You are here

Trang Trịnh: Tôi là một nghệ sĩ quan tâm đặc biệt tới giáo dục âm nhạc

Tác giả: 
Minh Thuận

 

Dàn Hợp xướng và Giao hưởng Kỳ Diệu (Miracle Choir & Orchestra - MCO) - dự án giáo dục âm nhạc dành cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn ở Hà Nội của hai vợ chồng nghệ sĩ Piano Trang Trịnh và ca sĩ Opera Park Sung Min sẽ tổ chức đêm nhạc “Vui ca - Sing for Joy 2017” với sự quy tụ của tám dàn hợp xướng và một khách mời đặc biệt - Nhạc trưởng Dàn hợp xướng Quốc gia Hàn Quốc - Koo Chun. Phóng viên Tia Sáng đã có buổi phỏng vấn nghệ sĩ Trang Trịnh để nhìn lại dự án sau bốn năm triển khai.

Vợ chồng nghệ sĩ Trang Trịnh – Park Sung Min và các em trong Dàn Hợp xướng và Giao hưởng Kỳ Diệu. Nguồn: Miraclevietnam.org

Học âm nhạc để tự chủ vận mệnh

Khi thành lập Dàn Hợp xướng Kỳ Diệu, nay là Dàn Hợp xướng và Giao hưởng Kỳ Diệu, chị đặt ra những kỳ vọng gì?

Tôi mong muốn thông qua âm nhạc, có thể giúp các bạn nhỏ có hoàn cảnh khó khăn đạt được tự chủ vận mệnh bản thân, tình yêu cái đẹp, khả năng hướng tới sự xuất sắc và sự đóng góp cho cộng đồng có được từ học vấn âm nhạc theo mô hình nhóm.

Đối với chị sự tự chủ có được khi học âm nhạc là gì?

Các bạn có xuất phát điểm không may mắn thường tự ti. Mẹ Teresa có nói rằng: “Khi con người nghèo thì việc không có một mái nhà trên đầu không phải nỗi đau lớn nhất, mà nỗi đau lớn nhất là họ không là ai cả.” Tôi muốn là khi đặt chiếc đàn vào tay một em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn thì em không còn “không là ai cả” nữa, em nhỏ bắt đầu có tiếng nói của riêng mình. Dù xuất phát điểm không may mắn như mọi người, nhưng em biết rằng nếu mình muốn thì mình có thể nắm bắt lấy cơ hội.

Học chơi violon là việc không dễ chút nào, lúc đầu các bạn chơi rất khó nghe, sau đó kéo được một dây, rồi một đoạn. Hai, ba năm rồi mà dàn giao hưởng của tôi cũng chỉ có hai đến ba bạn có thể chơi được một đoạn nhạc dài. Thế nên việc vượt qua những khó khăn như vậy là các bạn đã chiến thắng chính mình, nó đã trao cho bạn nhỏ sự tự tin, cho bạn cảm giác là tôi là một ai đấy, tôi có những giá trị tự thân và từ đó học được cách làm chủ vận mệnh của mình.

Hãy để chúng tôi dạy các em âm nhạc và để âm nhạc dạy các em về cuộc sống (*)

Điều gì chị cho là khó khăn khi dạy các bạn nhỏ cơ nhỡ học âm nhạc?

Quản lý các bạn nhỏ không phải việc quá khó bởi các em sống ở trung tâm bảo trợ đều lớn lên trong môi trường quản lý nghiêm khắc. Điều khó khăn lớn là việc thiếu vắng vai trò của mẹ, của bà ở nhà – vốn rất quan trọng khi trẻ học nhạc. Không trẻ nào muốn bỏ chơi, bỏ đá bóng, xem tivi để tập đàn hay học bài. Do vậy, cần những người bố, người mẹ, ông bà khuyến khích, thậm chí là nghiêm khắc. Nhưng rất may mắn với sự tận tụy, yêu thương của các cô giáo và các bạn tình nguyện viên, các bạn cũng hiểu dần ra là đến lớp mà không tập đàn thì cô sẽ không vui. Từ đó, các bạn thấy mình có trách nhiệm và bắt đầu tập luyện.

Tại lớp học nhạc, chị đã dạy các bạn nhỏ học chịu trách nhiệm như thế nào?

Tôi thường dùng kịch để minh họa cho trẻ. Khi trẻ đến lớp mà không tập đàn, tôi đưa cho em một sợi dây. Bạn nhỏ nắm một đầu sợi dây và tôi nắm đầu còn lại. Tôi bảo với bạn rằng sợi dây này tượng trưng cho mối quan hệ giữa hai cô trò – được thành lập dựa trên sự tin tưởng lẫn nhau. Khi cô giáo dặn bạn nhỏ tập đàn nhưng em không thực hiện, thì có nghĩa là em đã buông tay để đầu dây em nắm rơi xuống đất. Mỗi lần em thất hứa là một lần đầu dây rơi xuống đất, chỉ còn tôi vẫn nắm lấy đầu còn lại. “Nhưng mà cô không thể bao dung mãi”. – tôi nói và buông tay. Sợi dây rơi hẳn xuống đất. Giây phút đó tôi có thể thấy sự lo lắng và hụt hẫng trong mắt trẻ. Bạn nhỏ dần nhận ra rằng mối quan hệ giữa bạn và người khác không phải là vĩnh viễn vô điều kiện và cần học cách trân trọng nó. Chịu trách nhiệm để không làm ảnh hưởng đến mọi người cũng là một cách trân trọng mối quan hệ.

Một lớp học của dự án tại trường Quốc tế Hàn Quốc. Nguồn: Miraclevietnam.org

Lựa chọn giáo dục âm nhạc hơn là biểu diễn

Mô hình El Sistema ở Venezuela và nhiều quốc gia khác đã đạt được những thành công nhất định, liệu chị có mong đợi điều tương tự ở Việt Nam?

Tôi phải thú nhận là lúc nhìn mô hình El Sistema ở Venezuela thì tôi nghĩ thành công là do đã có nhiều người chơi nhạc, rất nhiều dàn nhạc đã được sinh ra. Khi tôi bắt tay vào thực hiện mô hình tương tự, mình mới nhận ra đó là điều rất khó ở Việt Nam. Tuy vậy, sau vài năm kiên trì theo đuổi dự án, đến nay tôi đã xây dựng được một dàn hợp xướng có gần 100 bạn nhỏ, đó là điều tuyệt vời nhưng điều tuyệt vời hơn là các bạn đều đến rất đúng giờ. Ở Việt Nam việc đúng giờ rất là khó, nhưng tôi có nói với các bạn là giờ chúng ta hứa với nhau là: “Đến sớm 5 phút là đến muộn. Có nghĩa là các con phải đến sớm hơn 5 phút để các cô còn chuẩn bị. 2 giờ là vào học thì con phải đến trước 2 giờ kém 5.” Lúc đầu rất khó, các bạn cứ hỏi tại sao con phải làm thế nhưng giờ đã có rất nhiều bạn đúng giờ và thậm chí là sớm hơn. Đó là sự thay đổi tôi nghĩ là đã quá tuyệt vời. Đấy không chỉ là đúng giờ đâu mà đó là các bạn đã biết tự chịu trách nhiệm cho hành động của mình, biết hành động của mình có ảnh hưởng đến người khác như thế nào.

Khởi đầu của chị là một nghệ sĩ, có khi nào công việc giáo dục mâu thuẫn với bản năng nghệ sĩ của chị hay không?

Tôi nghĩ là hai việc đó không mâu thuẫn. Bởi nếu tôi chỉ muốn thỏa mãn sự sáng tạo của bản thân thì tôi sẽ làm nghệ sĩ biểu diễn nhưng vì rất thích giáo dục và tin là nếu được giáo dục âm nhạc bài bản và có hướng dẫn thì sẽ có rất nhiều niềm vui sau này, vậy nên tôi đã tổ chức dạy nhạc. Tất nhiên khi đã làm việc giáo dục thì tôi cần nhiều thời gian để nghiên cứu và đôi khi bỏ lỡ các cơ hội biểu diễn. Có thể nói, tôi là một người biểu diễn có sự quan tâm đặc biệt tới giáo dục, và là một nhà giáo có khả năng biểu diễn.

Tương lai của Dàn Hợp xướng và Giao hưởng Kỳ Diệu

Chị có những dự định gì trong tương lai đối với Dàn Hợp xướng và Giao hưởng Kỳ Diệu?

Có một câu nói là “Bước nhảy vĩ đại nhất là bước nhảy từ không tới có.” thì chúng tôi đã bước qua rồi, nhưng bước tiếp theo cũng khó không kém là duy trì nó. Dự án này cần rất nhiều công sức, như năm 2015 đã gây quỹ được 10.000 USD và từng đó dĩ nhiên là rất nhỏ so với số lượng học sinh và công việc cần làm trong hai năm. Tính ra mỗi tháng chỉ có chưa đến 10 triệu để chạy khối lượng công việc khổng lồ: có sáu giáo viên, rất nhiều lớp học, nhiều nhạc cụ. Hàng tuần còn phải chi cho thức ăn nước uống và những chuyến xe bus nữa.

Có một điều là dự án không muốn hợp tác với các “đại gia”, họ có thể cho rất nhiều tiền nhưng thường không lâu dài. Tôi muốn đó là dự án của cộng đồng. Có nghĩa là mỗi người, mỗi gia đình quan tâm đến dự án chỉ cần đóng góp 250.000 – 500.000 VNĐ/ tháng. Một dự án thiện nguyện không đi từ cộng đồng thì nó không thực sự tồn tại được. Hiện tại dự án vẫn dựa nhiều vào cộng đồng người Hàn Quốc ở Việt Nam nhưng tôi hy vọng dần dần sẽ có càng nhiều những người Việt Nam quan tâm tới nghệ thuật và từ thiện.

Đêm nhạc “Sing for Joy” sắp tới đóng vai trò gì trong sự phát triển của dự án?

Buổi biểu diễn sắp tới có tám dàn hợp xướng. Điều thú vị nhất là những người biểu diễn trên sân khấu cũng đến từ cộng đồng chứ không phải những người sống bằng nghề hát. Họ là các bà vợ có chồng Hàn Quốc đang sống ở Việt Nam, các bạn sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội, các bạn nhỏ trong Dàn Hợp xướng Kỳ Diệu hay những người nước ngoài đang sống ở Việt Nam. Họ là những người rất giống chúng ta chỉ khác là họ có thêm niềm yêu ca hát. Tôi nghĩ là khi nhìn thấy những người giống mình đứng trên sân khấu, cảm xúc sẽ rất khác khi nhìn những nghệ sĩ chuyên nghiệp. Tôi muốn truyền cảm hứng để mọi người có thể thực hành âm nhạc. Điều đáng tiếc ở Việt Nam là mọi người nghe nhạc nhiều nhưng mọi người ít thực hành âm nhạc. Mọi người không có khả năng tiếp cận hoặc chưa có cơ hội tiếp cận với nhạc cụ. Chương trình học âm nhạc ở phổ thông của chúng ta kéo dài tám năm nhưng gần như mọi người không thể đọc được âm nhạc. Tôi nghĩ nếu có thể khuyến khích thực hành âm nhạc thì rất là tuyệt vời.

Xin cảm ơn chị!

----------

(*) Phát biểu của Jose Antonio Abeu – nhà sáng lập mô hình El Sistema tại Venezuela

Sứ mệnh của người nghệ sĩ là nhắc mọi người nhớ về cái đẹp

Nói về buổi biểu diễn “Art in the Forest” ở Flamingo Đại Lải (29/10/2017), Nghệ sĩ Trang Trịnh chia sẻ: “Trang muốn khán giả cảm nhận được sự ngây ngẩn trước cái đẹp. Giống như Beethoven rất thích đi dạo trong rừng, thiên nhiên mang lại cảm hứng và ở trong môi trường như vậy thì một tiếng đàn ngân lên cũng đã rất hay rồi. Với những khán giả chưa có điều kiện tiếp xúc với nhạc cổ điển thì được đi ra thiên nhiên để nghe tiếng đàn, đó là một trải nghiệm âm thanh – cảm xúc rất mạnh mẽ. Người ta cảm thấy bình thường khi không dành một ngày đi ra rừng trong mấy năm liền. Họ không nhận ra mình khát bởi cuộc sống của họ vất vả quá. Nhưng nhiều người nói với Trang rằng khi tới buổi hòa nhạc trong rừng của Trang thì tâm hồn họ như được tưới mát, như được sống lại, như một con cá được đưa vào nước. Trang nghĩ bản năng của con người là khao khát được sống gần thiên nhiên, sống gần cái đẹp. Trang tin vào việc tinh thần cũng cần được nuôi dưỡng và sứ mệnh của Trang là nhìn thấy và thưởng thức cái đẹp, và mang cái đẹp đến cho mọi người.”

(Nguồn: http://tiasang.com.vn) 

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.