You are here

Trao giải Cuộc vận động sáng tác ca khúc về giáo dục nghề nghiệp

Tác giả: 
Thanh Nhã

Sáng 15 tháng 1 năm 2021, tại Hà Nội, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động Thương binh xã hội đã phối hợp với Hội Nhạc sĩ Việt Nam, tổ chức Lễ trao giải Cuộc vận động sáng tác ca khúc về giáo dục nghề nghiệp.

Tới dự có TS Trương Anh Dũng – Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp; các thành viên Ban tổ chức cuộc thi, đại diện lãnh đạo các sở Lao động Thương binh xã hội, lãnh đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, các tác giả đạt giải và tham gia cuộc thi, các phóng viên cơ quan thông tấn báo chí…

Về phía Hội Nhạc sĩ Việt Nam có PGS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân – Chủ tịch Hội; nhạc sĩ Đinh Công Thuận – Ủy viên Ban Chấp hành, Chánh Văn phòng Hội.

Đây là cuộc thi lần đầu tiên được Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp và Hội Nhạc sĩ Việt Nam phối hợp tổ chức phát động cuộc vận động sang tác ca khúc với chủ đề là thông điệp truyền thông: “Tương lai tươi sáng cùng giáo dục nghề nghiệp”. Các ca khúc tham gia dự thi có chủ đề: phản ánh, ca ngợi về quá trình đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp; vai trò giáo dục nghề nghiệp với sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an sinh xã hội; Phản ánh về các hoạt động phong trào trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp; ca ngợi, tôn vinh hình ảnh người thầy, nhà giáo giáo dục nghề nghiệp, những tấm gương học sinh, sinh viên tiêu biểu của giáo dục nghề nghiệp, tình yêu nghề nghiệp. Đối tượng tham gia là các nhạc sĩ chuyên nghiệp và không chuyên; các tổ chức, cá nhân, công chúng yêu âm nhạc quan tâm đến giáo dục nghề nghiệp, có khả náng sáng tác âm nhạc. Cá nhân tác giả hoặc nhóm tác giả có thể tham gia dự thi với nhiều tác phẩm.

Cuộc thi được phát động từ ngày 31 tháng 12 năm 2019. Kết thúc thời gian cuộc vận động, Ban Tổ chức đã nhận được 41 ca khúc của 39 tác giả gửi tham gia. Nhìn chung các ca khúc tham gia cuộc vận động đã phản ánh phong phú, đa dạng, với những ca từ, hình ảnh, giai điệu đẹp, trong sáng về giáo dục nghề nghiệp, bám sát chủ đề cuộc vận động, thể hiện sự hiểu biết về lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp của tác giả. Đặc biệt, một số ca khúc đã được phối khí, thể hiện khá công phu, thể hiện tâm huyết của tác giả gửi đến Ban tổ chức như “Vững tin bạn nhé” của tác giả Phạm Xuân Hải; “Dưới mái trường nghề” của tác giả Võ Văn Thành; “Khúc ca học nghề” của tác giả Lê Tuấn Tú; “Tôi chọn nghề” của tác giả Nguyễn Trọng Duy, “Dạy nghề Việt Nam” của tác giả Ngọc Thịnh; “Bài ca giáo dục nghề nghiệp” của tác giả Hoàng Văn Thành (Hoàng Thành); “Hành khúc giáo dục nghề nghiệp“ của tác giả Mai Văn Quản (Mai Quản); “Giáo dục nghề nghiệp tươi sáng tương lai” của tác giả Nguyễn Xuân Tùng; “Sáng mãi một niềm tin” của tác giả Sơn Ngọc: Hoàng...

Ban giám khảo cuộc thi gồm các nhạc sí uy tín: PGS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam – Trưởng Ban; và các thành viên: nhạc sĩ Đức Trịnh - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhạc sĩ Việt Nam; nhạc sĩ Đinh Công Thuận, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Ban Giám khảo đã làm việc nghiêm túc, chấm sơ loại, chấm chung khảo và đã đề xuất Ban Tổ chức trao 01 giải Nhất, 01 giải Nhì, 02 giải Ba và 05 giải Khuyến khích cho 9 ca khúc của 9 tác giả:

01 Giải Nhất:

Vững tin bạn nhé

Tác giả: Phạm Xuân Hải

01 Giải Nhì:

Dưới mái trường nghề

Tác giả: Võ Văn Thành

02 Giải Ba:

1. Khúc ca học nghề

Tác giả: Lê Tuấn Tú

2. Tôi chọn nghề

Tác giả: Nguyễn Trọng Duy

05 Giải Khuyến khích:

1. Dạy nghề Việt Nam

Tác giả: Ngọc Thịnh

2. Bài ca giáo dục nghề nghiệp

Tác giả: Hoàng Văn Thành (Hoàng Thành)

3. Hành khúc giáo dục nghề nghiệp

Tác giả: Mai Văn Quản (Mai Quản)

4. Giáo dục nghề nghiệp tươi sáng tương lai

Tác giả: Nguyễn Xuân Tùng

5. Sáng mãi một niềm tin

Tác giả: Sơn Ngọc Hoàng

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân – Trưởng Ban giám khảo, đã phát biểu và có những nhận xét:

“Lần đầu tiên chúng ta có được cuộc thi sáng tác ca khúc về giáo dục nghề nghiệp. Trước đây chúng ta có các bài hát được các tác giả sáng tác qua 2 cuộc kháng chiến, và thời kỳ đổi mới đề cập đến các ngành nghề, nhưng để có cuộc thi tập trung vào giáo dục nghề nghiệp như một chủ đề chính là lần đầu tiên, chính vì vậy nó gợi lên rất nhiều thú vị; các nhạc sĩ tham gia cho dù chuyên nghiệp hay không chuyên và cả các nhà thơ đều đến với chủ đề này rất hào hứng. Các tác phẩm đều rất tươi mới về tiết tấu âm nhạc, các nhạc sĩ tham gia ở nhiều vùng miền khác nhau và họ đã mang theo âm hưởng, hơi thở của âm nhạc dân gian vùng miền vào tác phẩm như dân ca Kh’me Nam Bộ, chất trữ tình của dân ca Ví Giặm Hà Tĩnh… điều đó cho thấy sự sáng tạo rất phong phú và có lồng ghép vào chủ đề chính là hướng tới tương lai tưới sáng của mục đích giáo dục nghề nghiệp. Đây là một cuộc thi thành công, cho thấy sự nhiệt tình của các nhạc sĩ, nhà thơ đối với một chủ đề mới”.

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.