You are here

Thị trường nhạc số (kỳ 1): Từ sự thoái trào của nhacso.net

Tác giả: 
Nguyên Minh
AttachmentSize
Image icon nhacsonet.jpg76.04 KB

Việc trang nghe nhạc trực tuyến nhacso.net tuyên bố đóng cửa hôm 4/10 không làm nhiều người quá bất ngờ. 11 năm tồn tại, từ vị trí "lá cờ đầu", trang web này tới lúc phải rút lui khi thị trường nhạc số có những bước phát triển chóng mặt.

1. Cần biết rằng, chỉ cách đây 3 năm, theo khảo sát của Google AD Planner thì nhacso.net vẫn còn đến 10% thị phần người nghe nhạc trực tuyến tại Việt Nam. Database (cơ sở dữ liệu) của trang này cũng ngang ngửa so với Zing Mp3 và Nhaccuatui và tiền bản quyền mà họ phải trả cũng là tương đương.

Hơn 10 năm trước, khi ra mắt vào tháng 6/2005, nhacso.net nhanh chóng trở thành website âm nhạc trực tuyến hàng đầu tại Việt Nam. Hầu như tất cả các ca sĩ, album lớn nhỏ đều có thể dễ dàng tìm kiếm trên trang âm nhạc trực tuyến này.

Thời điểm đó, cũng có rất nhiều trang nghe nhạc được mở ra, nhưng nhacso.net vẫn luôn là lựa chọn đầu tiên của người dùng mạng. Đã có thời nó đem lại nguồn thu to lớn cho cơ quan chủ quản là FPT Telecom.


Trang chủ nhacso.net giờ không còn tồn tại từ 4/10/2016, kết thúc hơn một thập
kỷ tồn tại trên thị trường nhạc số Việt Nam

Nhưng trên đà thắng lợi ấy, nhạcso.net đã chủ quan và nhanh chóng bị hụt hơi. Các đối thủ số khủng khiếp như Zing hay nhaccuatui ra đời cùng hệ thống cơ sở dữ liệu phong phú và  mau chóng “công phá” thị phần người dùng.

Một trong những lí do chính mà nhacso.net đóng cửa, theo nhiều người, là vì không đủ kinh phí để duy trì, trong khi vốn bỏ ra cũng tương đương với những ông lớn khác. Chỉ cần một bài toán nhỏ cũng sẽ thấy rõ vì sao nhacso.net không chống đỡ nổi những cơn bão của các đối thủ nặng ký.

Theo nghiên cứu của Google AD Planner thì hiện Zing Mp3 đang chiếm 50% thị phần người dùng, tiếp đến là Nhaccuatui, 2 gã khổng lồ nghe nhạc trực tuyến hiện nay. Trong khi đó, cơ sở dữ liệu của cả Zing, Nhaccuatui lẫn nhacso là đều gần như nhau. Với thị phần như thế, rõ ràng nhacso sẽ không thể nào duy trì sức mạnh đường dài, từ chi phí bản quyền, nhân sự và hạ tầng.

Và thực tế, thị trường nhạc số ở Việt Nam sống chủ yếu bằng quảng cáo và quảng cáo quyết định sự sống còn của một trang nghe nhạc trực tuyến chứ không phải là từ tiền thu phí bài hát. Và cái chết của nhacso.net là do không đủ doanh thu để duy trì, trong khi vốn bỏ ra cũng tương đương với những ông lớn khác.

2. Cần nói thêm, theo nhiều người, thị trường nhạc số phụ thuộc nhiều vào sự thay đổi cách thức nghe nhạc của người dùng. Chẳng hạn trước đây, người dùng sử dụng máy tính để bàn, laptop để nghe nhạc là chủ yếu. Còn bây giờ, máy tính bảng hay điện thoại thông minh được ưa chuộng. 

Điều này càng ngày càng trở thành một xu hướng chính, quyết định lượng view của một trang nghe nhạc trực tuyến. Mà muốn thế, các trang nghe nhạc phải xây dựng được application (phần mềm ứng dụng) để tạo sự đơn giản cho người dùng.

Nhaccuatui, Zing đã làm điều này từ khá lâu, trong khi đó, nhacso.net phải đến 2015 mới tung ra ứng dụng cho di động và điều đó lại càng làm cho họ chậm chân.

Còn chưa kể, cách đây vài năm nhacso.net liên minh cùng Nhaccuatui và 1 số trang khác lập ra Sky Music với mong muốn trở thành một thế lực nhạc số, trở thành một cầu nối vững chắc giúp ca sĩ đến gần hơn với công chúng, hay nói khác đi, liên minh này lập ra để đối đầu với Zing Mp3.

Đến giờ này Sky Music vẫn còn chưa phát triển như mong muốn, dù rằng đã có những tiến bộ đáng kể về bản quyền. Trong khi đó thị trường ngày càng phát triển còn nhacso.net thì đã biến mất.

Nhưng, việc nhacso.net mất khỏi bản đồ nhạc số tại Việt Nam có làm các ông lớn vui mừng? Chưa hẳn vậy.

(Còn tiếp)

(Nguồn: http://thethaovanhoa.vn)

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.