You are here

Trước khi lên pháp trường, có người gảy bản đàn sau cuối...

Tác giả: 
Diệp Xưa

Kê Khang là một trong những thành viên của nhóm "Trúc lâm thất hiền" thời Ngụy - Tam Quốc, nổi danh bởi tiếng đàn huyền cầm trác tuyệt. Nhưng vì khinh bỉ Chung Hội - một tay chân của giới cầm quyền Tư Mã Chiêu mà Kê Khang bị vu oan giáo họa và trở thành một tử tù. Ngày Kê Khang bị đưa ra pháp trường, chỉ một tích tắc nữa thôi là đối diện với cái chết, một cảnh tượng phi thường diễn ra: Kê Khang gảy một khúc huyền cầm sau cuối. Và sau khi gảy xong liền thốt lên: "Khúc Quảng Lăng tản giờ thất truyền rồi".

Cái tín hiệu Quảng Lăng tản - khúc nhạc sau cuối của Kê Khang lại gợi nhớ đến một câu chuyện thời Chiến Quốc. Thời ấy, nước Tần muốn thôn tính nước Hàn và đã mua được một quan tham nước Hàn là Hiệp Lũy. Một vị quan chính trực của nước Hàn là Nghiêm Trọng Tử biết chuyện đã âm thầm tới gặp sát thủ Nhiếp Chính để nhờ giết Hiệp Lũy, cứu quốc gia. 

Cũng vì việc nước mà Nhiếp Chính nhận lời. Sau khi giết tên gian thần Hiệp Lũy, Nhiếp Chính đã cố tình móc mắt, cắt mũi, cắt tai, hủy hoại khuôn mặt để không ai nhận ra, rồi tự vẫn.

Triều đình phơi xác Nhiếp Chính ngoài chợ, treo thưởng cho bất cứ ai có thể nhận dạng cái xác. Không ai có thể nhận dạng. 

Chỉ riêng chị gái của Nhiếp Chính biết đấy là em mình và thầm nghĩ: "Em mình vì nước mà ra nông nỗi này, chẳng nhẽ mình vì sự an toàn của bản thân mà không dám khóc em sao?". Vậy là bất chấp tất cả, chị gái Nhiếp Chính đã tới nơi để xác em, khóc thương thảm thiết, rồi tự tử ngay cạnh xác em.

Một Nghiêm Trọng Tử vì nước mà đi tìm Nhiếp Chính, một Nhiếp Chính vì nước mà chấp nhận mất mạng, một người chị gái cũng vì nước, vì em mà quyên sinh - toàn bộ câu chuyện xúc động và đáng ngưỡng mộ ấy được gói trọn vẹn vào một bản nhạc có tên Quảng Lăng tản ngâm khúc, dịch nôm là một khúc nhạc được truyền bá ở vùng Quảng Lăng - một trong thập đại danh khúc Trung Hoa. 

Đấy là khúc nhạc rất đặc biệt, được viết nên bởi xương máu và cốt cách của những người anh hùng. Đấy là một khúc nhạc vừa có cái thanh khiết diệu vợi của cốt cách anh hùng, vừa có cái thảm sầu ai oán của những đoạn kết mà những cuộc đời anh hùng phải chịu.

Hàng trăm năm trôi đi, đến thời Ngụy - Tấn, khúc nhạc anh hùng ấy được truyền lại cho một người duy nhất là Kê Khang. Và đến lượt mình, trước khi lên pháp trường chịu chém, Kê Khang gảy khúc nhạc lần cuối trong đời.

Có hai câu hỏi cần đặt ra:

1. Với những người tột bậc tài hoa như Kê Khang, nếu việc làm cuối cùng trước khi chịu chém không phải là đánh lên một bản huyền cầm thì nó còn có thể là việc gì khác nữa?

2. Với mỗi con người, mỗi tâm hồn khác nhau, nếu được cho phép làm một việc cuối cùng trước khi lên pháp trường, chắc chắn sẽ có vô số những chọn lựa khác nhau - và phải chăng từ chính những chọn lựa sau cuối ấy, người ta mới thật sự thấy rõ một nhân cách anh hùng hay hèn hạ, tử tế hay xấu xa, minh triết, cao siêu hay tầm thường, ô trọc?

Nghe đâu sau này cụ Nguyễn Du sang Trung Quốc, đến cái pháp trường xử án Kê Khang, nhìn vào cái nơi Kê Khang đánh đàn lần cuối mà viết bài thơ chữ Hán Kê Khang cầm đài, tức là đài gảy đàn của Kê Khang. Và bài thơ ấy bắt đầu bằng hai câu đầy tâm trạng:

“Cầm đài cổ tích Kê Khang
Nhân tử cầm vong đài diệc hoang...”.

("Cầm đài" sách cũ chép Kê Khang
Người mất, đàn tiêu, đài bỏ hoang...).

Cầm đài có thể bị bỏ hoang nhưng danh tiếng và câu chuyện tuyệt diệu của Kê Khang trong những giờ khắc cuối cùng tồn tại trên cuộc đời vẫn có sức rung động mãnh liệt cùng hậu thế.

Trước khi chết oan, việc làm sau cuối của Kê Khang là nhất định phải đánh lên một khúc nhạc anh hùng. Và trước khi chết oan, Kê Khang không oán thán số phận, không than vay khóc mướn cho bất cứ điều gì mà chỉ tiếc một bản nhạc anh hùng đã thất truyền từ đây.

Thực tế thì sau này khúc nhạc ấy - Quảng Lăng tản ngâm khúc không thất truyền mà đã trở thành một trong mười bản cổ nhạc nổi tiếng nhất Trung Hoa.

Chỉ có điều nó đã dị biệt rất nhiều so với trước và quan trọng nhất, người ta không thể "bói" thêm một đôi bàn tay Kê Khang nào nữa - một đôi bàn tay đủ tài hoa, đủ đau đớn, đủ thần tình để chạm vào một khúc nhạc dường như được viết ra cho duy nhất một Kê Khang...

Các triết gia đã chết như thế nào?

* Giai thoại về Trang Tử

Khi Trang Tử sắp chết, học trò tụ lại xung quanh thầy để hỏi về việc an táng. Trang Tử liền dặn: "Ta coi trời là áo quan, mặt trời và mặt trăng là ngọc bích... vạn vật sẽ đưa ma ta, chẳng phải đã quá đủ rồi sao?".

Một đệ tử đặt vấn đề: "Nhưng nếu không có áo quan, đàn quạ sẽ rỉa xác thầy". Trang Tử đáp: "Đặt trên mặt đất thì sẽ bị quạ rỉa xác. Chôn dưới đất thì kiến và sâu đục. Hai việc đó khác gì nhau?". Hãy thử tưởng tượng, trong khoảnh khắc mà cái chết đang nhìn mình (chứ không phải là mình nhìn cái chết như trước đó) mà Trang Tử đề nghị phải làm một cái áo quan đẹp, phải an táng ở nghĩa địa này hay nghĩa địa kia thì sao nhỉ?

Chẳng phải là Tào Tháo trước khi chết còn cố dặn phải xây cho mình không chỉ một mà là hàng chục ngôi mộ, để không ai biết đâu là mộ thật, đâu là mộ giả đó sao? Chẳng phải nhiều vị vua chúa phương Đông còn muốn mang xuống dưới mồ không biết bao nhiêu mĩ nhân, người hầu, của cải đó sao?

Tào Tháo là một chính khách, lại là một chính khách đầy ân oán nên một cái chết với mộ thật - mộ giả hợp với cuộc đời Tào Tháo. Trang Tử là một nhà tư tưởng, hơn nữa, lại là người theo đuổi thuyết "vô sở bất tại" nên nếu Trang Tử mà ứng xử với cái chết giống như Tào Tháo thì toàn bộ tư tưởng trước đó của Trang Tử sẽ biến thành một trò hề, không ai tin nữa.

* Giai thoại về Socrate

Chuyện kể rằng, học trò của Socrate đã tìm cách hối lộ những tên cai ngục một khoản tiền lớn để cứu nhà hiền triết này khỏi tử tù nhưng Scrate nhất quyết từ chối. Vì, lúc đó ông đã 72 tuổi và hiểu rằng đấy là tuổi cận kề cái chết lắm rồi chăng? Cũng không hẳn, vì từng có những nghiên cứu tâm lý nói rằng con người càng nhiều tuổi, càng hiểu được giá trị của những gì mình đã có, nên càng ngại chết.

Vậy thì xét cho cùng, ông chấp nhận ở lại để chết chứ nhất quyết không chạy trốn, vì lý do gì? Vì, có thể ông hiểu rằng một cái chết cho chân lý là một kết thúc hợp lý nhất, một lựa chọn không thể hoàn hảo hơn cho cuộc đời của một nhà tư tưởng như ông? 

Khi còn sống, ông đã không ngừng rao giảng những bài học về chân lý mới mẻ cho thanh niên và để lại một câu nói nổi tiếng có giá trị đến tận bây giờ: "Một cuộc đời không suy ngẫm là một cuộc đời không đáng sống". 

Dẫu những bài giảng đó bị giới cẩm quyền quy kết là "thuốc độc" phá hủy tầng lớp thanh niên và tìm cách mua chuộc rồi bỏ tù ông thì trên tất cả, ông vẫn luôn tin mãnh liệt rằng đấy là một chân lý, không thể khác.

Thế nên ông đã nói với học trò: "Hãy cứ vui đi, rồi các con chỉ chôn cái thể phách của ta thôi mà". Đến khi Socrate cầm chén thuốc độc, uống một cách vui vẻ và thấy rất nhiều học trò tuôn nước mắt, ông còn cố nói: "Cái gì lạ vậy? Không cho phụ nữ vào đây là để tránh cái cảnh này. Người ta cần phải chết trong thanh tịnh. Các con hãy bình tĩnh đi nào".

Có bao giờ một người sắp chết lại đi an ủi những người đang sống như thế không? Và với một cách chết như thế, có phải nhà tư tưởng lỗi lạc phương Tây đã mở cánh cửa cái chết để bước vào một căn phòng bất tử, trong sự nhìn ngắm đầy ngưỡng mộ của hậu thế hay không?

Với các triết gia như thế, một chén thuốc độc nào đó hay một ngỏn lửa tàn độc nào đó có thể thiêu chết họ nhưng chính những cái chết ấy lại viết nên một hình ảnh mới - một cuộc đời mới của họ. Những cái chết như thế khiến người được chết trở nên bất tử trong lòng hậu thế. 

Mà sống - chết suy cho cùng không chỉ được phản chiếu ở dạng sinh học thuần túy. Có một định nghĩa về cái chết rất đáng suy ngẫm rằng: Chúng ta chỉ thực sự chết khi chẳng còn ai nhớ đến mình.

Theo nghĩa này, rõ ràng có người chết mà như sống và ngược lại, có rất nhiều người đang sống mà như chết!

(Nguồn: http://antgct.cand.com.vn/)

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.