You are here

Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng văn học nghệ thuật nước nhà (Tiếp theo và hết)

Tác giả: 
PGS, TS Nguyễn Thanh Tú
AttachmentSize
Image icon 782018huyen6.jpg68.31 KB

 Nghị quyết số 23 của Bộ Chính trị nêu rõ: “Văn học, nghệ thuật Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế phải phát triển toàn diện và mạnh mẽ, thấm nhuần sâu sắc tinh thần nhân văn, dân chủ.

Phấn đấu sáng tác nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao, có tác dụng to lớn xây dựng con người; vừa có tác dụng định hướng, vừa đáp ứng nhu cầu văn hóa-tinh thần ngày càng cao của nhân dân. Phát triển sâu rộng văn nghệ quần chúng, đồng thời với tập trung xây dựng, phát triển văn học, nghệ thuật chuyên nghiệp. Trên cơ sở giữ gìn, phát triển, phát huy những giá trị của văn học, nghệ thuật dân tộc, tiếp tục mở rộng hợp tác quốc tế, tiếp thu có chọn lọc các giá trị nhân văn, khoa học, tiến bộ của nước ngoài”.

Cần thấm nhuần quan điểm đó để tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng toàn diện văn học nghệ thuật (VHNT) nước nhà trong tình hình mới.     

Một buổi biểu diễn của các chiến sĩ-nghệ sĩ quân nhạc, Đoàn Nghi lễ Quân đội (Bộ Tổng Tham mưu). Ảnh: LINH LAN.

Hòa nhịp vào sự phát triển của đất nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng, VHNT đang mạnh mẽ đổi mới để xứng đáng với niềm kỳ vọng của nhân dân. Đổi mới là tiếp thu cái tích cực, tiến bộ, loại bỏ cái lỗi thời, lạc hậu, còn là làm sâu sắc thêm các nguyên lý, các quy luật... VHNT là lĩnh vực tinh thần, tư tưởng, vận động theo quy luật của tình cảm nên đổi mới về quan niệm luôn được quan tâm hàng đầu. Văn nghệ sĩ sáng tạo dưới ánh sáng nào, với sự thúc đẩy của động lực nào là cực kỳ quan trọng. Các văn hào lớn trên thế giới hoặc có tuyên ngôn riêng hoặc ẩn chìm trong tác phẩm đều có quan niệm về mục đích sáng tác (vì ai, cho ai), về chức năng (để làm gì), về phương pháp sáng tạo (hướng viết, cách viết)... Cho nên, rất cần tôn trọng sự tự do sáng tạo nhưng phải đặc biệt quan tâm việc bồi dưỡng tư tưởng chính trị, quan điểm, lập trường cho văn nghệ sĩ.

Trong quá trình rèn luyện phấn đấu, tư tưởng chính trị sẽ chuyển hóa thành tư tưởng thẩm mỹ hoặc bổ sung, tương tác, giúp đỡ nhau và nhiều trường hợp chúng đồng nhất, hài hòa. Sáng tạo theo quan điểm của Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là sáng tạo theo tinh thần nhân văn, tiến bộ, hoàn toàn hợp với quy luật tư tưởng và tình cảm của nghệ thuật. Tình cảm đúng đắn nhất, chân lý nhất là tự do sáng tạo với mục đích vì con người, vì nước, vì dân, vì chủ nghĩa xã hội, độc lập dân tộc, dân chủ, giàu mạnh, văn minh. Trong quá khứ, cha ông ta để lại những tác phẩm thực sự lớn lao về tầm vóc ý nghĩa, mang giá trị văn hóa đặc sắc, đó là trước tác của Nguyễn Trãi, là thơ Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Cao Bá Quát… Thơ văn Hồ Chí Minh có tác phẩm được xếp vào hàng “bảo vật quốc gia”. Giải thưởng Hồ Chí Minh trao cho các tác giả có đóng góp lớn lao trong hai cuộc kháng chiến cũng khẳng định những tác phẩm để đời, sống mãi của họ.

Bản chất nghệ thuật là đa dạng, là nhiều tiếng nói, nhiều màu sắc nên cần khuyến khích nghệ sĩ đa dạng hóa phương pháp sáng tác, phong phú, sinh động hóa các hình thức biểu hiện. Sứ mệnh của văn nghệ sĩ là sáng tạo ra tác phẩm-một “cuộc sống thứ hai”. Tác phẩm thoát thai từ đời sống thực nhưng chỉ là mô hình của đời sống chứ không phải bản thân đời sống. Tùy theo quan niệm, tài năng, tâm lực mà văn nghệ sĩ sáng tạo ra những mô hình (tác phẩm) có khi vụng về nhái lại (tức phản ánh đơn giản một chiều), có khi tinh tế làm mới, làm đẹp hoặc làm xấu… so với mô hình gốc. Càng nhiều tài năng mới, cách làm mới sẽ có nhiều mô hình giá trị mới. Trong hội nhập văn hóa nếu mỗi dân tộc không có cái riêng bản sắc thì thật khó để đối thoại. Trong VHNT nếu không có nét riêng thì không thể gọi là tác phẩm. Triết học văn hóa còn nâng nét riêng, cái khác thành một thứ mỹ học, “mỹ học của cái khác”. Thế nên rất cần những cá tính sáng tạo, khuyến khích những tìm tòi, thử nghiệm mới đi theo quy luật sáng tạo nhân văn, tiến bộ, cách mạng.

Vai trò lãnh đạo của các hội chuyên ngành VHNT rất quan trọng, nhất là tài năng tổ chức. Không chỉ là tổ chức trao đổi, gặp gỡ, thăm hỏi, cơ bản hơn là tổ chức ra các khuynh hướng, các trường phái sáng tạo phù hợp với sự phát triển của đất nước. Vì vậy, cần khuyến khích, đầu tư sáng tạo các đề tài chính nằm trong dòng chủ lưu là chủ nghĩa yêu nước, là tinh thần dân tộc... Đó có thể là đề tài chiến tranh cách mạng và lực lượng vũ trang; đề tài trí thức trong cuộc cách mạng công nghệ; đề tài nông dân, nông thôn; đề tài bảo vệ biển đảo, biên cương… Các trại sáng tác nên tổ chức những đợt tập trung theo loại hình, chung chủ đề tạo điều kiện các văn nghệ sĩ dễ dàng hơn trong việc học tập, trao đổi, giúp đỡ lẫn nhau.

Hiện nay, các triết học trên thế giới đang rất đề cao chủ thể, vấn đề “mỹ học chủ thể” được nói đến nhiều, vì đó là vấn đề mang tính quyết định, trong VHNT càng rõ. Nghệ thuật là cái riêng, đơn nhất nên luôn cần đến tài năng. Phát hiện, bồi dưỡng tài năng thế nào cùng chương trình, nội dung đào tạo về tri thức, kinh nghiệm, vốn sống ra sao cần được quan tâm thỏa đáng. Vốn sống không chỉ là sự trải nghiệm trong một địa phương, ngành nghề mà phải vươn ra khắp mọi miền Tổ quốc, nơi Trường Sa sóng vỗ, nơi biên giới ngàn trùng. Cần có những cách tổ chức phù hợp để tạo điều kiện cho các văn nghệ sĩ được sống, hít thở, đập cùng nhịp đập trái tim của Tổ quốc ở mọi lúc, mọi nơi.

Tiếp tục đổi mới, nâng cao năng lực, trình độ lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với VHNT. Vì là lĩnh vực đặc biệt tinh tế của văn hóa nên không thể lãnh đạo theo lối áp đặt, mất dân chủ mà theo cơ chế đặc thù, động viên khuyến khích nhưng cũng tránh buông lỏng, thả nổi. Cần sớm việc luật hóa xuất bản, thể chế hóa dưới luật một cách cụ thể về trách nhiệm để tránh đăng tải những văn hóa phẩm kém về chất lượng, lệch lạc về tư tưởng.

Tăng cường hơn nữa sự định hướng của các cơ quan quản lý (cục, vụ, hội đồng) và tiếng nói chuyên môn, chuyên gia cao (viện, trường đại học). Những nơi đó đóng vai trò vừa là cánh tay nối dài của Đảng vừa là ngôi nhà chung, là điểm tựa của văn nghệ sĩ về tư tưởng, tình cảm, nghiệp vụ, đồng thời là sự khẳng định có trọng lượng học thuật cao nhất về các hiện tượng. Như một lẽ tự nhiên, VHNT phải có người đọc/xem nên nhiều nước phát triển có chiến lược bồi dưỡng các thế hệ độc giả/khán giả đi cùng với việc quảng bá các sản phẩm. Dù chúng ta đi sau nhưng đó là việc cần làm, làm bài bản, khoa học, vì mục tiêu lâu dài trên cơ sở phân tích, khảo sát một cách hệ thống thị hiếu và tâm lý tiếp nhận, nhất là ở thế hệ trẻ.

Bên cạnh việc tiếp thu lý luận văn nghệ thế giới, cơ bản hơn cần có chiến lược nghiên cứu tiếp thu, kế thừa, phát triển lý luận văn nghệ của cha ông. Về điểm này, tư tưởng Bác Hồ thật sâu sắc: “Muốn thấy hết cái hay, cái đẹp của nghệ thuật dân tộc ta, thì phải đừng bị trói buộc bởi những tiêu chuẩn này nọ của nghệ thuật phương Tây… phải dựa trên tiêu chuẩn của ta. Tiêu chuẩn ấy là gì? Đó là nền mỹ học ẩn chứa trong thực tiễn truyền thống nghệ thuật dân gian, dân tộc”. Chúng ta đang cố gắng làm giàu thêm lý luận VHNT bằng cách tiếp thu cái hợp lý của lý luận nước ngoài. Đấy là một hướng đi đúng. Nhưng song hành với hướng đó là đi sâu vào vốn cổ của ta để tìm tinh hoa lý luận truyền thống cha ông mà kế thừa, phát triển, nâng cao cho phù hợp với hôm nay.

Nguồn: http://www.qdnd.vn  

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.