You are here

Vai trò của quyền tác giả, quyền liên quan trong việc phát triển các ngành công nghiệp văn hóa

Chiều 14/03/2019, tại Trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật Lạng Sơn, Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức 'Tập huấn chuyên môn năm 2019' dành cho nhạc sĩ các tỉnh miền núi phía Bắc. Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu tham luận 'Vai trò của quyền tác giả, quyền liên quan trong việc phát triển các ngành công nghiệp văn hóa' của Nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhạc sĩ Việt Nam - Tổng Giám đốc Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam.

Hiện nay, nền kinh tế tri thức đang lên ngôi và phát triển không ngừng, các sáng tạo đóng vai trò thiết yếu và thúc đẩy khả năng cạnh tranh, tăng trưởng kinh tế. Các ngành công nghiệp văn hóa là bộ phận cấu thành quan trọng trong nền kinh tế quốc dân. Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa dựa trên sự sáng tạo, khoa học công nghệ và bản quyền trí tuệ. Công nghiệp bản quyền là một trong những đòi hỏi cao của xã hội nhằm đáp ứng toàn cầu hóa.

Nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhạc sĩ Việt Nam - Tổng Giám đốc VCPMC

Ở Việt Nam, nhằm đáp ứng các yêu cầu của quá trình hội nhập quốc tế, năm 2002, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) trực thuộc Hội Nhạc sĩ Việt Nam được thành lập, với chức năng, nhiệm vụ bảo hộ thực thi quyền tác giả trong lĩnh vực âm nhạc đối với các tác phẩm của các tác giả Việt Nam và tác giả nước ngoài được sử dụng trên lãnh thổ Việt Nam.

Trong quá trình hoạt động 17 năm qua, vai trò của quyền tác giả, quyền liên quan đối với hoạt động bảo vệ quyền tác giả âm nhạc của VCPMC ngày càng được khẳng định sự tác động mạnh mẽ đối với việc phát triển các ngành công nghiệp văn hoá nói chung, thể hiện ở những mặt sau:

1- Bảo vệ quyền tác giả đã góp phần thúc đẩy hoạt động sáng tạo

“Bảo vệ quyền tác giả là một lĩnh vực đặc thù, tạo môi trường tốt cho các nghệ sĩ sáng tạo ra nhiều tác phẩm có chất lượng và giá trị nghệ thuật, là “chìa khóa” then chốt để Chiến lược phát triển các ngành Công nghiệp văn hóa được thực hiện thành công…” - như lời Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện đã phát biểu vào ngày 26/9/2016 về nội dung triển khai Chiến lược phát triển các ngành Công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 theo Quyết định số 1755/QĐ-TTg ngày 08/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ.

Bảo hộ quyền tác giả là hoạt động nhằm tôn vinh, bảo vệ thành quả của các tổ chức, cá nhân đã lao động sáng tạo, cống hiến, đóng góp cho lợi ích công chúng và sự tiến bộ xã hội, từ đó thúc đẩy hoạt động sáng tạo trong lĩnh vực văn học nghệ thuật nói chung, lĩnh vực âm nhạc nói riêng. Bảo hộ quyền tác giả nhằm hướng tới một cộng đồng tôn trọng “tài sản trí tuệ” và chỉ có ý nghĩa nếu người sáng tạo thực sự được tôn trọng các quyền về mặt tinh thần, quyền về mặt kinh tế, được hưởng các lợi ích được khai thác từ tác phẩm của mình.

Trong những năm qua, VCPMC đã thực hiện hiệu quả công tác bảo vệ quyền tác giả trong lĩnh vực âm nhạc nhằm đảm bảo tối ưu quyền và lợi ích hợp pháp của các tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả. Số tiền sử dụng quyền tác giả mà VCPMC thu được hàng năm để phân phối, chi trả cho các tác giả, các nhạc sĩ trong suốt thời gian qua đã góp phần động viên, khích lệ tinh thần sáng tác, thể hiện sự trân trọng giá trị các tác phẩm ở nhiều thể loại sáng tác âm nhạc. Từ con số khiêm tốn thu được trong năm đầu tiên hoạt động (năm 2002) là 78 triệu đồng, tăng dần qua các năm và tăng vượt bậc ở những năm gần đây; tính đến nay, qua 17 năm, tổng số tiền sử dụng quyền tác giả mà VCPMC đã thu là trên 300 tỷ đồng. VCPMC thực hiện nhập liệu, phân phối chi trả theo định kỳ mỗi quý cho các tác giả Việt Nam và quốc tế.

Hiệu quả của quá trình triển khai thực thi bảo hộ quyền tác giả trong những năm qua còn được thể hiện rõ nét ở số lượng thành viên tăng dần mỗi năm, cùng với số lượng tác phẩm cập nhật tại kho dữ liệu của VCPMC ngày càng lớn. Từ số thành viên ban đầu là 274 tác giả, đến nay tổng số thành viên ủy quyền tại VCPMC (tính đến ngày 31/12/2018) là 3.988 tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả âm nhạc Việt Nam.

2- Đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế, phát triển của đất nước

Bảo hộ quyền tác giả là công cụ hữu hiệu nhất nhằm khuyến khích, làm giàu và phổ biến di sản văn hóa quốc gia và di sản văn hóa của nhân loại. Sự phát triển của một đất nước phụ thuộc chủ yếu vào hoạt động sáng tạo của người dân và khuyến khích sáng tạo cá nhân, phổ biến các sáng tạo đó là điều kiện thiết yếu đối với quá trình phát triển.

Bản quyền là một yếu tố quan trọng trong quá trình phát triển. Thực tế đã chỉ ra rằng việc làm giàu và phổ biến di sản văn hóa quốc gia phụ thuộc trực tiếp vào mức độ bảo hộ đối với các tác phẩm văn học và nghệ thuật. Số lượng sáng tạo trí tuệ của một quốc gia càng nhiều thì quốc gia đó càng rạng danh, số lượng các tác phẩm văn học nghệ thuật càng nhiều thì lực lượng những người hiệp đồng hỗ trợ (nghệ sĩ biểu diễn, nhà sản xuất chương trình ghi âm, tổ chức phát thanh truyền hình) trong ngành công nghiệp văn hoá (sách báo, băng hình, đĩa nhạc và giải trí) càng nhiều và việc cuối cùng khuyến khích sáng tạo trí tuệ là một trong những điều kiện tiên quyết cơ bản của quá trình phát triển kinh tế, văn hóa và xã hội.

Thực tế đã chứng minh tại các nước trên thế giới cũng như tại Việt Nam, hoạt động bảo hộ quyền tác giả đã giúp nâng cao đời sống văn hoá tinh thần cũng như vật chất cho người dân, đóng góp vào ngân sách nhà nước, góp phần tăng trưởng GDP và phát triển kinh tế, văn hoá - xã hội mỗi quốc gia.

3- Tạo hành lang pháp lý an toàn trong thực thi bảo hộ quyền tác giả

Quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu, bao gồm quyền nhân thân và quyền tài sản. Pháp luật về quyền tác giả đã trao cho tác giả quyền thực hiện độc quyền đối với các quyền này.

Ở Việt Nam quyền tác giả là một lĩnh vực phức tạp, còn mới mẻ nhưng các quy định pháp luật Việt Nam và các điều ước mà Việt Nam tham gia về quyền tác giả về cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu bảo hộ quyền tác giả nói chung và quyền tác giả âm nhạc nói riêng. Nhiều văn bản quy phạm pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan đã ra đời, tạo hành lang pháp lý an toàn, giúp bảo đảm điều chỉnh hầu hết các mối quan hệ xã hội ở lĩnh vực này, phù hợp với thông lệ và các điều ước quốc tế, dự báo được xu thế phát triển trong nước và trên trường quốc tế, nhằm mục đích khuyến khích các hoạt động sáng tạo, bảo hộ quyền tác giả đối với những tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học được kết tinh từ lao động của tư duy sáng tạo của con người, thể hiện tư tưởng tiến bộ, nhân văn.

Các quy định của pháp luật từng bước hoàn thiện nhằm phù hợp và đảm bảo nguyên tắc thực thi bảo hộ quyền tác giả. Đó là nguyên tắc bảo đảm quyền tự do sáng tạo của cá nhân, nguyên tắc bảo đảm quyền bình đẳng, tự định đoạt của các chủ thể. Công dân có quyền sáng tạo trên cơ sở được sự bảo hộ của Nhà nước, Nhà nước tạo thế chủ động và tự do sáng tạo của cá nhân; tự do sáng tạo của cá nhân luôn được khuyến khích, tôn trọng và bảo đảm thực hiện.

Qua quá trình triển khai thực thi căn cứ các quy định về quyền tác giả, quyền liên quan tại Bộ luật Dân sự, đặc biệt qua hơn 10 năm triển khai thực thi Luật Sở hữu trí tuệ, pháp luật về quyền tác giả đã phát huy tác dụng tích cực trên các mặt. Pháp luật đã tạo lập môi trường khuyến khích tự do sáng tạo các giá trị văn học, nghệ thuật và khoa học, thúc đẩy phong trào nghiên cứu, sáng tạo nói chung, trong giới trí thức, văn nghệ sĩ nói riêng. Pháp luật là phương tiện để tác giả bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, là công cụ để quản lý, giữ gìn trật tự xã hội về quyền tác giả, ngăn chặn những sản phẩm văn hóa độc hại, bất lợi cho cộng đồng và lợi ích quốc gia.

Với công cụ pháp lý đến nay tương đối hoàn thiện, VCPMC đã thực hiện nhiệm vụ, chức năng của mình theo đúng quy định của Luật Sở hữu trí tuệ và các văn bản hướng dẫn thi hành, thực hiện trọng tâm công tác khai thác và bảo vệ các quyền tác giả đối với các tác phẩm âm nhạc được pháp luật công nhận, bảo hộ trên cơ sở hợp đồng ủy thác quyền tác giả, hợp tác đa phương, song phương với các tổ chức bản quyền tác giả ở nước ngoài nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của thành viên các bên; thực hiện các quyền được các thành viên ủy thác trong lĩnh vực âm nhạc bao gồm: cấp phép và thu tiền sử dụng quyền tác giả, phân phối, chi trả các khoản thu từ việc khai thác tác phẩm; tiến hành các biện pháp để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các thành viên trước pháp luật. Bên cạnh đó, hoạt động của VCPMC trên thực tế đã phát huy hiệu quả cao về mặt xã hội, giúp các tổ chức, cá nhân sử dụng tác phẩm âm nhạc được thuận lợi và đảm bảo đúng theo các quy định của pháp luật, với tiêu chí “hài hòa 3 lợi ích: lợi ích của nhà sáng tạo, lợi ích của người sử dụng và lợi ích của công chúng hưởng thụ”.

4- Thúc đẩy quan hệ hợp tác quốc tế, thực hiện cam kết với quốc tế về bản quyền

Năm 2004 là thời điểm Việt Nam gia nhập Công ước Berne về Bảo hộ quyền tác giả. Đây cũng là một trong những động thái của Việt Nam chuẩn bị cho quá trình gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Đứng trước yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của nước ta, việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trong đó có quyền tác giả, quyền liên quan được Nhà nước ta hết sức quan tâm, đặc biệt sau khi Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ được ký kết và Quốc hội phê chuẩn, ngày 07/11/2006 Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) trong đó quyền sở hữu trí tuệ là một bộ phận quan trọng trong các nội dung được đem ra đàm phán và Việt Nam ta cần phải cam kết thực hiện.

Để đáp ứng những tiêu chí trong quá trình hội nhập quốc tế của đất nước, VCPMC đã không ngừng gắn kết và học hỏi kinh nghiệm của các tổ chức quốc tế, thực hiện đàm phán, ký kết hợp đồng hợp tác song phương về quản lý, khai thác và bảo vệ quyền tác giả âm nhạc với nhiều tổ chức đại diện tập thể quyền tương ứng. Thời gian qua, VCPMC đã đẩy mạnh hợp tác, ký kết các thoả thuận uỷ quyền song phương với trên 70 tổ chức quản lý tập thể quyền (CMOs) ở nhiều nước trên thế giới nhằm thực hiện cam kết bảo hộ quyền tác giả giữa Việt Nam và các nước. Đặc biệt kể từ ngày 01/6/2007, VCPMC đã trở thành thành viên của tổ chức CISAC (Liên minh quốc tế các Hiệp hội những nhà soạn nhạc và lời thế giới) gồm 239 Hiệp hội của 123 quốc gia và vùng lãnh thổ với trên 4 triệu tác giả.

Để có kết nối tương thích với các tổ chức quốc tế về dữ liệu tác giả - tác phẩm, hiện nay thông tin về tác giả, tác phẩm được VCPMC cập nhật thường xuyên trên hệ thống lưu trữ quốc tế Cisnet và trên phần mềm lưu trữ tác giả - tác phẩm Châu Á Mis@Asia theo tiêu chuẩn quốc tế. Đây là cơ sở cho các tổ chức bản quyền trên thế giới tra cứu, tìm kiếm thông tin về tác giả - tác phẩm âm nhạc Việt Nam. Hàng năm, VCPMC đã cử nhiều cán bộ và chuyên viên tham gia các chương trình đào tạo và tập huấn nghiệp vụ ở một số nước: Mỹ, Na Uy, Singapore, Malaysia, Thái Lan về nghiệp vụ cấp phép, kỹ thuật đối soát, nhập - lưu trữ dữ liệu và phân phối trên hệ thống phần mềm Mis@Asia.

5- Tạo sự phối hợp giữa các đơn vị quản lý nhà nước và các tổ chức quản lý tập thể quyền

Thời gian qua, nhờ sự quan tâm, hỗ trợ của Chính phủ, lãnh đạo các Bộ, Ngành, sự phối hợp và giúp sức của các cơ quan quản lý nhà nước từ trung ương đến địa phương, công tác triển khai thực thi bảo hộ quyền tác giả đã từng bước đạt hiệu quả, tạo môi trường lành mạnh, khuyến khích các tác giả sáng tạo nhiều hơn nữa các giá trị văn hóa tri thức cho nền công nghiệp văn hóa, thúc đẩy cạnh tranh trong sự nghiệp phát triển ngành kinh tế gắn kết công nghiệp văn hóa.

Thực hiện Chỉ thị số 36/CT-TTg ngày 31/12/2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường bảo hộ thực thi quyền tác giả, quyền liên quan, VCPMC đã chủ động phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước trong công tác triển khai thực thi quyền tác giả tại các địa phương, cụ thể là phối hợp với các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch/Sở Văn hóa và Thể thao, các Phòng Văn hóa và Thông tin trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về quyền tác giả âm nhạc dành cho các cán bộ làm công tác quản lý, nghiệp vụ, các tổ chức, cá nhân có sử dụng âm nhạc trong hoạt động kinh doanh. Những năm qua, nhiều tỉnh/thành phố đã tích cực phối hợp với VCPMC, trong đó thành phố Hồ Chí Minh luôn là địa phương dẫn đầu cả nước về việc thực thi bảo hộ quyền tác giả một cách có hiệu quả, đồng bộ và nghiêm túc.

Đặc biệt, trong điều kiện thực tế hiện nay vẫn còn tồn tại tình trạng vi phạm về quyền tác giả, quyền liên quan một cách cố ý, công nhiên, thiếu ý thức tôn trọng pháp luật, dẫn đến yêu cầu cấp thiết trong việc tiến hành các biện pháp bảo vệ quyền, xử lý nghiêm các hành vi xâm phạm. Việc sử dụng tác phẩm không xin phép tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả vẫn diễn ra thường xuyên, đặc biệt trong lĩnh vực internet, ứng dụng (app) nghe nhạc, tải  nhạc … VCPMC đã thành lập bộ phận Pháp chế với nhiệm vụ phát hiện, cảnh báo và xử lý vi phạm, thu thập chứng cứ, tố cáo các hành vi xâm phạm quyền tác giả đến cơ quan chức năng, lập hồ sơ để khởi kiện tại Tòa án.

6- Tác động tích cực đến nhận thức và ý thức pháp luật của người dân

Bên cạnh công tác phối hợp, tuyên truyền phổ biến pháp luật, VCPMC đã phối hợp với các đơn vị quản lý nhà nước thường xuyên, nỗ lực vận động, thuyết phục các tổ chức, cá nhân, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, hộ cá thể có sử dụng âm nhạc thực hiện đúng nghĩa vụ theo quy định của pháp luật về quyền tác giả. Điều này đã giúp cho việc thực hiện quy định quyền tác giả dần ổn định và đi vào nề nếp, nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về quyền tác giả của các tổ chức/cá nhân có bước chuyển biến rõ rệt, thể hiện qua thái độ ứng xử văn minh, tôn trọng đối với một loại tài sản đặc biệt của nhân loại - tài sản trí tuệ.

7- Thúc đẩy sự phát triển thị trường theo hướng cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng

Thực tế cho thấy, thị trường các sản phẩm công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí tại Việt Nam đang luôn bị đe dọa bởi vấn nạn vi phạm bản quyền. Trong nhiều lĩnh vực như âm nhạc, điện ảnh, sách, hội họa..., vi phạm bản quyền đã khiến người sáng tạo và nhà sản xuất bị mất đi rất nhiều cơ hội thu lợi nhuận. Nếu không làm tốt việc bảo vệ bản quyền thì nhà sáng tạo sẽ không còn tâm huyết để tạo nên những tác phẩm có chất lượng cao, có khả năng chinh phục thị trường và trở thành những “siêu phẩm” văn hóa mang lại nguồn lợi kinh tế lớn. Và như vậy, ngành công nghiệp văn hóa sẽ không thể phát triển. Riêng đối với lĩnh vực âm nhạc, việc bảo hộ thực thi quyền tác giả thời gian qua đã góp phần giảm thiểu đáng kể tình trạng vi phạm, tạo niềm tin cho các tác giả, khích lệ sức sáng tạo, đồng thời tạo sân chơi lành mạnh, công bằng và sòng phẳng, hài hòa lợi ích giữa người sáng tạo và người sử dụng.

Bảo hộ quyền tác giả đã và đang là điều kiện bắt buộc trong hội nhập kinh tế quốc tế và giữ vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế và văn hóa - xã hội. Trong thời gian tới, VCPMC lập kế hoạch tăng cường hơn nữa công tác bảo hộ quyền tác giả trong lĩnh vực âm nhạc, chủ động phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước theo nội dung của Quyết định số 88/QĐ-TTg ngày 20/01/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Tăng cường năng lực quản lý và thực thi có hiệu quả pháp luật bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan đến năm 2020, định hướng đến năm 2025.

Một số hình ảnh trong buổi khai mạc lớp tập huấn chuyên môn 2019:

Thiếu tướng - Nhạc sĩ Đức Trịnh - Phó Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam, phát biểu khai mạc

Giáo sư, Nhạc sĩ Chu Minh trao đổi về đời sống âm nhạc hiện nay tại buổi Tập huấn

Các nhạc sĩ tại lớp Tập huấn chuyên môn năm 2019 - Hội Nhạc sĩ Việt Nam.

(Nguồn: http://vcpmc.org/)

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.