You are here

Ấn tượng nghề đóng đàn xứ Huế

Tác giả: 
Vũ Hào
AttachmentSize
Image icon dan.jpg47.53 KB

Người Pháp vào Huế năm 1885, chính thức mang theo âm nhạc Phương Tây. Theo GS Dương Quang Thiện trong Sử liệu lịch sử âm nhạc Việt Nam cho biết những năm đầu thế kỷ XX, người Pháp đã mở một số lớp âm nhạc phương Tây tại Huế. Nhanh chóng “ăn theo”, các nhạc cụ phương Tây cũng xuất hiện tại Huế như: dương cầm, guitar, mandolin, violon, harmonica, flute… Linh mục người Pháp là Traineau (GS Trường Bình Linh) lần đầu tiên tổ chức ban nhạc Tây khoảng 64 nhạc công cả người Pháp và Việt, vào năm 1919.

Guitar cổ điển Tân Châu (cần đàn rộng bản) được dân chơi nhạc classic ưa chuộng

Khai mở nhạc Tây phương

Trong quá trình khai mở và phát triển nhạc Tây (gọi chung là tân nhạc), ở Huế những người yêu âm nhạc, yêu cây đàn guitar không ai không biết danh tiếng hiệu đàn Tân Châu. Thương hiệu đàn Tân Châu xuất phát từ tên của nghệ nhân Trương Hữu Châu, người đã sáng lập nên thương hiệu đàn guitar hàng đầu xứ Huế.

Vốn có năng khiếu về kỹ nghệ, ông theo học tại Trường Kỹ nghệ thực hành Huế (hiện nay ở đường Nguyễn Huệ TP Huế). Ngoài ra ông còn có năng khiếu âm nhạc.

May mắn cho ông Châu là được một giáo sư người Pháp trong trường phát hiện tài năng, nhận làm con nuôi, đưa sang Pháp theo học trường Âm nhạc tại Paris.

Điều đặc biệt là ông Châu còn rất đam mê học hỏi việc chế tác các nhạc cụ, nhất là đàn guitar. Trở về nước, ông Châu đã tự mình chế tác hai cây đàn guitar và mandolin để tham dự Hội chợ Đấu xảo Quốc tế tại Paris năm 1931, bao gồm các nước thuộc địa của Pháp do Pháp tổ chức, ông được trao tặng Huy chương vàng.

Đến nay, theo ông Trương Hữu Việt, người con trai nối nghiệp của ông Châu, 2 cây đàn này vẫn đang được trưng bày tại một bảo tàng nhạc cụ tại Paris.

Những năm 50 của thế kỷ trước, thương hiệu đàn Tân Châu không những khẳng định vị trí số 1 ở Huế, mà còn chiếm lĩnh thị phần nhạc cụ đàn dây ở Đông Dương (Lào, Campuchia, Myanmar) và Hà Nội, Vinh, Sài Gòn. Sau hội chợ Paris, Tân Châu nhận được nhiều đơn đặt hàng của người Pháp và các nước thuộc địa (Algeria, Maroc, Bắc Phi).

Đã có xưởng sản xuất quy mô các loại đàn dây châu Âu, tại Huế còn ra đời một nhà in ấn và xuất bản nhạc phẩm để phổ biến tân nhạc của các nhạc sĩ trong toàn quốc: năm 1944, nhà xuất bản Tinh Hoa ra đời, giám đốc là ông Tăng Duyệt, trụ sở đặt tại 121 Trần Hưng Đạo, TP Huế.

Có thể nói đây chính là “mắt xanh” đã phát hiện, ươm mầm ra các nhạc sĩ nhân tài đất Việt, chuyên phát hành các bài hát bestseller của các nhạc sĩ Văn Cao, Tạ Tấn, Đoàn Chuẩn, Đặng Thế Phong, Nguyễn Văn Thương, Phạm Duy, Lê Thương, Phan Huỳnh Điểu, Dương Thiệu Tước, La Hối, Hoàng Giác, Văn Giảng, Ngô Ganh… Năm 1952, ông Tăng Duyệt còn mở chi nhánh tại Sài Gòn đặt tên là Tinh Hoa Miền Nam.

Công phu đàn ca hát xướng

Thời Nguyễn, xứ Huế vốn là kinh đô tụ hội các tao nhân mặc khách danh tiếng như Huy Cận, Hàn Mạc Tử, Chế Lan Viên, Văn Cao, Lưu Hữu Phước, Dương Thiệu Tước, Hùng Lân, Phạm Duy… Gắn liền với lịch sử tân nhạc, cây đàn guitar Tây Ban Nha, guitar Hawai và mandolin cũng ra đời ở Huế rất sớm.

Người đầu tiên mở tiệm bán và đóng các thứ “đàn Tây” chính là ông Trương Tân Châu. Còn người mở hiệu đàn sớm nhất Hà Nội lúc ấy là nhạc sĩ Dương Thiệu Tước.

Ông Tước sinh ở Hà Đông nhưng sống ở Huế đầu những năm 1940, nổi tiếng là nghệ sĩ sáng tác và dạy đàn ghi ta Tây Ban Nha, Hawai rất giỏi.

Để khuyến khích phong trào tân nhạc mới mẻ, Việt Nam phải sản xuất đàn nội địa, vì giá bán một cây đàn nhập từ Pháp về rất đắt, ít người mua được. Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu kể, ông mua lại cây đàn guitar cũ của vua Bảo Đại dùng rồi mà trị giá gần bằng cái nhà gạch.

Đàn guitar Tân Châu Acoustic mẫu mã ấn tượng

Trước năm 1954, thời đỉnh cao của tân nhạc, hiệu đàn Tân Châu sản xuất cung không đủ cầu. Mỗi tháng cố gắng lắm chỉ sản xuất chưa đến 200 cây đàn, trong khi đơn đặt hàng của thị trường Sài Gòn, Hà Nội, Miên, Thái Lan và Lào nhu cầu hơn 1.000 cây.

Biết được thị hiếu của khách hàng, một số cơ sở nhỏ lẻ đã sản xuất đàn “Tân Châu” giả nhãn mác. Từ đây nghề học đóng đàn bắt đầu phát triển. Nghề đóng đàn vốn kén khách, bởi lẽ, giới bình dân, người mới tập thì chọn đàn “chợ” giá rẻ, nhập từ các nguồn trôi nổi nhập nhèm.

Chỉ những người sành sõi, học đàn chuyên nghiệp mới tìm mua hoặc đặt hàng các cây tốt, gỗ đẹp, âm thanh vừa ý. Người sành chỉ cần búng nhẹ tay vào thùng, nghe tiếng đàn thẩm âm là biết chất lượng đàn tốt hay xấu.

Người đóng đàn uy tín bao giờ cũng chọn gỗ chất lượng đảm bảo. Từng loại gỗ sẽ cho ra các âm sắc với chất lượng khác nhau. Khách quý thì chọn pơmu, lát hoa.

Làm được một cây đàn đẹp, cả hình thức lẫn âm thanh là cả một nghệ thuật, đòi hỏi sự tài hoa của người thợ. Đầu tiên phải tạo dáng cho ra một khuôn đàn đẹp. Đó là một khuôn gỗ cứng, khoét rỗng ruột tạo hình thùng đàn.

Có khuôn rồi bắt đầu bào thanh gỗ, hoặc đẽo gọt xong gò thanh gỗ vào khuôn, gõ đều rồi dùng keo cố định hình thù hộp đàn. Rồi đẽo gọt cần đàn, ép vào hộp đàn, sau đó là công đoạn đóng mặt và đáy hộp đàn bằng gỗ thông hoặc ván ép.

Công đoạn khoan lỗ cắm các khóa đàn, con ngựa thuộc về người thợ cả. Còn khâu đánh bóng thùng đàn, cần đàn bằng sơn ta hoặc véc-ni thuộc về thợ mới học việc. Tùy giá trị, đẳng cấp của người chơi đàn, nhiều nghệ nhân còn khảm, cẩn xà cừ lên cây đàn.

Năm 2017, học hỏi và kế thừa kinh nghiệm gia truyền của cha, ông Trương Hữu Việt phát triển thương hiệu đàn Tân Châu trở thành Công ty nhạc cụ Tân Châu.

Không chỉ chế tác các loại đàn tân nhạc, công ty nhạc cụ còn chế tác, sản xuất các loại nhạc cụ dân tộc như đàn tranh, tỳ bà, nguyệt, bầu… Mặc dù giá cả của từng loại đàn khác nhau từ vài trăm nghìn cho đến vài chục triệu/ cây tùy theo yêu cầu của khách hàng, nét đặc trưng cố hữu của đàn Tân Châu là tấm nhãn hiệu “trăm tuổi” dán trong thùng đàn không hề thay đổi.

Nguồn: https://giaoducthoidai.vn

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.