You are here

Tình ca từ thượng nguồn sông Hồng

Tác giả: 
Ngô Khiêm

Mới đây, trong chuyến đi thực tế sáng tác ở huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai, nhạc sĩ Ngọc Khuê, tác giả ca khúc nổi tiếng “Mùa xuân làng lúa, làng hoa” đã sáng tác ca khúc “Tình ca từ thượng nguồn sông Hồng” trữ tình, da diết: “Màu xanh quê hương từ thượng nguồn dòng sông đưa nước mang phù sa/ Dọc theo con sông là dải lụa hồng tươi phù sa đắp bồi/ Dòng sông quê hương từ ngọn nguồn Lũng Pô A Mú Sung đổ về/ Sông Hồng mang theo bao ký ức của người quê em…”.

Nhạc sĩ Ngọc Khuê chơi đàn Hó Tơ - một nhạc cụ của đồng bào Hà Nhì, Y Tý. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Nhạc sĩ Ngọc Khuê cùng đoàn nhạc sĩ từ Hà Nội (bao gồm Ngọc Khuê, Đức Tân, Ngọc Hòa, Quang Thủy) cùng các nhạc sĩ tại Lào Cai (Phùng Chiến, Kim Hùng) vừa được UBND huyện Bát Xát mời tham dự trại sáng tác ca khúc về huyện nhà. Các nhạc sĩ đã được đi thăm một vòng quanh Bát Xát để cảm nhận hết được vẻ đẹp tuyệt thiên nhiên với hệ sinh thái phong phú, đa dạng, khí hậu trong lành, cùng nhiều cảnh quan thiên nhiên kỳ thú, thuận lợi để phát triển kinh tế du lịch.

Từ thành phố Lào Cai ngược theo dòng chảy của sông Hồng theo hướng Tây Bắc khoảng hơn 30km sẽ chạm chân đến mảnh đất biên giới Trịnh Tường, nơi có đền thờ Mẫu Thượng Ngàn - một trong tứ vị Thánh Mẫu cai quản các vùng khác nhau của nước Việt. Ngôi đền tọa lạc bên bờ hữu ngạn sông Hồng. Đây được coi là cột mốc tâm linh khẳng định và đánh dấu chủ quyền biên cương phía Bắc Tổ quốc.

Ngược lên A Mú Sung - nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt là cột cờ Lũng Pô sừng sững, hiên ngang như người lính yêu nước kiên trung, nghiêm trang, vững chãi, ngày đêm gìn giữ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc. Từ trên cột cờ nhìn xuống, dòng sông Hồng rực đỏ phù sa cuồn cuộn chảy về xuôi mang sức sống của vùng núi cao tiếp ứng cho mùa vụ vùng đồng bằng thêm nặng hạt. Lần đầu tiên được đứng trên đỉnh cao của cột cờ, ngắm nhìn đất nước mình, đoàn nhạc sĩ cảm thấy rất thiêng liêng, cảm xúc khó tả, càng thêm yêu Tổ quốc của mình.

Đoàn nhạc sĩ đến Y Tý thơ mộng với khí hậu mát lành quanh năm và phong cảnh đẹp làm say đắm lòng người. Với đỉnh núi Nhìu Cồ San, Lảo Thẩn bốn mùa sương giăng, mây phủ cùng cánh rừng nguyên sinh bạt ngàn và những thửa ruộng bậc thang đẹp như tranh vẽ trên các sườn núi. Những con đường quanh co, những ngôi nhà trình tường của người Hà Nhì và cả cánh rừng nguyên sinh phủ đầy tuyết trắng khiến vùng đất Y Tý như khoác lên mình chiếc áo đẹp lung linh, huyền ảo, lãng mạn như trời Âu, thu hút du khách khắp mọi miền Tổ quốc tìm đến tham quan.

Người Hà Nhì ở Y Tý có lễ hội Khô già già - đây là nét văn hóa đặc trưng được người Hà Nhì gìn giữ qua nhiều thế hệ, đến nay vẫn tiếp tục được bảo tồn. Nhạc sĩ Ngọc Khuê đã trực tiếp tham dự ngày khai mạc lễ hội, được xem một màn trình diễn của bà con và những nét đặc trưng của đồng bào dân tộc Hà Nhì ở Y Tý. Chính vì vậy, trong ca khúc “Tình ca từ thượng nguồn sông Hồng” có câu: “Về Y Tý, cùng nhau trẩy hội Khô già già, cầu cho mùa vàng bội thu, cho mọi người an bình...”. Rồi “Về Mường Hum, về Thác Tiên như dải lụa/ Anh hãy về Nậm Pung, lê Tai Nung ngọt lắm”...

Nhạc sĩ Ngọc Khuê tại chân cột cờ Lũng Pô. Ảnh: Nhân vật cung cấp

“Cũng rất vui, chúng tôi đến đúng vào dịp khai mạc lễ hội trải nghiệm hái lê ở Nậm Pung, những cô gái xinh đẹp trong trang phục các dân tộc cùng dự thi hái lê. Những trái lê như càng ngọt ngào hơn trên tay những cô gái “mắt sắc như dao cau” - nhạc sĩ Ngọc Khuê kể.

Trong ca khúc, nhạc sĩ Ngọc Khuê đã sử dụng chất liệu dân ca dân tộc Hà Nhì tại Y Tý để sáng tạo trong giai điệu, đặc biệt từ ngay câu đầu tiên của ca khúc: “Màu xanh quê hương từ thượng nguồn dòng sông đưa nước mang phù sa, dọc theo con sông...”.

Đây là nguyên xi âm điệu một bài dân ca Hà Nhì, rồi từ đó, ông phát triển thành ca khúc, cho nên khi ta nghe cả bài cũng đều mang âm điệu dân ca của miền quê Bát Xát. Sau khi bài hát được phối khí, thu âm và phát sóng trên kênh Youtube qua tiếng hát của ca sĩ Thanh Huyền, đã có rất nhiều người của quê hương Bát Xát chia sẻ và được mọi người bước đầu yêu thích.

Nhạc sĩ Phùng Chiến - tác giả của ca khúc nổi tiếng “Sa Pa nơi gặp gỡ đất trời” khi nghe xong ca khúc đã hóm hỉnh nhận xét: “Nhạc sĩ Hà Nội có khác, giai điệu hay, lời đẹp, phối đệm càng hay, ca sĩ còn rất tuyệt vời nữa”!

Sau chuyến công tác Y Tý và thành quả ngọt ngào gặt hái được là ca khúc “Tình ca từ thượng nguồn sông Hồng”, nhạc sĩ Ngọc Khuê tâm sự: “Trước nay tôi chỉ nghe nói về Y Tý, mà chưa một lần đến, được cảm nhận một vùng đất tươi đẹp, nơi đồng bào các dân tộc đoàn kết, mến khách, phong phú về tiềm năng, sức sống và ý chí, khát vọng cùng xây dựng quê hương. Tôi tin rằng, tất cả những điều cảm nhận được sẽ giúp chúng tôi hiểu thêm, yêu thêm con người và mảnh đất Bát Xát tươi đẹp. Một trong những động lực để Bát Xát “không còn ngủ yên” chính là nhờ sự khai thác, khám phá qua góc nhìn của các nhạc sĩ để cho công chúng xa gần thêm hiểu hơn về mảnh đất và con người cụ thể”.

Đường link bài hát trên Youtube: https://www.youtube.com/watch?v=DsS-WEpLPFs&t=2s

(Nguồn: https://www.bienphong.com.vn/)

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.