You are here

Trần Tiến – quán văn vỉa hè

Tác giả: 
Bình Nguyên Trang

Trần Tiến tự nhận mình như vậy, là cái quán văn vỉa hè thôi. Lúc viết cuốn hồi ký về cuộc đời mình, là ông nghe Bọ Lập (nhà văn Nguyễn Quang Lập) xúi dại. 

Viết lời bài hát thì xưa nay thường làm rồi, nó là việc dễ dàng chả kém gì người bạn, người anh của ông, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, “viết dễ như bốc chữ từ trong túi ra”. 

Nhưng viết văn xuôi, viết về đời mình, đoạn đường dài dằng dặc mình đã đi qua, thì lại là một câu chuyện khác. Trần Tiến bảo, nếu mà cứ bị ám ảnh chuyện lớp lang, viết đầu thế nào, cuối ra sao, rồi nghĩ đến việc độc giả họ đọc xong họ nhăn mặt hay cười chê thì quăng bút đi cho rồi. Nhưng viết mà chả cần phải nghĩ đến ai, cứ để mọi thứ ngẫu hứng tuôn chảy thì thích. Viết thế mình được tự do.

Cái quán bún ốc vỉa hè đang rất đông khách vì ngon, một hôm bà chủ thấy cần phải nâng cấp để phục vụ thượng đế, xây nhà to tổ chảng thành cái quán sang trọng. Nhưng nhà to lên thì khách bỏ đi hết, vắng hoe vắng hắt.

Kể chuyện này xong, Trần Tiến cười ha ha, thấy không, khi đã nghiệp dư thì cứ nghiệp dư, một hôm dở hơi “cài số” vào chuyên nghiệp là mất khách, chớ có dại. Việc viết lách cũng vậy thôi, “cậu em Bọ Lập của tôi đã dạy tôi rồi, cứ viết cái mình nghĩ, không phải kỹ thuật gì hết”.

Thế mà đâm hay, cuốn hồi ký Ngẫu hứng của Trần Tiến bán chạy ầm ầm. Cái tên của ông thì hấp dẫn rồi, cuộc đời ông độc giả tò mò rồi, nhưng quan trọng là văn chương ngẫu hứng kiểu “quán vỉa hè” của ông thú vị đến lạ. 

Ở ông có một sự cuốn hút của ngôn từ, nó ngồn ngộn đời sống mà khi cần duyên dáng, lãng mạn, cũng chẳng hề kém cạnh ai. Sâu hơn tất cả là tầng tầng trải nghiệm, chiêm nghiệm của người một đời du ca, quăng quật qua các thời kỳ sống khác nhau, lúc dưới đáy của đói nghèo vui chơi, lúc trên đỉnh của danh tiếng. Một người đi mãi và cuối cùng hiểu rằng, người nghệ sĩ phải viết những điều cất lên từ trái tim. “Đôi khi trái tim sai lầm, chuyện đó bình thường. Vì nó có phải là óc đâu. Làm nghệ thuật bằng óc mới là kinh tởm”.

Trần Tiến bảo, ông có thói quen sáng sớm ngồi viết gì đó. Cứ ngồi vào bàn và viết, hoàn toàn không định viết cái gì. Rồi thì trước trang giấy trắng, có cái tứ nào chợt đến thì bắt đầu. Viết những điều có tự trong mình, không làm điệu hay thêm nếm những thứ lấp lánh trang kim. Có lúc ngồi quán cà phê hay trước biển, không có bút mà gặp một ý gì hay, ông viết vào điện thoại rồi lưu lại. Thỉnh thoảng giở ra đọc, ngẫm nghĩ.

Kể chuyện viết, Trần Tiến bảo, ngoài viết hồi ký, ông còn kiếm được ối tiền từ viết báo. Ông là cộng tác viên quen thuộc của Báo Tuổi trẻ.

Rồi ông hăng say khoe: “Tin không, chú từng viết bài báo 25 triệu đấy nhé. Có lẽ đấy là lần lĩnh nhuận bút ngạc nhiên nhất trong sự nghiệp viết lách. Bài báo đâu có dài, viết cho một cuộc thi liên quan đến sách. Cuộc thi thì có nhà tài trợ. Bài của mình người ta đánh giá cao như nào mà sau khi in xong đến lĩnh nhuận bút, được những 25 triệu”. 

Thật lòng, nghe nói đến mức nhuận bút khủng cho một bài báo như vậy, ai làm báo mà không ghen tị với Trần Tiến cho được. Ông bảo, thì ghen tị quá đi, nhưng cả đời tôi cũng chỉ được một cái nhuận bút khủng đó thôi, còn lại những bài khác viết xong, in xong thì tòa soạn người ta cấp tiền vào tài khoản cho tôi từ 1 triệu đến 2,5 triệu đồng, tùy độ ngắn dài. 

Có năm, riêng viết bài đăng báo tết cũng kiếm mấy chục triệu đấy. Thế cũng ung dung lắm rồi. Nghe một số bạn nhà báo nói, có những tờ báo viết bài cả trang dài ngoằng, nhuận bút cũng chỉ được dăm trăm ngàn thôi.

Say sưa một hồi, Trần Tiến lại đột ngột dừng lại ra chừng ngẫm nghĩ. Ờ, mà sao ta lại nói về tiền nong nhiệt tình thế nhỉ. Mình ở tuổi này rồi không còn quan trọng vụ tiền bạc lắm đâu. Ăn thì có ăn được mấy.

Mặc thì áo quần du ca cao bồi cũng chả xem trọng mấy. Hàng hiệu đắt tiền dành cho mấy em, mấy cháu showbiz tuổi trẻ, mình già rồi. Chơi thì cũng đâu còn mấy sức mà chơi. Sống ở Vũng Tàu thì việc thích nhất là ngồi với biển. Ngồi với biển thì đâu có tốn tiền. 

Ừ nhỉ, lạ quá, cả đời tiền tiền nong nong để đi học trí khôn nhân loại, chuốc lấy bao nhiêu muộn phiền sầu não, giờ già về ngồi trước biển, thong dong cùng sóng nước gió mây, và được biển dạy cho bao nhiêu điều hay về cuộc đời, lại còn miễn phí.

Viết báo với Trần Tiến, không phải chuyện kiếm tiền. Ông khoe, riêng tiền bản quyền cho các ca khúc của ông được trả hằng năm cũng đủ để ông sống thoải mái rồi. Viết, việc đó chẳng khác nào một cuộc du ca khác của ông, không có xe Zeep, không có đàn ghi-ta và âm nhạc. Là cuộc du ca trong yên lặng, giữa tiếng sột soạt của trang giấy và cây bút. 

“Gọi là bài đăng báo, nhưng thực ra nó có phải là cái gì thông tấn, cập nhật theo kiểu truyền thông đâu. Nó toàn những thứ lan man về đời sống này. Lan man là văn của một kẻ viết nhạc mà. May mà vẫn còn một vài tờ báo sử dụng cái món lan man đó chiều độc giả, những người ngoài đọc báo để lấy thông tin ra còn là lấy một cái gì thuộc về cảm xúc, về tâm hồn. Mình là tay chuyên viết những thứ lửng lơ như vậy đó”.

Trần Tiến ngẫu hứng thì lại hát. Giọng ông ồ ồ hồn nhiên. Ông khoe đang viết một bài hát về nước Lào cho một bộ phim tài liệu về tình hữu nghị Việt-Lào. Nhà sản xuất nhất định chỉ mời tác giả Cô gái Sầm Nưa viết bài hát cho phim của họ. 

Vì không có người nhạc sĩ Việt nào hiểu nước Lào và được người Lào yêu quý, trân trọng như Trần Tiến. Ông vui vẻ sang Lào, đi theo đoàn làm phim, lắng nghe con người và cảnh sắc tươi đẹp của đất nước Triệu voi. 

Và một bài hát mới được hình thành. Một bài hát rất Lào, mà là nước Lào của những năm đầu thế kỷ 21, chứ không phải nước Lào thời Cô gái Sầm Nưa. Trần Tiến bảo, nhận lời đặt hàng ca khúc là có thêm một cái cớ để viết. Viết một bài hát có sẵn trong tình yêu của mình với đất Lào, còn bộ phim chỉ là cái cớ cho nó trào ra. 

“Tôi chẳng bao giờ bị buộc vào các hợp đồng sáng tác. Nếu ký tôi cũng quên ngay. Và chuyện viết bài hát cho phim mà nó chỉ ngân lên đúng trong bộ phim đó thì đó là thất bại. Bài hát cho phim là bài hát mà sau bộ phim, nó vẫn có một đời sống độc lập của nó”. Rồi Trần Tiến mở file trong điện thoại, ở đó, đã có những phác thảo về tiết tấu của bài hát, ngân nga thử cho mọi người cùng nghe. Ông gật gù tự khen “Chỉ có hay đến rất hay mà thôi”.

Khi nghe âm nhạc Trần Tiến mà chưa đọc hồi ký của ông, tôi chỉ biết một phần nào đó về Trần Tiến. Những trang sách ông viết về đời mình, về những xê dịch hay bể dâu, về bè bạn hay cô quạnh cuộc đời cho tôi cái nhìn toàn vẹn về thân phận một người nghệ sĩ. Văn của ông gai góc, nhưng lại thoảng mùi buồn. Cái mùi buồn đó xuyên suốt những câu chuyện kể góp nhặt có khi không đầu chẳng cuối. 

Dường như buồn là cái phần tất yếu của đời sống này, đời sống mà ông đã kinh qua phần lớn đoạn đường. Khi con người càng ngụp lặn sâu vào nhận biết mọi trạng thái cuộc đời, nhìn thấu cái thoảng qua và cái vĩnh cửu, thì họ đều gặp buồn ở dưới đáy. Nhờ vậy, mọi vẻ đẹp được trở về như chính nó. Nhờ vậy, con người trở nên từ bi hơn, trắc ẩn hơn. 

Qua những câu chuyện của Trần Tiến, thấy quý trọng hơn những người nghệ sĩ thế hệ ông. Họ là một thế hệ “suốt đời chỉ có âm nhạc và một trái tim nhỏ nhoi”, không màng danh vọng, tiền bạc. Họ làm nghệ thuật tự do như con chim thì phải hót. Những giá trị tưởng như đã mất, hoặc nếu còn thì cũng rất hiếm hoi trong đời sống âm nhạc đậm đặc tính thương mại hôm nay.

Thực ra, viết gì về Trần Tiến chẳng còn quan trọng nữa. Chẳng có mở đầu nào và cũng chẳng có kết thúc nào cho một bài viết về ông. Trần Tiến quen thuộc trong công chúng đến mức mỗi lúc có ai đó viết gì về ông cũng chỉ là một đoạn thêm vào trong một bài viết vô tận nào đó. 

Tôi hay nghĩ đến việc kết thúc một đoạn viết về Trần Tiến bằng lời bài hát của ông. Chất tự sự trong âm nhạc của ông giàu đến mức đụng vào đâu cũng có thể nhặt ra những câu chữ vẽ chân dung ông chuẩn xác. Trần Tiến lơ mơ nhớ lời một bài hát rất liêu trai mà ông mới sáng tác. 

Nó có những câu như thế này: “Một ngày tôi mơ thấy mình lìa xa/ Một con ma với cây đàn ghi-ta”. “Nghe kinh không” - ông lại cười ồ ồ nháy mắt hỏi. Nhưng rồi chính ông lại trả lời: “Thực ra là hình ảnh quá đẹp, nghe tiếp này”: “Nếu tôi có thành ma/ Thì tôi vẫn mang theo cây đàn ghi-ta”.

Trong lúc mọi người cười nghiêng ngả vì lời bài hát “có ma” của Trần Tiến, thì ông đã lại chìm vào một bài hát khác, không rõ tên là gì, nhưng rất ám ảnh:

Đôi khi ta muốn leo lên một vì sao ngồi uống rượu một mình
Đôi khi ta muốn ôm eo một nàng tiên không rắc rối lôi thôi
Đôi khi ta muốn lên chơi một ván cờ với Thượng đế, thua cũng vui
Đôi khi, đôi khi thôi, ta muốn quên quê nhà, trái đất buồn
Đôi khi, đôi khi thôi, ta muốn quên con người, trái đất buồn
Rồi lại nhớ, bài ca đang hát có ai mua bao giờ...

(Nguồn: http://antgct.cand.com.vn)

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.