You are here

Tôi đọc "Nhà phê bình âm nhạc, anh ở đâu?" của Nguyễn Thị Minh Châu

Tác giả: 
Đặng Hoành Loan

Đọc tới bài cuối, trang cuối cuốn sách Nhà phê bình âm nhạc, anh ở đâu? của tác giả Nguyễn Thị Minh Châu, tôi chợt nhớ tới cuốn sách trước của chị Nhà phê bình âm nhạc, anh là ai? mà tôi được mời viết lời tựa. Hai cuốn sách có cùng tựa đề, chỉ khác nhau ở cách đặt câu hỏi. Một cuốn hỏi: Anh là ai? Một cuốn hỏi: Anh ở đâu?

Tại sao tác giả phải “thốt” lên hai câu hỏi này? Có phải vì sự èo uột, non kém, thưa thớt, thiếu gắn kết của những người hoạt động phê bình âm nhạc nước nhà? Có phải vì tác giả thấy mình cô độc, mà cần phải gắn kết “các nhà: nhà báo và nhà nghiên cứu, nhà khoa học và nghệ sĩ” thành một khối mang tên phê bình âm nhạc trong đời sống đương thời? Nhưng làm sao gắn kết các mảng chuyên ngành không giống nhau vào thành một khối thống nhất?

Chị đã viết: “Xác định danh tính nhà phê bình âm nhạc chuyên nghiệp cũng còn chưa ổn lắm... Một vài nhà báo cứ viết bình luận âm nhạc lâu năm là thành danh nhà phê bình. Một số nhà nghiên cứu sau nhiều năm viết báo cũng được gọi là nhà phê bình. Liệu vài nhà phê bình tự phong cộng với mấy nhà phê bình bất đắc dĩ thế đã đủ gọi là đội ngũ chuyên nghiệp, những người tạo nên diện mạo phê bình âm nhạc chuyên nghiệp chưa?”[1]. Vậy là cái ý tưởng gắn kết để tạo thành đội ngũ xem chừng cũng dễ đứt gánh giữa đường. Tôi nghe cái ý tưởng này nó đang kêu răng rắc. Trong bài Giới trẻ là tương lai của chúng ta chứ không phải chúng ta trong tương lai, chị đã viết: “Trong vô số bài viết về âm nhạc, bao nhiêu bài đáng gọi phê bình âm nhạc, bao nhiêu bài chỉ khai thác những chi tiết “ngoài âm nhạc”, chỉ bình luận - thậm chí là bình loạn theo kiểu vuốt đuôi, nghe hơi nồi chõ?”[2]. Chao ôi những kiểu viết lách như vậy mà bỏ chung vào một rọ rồi hát “kết đoàn” thì khó thật.

Ở cuốn sách trước tôi đã mạnh dạn tôn vinh chị là “Kẻ độc hành” thì đến quyển này tôi vẫn phải giữ nguyên cụm từ tôn vinh ấy dành cho chị. Cái sự bảo thủ của tôi có khả năng vẫn còn được được bảo lưu, vì cho đến hôm nay: “Phê bình âm nhạc chưa có mã ngành về đào tạo chuyên ngành, hiện chỉ là một môn học vừa được mở vài năm gần đây tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam thôi. Thực tế là cho đến nay hoàn toàn chưa có cây bút nào được đào tạo theo chuyên ngành này”[3]. Thế thì biết đến bao giờ mới có được một người làm nghề phê bình âm nhạc đích thực và biết đến bao giờ chúng ta mới có thể có được đội ngũ phê bình âm nhạc? Cái sự mịt mù ấy còn đặt lên vai chị, bắt buộc chị phải lầm lũi, kiên gan với cái nghiệp này.

Nhà phê bình âm nhạc, anh ở đâu? sắp xếp các bài theo thời gian viết, mà không sắp xếp theo chuyên mục. Đây là cách chị đã làm cho cuốn Nhà phê bình âm nhạc, anh là ai? Tuy nhiên cuối sách chị đã làm Index - chỉ dẫn tra cứu, giúp cho độc giả muốn tìm kiếm những vấn đề theo chuyên mục. Nếu muốn tìm hiểu thái độ, sự nhạy bén của người cầm bút trước đời sống âm nhạc, thì cách sắp xếp các bài theo trình tự thời gian đã làm cho tôi tìm thấy và  khâm phục sự nhạy bén, sự tắm mình vào đời sống âm nhạc nước nhà của chị. Dường như không sót một vấn đề âm nhạc nào, không một hiện tượng nào liên quan đến đời sống âm nhạc mà thiếu vắng ngòi bút của chị.

Xưa nay người ta hay coi các nhà phê bình là những người bới móc, phê phán cay nghiệt hoặc đưa ra những lời dạy dỗ rất chính trị thời cuộc. Nhưng đọc cuốn Nhà phê bình âm nhạc, anh ở đâu? độc giả sẽ gặp được Nguyễn Thị Minh Châu - nhà phê bình âm nhạc có giọng phê bình nhân văn và khoa học. Nhân văn thì thân thiện, nâng niu, dí dỏm. Khoa học thì đúng và đủ. Hai yếu tố này lúc nào cũng được cân bằng trong mỗi bài viết.

Nếu đọc kỹ những bài viết liên quan đến nhạc sĩ sáng tác và nhạc sĩ biểu diễn, độc giả sẽ bắt gặp một Nguyễn Thị Minh Châu với văn phong dịu dàng, mềm mại, đồng cảm, trân trọng và yêu mến.

Về Huy Du chị viết: “Nhẩm hát lại những giai điệu rất quen thuộc của ông, chợt nhận ra sắc màu thanh xuân này luôn ngời sáng trong những hành khúc và tình khúc của người lính, của cả một thế hệ “áo xanh”[4]. Nét vẽ thật thanh thoát, người đọc nhận biết ngay được chị trân trọng và yêu quý cả tác phẩm và cả con người của thế hệ các nhạc sĩ là lính.

Về nhạc sĩ Chu Minh: “Vừa uyên bác vừa thơ ngây, vừa nhất quán vừa mâu thuẫn, vừa kiên định vừa đa cảm, vừa chỉn chu vừa phiêu lãng... - ông cứ thế bước tiếp giữa dòng chảy âm nhạc và cuộc đời”[5]. Chị dành cho thầy giáo - nhạc sĩ Chu Minh một dãy những cụm từ đối lập, để lột tả cái chất nhạc trong tác phẩm, cái tư chất con người của thầy Chu Minh trong đời sống. Phải có tấm lòng lắm, phải hiểu tác phẩm kỹ lắm mới viết được những dòng như thế.

Trong bài Cảm giao với một hồn nhạc, chị đã dành cho bạn mình - nghệ sĩ piano Đặng Thái Sơn những con chữ thắm tình bằng hữu. Đọc xong người ta có cảm giác như không ai có thể hiểu phong cách biểu diễn và con người của Đặng Thái Sơn bằng chị: “Có gì lạ đâu, anh chàng tưởng hiền như con gái này thực ra rất ngang bướng, rất dũng khí và không thỏa hiệp trong những chuyện liên quan đến âm nhạc, mà khi đã quyết thì cũng “gia trưởng” phát khiếp!”[6].

Phải tay nghề vững vàng pha trộn một chút bút pháp “phù thủy” mới có thể viết ra được những dòng phê bình làm nổi bật phong cách, xu hướng, trường phái của tác giả, đó là các bài viết phê bình tác phẩm âm nhạc. Phê bình tác phẩm âm nhạc còn đòi hỏi người viết phải có con mắt tinh đời, nhạy cảm, chấp nhận và phơi bày trên trang giấy mọi sáng tạo (kể cả manh nha sáng tạo) của từng tác phẩm, tác giả. Khó là thế, nhưng phê bình lại là sức mạnh của Nguyễn Thị Minh Châu.

Với Phật ca trong lòng Hà Nội chị phê bình tác phẩm Khai Giác của Nguyễn Thiên Đạo mà cứ như đưa người đọc vào cõi niết bàn: “Chuông chùa lại thỉnh đưa dần nét nhạc “Nam mô” trở về, khép lại tuần đầu tiên nơi cửa Phật”, “...Đối mặt với sự thật, con người phải vượt qua biển âm thanh rùng rợn”, “.. Như có sự hoán đổi trong âm sắc: dàn dây rì rầm như tiếng người, còn giọng người lại giống một nhạc cụ”, “...Cả tấn trò đời gói vào chương III Sinh...”, rồi “chương VII Niết bàn trở lại với âm hình chủ đạo “Nam mô” trong không gian rộng mở, hài hòa, linh thiêng. Một cái kết đầy mãnh lực bừng lên trong chuyển động ngược hướng giữa hợp xướng với kèn đồng và bộ gõ. Cõi tâm linh mênh mang, cõi tâm linh bất diệt”.

Trong bài Ngẫu hứng cùng Impromptu của Doãn Nho, Nguyễn Thị Minh Châu lại dùng lối tự sự để rủ rê bạn đọc nhập vào trang viết của mình: “Gây ấn tượng nhất cho tôi trong “những trang cảm xúc” này là sự tiết kiệm chất liệu âm nhạc, là cách phát triển đa dạng một nét nhạc hạt nhân đóng vai trò chủ đạo gần như leitmotiv, từ đó tạo nên hiệu quả vừa tương phản vừa thống nhất cho tác phẩm, tựa như những trạng thái khác nhau ở nhân vật phức tạp, đa đoan và đầy mâu thuẫn của tập thơ”[7].

Hai nhạc sĩ, hai trường phái, hai nội dung tác phẩm, hai lối tư duy âm thanh khác nhau đã được Nguyễn Thị Minh Châu bình bằng hai lối văn học phù hợp, làm nổi bật phong cách tác phẩm. Cái sành sỏi tinh nghề là ở đó!

Về đời sống âm nhạc là những bài “xung trận” mà Nguyễn Thị Minh Châu viết khá đều đặn. Đọc những bài viết về đề tài này, ta nhận thấy tác giả đã quan tâm tới rất nhiều vấn đề từ tài trợ sáng tác, quản lý biểu diễn, thị trường buôn bán các sản phẩm âm nhạc, đến vai trò của các hình thức tác phẩm âm nhạc và âm nhạc trên các công cụ truyền thông đa phương tiện, v.v. Ở mục này người ta thấy có một Nguyễn Thị Minh Châu thẳng thắn, mạnh mẽ, nhiều lúc phê bình rất nghiêm khắc về cách thức hoạt động nghệ thuật và quản lý các sản phẩm văn hóa: “Trước tác hại của của những sản phẩm phi nghệ thuật, sự cấm đoán không phải là cách hữu hiệu, càng bị cấm càng tò mò, nhất là giới trẻ. Cách loại bỏ cái dở hiệu quả nhất là cung cấp kịp thời cái hay hơn, hấp dẫn và ý nghĩa hơn”[8]. Cấm là cách làm quen thuộc của giới quản lý văn hóa xã hội Việt Nam thời nay. Một quyển sách trái ý: cấm! Một bài hát không ưng ý: cấm! Trang phục diễn viên trên sân khấu không ưng ý: cấm! Vậy mà Nguyễn Thị Minh Châu khẳng định “sự cấm đoán không phải là cách hữu hiệu”!

Cũng thẳng thắn không kém khi chị viết: “Đạo nhạc đã đành, đạo văn trong âm nhạc cũng đang hủy hoại nhân cách người làm nhạc” và “điều đáng lo hơn là ngay cả chuyên luận, luận văn, sách nghiên cứu của các cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ, giáo sư cũng có không ít hiện tượng “đạo” ngang nhiên”[9]. “Đạo ngang nhiên” tức là ăn cắp trắng trợn. Ăn cắp đồ dùng thì bị công an còng tay, còn “đạo ngang nhiên” trong giới chữ nghĩa ngày nay lại là “chuyện thường ngày ở huyện”. Chả thế mà trong những bài viết nghiên cứu người ta vạch ra những đoạn, những trang “đạo ngang nhiên” thì bị các nhà xuất bản, các hội đứng ra xuất bản đề nghị cắt bỏ vì lý do: đây là chuyện “nhạy cảm”. Nhạy cảm? Lạ thật, kẻ đi ăn cắp chữ nghĩa của người khác “hô biến” thành chữ của mình không bị bắt, bị phanh phui, mà còn được bao biện cho hành vi xấu xa này bằng hai từ nhạy cảm (?!).

Là người được đào tạo nghề phê bình “âm nhạc văn bản” ở nước ngoài, vậy mà Nguyễn Thị Minh Châu đã nhập cuộc vào nền “âm nhạc phi văn bản” nước nhà. Những bài viết về các loại hình “âm nhạc phi văn bản” của chị lại thể hiện sự một góc nhìn khác, một góc nhìn phê bình sâu sắc về trách nhiệm của con người đương thời đối với vốn di sản cha ông: “Còn đối với vốn cổ thì sao, cũng lại một thời chưa xa không ít làn điệu giao duyên rất đẹp, rất trữ tình được dùng để tải lời mới hô hào khẩu hiệu chính trị, cổ động chính sách đường lối nhất thời” và “thiếu coi trọng âm nhạc và xúc phạm di sản âm nhạc thì cái giá phải trả không hề nhỏ”[10]. Ngòi bút của chị chĩa thẳng cái tập tục “bình cũ rượu mới” của giới văn hóa nghệ thuật chính trị một thời rất được giới văn hóa trọng thị.

Một bài khác chị viết: “Then đã bị bài trừ không thương tiếc suốt mấy thập niên giữa thế kỉ XX bởi chính sách chống mê tín dị đoan. Các thầy then mất nghề. Nghệ thuật diễn xướng then bị cấm đoán. Thời gian đủ dài cho một loại hình dân gian chìm vào quên lãng”[11]. Đoạn văn phê bình như tiếng gõ cửa cảnh báo các nhà quản lý xã hội, cần cẩn trọng và tỉnh táo, khách quan và khoa học khi đưa ra những quyết sách chính trị đối với tài sản văn hóa quốc gia. Thế giới đang ủng hộ chúng ta trong công cuộc bảo tồn di sản, còn chúng ta cũng đang rất muốn được thế giới vinh danh thật nhiều di sản. Nhưng ai là người giữ di sản? Làm thế nào để tạo ra những lớp người giữ gìn di sản? Nguyễn Thị Minh Châu viết: “Quyết định cuối cùng cho sự sống còn của Xoan thuộc về thế hệ trẻ. Xoan cũng như mọi thể loại âm nhạc cổ truyền dân tộc chỉ thực sự có tương lai khi có được công chúng trẻ cảm nhận và đem lòng yêu mến”[12].

Đọc Nhà phê bình âm nhạc, anh ở đâu? của Nguyễn Thị Minh Châu, tôi tâm đắc với nội dung của rất nhiều bài viết, bài nào dường như cũng giúp cho tôi: biết rộng hơn, hiểu sâu hơn về một sự kiện, một tác phẩm, một nhạc sĩ mà chị đã vẽ ra bằng những con chữ ấm nhân tình, sáng học thuật.

Tôi cứ ước mơ đến bao giờ ở xứ ta người làm công tác phê bình nghệ thuật được sống đàng hoàng bằng ngòi bút; đến bao giờ ở xứ ta mới có được nhiều người có nghề phê bình âm nhạc chuyên nghiệp như Nguyễn Thị Minh Châu.

Nhưng ước mơ là ước mơ, còn hiện tại chị vẫn là Kẻ độc hành trên con đường phê bình âm nhạc nước nhà.


[1] Nguyễn Thị Minh Châu: Nhà phê bình âm nhạc, anh ở đâu? Viện Âm nhạc, 2018, tr. 117.

[2] Sđd, tr.267.

[3] Giới trẻ là tương lai của chúng ta chứ không phải chúng ta trong tương lai. Sđd, tr.267.

[4] Lá xa cành tình yêu ở lại. Sđd, tr.23.

[5] Âm nhạc Chu Minh từ một góc nhìn. Sđd, tr.218.

[6] Cảm giao với một hồn nhạc. Sđd, tr.39.

[7] Ngẫu hứng cùng Impromptu của Doãn Nho, Sđd, tr.399.

[8] Gian nan nghề quản lý biểu diễn. Sđd, tr.125.

[9] Âm nhạc và nhân cách. Sđd, tr.228. 

[10] Di sản âm nhạc nhìn từ góc độ nhân văn. Sđd, tr.265.

[11] Then với số phận chìm nổi giữa nhân gian. Sđd, tr.281.

[12] Mùa xuân về với hát xoan. Sđd, tr.75.

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.