You are here

Tuyển tập Âm nhạc Nguyễn Lân Hùng

Tác giả: 
Thanh Nhã

Tuyển tập Âm nhạc của nhạc sĩ Nguyễn Lân Hùng do Nhà xuất bản Thanh Niên ấn hành cuối năm 2020. Tập hợp 87 tác phầm âm nhạc kèm đĩa CD, được nhạc sĩ sáng qua các thời kỳ bảo vệ, hòa bình, xây dựng Đất nước.

Tuyền tập gồm 6 phần: Phần I với các ca khúc về chủ đề “Đi qua chiến tranh”, mừng chiến thắng mùa Xuân 1975, với các ca khúc như: Cất cao tiếng hát chiến thắng; Ngã Ba Đồng Lộc, Trên Đất Khe Sanh, Thăm con nơi Thành cổ Quảng Trị; Bên những trang nhật ký chiến trường; Khúc Tưởng niệm Truông Bồn…; Phần II “Những miền quê yêu thương” với những ca khúc: Cổng trời Hà Giang, Anh đến thăm Ba Bể, Tuyên Quang quê em, Hãy lên Mộc Châu, Hưng Yên quê ta, Tây Nguyên ngày mới, Nha Trang biển nhớ, Chiều Hậu Giang, Nhịp cầu Cần Thơ, Đà Lạt thêu giấc mơ, Vũng Tầu thành phố thân yêu…; Phần III “Dưới mái trường thân yêu” với các ca khúc: Nhớ khu học xá, Kỷ niệm trường Vinh, Về với những mái trường, Hà Nội – Amsterdam, Hành khúc Trường liên Việt Kontum, Mùa hè chia tay, Một thời để nhớ…; Phần IV có chủ đề “Nhịp đập của trái tim” với Sóng tình, Ru em, Đôi mắt anh, Người ơi!, Bước chân người Hà Nội, Ngày ấy chúng mình, Hành khúc những Bác sĩ kiên cường…;  Phần V “Thế giới bên ta” với các ca khúc: Nhớ nước Nga, Tình anh em, Mối tình Việt Nam – Campuchia, Khải hoàn môn Paris, Dubai rực sáng; Phần VI “Giao hưởng, Hợp xướng”  với hợp xướng không nhạc đệm Đại tướng của chúng ta, hợp xướng 5 chương Bài ca trường Đại học Vinh, Hợp ca nữ Đêm vắng; Phần IV là một số hình ảnh về gia đình Nguyễn Lân và tác giả.

Nhạc sĩ Nguyễn Lân Hùng sinh năm 1945 tại Huế, quê quán Hưng Yên. Nguyễn Lân Hùng đã được thừa hưởng truyền thống tri thức của gia đình từ cụ ông Nguyễn Lân để lại, cùng với truyền thống âm nhạc của các người anh em: GS Nguyễn Lân Tuất, PGS Nguyễn Lân Cường, PGS Nguyễn Lân Trung… và các con cháu nội ngoại, tuy làm khoa học, y học, ngoại giao... nhưng tất cả đều rất yêu ca hát. Từ bệ phóng văn hóa của gia đình và xã hội đã đưa nhạc sĩ Lân Hùng bước vào thế giới âm nhạc một cách tự nhiên, tràn đầy hứng khởi và say sưa sáng tạo. So với các nhạc sĩ “tay trái” thì ông đã làm được một điều mà nhiều người mong muốn là viết từ thể loại nhỏ (ca khúc) đến các thể loại lớn hơn (liên khúc, hợp xướng). Đi từ thanh nhạc đến khí nhạc (nhạc không lời). Biên độ sáng tạo của ông theo thuật ngữ âm nhạc là Diapason “viết” của anh rất rộng và phong phú. Chính sự lạc quan yêu đời đã cho ông năng lượng dồi dào trong mọi công việc.

Nhạc sĩ Nguyễn Lân Hùng đã đảm nhận các chức vụ: Tổng thư ký Hội các ngành sinh học Việt Nam, giảng viên Khoa Sinh học kiêm Giám đốc Trung tâm Sinh học thực nghiệm của trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Ủy viên Ban Chấp hành Trung Ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Ủy viên Ban Chấp hành Trung Ương Hội Nông dân Việt Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Mắcca Việt Nam, Ủy viên Ban Chấp hành trung ương Hội Hữu nghị Việt Nam - Campuchia, Hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Hội viên Hội Âm nhạc Hà Nội...

Ông đã trực tiếp dàn dựng và chỉ huy nhiều bản hợp xướng lớn như Hắc Long Giang, Người chiến sĩ biên thùy, Miền Nam anh dũng và bất khuất, Tổ quốc ta, Sóng Cửa Tùng...

Nhạc sĩ Nguyễn Lân Hùng đã được tặng Huy chương Vàng về chỉ huy hợp xướng trong Hội diễn Văn nghệ toàn thành phố Hà Nội (1962) và được tặng nhiều bằng khen, giấy khen qua các kỳ hội diễn...

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.