You are here

Vài nét xuân trong ca khúc xưa

Tác giả: 
Nguyễn Quốc Đông

Ảnh: internet

Ngay từ những năm tháng đầu của nền tân nhạc Việt Nam, từ năm 1931-1945, nàng Xuân đã được các nhạc sĩ ưu ái đưa vào các bài hát của mình.

Trong ca khúc Xuân tươi nhạc sĩ Dương Thiệu Tước đã miêu tả mùa xuân như sau: “Gió xuân đến mơn man trên khóm hồng tươi thắm bầy oanh yến trong vườn lên tiếng chào mùa xuân”, đúng là một mùa xuân đẹp đẽ và yên bình. Hoàng Quý thì lạc quan yêu đời: “Đời ta bao tươi vui như hoa hồng thắm bao chim đua hót trong mây xuân vế trong khóm cây” (Xuân về).

Nếu hai bài trên mang tính chất vui tươi, rộn rã thì bài Cô láng giềng của Hoàng Quý mô tả một người lữ khách tha hương, khi quay về chốn cũ trong một ngày xuân, phải đau xót chứng kiến cảnh người mình thầm yêu đã đi lấy chồng: “Hôm nay trời xuân bao tươi thắm dừng gót phiêu linh về thăm nhà chân bước trên đường đầy hoa đào rơi tôi đã hình dung nét ai đang cười… Chân bước phân vân lòng ngập ngừng tai lắng nghe tiếng người nói cười xôn xao tôi biết người ta đón em tưng bừng”.

Với Bến Xuân của Văn Cao thì hình như thương tiếc hoài niệm một cái gì đã qua, dầu chỉ một thoáng: “Thuyền đã bay trong gió xuân sang đâu cánh buồm nâu còn trên lớp sóng xuân lời dạ hương nghe ríu rít oanh ca tiếng nhạc vào mây thiết tha thương nhớ một ngày qua”.                 

Có một thời lớp thanh niên học sinh chúng tôi vẫn còn nhớ một bài hát rất hay về xuân, đọng mãi trong lòng nửa thế kỉ qua mà mỗi dịp Tết các Đài PTTH, các tụ điểm sân khấu đua nhau hát rôm rã. Đó là bài Xuân và tuổi trẻ của La Hối (một nhạc sĩ gốc Hoa sống ở Hội An, mất trước Cách mạng tháng Tám). Bài nầy ai cũng biết và yêu thích, có lẽ do tiết tấu valse vui tươi, sinh động: “Ngày thắm tươi bên đời xuân mới lòng đắm say bao nguồn vui sống xuân về với ngàn hoa đua thắm ta muốn hái muôn ngàn đoá hồng”. Bài nầy qua giọng hát vàng của nữ danh ca Thái Thanh mới lột tả hết được…          

Nếu bài Xuân và tuổi trẻ còn in đọng mãi trong lòng người nhiều thập kỉ qua, thì bài Ly rượu mừng của Phạm Đình Chương gây dấu ấn không kém, nó đã vượt biên giới quốc gia đi khắp mọi nơi… Hằng năm, Việt kiều khắp nơi trên thế giới mỗi khi đón giao thừa, chúc tụng nhau đều hát bài hát nầy như một cầu nối tâm hồn cho những người con xa xứ: “Ngày xuân nâng chén ta chúc nơi nơi mừng anh nông phu vui lúa thơm ngon người thương gia lợi tứ cngười nông dân ấm êm thoát ly đời gian lao nghèo khó”.

Những năm kháng chiến chống Mỹ có nhiều bài hát về xuân nổi tiếng như Xuân chiến khu của Xuân Hồng (giải thưởng văn học nghệ thuật Nguyễn Đình Chiểu năm 1963), đưa tên tuổi ông đến với công chúng cả nước: “Xuân chiến khu khói mù còn loang quê nhà em chẳng có chi làm quà có chi hơn là hát một bài ca”.

Bài Tình ca của Hoàng Việt ca ngợi tình yêu đôi lứa trong thời chiến, dù xa cách nhau nhưng tự tin có một ngày sum họp, đoàn viên trong yên lành: “Em hãy ngước mắt lên vui nhìn trời xanh quê ta/ chim bay giăng giăng ngoài nắng xuân đẹp thay/ Tan cơn phong ba lòng đất yên rồi đây/ Em hãy nở nụ cười tươi xinh/ như đoá hoa xuân chào riêng anh”.                     

Bài ca hy vọng của Văn Ký là bản tình ca lạc quan cách mạng nhất trong thời kì chống Mỹ. Các đồng chí của anh Nguyễn Văn Trỗi đã hát vang bài nầy trong khám Chí Hoà tạo sức mạnh đoàn kết trong đấu tranh: “Ước mơ những mùa xuân bóng dáng quê hương… Có mùa xuân nào đẹp bằng”.

Sau ngày giải phóng có khá nhiều ca khúc xuân được nhiều người ưa thích như: Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh của Xuân Hồng, Tình ca mùa xuân của Tôn Thất Lập, Lá thư ngày tết của Trần Long Ẩn, Sài Gòn mùa xuân của Trịnh Công Sơn…

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.