Tình ca Tây Bắc

Tác giả: 
Bùi Đức Hạnh (thơ: Cầm Giang)
Thông tin thêm về Tác giả: 

 

BÙI ĐỨC HẠNH

 

Ông sinh ngày 8 tháng 7 năm 1934. Quê ở Câu Tử, Hợp thành, Thủy Nguyên, Hải Phòng. Nguyên là Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam, nguyên là ủy viên Ban Chấp hành Hội Nghệ sĩ Sân khấu nhiều khóa.

 

Nhạc sĩ Bùi Đức Hạnh

 

SỰ NGHIỆP

 

Từ năm 1952, ông là diễn viên hát kiêm nhạc công đoàn Văn công Trung ương chiến khu Việt Bắc. Năm 1957, tham gia xây dựng đoàn Ca Múa khu tự trị Thái – Mèo. Sáng tác đầu tay nổi tiếng của ông Tình ca Tây Bắc cũng ra đời từ đó. Năm 1959, ông về nghiên cứu âm nhạc tại Vụ Nghệ thuật. Sau đó về học Đại học Sáng tác Nhạc viện Hà Nội từ 1964 đến 1968. Năm 1992 làm Giám đốc Chỉ đạo nghệ thuật Nhà hát Chèo.

 

SÁNG TÁC

  • Ông viết nhạc cho gần 100 vở chèo, múa rối, cải lương và cả nhạc phim, ông đã sưu tầm hơn 100 làn điệu chèo cổ, viết nhiều công trình nghiên cứu về nhạc chèo.
  • Ông là đạo diễn của 15 vở Chèo của Nhà hát Chèo và một số đoàn Chèo địa phương. Trong hàng ngũ nhạc sĩ, ông là một trong rất ít người đã gắn bó với nhạc Chèo và có nhiều đóng góp nghiên cứu có giá trị.

KHEN THƯỞNG

  • Huy chương Vàng về một số vở Chèo năm 1960, 1970, 1985, 1995.
  • Huy chương Kháng chiến chống Pháp (1954),
  • Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất (1978),
  • Huy chương Chiến sĩ văn hóa (1976),
  • Huy chương Vì sự nghiệp Âm nhạc Việt Nam.
  • Giải thưởng Nhà nước về văn học – nghệ thuật năm 2012.
  • Danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú.
Thể hiện: 
Kiều Hưng - Bích Liên
Thông tin thêm: 

 

KIỀU HƯNG - BÍCH LIÊN

 

Ca khúc "Tình ca Tây Bắc" của nhạc sĩ Bùi Đức Hạnh, phỏng theo ý thơ của nhà thơ Cầm Giang, do hai NSUT Kiều Hưng và Bích Liên trình bày.

 

Ca sĩ Kiều Hưng

 

KIỀU HƯNG

 

Kiều Hưng, tên đầy đủ là Kiều Tất Hưng, sinh năm 1937 tại làng Thường Xuyên, bên bờ sông Nhuệ, thuộc huyện Phú Xuyên, tỉnh Hà Đông (nay thuộc Hà Nội) trong một gia đình địa chủ. Thuở nhỏ, cha mất sớm, ông được anh nuôi dưỡng. Đến tuổi thiếu niên, gia đình đưa ông ra Hà Nội. Ông có dự thi vào khóa thanh nhạc đầu tiên của Nhạc viện Hà Nội, mặc dù được giám khảo khen ngợi nhưng không được nhận vào trường. Sau đó, ông được nhận vào làm hợp xướng viên của Đoàn Ca múa nhạc Trung ương. Ca khúc đơn ca được ghi âm đầu tiên của Kiều Hưng là bản Bài ca trên núi-một sáng tác của nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương, trong bộ phim Vợ chồng A Phủ (1961). Ông cũng trở thành nghệ sĩ hát đơn ca từ đó. Từ năm 1968 đến năm 1972, Kiều Hưng được cử đi học tại Nhạc viện Kiev (Liên Xô cũ nay thuộc Ucraina), Ông đã tốt nghiệp năm 1972, đồng thời và có cùng thầy dạy với Nghệ sĩ Nhân dân Trung Kiên. Ông cũng đã từng là thực tập sinh thanh nhạc tại Đại học Văn hóa Maxcva (Nga, khi đó còn thuộc Liên Xô) vào năm 1991. Ông đã từng tham gia giảng dạy tại Khoa Thanh nhạc-Nhạc viện Hà Nội và lớp Đại học Thanh nhạc Dân tộc của trường Nghệ thuật Sân khấu 2 tại thành phố Hồ Chí Minh. Trong số học trò của ông có các nghệ sĩ như Mạnh Hưng, Tiến Hỷ sau này cũng được Nhà nước tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú. Ông vào sống tại thành phố Hồ Chí Minh khoảng năm 1988. Năm 1991, ông sang sống tại Nga. Từ năm 1995, ông sống tại Đức. Ông có ý định trở về Việt Nam và thực hiện một số dự định về ca hát của mình.

 

BÍCH LIÊN

 

Nghệ sĩ Ưu tú Bích Liên tên khai sinh là Nguyễn Bích Liên, sinh ngày 14 tháng 7 năm 1944 tại Thường Tín, Hà Tây. Hiện nghỉ hưu và cư trú tại Thành phố Hồ Chí Minh.

 

Bích Liên tốt nghiệp Khoa Thanh nhạc Nhạc viện Hà Nội và công tác tại Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam. Những năm Kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giọng hát Bích Liên với những ca khúc: Về đây với đường tàu (Lưu Cầu), Chào anh Giải phóng quân - chào mùa xuân đại thắng (Hoàng Vân)…, đặc biệt Người là niềm tin tất thắng (Chu Minh) đã gây ấn tượng sâu sắc trong nước và quốc tế.

 

Bích Liên là nghệ sĩ đơn ca xuất sắc, là giọng ca vàng được rất nhiều người mến mộ, và vẫn còn dư âm sâu sắc trong lòng đông đảo thính giả của một thời khói lửa. Bà được tặng danh hiệu cao quý Nghệ sĩ Ưu tú (1984).

0:00
0:00
ca khúc: 

 

TÌNH CA TÂY BẮC

 

Trong cuộc đời, có những bài hát tôi nhớ rất rõ mình biết nó từ khi nào, trong hoàn cảnh nào. Nhưng lại có bài không thể nhớ, chỉ biết đã thuộc từ lâu, cứ như là sinh ra đã có, rồi chẳng biết ngấm vào tâm hồn mình từ lúc nào. Bài Tình ca Tây Bắc của Bùi Đức Hạnh là trường hợp như thế.

 

 

Nhớ lại những năm cuối thập niên 50, đầu thập niên 60 của thế kỷ trước, bài hát này là một trong những bài rất nổi tiếng. Tôi khi ấy còn là một cậu thiếu nhi, nhưng lại rất thích hát những bài dành cho người lớn. Và tôi đã sớm thuộc rồi say mê bài này. Khi ấy, tôi chỉ biết thích nghe, thích hát. Sau này, khi lớn lên mới cảm nhận được vẻ đẹp, sức quyến rũ cuả Tình ca Tây Bắc. Nghe bài hát, bất cứ ai chưa đặt chân đến Tây Bắc cũng có thể hình dung được cảnh sắc sinh động, độc đáo, nên thơ của mảnh đất vùng cao này.

 

"Rừng cây xanh lá muôn đoá hoa mai mừng đón xuân về/ Vui trong nắng vàng từng đàn bướm trắng bay khắp rừng hoa/ Ngập ngừng bên suối nước reo quanh mình như muôn tiếng đàn/ Bâng khuâng nỗi lòng nhịp sáo ai đưa khúc ca rộn vang...".

 

Đó là toàn bộ đoạn A- cũng là đoạn mở đầu của bài hát. Bằng tiết tấu dàn trải với 4 câu nhạc tương đối dài, phần này như những nét chấm phá đầu tiên trong một bức tranh thuỷ mặc hấp dẫn. Ngòi bút cuả tác giả quả là khá tinh tế trong việc cảm nhận và miêu tả mùa xuân ở vùng rừng núi Tây Bắc.

 

Bài hát này, nhạc sĩ Bùi Đức Hạnh phổ nhạc cùng với ca từ do ông phỏng thơ của Cầm Giang, nhưng cái đoạn mở đầu trên thì do ông viết. Không biết có phải từ sự ngưỡng mộ tài năng của bậc đại danh tiền bối hay không mà người nghe thấy rõ có sự ảnh hưởng cụ thể trong cách quan sát và miêu tả thiên nhiên. Nhưng thật thú vị, đoạn mở đầu lại được nhạc sĩ viết ra sau, còn bắt đầu đặt bút, ông đã nảy ra những nét nhạc đầu tiên từ việc cảm thụ câu thơ của Cầm Giang: "Em là dòng sông Mã. Anh là suối Mường Hum/ Cho thuyền em ngược dòng, gió đưa em về núi". Đó chính là những câu dẫn vào đoạn B của bài hát với tiết tấu được giãn ra, dàn trải hơn cả đoạn. Sau khi viết đến hết bài hát, tác giả cảm thấy bắt đầu ca khúc không thể "em là dòng sông Mã..." như trên, nghe không ổn. Vậy nên ông đã viết phần đầu với lời ca như ta đã từng thấy (Rừng cây xanh lá...).

 

Về sự ra đời của bài hát, tác giả kể: Năm 1957, khi ấy ông là diễn viên hát của Đoàn ca múa nhân dân Trung ương (nay là Nhà hát ca múa nhạc Việt Nam). Tự thấy mình có giọng hát chỉ rất bình thường, không phải là sô lít (đơn ca) như Quốc Hương, chàng diễn viên hát tốp ca nảy ý định chuyển nghề, sáng tác hoặc nghiên cứu âm nhạc và đề xuất với lãnh đạo lên Hoà Bình một thời gian để sưu tầm, nghiên cứu dân ca. Được chấp thuận, Bùi Đức Hạnh khăn gói lên đường. Đến Hoà Bình, ông đọc được bài thơ cuả tác giả Cầm Giang có nhan đề Em là dòng sông mã, anh là suối Mường Hum, in trên báo. Thấy bài thơ giàu yếu tố nhạc điệu, nhiều câu hay, đồng cảm, ông bèn nảy ý định sẽ phổ nhạc thành bài hát. Nhưng bài thơ dài những 64 câu, không thể phổ nguyên xi nên ông quyết định chỉ phỏng thơ để tạo thành tác phẩm âm nhạc. Tuy nhiên, những câu thơ ông tâm đắc nhất đã được giữ để thành lời ca cuả bài hát: "Em hãy về bên suối, đợi anh ở bên khuông/ Anh làm no lòng mường, em làm vui ấm bản" và "Anh là rừng xanh thắm, em là suối ngàn sâu/ Cây rừng anh làm cầu, vắt ngang qua dòng suối/ Khi nắng mùa xuân tới, rừng anh in bóng suối em...".

 

Với một bài thơ rất dài như vậy, Bùi Đức Hạnh đã tạo ra một ca khúc ở thể 3 đoạn, có sự thống nhất hài hoà, quả là một việc khó khăn (ca khúc ở thể 3 đoạn thường khó viết, nếu không khéo dễ bị "đầu Ngô mình Sở", không bảo đảm được tính lô gíc hài hoà của giai điệu trong quá trình phát triển). Tác giả cũng tiết lộ rằng: khi viết Tình ca Tây Bắc, ông hoàn toàn chỉ là nghiệp dư về sáng tác với chút ít hiểu biết về nhạc lý, mới chỉ võ vẽ ký xướng âm vì là diễn viên đứng trong tốp ca, không hát được đơn ca. Vậy mà ngay từ sáng tác đầu tay, ông đã cho ra được một tác phẩm để đời, lộ rõ một tài năng đặc biệt trong lĩnh vực phổ thơ. Rất thật thà, ông kể: Sau khi hoàn thành bài hát, ông có đưa cho nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương, khi ấy là Trưởng đoàn Ca múa nhân dân Trung ương ("sếp" của ông) xem. Lúc này Nguyễn Văn Thương đã rất nổi tiếng với Đêm đông, Bình Trị Thiên khói lửa. Ông vừa là cấp trên, vừa là bậc thầy nên Bùi Đức Hạnh muốn được ông chỉ bảo, góp ý cho tác phẩm. Nguyễn Văn Thương đã khen nhưng lại nói: Bùi Đức Hạnh sửa đoạn B (từ chỗ "em là dòng sông Mã" đến hết "em làm vui ấm bản") theo hướng cho giãn tiết tấu hơn so với đoạn A, bởi nếu không sẽ không nổi rõ thể 3 đoạn, sẽ khiến người nghe thấy đoạn A bị kéo dài quá sẽ bị nhàm. Tác giả đã nghe theo và hôm nay ông vẫn còn biết ơn mãi việc này. Ông nói: "Không có Nguyễn Văn Thương góp ý, bài hát sẽ không thể có số phận tốt đẹp như đã có. Tôi mãi mãi nhớ ơn ông." Quả là một tấm lòng, một tình cảm, ân nghĩa đối với người tiền bối đã quá cố.

 

Khi tôi hỏi Bùi Đức Hạnh về sự quá nổi tiếng của Tình ca Tây Bắc, rằng tác giả có bỏ công sức đi tuyên truyền, dàn dựng, phổ biến tác phẩm ở nhiều nơi không thì ông cho biết: Sau khi hoàn chỉnh bài hát, ông gửi đến Ban âm nhạc, Đài tiếng nói Việt nam. Ông gửi vậy nhưng cũng không tin là bài được sử dụng, vì lúc ấy chỉ là một anh diễn viên hát tốp ca, còn vô danh, khó được người ta để ý. Không ngờ, khi trở lại Hoà Bình chỉ sau đó ít ngày, ông thấy tác phẩm của mình được vang trên làn sóng và nhanh chóng lan truyền. Lãnh đạo khu vực Tây Bắc khi ấy đã coi ca khúc này là bài hát chính thức, là "khu ca" (như Quốc ca, tỉnh ca). Về sau bài hát được nhiều đoàn văn công dàn dựng biểu diễn khắp nơi ở trong nước và cả ở nước ngoài. Bài hát này đã được rất nhiều nghệ sĩ biểu diễn, trong đó phải kể đến cặp song ca Bích Liên - Kiều Hưng từng gây được ấn tượng đặc biệt. Chất giọng trong sáng, giọng hát long lanh như sương của Bích Liên hoà quyện vào chất giọng ngọt ngào, đằm thắm của Kiều Hưng đã lột tả được hết vẻ đẹp kiều diễm cuả Tình ca Tây Bắc. Nghe kỹ bài hát qua sự thể hiện cuả 2 nghệ sĩ trên, người nghe thấy có cái gì đó vừa náo nức lại bâng khuâng, vừa xốn xang lại bịn rịn, vừa rộn rã, muốn vút lên lại như thâm trầm, lắng đọng... Rất nhiều cảm giác tâm trạng hoà trộn mà nhạc sĩ đã tạo dựng được trong giai điệu đầy sức tìm tòi, sáng tạo.

 

Điều thú vị nữa là bài hát không dựa hẳn vào một làn điệu dân ca nào của Tây Bắc, nhưng nổi rất rõ phong vị âm nhạc của xứ sở này, không thể lẫn lộn với Việt Bắc hoặc bất cứ địa phương nào. Chất xoè Thái chỉ loáng thoáng xuất hiện ở đoạn C (có tiết tấu 6/8). Đây thực sự là một ca khúc đáng để cho những người mới cầm bút sáng tác có thể khai thác, học tập được rất nhiều điều về phương pháp tìm tòi, sáng tạo giai điệu, bố cục tác phẩm, đặc biệt là về nghệ thuật phổ thơ.

 

Đã hơn 50 năm trôi qua, Tình ca Tây Bắc vẫn là bài hát hay nhất về Tây Bắc và là một trong những bài hát đặc sắc viết về muà xuân, về quê hương, đất nước. Riêng nhạc sĩ Bùi Đức Hạnh đã có được một sản phẩm tinh thần vô giá khó gì có thể so sánh. Sau này, ông trở thành nổi tiếng trong làng chèo với rất nhiều thành tựu về quản lý và sáng tác ở lĩnh vực này. Nhưng chỉ với Tình ca Tây Bắc thôi, tên tuổi ông đã không thua kém bất cứ nhạc sĩ nổi danh nào trong lĩnh vực sáng tác ca khúc.

 

Kiều Thẩm

(Nguồn: Tạp chí Hướng nghiệp)

Bản nhạc (dạng ảnh): 

 

Tình ca Tây Bắc

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.
3 + 1 =