông tin về quá trình phát hiện Công ty Cổ phần Sky Music đang tự ý sử dụng các tác phẩm âm nhạc thuộc thành viên VCPMC để kinh doanh dịch vụ cung cấp giải pháp phát nhạc với tên gọi “X-Music Station”, với tuyên bố là nhạc có đầy đủ bản quyền gồm quyền liên quan của ca sĩ, nhà sản xuất và cả quyền tác giả.

Tuy nhiên, khi VCPMC tiến hành đối soát các tác phẩm bị Sky Music tuyên bố là “có bản quyền” theo cách trên thì đã xác định ngay đây là các tác phẩm thuộc tác giả thành viên VCPMC, do VCPMC quản lý, khai thác quyền tác giả.

Hành vi xâm phạm quyền tác giả âm nhạc của Sky Music đã gây thiệt hại rất lớn đến quyền lợi chính đáng của các tác giả/chủ sở hữu quyền tác giả thành viên.

Nhạc sĩ Võ Thiện Thanh đối soát tác phẩm của mình

Với tư cách là tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả đối với các tác phẩm âm nhạc Việt Nam và quốc tế, VCPMC đã tiến hành thu thập các tài liệu, chứng cứ có liên quan nhằm vạch rõ bản chất hành vi xâm phạm quyền tác giả của Sky Music, đồng thời có văn bản số 1947/TTBVQTGANVN ngày 03/01/2018 gửi khuyến cáo tới các nhạc sĩ, các tác giả thành viên về hiện tượng bán/chuyển nhượng tác phẩm cho một số công ty kinh doanh nhạc.

Tại buổi gặp mặt, các nhạc sĩ đồng loạt đưa ra ý kiến của mình. Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung cho biết: Sky Music đã liên hệ  và đề nghị ký kết hợp đồng với anh để hợp thức hoá hành vi xâm phạm quyền tác giả của họ. Tuy nhiên, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung đã từ chối hợp tác.

Nhạc sĩ Trần Minh Phi nói: "Sky Music cũng liên hệ với tôi để hợp thức hoá hành vi vi phạm của họ nhưng tôi đã từ chối gặp và đề nghị Sky Music liên hệ với VCPMC".

Nhạc sĩ Võ Thiện Thanh đề nghị VCPMC liên lạc với tất cả các nhạc sĩ bị Sky Music xâm phạm để sớm có biện pháp xử lý để đảm bảo quyền lợi chính đáng cho các tác giả thành viên Trung tâm.

Nhạc sĩ Thế Hiển khẳng định: "Khi đã uỷ quyền cho Trung tâm và hoàn toàn tin tưởng Trung tâm sẽ đảm bảo tốt nhất quyền lợi cho các nhạc sĩ. Sky Music chỉ là đơn vị kinh doanh nhạc nên phải có nghĩa vụ xin phép và trả tiền nhuận bút, thù lao cho chủ sở hữu quyền tác giả trước khi khai thác, kinh doanh. Hành vi của Sky Music rõ ràng là hành vi xâm phạm quyền tác giả, đề nghị Trung tâm phải có biện pháp xử lý triệt để hành vi xâm phạm của Sky Music, kể cả khởi kiện tại toà án".

Nhạc sĩ Thế Hiển phát biểu tại buổi gặp mặt thành viên VCPMC và báo chí.

Bức xúc trước việc các tác phẩm âm nhạc của nhiều nhạc sĩ bị xâm phạm, đại diện cố nhạc sĩ Châu Kỳ - bà Kha Thị Đàng cảm ơn VCPMC đã bảo vệ tốt quyền lợi cho các nhạc sĩ nói chung, nhạc sĩ Châu Kỳ nói riêng. Bà Kha Thị Đàng cũng cho biết: "Nhờ Trung tâm mà dù nhạc sĩ Châu Kỳ đã mất nhiều năm nhưng những người thừa kế của nhạc sĩ Châu Kỳ vẫn được hưởng thừa kế quyền tác giả, nhờ tiền tác quyền này mà mười hai năm nay con cháu của nhạc sĩ Châu Kỳ có tiền để học đại học".

Cũng tại cuộc gặp mặt, nhạc sĩ Hoài An cho biết trong 192 tác phẩm bị Sky Music xâm phạm quyền tác giả, anh cũng phát hiện Sky Music xâm phạm thêm cả quyền liên quan đối với các bản ghi mà nhạc sĩ là chủ sở hữu trong khi chưa từng cho phép Sky Music sử dụng. Ngay sau đó, Sky Music cũng liên hệ với nhạc sĩ để hợp thức hoá hành vi vi phạm của họ nhưng nhạc sĩ Hoài An đã từ chối gặp và đề nghị Sky Music liên hệ với VCPMC để làm việc. 

Bà Kha Thị Đàng, đại diện gia đình nhạc sĩ Châu Kỳ phát biểu.

Bà Ngô Mai Hà- đại diện gia đình nhạc sĩ Ngô Thụy Miên và nhạc sĩ Phạm Trọng Cầu cũng thống nhất đồng ý để VCPMC đại diện giải quyết với Sky Music với các tác phẩm của nhạc sĩ Ngô Thuỵ Miên và nhạc sĩ Phạm Trọng Cầu. "Chúng tôi không bán tác phẩm cho bất cứ tổ chức nào khác. Chúng tôi rất trân quý Trung tâm vì đã bảo vệ tốt quyền lợi cho các nhạc sĩ, nhờ Trung tâm mà hàng quý chúng tôi được nhận tiền tác quyền đầy đủ, đem lại quyền lợi cho gia đình, tôi và các con đều được hưởng, các cháu có tiền ăn học"- bà Mai Hà nói.

Sky Music không chỉ lách luật mà còn đánh tráo khái niệm

Tại cuộc gặp mặt báo chí, nhạc sĩ Bùi Quang Ân cho biết: "Đối với bản ghi tác phẩm “Tình yêu hoa bướm” tôi có cả quyền liên quan và quyền tác giả nhưng Sky Music vẫn xâm phạm. Điều này khiến tôi hết sức bức xúc. Tôi đề nghị VCPMC có biện pháp xử lý hành vi xâm phạm của Sky Music".

Cũng liên quan đến quyền tác giả và quyền liên quan đối với chủ sở hữu tác phẩm, các nhạc sĩ cũng đặt câu hỏi, vậy thì khi nhạc sĩ đồng ý cho ca sĩ biểu diễn, nhưng ca sĩ tự ý ký chuyển nhượng quyền cho một đối tác khác thì trong trường hợp này có phạm luật hay không? Bởi như trong trường hợp của nhạc sĩ Bùi Quang Ân thì hợp đồng với ca sĩ và cả nhà sản xuất đều khẳng định nhạc sĩ có toàn quyền về bản quyền đối với tác phẩm và bản ghi của mình. Tuy nhiên, hiện nay chính tác phẩm này lại đang bị Sky Music xâm phạm bản quyền.

Để làm rõ vấn đề này, Luật sư Phan Vũ Tuấn, văn phòng Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Dựa trên các hợp đồng ủy quyền hiện tại, dựa vào quy định của Điều 42 Nghị định 22/2018 về quyền quản lý tập thể, theo đó tác giả đã ký thỏa thuận sẽ giao cho trung tâm, ngoài câu chuyện giao kết, thỏa thuận còn là thông lệ quốc tế và chúng ta phải nhìn nhận, phân định rõ vấn đề ở nhiều khía cạnh và trên chính hợp đồng đó để khẳng định mức độ vi phạm.

Cụ thể trong trường hợp của nhạc sĩ Bùi Quang Ân, dựa theo Điều 44 Luật Sở hữu trí tuệ, thì nhạc sĩ Bùi Quang Ân có cả quyền tác giả và quyền liên quan đến tác phẩm của mình. Trong trường này đơn vị sử dụng phải xin phép và trả tiền theo quy định tại điều 20 và 33 Luật Sở hữu trí tuệ. Việc sử dụng không xin phép rõ ràng là hành vi xâm phạm vì đã vi phạm quyền tác giả và các quyền liên quan dựa trên điều 28 và 35 của Luật Sở hữu trí tuệ.

Ông Phạm Quốc Thành, Giám đốc Trung tâm Băng nhạc Bến Thành chỉ ra sai phạm của Sky Music

Là đại diện của tác giả Lam Phương, đại diện Trung tâm Băng nhạc Bến Thành khẳng định: Bến Thành Audio có quyền liên quan đối với các bản ghi, nhưng khi ký hợp đồng với các đối tác Bến Thành Audio luôn nhắc nhở các đơn vị sử dụng phải ký kết với Trung tâm để được sử dụng quyền tác giả. Bến Thành Audio chỉ ký hợp đồng với Sky Music về quyền liên quan chứ không phải là quyền tác giả.

Những kiến nghị và lộ trình bảo vệ quyền tác giả hợp pháp của VCPMC

Sau những ý kiến tranh luận của các nhạc sĩ, nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn, Giám đốc VCPMC khẳng định: Từ ý kiến của các nhạc sĩ, VCPMC thống nhất, tất cả các tác giả thành viên thống nhất khẳng định không ủy quyền hoặc chuyển nhượng quyền tác giả cho Sky Music, đồng thời sau này cũng sẽ không làm việc với Sky Music nếu họ liên hệ sẽ yêu cầu đến Trung tâm để làm việc. Các tác giả thống nhất đề nghị Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam theo đúng chức năng, nhiệm vụ của mình có biện pháp xử lý ngay hành vi xâm phạm quyền tác giả của Sky Music để đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng cho các tác giả thành viên, cụ thể:

- Yêu cầu Sky Music phải công khai xin lỗi các tác giả, nhạc sĩ.

- Sky Music phải trả tiền cho các nhạc sĩ, tác giả có tác phẩm bị Sky Music tự ý sử dụng trong suốt thời gian qua.

- Sky Music phải chấm dứt ngay việc sử dụng tác phẩm của các tác giả thành viên VCPMC cho đến khi được sự cho phép của VCPMC; thực hiện đầy đủ, nghiêm túc nghĩa vụ xin phép và trả tiền sử dụng quyền tác giả theo quy định tại các Điều 18-19-20 Luật Sở hữu trí tuệ.

- Nếu Sky Music cố tình né tránh, tiếp tục hành vi sai trái, VCPMC sẽ áp dụng các biện pháp bảo vệ quyền theo đúng quy định của pháp luật.

Nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn: "Căn cứ vào công ước Bern mà các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký, chúng tôi thống nhất hướng xử lý sắp tới của VCPMC như sau: Sẽ tổ chức họp khẩn thông qua ý kiến của Hội đồng cố vấn; Xin ý kiến của Thường vụ Hội nhạc sĩ Việt Nam là cơ quan chủ quản của VCPMC; Cử chuyên viên pháp chế sang nước ngoài làm việc với Liên minh quốc tế Hiệp hội các nhà soạn Nhạc và Lời (CISAC) về tình hình hiện nay để hỗ trợ pháp lý vì VCPMC là thành viên của CISAC".

Tác giả: Dân Việt

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.