You are here

Thành lập Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tỉnh Lạng Sơn

Tác giả: 
Thanh Nhã

Ngày 7 tháng 12 năm 2018, tại trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Lạng Sơn, Hội Nhạc sĩ Việt Nam và Ban vận động thành lập Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tỉnh Lang Sơn đã phối hợp tổ chức Đại hội Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tỉnh Lạng Sơn lần thứ I, nhằm đề ra mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ cho nhiệm kỳ 2018 – 2023, bầu Ban Chấp hành Chi hội.

Đến dự có: ông Tô Hùng Khoa - Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Lạng Sơn; ông Nông Văn Thản - Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; ông Phan Văn Hòa – Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch; ông La Ngọc Nhung – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Lạng Sơn; ông Hoàng Quang Độ - Phó Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Lạng Sơn; bà Bế Kim Dung – Hiệu trưởng Trường Trung cấp Văn hóa nghệ thuật tỉnh Lạng Sơn; NSƯT Triệu Thủy Tiên – Phó Chủ tịch Hội Bảo tồn Dân ca tỉnh Lạng Sơn; các nhạc sĩ, nghệ sĩ hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc tỉnh Lạng Sơn, đại diện lãnh đạo Đoàn Nghệ thuật Ca múa kịch tỉnh Lạng Sơn, Nhà văn hóa Thanh Niên; Đài phát thanh Truyền hình, các chi hội chuyên ngành trong Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Lạng Sơn…

Về phía Hội Nhạc sĩ Việt Nam có: PGS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân – Chủ tịch Hội; nhạc sĩ Đức Trịnh - Phó Chủ tịch thường trực Hội; nhà Lý luận phê bình Nguyễn Thị Minh Châu – Phó Chủ tịch Hội; nhạc sĩ Vũ Duy Cương - Ủy viên BCH phụ trách khu vực phía Bắc; nghệ sĩ Nguyễn Trí Dũng – Giám đốc Dàn nhạc Giao hưởng quốc gia Việt Nam…

Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tỉnh Lạng Sơn hiện nay có 7 hội viên thuộc các chuyên ngành Sáng tác và Biểu diễn, trong đó có 4 hội viên là người dân tộc thiểu số (Tày, Nùng, Sán Chỉ). Các hội viên đang công tác tại nhiều cơ quan, đơn vị chuyên môn khác nhau, nhưng đều đam mê nhiệt huyết với âm nhạc, có tinh thần tự giác rèn luyện không ngừng học tập để nâng cao trình độ năng lực sáng tác, biểu diễn.

Trong những năm qua, các nhạc sĩ, nghệ sĩ của Lạng Sơn mặc dù chưa có Chi hội riêng, hoạt động trong Chi hội Âm nhạc và Sân khấu thuộc Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Lạng Sơn, nhưng đã có nhiều đóng góp vào hoạt động âm nhạc trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, đáp ứng nhu cầu phát triển văn hóa xã hội, các yêu cầu nhiệm vụ chính trị của tỉnh, phục vụ tốt công tác tuyên truyền, giáo dục tư tưởng, công tác quảng bá tuyên truyền về quê hương, đất nước, con người Xứ Lạng; tham gia sáng tác, dàn dựng biểu diễn các chương trình nghệ thuật như: Cuộc vận động sáng tác và quảng bá các tác phẩm văn học nghệ thuật báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, phục vụ các lễ hội của các địa phương trong và ngoài tỉnh, tham gia các cuộc liên hoan, hội thi nghệ thuật chuyên nghiệp, nghệ thuật quần chúng đạt được nhiều kết quả tốt; tham gia các hoạt động sáng tác, biểu diễn do Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Lạng Sơn tổ chức; tham gia đầy đủ các hoạt động của Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức, các Liên hoan âm nhạc khu vực phía Bắc, Giải thưởng hàng năm của Hội…

Các thành viên của Chi hội tham gia tích cực các hoạt động âm nhạc và đã đạt được nhiều thành tích tốt:

* Nhạc sĩ Vi Tơ, đã xuất bản 2 tập ca khúc “Vẫn đợi anh về” và “Bảy dòng suối hát”, đã đạt được các giải thưởng: 4 Giải thưởng Hoàng Văn Thụ với các ca khúc “Ngoan nhất nhà”, “Mùa xuân mùa hoa đào”, “Bảy dòng suối hát”, “Hoàng hôn trên bản”; Giải C Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam với ca khúc “Bên tượng đài tôi hát mãi tên anh”, Giải C Hội Nhạc sĩ Việt Nam với ca khúc “Một thoáng vùng cao”…

* Nhạc sĩ Đinh Quang Trung đã tham gia sáng tác các tác phẩm khí nhạc, nhạc múa và ca khúc, hòa âm phối khí cho các chương trình nghệ thuật của tỉnh. Các tác phẩm tiêu biểu như: ca khúc “Về thăm Xứ Lạng”, “Thương nhớ Ngọn Nguồn”, “Nơi đó có em”, “Ngọn lửa đêm đông”, tác phẩm khí nhạc cho múa “Chọn bạn”, “Lời ru bên khung cửi”, đã đạt được các giải thưởng: 2 Huy chương Vàng Hội diễn toàn quốc với tác phẩm nhạc múa “Khẩu Mùa Nà” và “Tổng Báo Slao”, Huy chương Bạc Hội diễn toàn quốc với tác phẩm “Mừng lúa mới”…

* Nhạc sĩ Trịnh Tiến đã xuất bản tập ca khúc “Tiếng hát bên dòng Kỳ Cùng”, có nhiều tác phẩm được Đoàn Nghệ thuật Lạng Sơn biểu diễn như “Cùng hát giai điệu núi rừng”, “Tiếng hát bên dòng Kỳ Cùng”. Đã đạt các giải thưởng: Giải Đặc biệt cho chương trình ca múa nhạc của các cháu Cung thiếu nhi Lạng Sơn tham gia Liên hoan các nhà văn hóa, cung thiếu nhi toàn quốc năm 2003, giải B các tác phẩm “Chúng con nhớ mãi ơn người”, “Lạng Sơn nhớ Bác Hồ”, “Vinh quang thế hệ trẻ Hồ Chí Minh”…

* NSND Triệu Thủy Tiên làm tốt công tác truyền dạy các làn điệu dân ca Tày Nùng, mở được nhiều lớp truyền dạy các làn điệu ca Tay Nùng cho các Câu lạc bộ, các nhà văn hóa thôn, khối phố trên địa bàn tỉnh và các huyện miền núi tỉnh Bắc Giang; ngoài việc duy trì các hoạt động truyền dạy tại các câu lạc bộ còn mở được các lớp dạy đàn và hát dân ca tại các huyện với gần 20 lớp thu hút trên một nghìn học viên, cộng tác với Sở Văn hóa Thể thao tỉnh Bắc Giang mở được 10 lớp dạy đàn và hát dân ca cho các huyện; tham gia dịch Hát Then lời Tày, Nùng sang tiếng Việt, sưu tầm, chỉnh biên và dàn dựng nhiều tiết mục hát Then, Sli – lượn, chỉnh biên, dàn dựng nhiều tốp Then, nhiều làn điệu Then cổ, đặt lời mới… phục vụ các lễ hội; 2 chương trình hát Then tham dự Liên hoan hát Then toàn quốc tại Tuyên Quang (2015) và Hà Giang (2018) đã đạt giải A toàn đoàn; cùng nhóm nghệ nhân Then chuẩn bị 12 tiết mục các trích đoạn Then Tày – Nùng cổ trình diễn Di sản Then tại Paris vào tháng 12 năm 2017, được đánh giá cao tạo động lực cho các nghệ nhân nâng cao ý thức cũng như trách nhiệm trong hoạt động truyền dạy hát Then.

* Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tân tích cực tham gia các cuộc vận động sáng tác âm nhạc, giảng dạy tại trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật Lạng Sơn. Đã xuất bản 2 tập ca khúc “Theo dòng thời gian” và “Sắc màu”, thu âm, biểu diễn nhiều ca khúc…

* Ca sĩ Lý Quang Hiệu tham gia dàn dựng, biểu diễn phục vụ các lễ hội, ngày lễ, ngày kỷ niệm các cơ quan ban ngành, các đơn vị trong và ngoài quân đội; tham gia sáng tác ca khúc; các giải thưởng: Huy chương Bạc cuộc thi “Giọng hát hay dân ca các dân tộc”, Huy chương Vàng Liên hoan ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc, Giải C Liên hoan tiếng hát Dân ca Việt Nam, Huy chương Bạc Hội thi MÍC Vàng tỉnh Quảng tây, Trung Quốc…

* Nhạc sĩ Bùi Minh Tấn thường xuyên tham gia sáng tác, giảng dạy nhạc và đàn guitar tại các câu lạc bộ, các trường nghệ thuật trong tỉnh; năm 2015 thu âm và in CD “Bùi Minh Tấn và những người bạn” gồm 15 ca khúc; năm 2016 xuất bản tập ca khúc “Lạng Sơn quê hương tôi” gồm 12 ca khúc và CD “Ước mơ núi rừng” gồm 9 ca khúc thiếu nhi; năm 2017 in tập ca khúc “Lên nương” gồm 16 ca khúc thiếu nhi…

Phát huy những thành tích đạt được, Chi hội nhạc sĩ Việt Nam tỉnh Lạng Sơn đã đề ra phương hướng, nhiệm vụ nhiệm kỳ I (2018 – 2023): Về công tác tổ chức, xây dựng Chi hội, phân công trách nhiệm cụ thể cho từng Ủy viên Ban Chấp hành Chi hội để làm tốt công tác tổ chức các hoạt động của Chi hội, bồi dưỡng phát triển hội viên trẻ có đủ năng lực chuyên môn để giới thiệu Trung ương Hội xem xét kết nạp hội viên mới; về nhiệm vụ chuyên môn, tích cực học tập, rèn luyện, giao lưu để nâng cao trình độ, tích cực sáng tạo, sáng tác các tác phẩm có chất lượng nhằm tham gia đầy đủ các hoạt động âm nhạc của địa phương và trung ương, xây dựng chương trình nghệ thuật, tổ chức biểu diễn phục vụ các nhiệm vụ chính trị của địa phương, phục vụ giải trí cho công chúng; tham gia các chương trình đào tạo, giảng dạy âm nhạc phục vụ nhu cầu học tập của những người yêu âm nhạc, nhất là các cháu thanh thiếu nhi trong dịp hè; Tiếp tục tham gia các chương trình về bảo tồn Dân ca, kết hợp với Hội Bảo tồn Dân ca tỉnh tham gia các chương trình bảo tồn, gìn giữ dân ca hát Then, đàn Tính, hát Sli, Lượn, truyền dạy các làn điệu Dân ca Tày – Nùng; một số nhiệm vụ trọng tâm, tham gia đầy đủ các cuộc Liên hoan âm nhạc, Giải thưởng hàng năm của Hội Nhạc sĩ Việt Nam, các trại sáng tác âm nhạc, các cuộc vận động sáng tác âm nhạc, tiếp tục phát huy, tôn vinh những giá trị văn hóa, âm nhạc truyền thống của đồng bào các dân tộc trên miền Xứ Lạng, lấy đó làm nền tảng cho các sáng tác âm nhạc mới đạt chất lượng hiệu quả nghệ thuật, tham mưu cho các cơ quan, ban, ngành liên quan và Hội Nhạc sĩ Việt Nam xin đăng cai tổ chức Liên hoan âm nhạc khu vực, trại sáng tác âm nhạc tại địa phương, phối hợp với Hội Văn học nghệ thuật tỉnh tổ chức Câu lạc bộ Âm nhạc để giới thiệu tác phẩm âm nhạc mới tới công chúng…

Đại hội thành lập Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tỉnh Lạng Sơn đã diễn ra trong không khí đoàn kết, thống nhất với tinh thần trách nhiệm cao, thông qua nhiều ý kiến đóng góp thiết thực của các nhạc sĩ, nghệ sĩ của Chi hội về những vấn đề đặt ra cho âm nhạc Lạng Sơn, về các hoạt động sáng tác, biểu diễn, lý luận phê bình, đào tạo âm nhạc ở địa phương cũng như trách nhiệm của những người làm công tác âm nhạc về việc tiếp nối truyền thống bảo tồn và phát huy các giá trị âm nhạc Dân ca dân tộc; vấn đề đầu ra cho các tác phẩm, đào tạo các thế hệ nhạc sĩ tiếp theo, những trăn trở trên con đường sáng tạo và làm sao có được nhiều tác phẩm mới, hay, có giá trị và chất lượng cao…

Đại hội đã tín nhiệm bầu ra Ban Chấp hành Chi hội nhiệm kỳ (2018-2023): nhạc sĩ Nguyễn Văn Tân là Chi hội trưởng; nhạc sĩ Bùi Minh Tấn là Chi hội phó, nhạc sĩ Đinh Quang Trung - Ủy viên.

Ban Chấp hành Chi hội nhạc sĩ Việt Nam tỉnh Lạng Sơn nhiệm kỳ 2018 – 2023

PGS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân đã phát biểu tại Bế mạc Đại hội:

“Ghi nhận những thành tích của Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tỉnh Lạng Sơn đã đạt được trong thời gian qua. Đây là Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam thứ 54 nằm trong hệ thống các chi hội Nhạc sĩ Việt Nam. Lạng Sơn nằm ở vùng đất biên giới phía Bắc của tổ quốc, với truyền thống lịch sử lâu đời của các giá trị âm nhạc dân ca dân tộc truyền thống, vấn đề đặt ra là cần có một tổ chức âm nhạc, đây chính là cánh tay nối dài của Hội Nhạc sĩ Việt Nam, là ngọn tiền tiêu – một trong những điểm sáng về âm nhạc, Hội Nhạc sĩ Việt Nam luôn kỳ vọng Chi hội nhạc sĩ Việt Nam tỉnh Lạng Sơn ngày một phát triển về số lượng và chất lượng, là một Chi hội sẽ luôn luôn tỏa sáng ở một vùng đất thiêng của dân tộc. Chúng tôi vô cùng xúc động và ghi nhận sự quan tâm giúp đỡ của các cấp lãnh đạo tỉnh, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân, Hội đồng nhân dân, Ban Tuyên giáo, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, các cơ quan ban ngành của tỉnh Lạng Sơn… để có được Lễ ra mắt Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tỉnh Lạng Sơn rất trang trọng, nghiêm túc… điều đó thể hiện các nhạc sĩ không chỉ là những nghệ sĩ – những người sáng tác, biểu diễn, đào tạo âm nhạc mà còn có ý thức tổ chức rất tốt. Bằng những bước đi ban đầu của một Chi hội sẽ cùng sánh vai với các chi hội khác trên chặng đường tới”.

Lãnh đạo Hội Nhạc sĩ Việt Nam và tỉnh Lạng Sơn chụp ảnh với BCH Chi hội Lạng Sơn

*
*      *

Tại Lễ khai mạc Đại hội, các tác phẩm âm nhạc của các nhạc sĩ Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tỉnh Lạng Sơn đã được các nghệ sĩ, ca sĩ của Trung tâm Văn hóa nghệ thuật tỉnh Lạng Sơn biểu diễn giới thiệu tới khán giả với các tác phẩm: Hòa tấu Then “Tiếng đàn quê hương” sáng tác: NSƯT, nhạc sĩ Triệu Thủy Tiên; ca khúc “Một ngày không bên anh” sáng tác: Bùi Minh Tấn; ca khúc “Con trai con gái bản em”, lời thơ: Lộc Bích Hiệp, nhạc: Nguyễn Văn Tân; ca khúc “Mùa xuân thành phố Lạng Sơn” sáng tác: Trịnh Tiến; tác phẩm múa “Khẩu Mùa Nà” âm nhạc: Đinh Quang Trung, biên đạo múa: NSƯT Trần Hoài Xuân…

 

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.