You are here

Tổng kết giải thưởng âm nhạc Hội nhạc sĩ Việt Nam năm 2022

Tác giả: 
Đỗ Hồng Quân

Thay mặt cho Ban Thường vụ Hội Nhạc sĩ Việt Nam và Hội đồng xét Giải thưởng Âm nhạc năm 2022, tôi xin trình bày một số ý kiến được tập hợp từ các Hội đồng.

Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã tổ chức xét Giải thưởng Âm nhạc năm 2022 từ ngày 22 đến ngày 23 tháng 11 năm 2022. Hội đồng xét giải thưởng Âm nhạc đã tiến hành xét Giải thưởng trong các lĩnh vực: Thanh nhạc, Khí nhạc, các công trình Lý luận phê bình và Báo chí Âm nhạc, các tập hợp chương trình biểu diễn.

Ban tổ chức đã nhận được 261 tác phẩm của 261 tác giả là hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam từ khắp các tỉnh, thành trên cả nước gửi tham dự.

Cụ thể: thể loại Thanh nhạc có 199 tác phẩm; ca khúc thiếu nhi 19 tác phẩm; Giao hưởng 6 tác phẩm; Thính phòng (Độc tấu – Tứ tấu – Hòa tấu nhạc cụ) 5 tác phẩm; hợp xướng và Acappella 12 tác phẩm; Ca khúc nghệ thuật 6 tác phẩm; Chương trình biểu diễn 6; và 9 công trình lý luận, gồm sách biên soạn và các tập bài báo về âm nhạc.

Hội đồng nghệ thuật đã làm việc nghiêm túc, khoa học, kỹ lưỡng và công tâm để chọn ra những công trình, tác phẩm có chất lượng đề nghị Ban tổ chức trao giải thưởng.

01 tác phẩm là ca khúc “Ơi Con sông Mặt trời” của nhạc sĩ Đình Nghĩ (Lâm Đồng) đạt giải A là Giải thưởng của Hội Nhạc sĩ Việt Nam 2022 và đã được Hội đồng giới thiệu lên để trao Giải xuất sắc của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam.

Thay mặt cho Hội đồng xét Giải thưởng Âm nhạc năm 2022, tôi xin nêu lên một số ý kiến nhận xét được tập hợp từ các Hội đồng chuyên ngành như sau:

Về thể loại khí nhạc: (Giao hưởng, Thính phòng, Hòa tấu) và Hợp xướng, Romance, chương trình DVD, biểu diễn.

- Một số tổng phổ viết chưa đạt, còn lỗi vì chưa hiểu kỹ về dàn nhạc giao hưởng, và tính năng nhạc cụ, phối các bè lỏng, chênh hòa thanh, hoặc xếp bè rỗng, chủ yếu đồng âm.

- Có tác giả trẻ đã mạnh dạn viết theo phong cách tự do, kết hợp đa dạng, có động lực sáng tạo, tìm tòi, thể hiện cá tính độc lập, nhưng hiệu quả chưa thực sự cao như tác phẩm Divergent (Chamber Orchestra). Tuy nhiên đây là tác phẩm khá chắc tay trong bút pháp.

- Về thể loại Hợp xướng, nặng về đồng ca hơn là phối hợp 4 bè theo hòa thanh chiều dọc.

- Một số tác phẩm cấu trúc không rõ ràng, với lối viết quá cũ, melody cứng, tiết tấu đơn giản, thiếu cảm xúc (âm nhạc soạn trên máy) nên thiếu sự phát triển.

- Phần đệm Piano cho Romance còn yếu.

- Biểu dương các Chương trình biểu diễn đầu tư tổ chức công phu, hoành tráng, có chất lượng nghệ thuật cao, phần âm nhạc và hình ảnh gây ấn tượng.

Ghi nhận một số tác phẩm khí nhạc có tính dân tộc, đậm nét âm nhạc truyền thống, biết tìm tòi cái mới mẻ, có sự kết hợp khá tốt giữa âm nhạc phương Tây và âm nhạc truyền thống, nhưng còn hạn chế về hòa âm, phối khí, nên chưa tạo hiệu quả mới mẻ với thể loại nhạc không lời (viết cho nhạc dân tộc).

Về Thanh nhạc, Ban Thanh nhạc đã thẩm định 218 tác phẩm (trong đó - Ca khúc: 199 tác phẩm; Ca khúc Thiếu nhi: 19 tác phẩm.

Nhận xét: Số lượng ca khúc dự giải năm nay có nhiều hơn năm ngoái. Có nhiều khởi sắc về chất lượng, đặc biệt về khâu dàn dựng tác phẩm, ghi nhận sự đóng góp của các ca sĩ, nhạc công, phòng thu kỹ lưỡng, chuyên nghiệp.

Thể loại tuy đa dạng song rất cần có cái mới trong viêc khai thác đề tài, giai điệu và cấu trúc tác phẩm. Thiếu tác phẩm nổi trội về ngôn ngữ âm nhạc và đề tài.

Nhiều tác phẩm còn dễ dãi trong bút pháp, sử dụng ngôn ngữ thông dụng đời thường, thiếu sự sáng tạo riêng biệt, điều mà làm nên cá tính nhạc sĩ.

Về các công trình về lý luận phê bình:

Số lượng công trình, tác phẩm dự thi ít hơn so với năm trước.

Thể loại dự thi gồm: sách nghiên cứu và biên soạn; các bài báo nghiên cứu lý luận và phê bình âm nhạc.

Có sách được biên soạn công phu, đảm bảo chất lượng khoa học về nội dung, hình thức trình bày đẹp. Có cuốn sách cung cấp nhiều tư liệu về thể loại Lý trong ca kịch Bài chòi, Tuồng, Chèo và kịch hát dân ca. Có sách hàm lượng âm nhạc còn mỏng,; hoặc có sách chỉ mang giá trị cung cấp tư liệu cho chuyên ngành biểu diễn nhạc cụ dân tộc.

Các bài báo thể hiện nhiều hướng tiếp cận: nghiên cứu chuyên sâu, phê bình âm nhạc, giới thiệu di sản âm nhạc truyền thống, chân dung tác giả, tác phẩm… Có khoảng 50% bài báo dự thi đảm bảo chất lượng theo tiêu chí bình xét, còn lại chủ yếu là các bài giới thiệu và đưa tin (thuộc thể loại báo chí).

- Hội đồng biểu dương các tác giả đã đầu tư nhiều công sức để đóng góp trong lĩnh vực lý luận phê bình âm nhạc vốn là một lĩnh vực khó và ít tác giả tham gia, biểu dương các tác giả đã có bài báo được công bố trên các tạp chí khoa học có uy tín.

- Tuy nhiên, còn tồn tại một số vấn đề về tính khoa học, quan điểm đánh giá còn mang tính chủ quan, chưa đảm bảo tính chính xác và khách quan, chưa theo kịp với đời sống âm nhạc vốn sinh động và đa chiều.

Hội đồng thẩm định ghi nhận kết quả lao động sáng tạo, những ý kiến đóng góp chân thành của các nhạc sĩ, nhà lý luận phê bình âm nhạc, đặc biệt là những nhà báo, nhạc sĩ lão thành thường xuyên tham gia giải hàng năm của Hội.

Xin cám ơn các Giáo sư, Tiến sĩ, NSND, NSƯT, các nhạc sĩ, các nhà lý luận phê bình đã nhiệt tình tham gia Hội đồng thẩm định với trách nhiệm cao, góp phần khẳng định uy tín và chất lượng của giải thưởng Âm nhạc Hội Nhạc sĩ Việt Nam hàng năm ngày một nâng cao./.

PGS, TS, Nhạc sĩ ĐỖ HỒNG QUÂN
Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.