You are here

Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam tuổi 20

Tác giả: 
Thanh Nhã

Sáng 20 tháng 9 năm 2022, tại Hà Nội, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam (VCPMC), Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã gặp gỡ báo chí về sự kiện tổ chức Lễ kỷ niệm ngày thành lập vào sáng ngày 7 tháng 10 tại phòng Hòa nhạc lớn của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam (chương trình sẽ được truyền hình trực tiếp trên sóng VTC Đài Tiếng nói Việt Nam).

Đến dự hội nghị có: PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên thường trực, Ủy ban Văn hóa giáo dục của Quốc hội; ông Đinh Dũng Sỹ - Vụ trưởng Vụ Pháp luật Văn phòng Chính phủ; PGS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam; Thiếu tướng Nguyễn Bạch Đằng - Phó Cục trưởng A03 cùng đại diện các phòng ban chức năng của A03, C06 Bộ Công an; đại diện lãnh đạo Bộ Nội vụ; Cục bản quyền tác giả Việt Nam; Ban Tuyên giáo Trung ương; Cục Nghệ thuật biểu diễn, Bộ Văn hóa Thể thảo và Du lịch; Hiệp hội Công nghiệp ghi âm – RIAV; Hội Bảo về quyền tác giả Điện ảnh; Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả Văn học; cùng đông đảo các nhạc sĩ, nghệ sĩ là thành viên của Trung tâm, phóng viên các báo đài Trung ương và Hà Nội…

Về phía Hội Nhạc sĩ Việt Nam có: Thiếu tướng, nhạc sĩ Nguyễn Đức Trịnh - Chủ tịch Hội; NSND Phạm Ngọc Khôi - Phó Chủ tịch Hội; Nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn - Ủy viên Ban Chấp hành, Tổng Giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam; nhạc sĩ Trần Nhật Dương – Trưởng Ban Kiểm tra; NSND Quang Vinh - Chủ tịch Hội Âm nhạc Hà Nội; nhạc sĩ Nguyễn Quang Vinh - Chủ tịch Hội Âm nhạc TP. Hồ Chí Minh; nhạc sĩ Thế Long - Chủ tịch Hội Âm nhạc Thành phố Cần Thơ…

PGS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam đã có chia sẻ:

Xúc động nhìn lại chặng đường của VCPMC qua 20 năm, mặc dù nói là 20 mùa xuân rực rỡ, nhưng thực ra đã trải qua chặng đường rất nhiều gian truân vất vả. Nhớ lại ngày đầu VCPMC mới được thành lập theo sáng kiến, nhiệt huyết của các nhạc sĩ: Trọng Bằng, Phó Đức Phương, Hồng Đăng, Vũ Mão… cùng các nhạc sĩ, các cán bộ ban ngành như: Quốc hội, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính, Bộ Văn hóa Thể thảo và Du lịch, Cục Bản quyền, Đảng đoàn Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Hội Nhạc sĩ Việt Nam, được sự quan tâm chỉ đạo sâu sắc, quyết liệt của các cơ quan nhà nước…

Chặng đường ban đầu văn phòng làm việc của Trung tâm chỉ có 6m2 ở 51 Trần Hưng Đạo, ghi chép sổ sách viết tay. Thành tích ngày hôm nay là thần kỳ, chưa từng xuất hiện trong công cuộc đổi mới của chúng ta trên lĩnh vực bản quyền, bảo vệ quyền tác giả, lợi ích chính đáng của những người làm công tác sáng tạo. Đây là một mô hình chứng minh cho sự quyết liệt bảo vệ giá trị tinh thần, giá trị sáng tạo cũng như giá trị về âm nhạc của các thế hệ nhạc sĩ Việt Nam, đã đang và sẽ tiếp tục sáng tạo trên con đường nghệ thuật. Những con số về kinh tế mà Trung tâm thu được tự thân nó đã nói lên những cố gắng phấn đấu cũng như thành tích quan hệ quốc của của Trung tâm, nhưng quan trọng là sau những con số đó chúng ta có bài học sâu sắc về sự quyết tâm thực hiện đúng đường lối, chính sách, những quan điểm của Đảng và Nhà nước về văn hóa, văn học nghệ thuật, trong đó thành tựu quan trọng nhất là người sáng tạo được đặt đúng vị trí, được sự tôn trọng sự tự do sáng tạo, thì người nghệ sĩ sẽ phát huy được tài năng sáng tạo của mình.

Cha ông ta đã trải qua 2 cuộc kháng chiến, các nhạc sĩ các thế hệ đã để lại biết bao nhiêu những tác phẩm, những cột mốc về âm thanh ghi lại những dấu ấn lịch sử của dân tộc và luôn đồng hành cùng đất nước, tuyệt đối là đường lối lãnh đạo của Đảng và Nhà nước. Đồng hành cùng dân tộc trên những chặng đường lịch sử, sự thăng hoa tài năng của những bậc tiền bối trong lĩnh vực âm nhạc, hôm nay đã được con cháu trả lại một phần sự sáng tạo đó bằng sự ghi nhận, bằng sự tôn kính mà còn bằng cả những giá trị vật chất. Đây là một việc làm có ý nghĩa rất lớn.

Sau mỗi một bài hát, một bản nhạc, sự đọng lại của 20 năm, đó chính là lòng quyết tâm, tài năng, tình con người, nhận thức của những cán bộ làm trong công tác văn học nghệ thuật hôm nay, và đó cũng là sự hy sinh của 20 năm tuổi trẻ của những cán bộ, nhân viên từ khi mới bước vào lĩnh vực còn lúng túng. Nhưng hôm nay chúng ta có thể tự hào đây chính là đội ngũ của những người thực thi pháp luật, đây là những con người thực sự dũng cảm trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của những nhà sáng tạo. Đây chính là tấm gương trong công cuộc đổi mới của đất nước, lao động sáng tạo để giữ được những giá trị, lan tỏa những giá trị của những tài năng của những con người đích thực là lao động trong lĩnh vực văn học nghệ thuật nói chung và trong âm nhạc nói riêng.

20 năm không chỉ là một chặng đường dài đối với sự nghiệp bảo vệ quyền tác giả âm nhạc của chúng ta, một lĩnh vực mới nhưng chúng ta đã hội nhập được với công việc bảo vệ quyền tác giả của thế giới. Đây chính là một bước đi tiến bộ, chính xác, khoa học, đồng thời mang đậm chất nhân văn, chất con người của những nhà văn hóa của Việt Nam, tiến tới ngày 7 tháng 10, chúng ta sẽ tổ chức Lễ kỷ niệm có sự hiện diện của các tổ chức đồng nghiệp của 20 nước sẽ đến Việt Nam. Đó sẽ là một ngày hội của sự thắng lợi của tinh thần văn hóa dân tộc quyết tâm bảo vệ được quyền lợi những người sáng tạo. Đó cũng là niềm tin của những nhà sáng tạo đối với thể chế của đất nước khi mà văn hóa được nâng cao và được đặt ngang hàng với kinh tế - chính trị - xã hội thì chắc chắn chúng ta sẽ có được những tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật và chắc chắn những tác phẩm đó sẽ được bảo vệ bằng một hệ thống pháp luật và bằng biện pháp thực thi vững mạnh là Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam.

Phát biểu của nhạc sĩ Đức Trịnh - Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam: Ngay từ những tháng đầu năm, thường vụ Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã họp và thống nhất phương thức tổ chức của Lễ kỷ niệm làm sao trang trọng, ấm áp và đầy tính chuyên nghiệp, mọi hoạt động phải làm nổi bật được vai trò chức năng của VCPMC trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ nói chung, bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam nói riêng. Chúng tôi vui mừng vì những thành quả mà VCPMC đã đạt được. Ban Chấp hành Hội Nhạc sĩ Việt Nam sẽ luôn tạo điều kiện trợ giúp về mặt pháp lý để thúc đẩy hoạt động của VCPMC ngày một phát triển xứng tầm là một Tổ chức Tập thể quyền đại diện của Việt Nam - thành viên CISAC toàn cầu.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên thường trực, Ủy ban Văn hóa giáo dục của Quốc hội: Bảo vệ bản quyền tác giả. Đây là một nhiệm vụ quan trọng đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Để có được nền công nghiệp âm nhạc phát triển trên thế giới như hiện nay, bảo vệ bản quyền tác giả đóng vai trò vô cùng quan trọng. Xây dựng chiến lược phát triển văn hóa, trong đó “hạt nhân” quan trọng nhất là bảo vệ bản quyền tác giả để nuôi dưỡng đam mê, ngọn lửa nhiệt huyết của các tài năng sáng tạo, từ đó các tài năng sáng tạo tỏa sáng giúp cho nền nghệ thuật, giúp cho đời sống văn hóa của chúng ta thực sự trở thành nền tảng tinh thần của xã hội - đời sống tinh thần tinh túy nhất. Tập trung vào khâu then chốt nhất để bảo vệ bản quyền cho các tác giả, tác phẩm nghệ thuật, đặc biệt là lĩnh vực âm nhạc, để tác giả tiếp tục đầu tư vào tác phẩm truyền cảm hứng cho toàn xã hội.

20 năm là giai đoạn quan trọng, đánh giá cao cách đi vô cùng đúng hướng của VCPMC, tập trung vào môi trường kỹ thuật số, số hóa, đó là hướng đi có tương lai. Chính vì thế đánh giá rất cao nội lực hoạt động của VCPMC trong chặng đường 20 năm, từ bước đi đầu tiên đã tạo ra nền móng cho tương lai và đó là xu hướng của cả thế giới, trí tuệ, tài năng sáng tạo cần phải được bảo vệ. Mong VCPMC sẽ là hình mẫu lý tưởng để chúng ta sẽ có những trung tâm của các lĩnh vực nghệ thuật khác, để từ đó nghệ thuật của chúng ta phát triển, hòa nhập với thế giới.

Nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn cảm ơn và mong các nhà báo chia sẻ thông tin đến đông đảo công chúng cả nước, kiều bào Việt Nam ở nước ngoài và bạn bè quốc tế về kế hoạch cho lễ kỷ niệm 20 năm thành lập của VCPMC.

Hội nghị đã nhận được các ý kiến của đại diện lãnh đạo các cơ quan quản lý nhà nước, các phóng viên báo, đài và chia sẻ của các nhạc sĩ như: NSƯT Thế Hiển, Hoài An, Nguyễn văn Chung, Thế Long, Nguyễn Quang Vinh, Giáng Son, Văn Thao… ôn lại quá trình từ khi thành lập của Trung tâm đến nay, VCPMC từng bước hoàn thiện, trở thành một tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả (trong lĩnh vực âm nhạc) hoạt động hiệu quả và có uy tín đối với các thành viên trong nước cũng như quốc tế, là mái nhà chung nơi các nhạc sĩ, tác giả tin tưởng ủy thác và đồng hành, là “cánh tay nối dài” cho hoạt động quản lý nhà nước trong công tác thực thi bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan ở Việt Nam, góp phần làm chuyển biến nhận thức và ý thức tuân thủ pháp luật, đưa pháp luật về sở hữu trí tuệ nói chung, quyền tác giả, quyền liên quan nói riêng từng bước đi vào đời sống xã hội, phù hợp với thực tiễn và yêu cầu phát triển, hội nhập của đất nước…

Nhạc sĩ, NSƯT Thế Hiển

Nhạc sĩ Hoài An

Nhạc sĩ Giáng Sol

Nhạc sĩ Văn Thao

Nhạc sĩ Thế Long

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung

Nhạc sĩ Nguyễn Quang Vinh – Chủ tịch Hội Âm nhạc thành phố Hồ Chí Minh

Nhạc sĩ Đức Trịnh, NSND Phạm Ngọc Khôi, nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn điều hành Hội nghị

Ca khúc “Nhớ anh Phó Đức Phương” (người đã có công đầu trong việc dấn thân vào lĩnh vực sở hữu trí tuệ và đặt những viên gạch đầu tiên cho sự nghiệp Bảo vệ quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam). Sáng tác: Nguyễn Lân Hùng, biểu diễn: ca sĩ Lê Anh Dũng, piano: NSND Phạm Ngọc Khôi

*
*     *

Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) được thành lập ngày 19/4/2002, là tổ chức phi lợi nhuận, trực thuộc Hội Nhạc sĩ Việt Nam, có tư cách pháp nhân độc lập, hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam và Điều lệ Hội Nhạc sĩ Việt Nam.

20 năm qua, VCPMC đã làm tốt vai trò sứ mệnh của mình trong việc quản lý, khai thác quyền tác giả được thành viên ủy quyền; cấp phép, thu và phân chia tiền nhuận bút, thù lao; Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các tác giả, nhạc sĩ là thành viên theo quy định của pháp luật; Khuyến khích sáng tạo, góp phần phát triển văn hóa âm nhạc thông qua hoạt động xã hội nghề nghiệp; Giúp cơ quan quản lý nhà nước trong việc hoạch định và thực hiện chính sách pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan; Phối hợp phổ biến, tuyên truyền pháp luật; tổ chức hội thảo, hội nghị tập huấn về quyền tác giả, quyền liên quan; Tham gia các hoạt động đối ngoại, tương trợ và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan.

Những cột mốc thời gian đáng nhớ:

Kể từ những ngày đầu vận và chính thức thành lập VCPMC với số lượng thành viên ban đầu là 274 nhạc sĩ, đến nay, VCPMC phát triển đến con số gần 5.200 tác giả.

Năm 2007, VCPMC trở thành thành viên dự khuyết của CISAC (Liên minh quốc tế các Hiệp hội những nhà soạn nhạc và lời). Tháng 7 năm 2009, Trung tâm trở thành thành viên chính thức của CISAC, hoạt động đáp ứng được các tiêu chí chuyên nghiệp của quốc tế nhằm có đủ điều kiện và năng lực cho việc ký kết hợp tác song phương với các tổ chức bản quyền tương ứng trên thế giới.

Tính đến tháng 9/2022, VCPMC đã ký thoả thuận ủy quyền với 86 tổ chức quản lý tập thể quyền, nhà sản xuất, nhà xuất bản có cùng lĩnh vực, với phạm vi điều chỉnh ở gần 160 quốc gia và vùng lãnh thổ. Thông qua các thỏa thuận này, VCPMC hiện đang là tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả duy nhất tại Việt Nam, được quyền đại diện để quản lý và bảo vệ lợi ích của trên 4 triệu tác giả quốc tế tại lãnh thổ Việt Nam; đồng thời, với các cam kết song phương và cơ chế phối hợp giữa VCPMC và các tổ chức quốc tế, quyền lợi của tác giả Việt Nam cũng được quản lý, bảo vệ tại các quốc gia tham gia ký kết.

Hiện nay, VCPMC đang thực hiện cấp phép và thu tiền sử dụng quyền tác giả âm nhạc đối với trên 20 lĩnh vực sử dụng âm nhạc như: biểu diễn nghệ thuật, phát thanh - truyền hình, sản xuất chương trình truyền hình, sản xuất, phát hành bản ghi âm, ghi hình, phát hành trực tuyến, website & app nhạc, mạng xã hội, nhạc chuông nhạc chờ, sao chép quảng cáo, nhạc phim, phương tiện giao thông, các lĩnh vực dịch vụ có sử dụng nhạc tại các địa điểm kinh doanh như nhà hàng, khách sạn, resort, nhà hàng, phòng karaoke, quán bar, cà phê, phòng trà, siêu thị, cửa hàng, trung tâm thương mại, khu mua sắm, khu vui chơi, cơ sở chăm sóc sức khỏe - thể dục - thẩm mỹ, rạp chiếu phim…

Giai đoạn 2022 và những năm tiếp theo, VCPMC tham gia vào sáng kiến cấp phép chung lĩnh vực biểu diễn công cộng với các đối tác quyền liên quan (Joint Licensing) cụ thể là: Hội bảo vệ Quyền của Nghệ sĩ Biểu diễn Âm nhạc Việt Nam (APPA), Hiệp hội Công nghiệp Ghi âm Việt Nam (RIAV), Universal Music Pte., Sony Music… và nhiều đối tác chiến lược khác; đồng thời triển khai phần mềm “VCPMC Music Connection”... nhằm tạo điều kiện cho các đơn vị sử dụng và đảm bảo quyền lợi của các chủ sở hữu quyền theo quy định và hướng dẫn của pháp luật sở hữu trí tuệ hiện hành.

Những con số biết nói:

Tính từ khi thành lập đến nay, tổng số tiền VCPMC đã thu được qua 20 năm (2002 - 2021) là: 1.063.200.000.000 đồng.

Năm 2002  con số tác quyền là 78 triệu đồng.

Năm 2007  con số này tăng lên là 9 tỷ đồng.

Năm 2012 vượt lên 48 tỷ đồng.

Năm 2017 đạt trên 83 tỷ đồng.

Năm 2021 đạt ngưỡng 160 tỷ đồng .

Năm 2022, VCPMC phấn đấu đạt trên 230 tỷ đồng - chạm mục tiêu đã đề ra là 10 triệu USD/năm.

VCPMC thực hiện nghĩa vụ nộp thuế cho Nhà nước theo đúng quy định. Số tiền là gần 100 tỷ đồng.

Hợp tác quốc tế:

Kể từ năm 2009, VCPMC trở thành thành viên chính thức của CISAC, cam kết ràng buộc các hoạt động phải đáp ứng bộ quy tắc chuyên nghiệp (Professional Rules) của CISAC. Trung tâm đã ký thoả thuận ủy quyền với 86 tổ chức quản lý tập thể quyền với phạm vi điều chỉnh ở gần 160 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Thu nhập tiền bản quyền tác phẩm Việt Nam thu về được từ các tổ chức nước ngoài (CMOs) kể từ năm 2010, sau khi VCPMC gia nhập CISAC và bắt đầu mở rộng ủy quyền với các tổ chức song phương trên thế giới đến nay đạt: 19.990.000.000 đồng, tăng dần trong các năm.

Số tiền mà VCPMC thu được từ các tác phẩm nước ngoài thuộc 86 CMOs có hợp tác song phương với VCPMC, sử dụng trên lãnh thổ Việt Nam, trong những năm gần đây cũng tăng đều, hiện đang chạm ngưỡng 20 tỷ đồng/năm; tổng cộng từ năm 2008 đến 2021 là 130 tỷ đồng.

Trong suốt quá trình 20 năm hoạt động, VCPMC luôn nỗ lực vươn lên không ngừng, khắc phục mọi khó khăn từ thực tiễn hoạt động, từng bước nâng cao năng lực, xây dựng đội ngũ, đào tạo nhân viên, đoàn kết nội bộ, trau dồi kiến thức luật pháp và nghiệp vụ, chuyên môn. Thành tích hoạt động của VCPMC được Nhà nước, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Cục Bản quyền tác giả, Hội Nhạc sĩ Việt Nam, báo giới ghi nhận trong nhiều năm liên tục.

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.