You are here

Từ Giải phóng quân ra đi (Trích)

Tác giả: 
Phan Huỳnh Điểu

Người nghệ sĩ nhân dân vô danh

Lúc sinh thời, Má tôi có giọng hát ru con rất hay. Tôi được nghe tiếng hát đó từ lúc lên bảy. Má thường ru cô em gái út của tôi. Khi lớn lên vào lứa tuổi thanh niên, tôi lại được nghe Má tôi hát ru mấy đứa cháu nội. Giọng hát của Má tôi rất tình cảm, không vút cao cũng không lắng trầm. Cứ bình bình, bình bình lên xuống uyển chuyển, đều đều nhưng sâu đậm, dễ cuốn hút người nghe. Có bữa thấy hay hay, tôi lẩm nhẩm bắt chước hát theo, rất thích thú. Thấy vậy, má tôi lại chậm rãi bày vẽ thêm cho tôi. Những câu hát mộc mạc:

Chiều chiều ông Lữ đi câu
Cái ve, cái chén, cái bầu sau lưng.

hay là:

Con mèo, con chó có lòng
Bụi tre có mắt, nồi đồng có quai.

Không biết có phải ngày xưa, ông già tôi đã say mê về tiếng hát của bà già không? Nhưng lúc nhỏ, thỉnh thoảng tôi lại nghe ông già hay khoe với bạn bè của ông về giọng hát tuyệt diệu của Má tôi.

… Tôi xa Má tôi từ năm 1948, đi theo kháng chiến. Khi hòa bình 1954, Má tôi từ Đà Nẵng tức tốc vào Sông Vệ (Quảng Ngãi) thăm tôi. Có đoạn không có xe, buộc bà phải lội bộ bốn, năm chục cây số. Năm đó Má đã sáu mươi bảy tuổi mà vẫn khỏe mạnh. Má nghe tôi vẫn còn làm “nghề nhạc sĩ” Má rất mừng: “Nghề đó mà cũng sống nhàn nhã đó con”. Sau đó, tôi lại tập kết ra miền Bắc. Hai mẹ con lại xa nhau. Cho đến lúc nước nhà hoàn toàn được giải phóng, tôi vào Sài Gòn ngày 1-5-1975, sau ngày đại thắng chỉ có hăm bốn tiếng đồng hồ. Tôi được gặp lại Má tôi. Má tôi vẫn khỏe mạnh. Đầu óc vẫn còn minh mẫn và đặc biệt là vẫn còn nhớ và có thể hát lại những lời ru ngày xưa. Tôi rất mừng và thầm nhủ, một ngày nào đó sẽ mượn máy ghi âm, ghi lại tiếng hát ru của Má để sau này cho con cháu nghe, một kỷ niệm vô giá. Nhưng, tiếc thay, mơ ước đó của tôi không thể thực hiện được. Má tôi đã mất vào lúc 22 giờ ngày 24-5-1982, hưởng thọ chín mươi lăm tuổi. Mang theo luôn giọng hát ru con ngọt ngào của Má vào cõi hư vô!

Giờ đây, mỗi lần đi nói chuyện ở đâu, đến đoạn hát ru, tôi lại thầm tự xỉ vả mình, xem như tôi có lỗi với Má, suốt đời không thể tha thứ được.

Tiếng hát ru của Má đã thấm vào tâm hồn tôi từ thuở bé thơ. Chính giọng hát đó đã từ từ dẫn dắt tôi từ những bước đi chập chững vào con đường yêu âm nhạc, cho đến lúc trở thành nhạc sĩ ở tuổi mười chín, hai mươi. Tôi chưa bao giờ đặt vấn đề tìm hiểu xem người thầy dạy nhạc đầu tiên của mình là ai? Người dạy cho tôi những nốt đô, rê, mi… chỉ là người thầy kế tục. Chính Má tôi mới là người thầy đầu tiên dạy cho tôi những nốt nhạc vỡ lòng đậm đà màu sắc dân tộc… Rất tiếc, giờ đây số đông các nữ thanh niên, hầu hết ở các thị trấn và thành phố, không biết hát ru con theo lối cổ truyền. Có người còn cho là xấu hổ, chê nó “quê”. Khi con khóc cứ ậm à, ậm ờ như đi học không thuộc bài, nghe thật buồn cười. Cũng có cô lại hát bằng các bài hát mới, kể cả hành khúc, khi bí quá. Không trách tình trạng một số bài hát mới sáng tác của vài ba nhạc sĩ trẻ gần đây bị nhân dân chê lai Tây, lai Mỹ. Nguyên nhân, một phần vì lúc nhỏ không được nghe tiếng hát ru của mẹ. Không hề được nghe hát dân ca mà chỉ được nghe qua máy cátxét những bài nhạc, bài hát nước ngoài. Cái đó đáng thương hơn là trách móc.

Má ơi, Má đã hiến dâng cho quê hương, đất nước một đứa con nhạc sĩ với những bài hát được nhiều người thương yêu. Bàn tay Má đã chăm sóc, vun xới, tạo thêm được một loài hoa đẹp, góp chung vào vườn hoa muôn màu, nghìn sắc của dân tộc. Tất cả những vinh quang rạng rỡ đó con xin kính dâng lên hương hồn Má: một NGHỆ SĨ NHÂN DÂN CHƯA HỀ CÓ TÊN TUỔI.

Lời thề trong bài hát năm xưa

… Năm đó tôi hăm mốt tuổi. Cái máu say mê âm nhạc đã thúc giục tôi phải viết một bài hát từa tựa như bài Một ra đi là không trở về [nhạc sĩ Lương Ngọc Châu] để góp phần vào phong trào Nam tiến. Tôi phải đến Nguyễn Văn Thừa, người bạn láng giềng rất thân của tôi, mượn cây đàn măngđôlin của anh vài hôm. Sáng tác bài hát mà như người ăn vụng. Chẳng dám nói với ai. Đóng cửa buồng lại, rồi một mình với cây đàn, búng từng tiếng khe khẽ theo lời mình đặt ra trước. Từng câu, từng câu mò mẫm. Hết câu thứ nhất lại đến câu thứ hai. Lúc đặt lời trước, lúc đặt nhạc trước, tùy theo sự cảm hứng không biết trước. Khoảng vài ba ngày sau, tôi hoàn thành bài hát. Tôi cầm đàn đi trả và hát cho Nguyễn Văn Thừa nghe thử. Nguyễn Văn Thừa khen hay nhưng chưa hoàn toàn tin tưởng là tự tôi có thể sáng tác được bài hát đó. Cũng đúng thôi, từ trước giờ tôi đã được học trường âm nhạc nào đâu. Tiếp sau đó, tôi cầm bài hát đến nhờ anh Nguyễn Văn Trọng, một thanh niên có giọng hát hay của Đà Nẵng thời bấy giờ tập, và ngay tối hôm đó nhờ anh hát trong buổi phát thanh của Phòng Thông tin Tuyên truyền thành phố. Tôi nói dối là bài hát chép được của một anh bộ đội miền Bắc đưa vào. Ngay đêm đầu tiên, bài hát được nhiều người hoan nghênh. Nhất là những anh em bộ đội Nam tiến cứ xin chép tới tấp. Lòng tôi tràn ngập sung sướng, phấn khởi. Sau đó, cứ chiều đến, chờ đúng giờ đoàn tàu hỏa từ Hà Nội vào, anh chị em ở Phòng Thông tin Đà Nẵng kéo nhau lên ga phổ biến. Cứ hết toa này sang toa khác. Chúng tôi chẳng thấy mệt mỏi gì cả, nhất là tôi. Một thời gian không lâu, bài hát Giải phóng quân được phổ biến rộng rãi khắp cả nước. Đến đầu năm 1946, anh Phan Quang Định, Trưởng phòng Thông tin đề nghị tôi đưa bài hát ra Huế xuất bản.

Năm 1946 ở Huế chưa có nhà xuất bản âm nhạc. Tất cả bài hát đều phải in tại Hà Nội. Tôi cầm bài hát của mình đi loanh quanh khắp các dãy phố ở Huế, vào hỏi các hiệu sách, cũng chẳng ai biết nhà xuất bản ở đâu. Mỗi Nhà xuất bản Ánh Sáng của anh Hải Triều chỉ in sách chính trị và văn học chớ không in nhạc. Mãi đến xế chiều, tôi đi về đường Gia Long, thấy có một cửa hiệu bán văn phòng phẩm trông có vẻ bề thế, đẹp đẽ lắm. Tôi đánh bạo vào hỏi. Người chủ tiệm trong trắng trẻo, nho nhã hỏi tôi cần mua gì. Tôi trình bày nguyện vọng muốn xuất bản bài hát Giải phóng quân. Anh trả lời ngay: “Ở đây, chúng tôi chỉ bán đồ dùng văn phòng và sách vở học sinh chớ không xuất bản. Nhưng bài hát Giải phóng quân của anh là bài ra sao?”. Tôi đưa bài hát ra và hát nho nhỏ cho anh nghe. Nghe xong, bỗng nhiên anh vui hẳn lên và hỏi:

- À, ra bài Giải phóng quân này là của anh đấy à? Có đúng là của anh không?

- Tại sao anh lại hỏi vậy? Của tôi, tôi mới dám cầm đi hỏi xuất bản chớ.

Anh bèn mời tôi vào nhà trong và đặt vấn đề với tôi ngay:

- Nói thật với anh, từ trước đến nay tôi chưa làm nghề xuất bản bao giờ, quy cách mô tê ra răng tôi chẳng biết. Nhưng bài hát này, gần đây có nhiều người đến hỏi mua, nhưng tôi không có. Nếu bây giờ đúng là của anh, anh cho phép tôi xuất bản được không?

Một niềm vui sướng thật bất ngờ đến với tôi. Tôi vội vàng trả lời:

- Được chớ anh. Bảo đảm với anh, chính tôi là tác giả bài hát. Tôi xin hoàn toàn chịu trách nhiệm.

Người chủ hiệu bèn cầm điện thoại lên, gọi nói chuyện với ai đó ở đầu dây kia. Khoảng dăm ba phút, anh quay lại rót nước mời tôi uống và vui vẻ nói:

- Tôi vừa gọi nói chuyện với Nhà xuất bản Ánh Sáng. Bên đó có cho biết là tiền bản quyền sẽ được tính như sau - Anh lấy tờ giấy trắng ra để trước mặt vừa nói vừa viết -

Bài hát này tôi sẽ in hai nghìn bản. Mỗi bản giá bán là hai đồng. Tác giả sẽ được hưởng 20% trên toàn bộ giá bán. Vị chi tôi sẽ phải trả cho anh tất cả là tám trăm đồng. Anh xem có ý kiến gì không?

… Tiếp theo đó, anh Tăng Duyệt [tên người chủ hiệu] lại đề nghị thêm:

- Bây giờ tôi đề nghị anh một điều. Sau khi xuất bản bài Giải phóng quân của anh rồi, tôi phải tiếp tục xuất bản nhiều bài khác của nhiều nhạc sĩ khác nữa. Chớ không lẽ mang danh nhà xuất bản mà chỉ in đơn độc có một bài sao? Nhưng nếu tiếp tục in thì anh phải làm cố vấn cho tôi, chớ tôi có biết mô tê chi về nhạc.

Nghe làm cố vấn là tôi thấy lo. Không lẽ mình thú thật ngay với người ta mình chỉ là nhạc sĩ bất đắc dĩ, nhạc sĩ “điếc không sợ súng”. Nhưng lúc bấy giờ sao tôi cũng lanh trí. Tôi thoáng nghĩ trong bụng, được thôi, sau này ai gởi bài đến, cứ nhạc sĩ nổi tiếng thì mình gật, kiểu như các anh Nguyễn Xuân Khoát, Lưu Hữu Phước, Văn Cao v.v… Còn ai chưa nổi danh như Trần Văn Xê, Nguyễn Văn A đâu đâu thì mình lắc. Khó gì - (tôi nghĩ rằng, giờ đây có một số nơi, các nhà xuất bản hoặc báo chí, biên tập các đài phát thanh cũng có một số “cố vấn” kiểu na ná như tôi ngày xưa lắm. Hễ “quen thì gạch đỏ, lạ bỏ sọt rác”) - Vậy là tôi đồng ý. Anh Tăng Duyệt rất phấn khởi và nói thêm một lần cuối, trước khi hai bên ký hợp đồng xuất bản:

- Về tiền bản quyền, đáng lẽ tôi trả thành ba đợt: đợt một: 1/3 khi ký hợp đồng, đợt hai: 1/3 khi vừa in xong, đợt ba: 1/3 cuối cùng, sau khi phát hành mười ngày. Nhưng bây giờ anh đã là cố vấn, tức là người của nhà xuất bản, tôi xin trả gọn anh ngay tất cả tám trăm đồng để khỏi phiền anh.

Người tôi lại muốn run lên vì quá phấn khởi. Tôi kẹp nguyên tám tờ giấy bạc thẳng thớm vào quyển vở. Lấy bớt một trăm mua quà. Chỗ này có câu chuyện vui vui. Hôm đó, trong cửa hàng của anh Tăng Duyệt có bán một cây đàn ghi ta Ý rất tốt, màu đen. Tôi hỏi, anh bảo: cây đàn đó nguyên của vua Bảo Đại. Sau ngày thoái vị, có người vào Đại Nội hôi của mang ra ngoài bán. Cây ghi ta của Bảo Đại cũng trong số phận đó. Tôi mua ngay cây đàn ghi ta với giá tám chục đồng. Với cây ghi ta này, sau đó tôi đã sáng tác những bài Mùa đông binh sĩ, Tuyên truyền xung phong v.v… Tiếc thay, nó đã bị thất lạc trong những ngày đầu kháng chiến chín năm.

Trong lời bài hát Giải phóng quân có câu:

Ra đi, ra đi bảo tồn sông núi,
Ra đi, ra đi thà chết chớ lui…

Đó là lời thề sắt son của các đồng chí Giải phóng quân, đồng thời cũng là lời thề đầu tiên của tôi bước theo cách mạng. Trong hơn bốn mươi năm qua, tôi đã không lùi bước trước khó khăn gian khổ. Chẳng những riêng tôi, nhiều bạn bè khắp nơi cũng đã hưởng ứng tiếng hát của tôi để đi theo cách mạng, và đã hiên ngang tiến lên, không lùi bước trước cái chết. Một câu hát ngắn gọn như một lời thề, qua hơn bốn chục năm vẫn luôn luôn thúc giục tôi và mọi người hãy ngẩng cao đầu mà đi. Tin vào tương lai. Nhất định Tổ quốc chúng ta sẽ đàng hoàng và tươi đẹp hơn.

Nếu không có những bài thơ tình hay

… Trong mỗi bài thơ đều có những tiết tấu, giai điệu ngầm, những tia lửa, những mạch nước, những quặng kim loại. Tùy tài năng mỗi nhạc sĩ mà khai thác ra chất tài nguyên quý báu ôm ấp trong lòng đất. Cũng một điểm đó mà người này tìm qua loa chỉ thấy có đất sét. Còn người kia, có nhiều tài năng hơn, khoan sâu hơn, tìm ra được bạc, vàng, cũng có khi là kim cương. Trong kho tàng tài nguyên vô tận của những nhà thơ đi trước, đã có lúc tôi mơ ước được làm một công nhân địa chất, nhưng không thành. Tôi thuộc nhiều thơ của Xuân Diệu, Nguyễn Bính nhưng không thích ngâm theo lối có nhạc đệm như kiểu trên đài hay dùng. Tôi cảm thấy đơn điệu, nhàm chán. Tình cảm bài nào cũng như bài nào. Có khi còn làm hỏng mất nội dung bài thơ. Bài mạnh biến thành yếu, ẻo lả. Tôi thích lối đọc có diễn cảm (déclamer), hoặc là phổ nhạc hẳn, mỗi bài đều mang một âm điệu riêng lẻ. Ý thức này đến với tôi từ lúc còn đi học. Nhưng tôi không biết nhạc, không làm được. Suy nghĩ đó cứ lặp đi lặp lại thường xuyên trong tôi. Những bài thơ tình cảm hay như vậy mà không phổ nhạc được, tiếc thật!

Những năm tháng trôi qua. Bài thơ được tôi đưa ra thể nghiệm đầu tiên là Những người đã chết (1946) của Tế Hanh, được Nhà xuất bản Tân Hoa in ra trong năm đó. Tiếc rằng không thành công, vì tôi chưa có kinh nghiệm, nên bài hát cũng chết theo. Bài thứ hai: Mưa (1949) của Huy Cận. Bài này có đôi điểm khá hơn. Khi đó tôi đang dạy nhạc ở Trường trung học Lê Khiết (Quảng Ngãi) nên được các học sinh ưa thích. Từ đó, thỉnh thoảng tôi vẫn làm công việc chọn thơ phổ nhạc. Nhưng mãi cho đến những bài Bóng cây Kơnia (1971) thơ Ngọc Anh, và Cuộc đời vẫn đẹp sao (1972) thơ Dương Hương Ly mới có thể được nhiều người công nhận đạt điểm cao. Từ hai bài đó bắt đầu cho bước chuyển mới trong công việc sáng tác nói chung của tôi.

Bản thân tôi có suy nghĩ: cứ có nhiều những bài thơ đẹp, sẽ có theo những bài hát hay. Bài thơ hay, như con chim chỉ mới lắp một cánh. Còn một cánh, âm nhạc sẽ chắp thêm vào. Chính những bài thơ tình thuở trước lại chính là những người bạn đường chắp cánh cho tôi bay vào khung trời âm nhạc. Một nhạc sĩ nên am hiểu thêm những cái gì về thơ. Và người làm thơ cũng nên tìm hiểu thêm thế nào là nhạc.

“Thơ và nhạc là hai chị em song sanh”. Hoàn toàn đúng.

17-4-1987

(Nguồn: http://honvietquochoc.com.vn)

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.