You are here

Tây ban cầm Nhật Bản tiếng vọng của âm sắc phương Đông

Tác giả: 
Anh Tú dịch

Những người thợ làm đàn của Yamaha hầu hết không được xác định danh tính, nhưng họ đã trình làng dòng Guitar Dynamic được cấp bằng sáng chế vào năm 1952. Đó là những cây đàn được chế tạo tại Hamamatsu và được thiết kế để sử dụng dây nylon và cả dây sắt.

Andres Torres Segovia (21/2/1893- 02/6/1987) là một nghệ sĩ guitar lừng danh ở thế kỷ 20. Ông được sinh ra tại Linares, Jaén Tây Ban Nha. Ông được xem là người đưa cây đàn guitar có một vị trí trong dàn nhạc.

Đối với những ai từng sống cùng đam mê và trải nghiệm những phát minh kỳ diệu của Nhật Bản như các trò chơi điện tử của Nintendo hoặc Sony PlayStation, thì có thể họ sẽ ngạc nhiên khi được quay trở lại những năm 1960 và 70. Thời điểm ấy, các sản phẩm do Nhật Bản sản xuất thường bị nhiều người Mỹ rẻ rúng và cả những chiếc đàn guitar cũng chung số phận. Điều đó phần nhiều có thể liên quan đến Trân Châu Cảng hơn là bản thân các sản phẩm của người Nhật. Giờ nếu nhìn lại thì có lẽ điều đó thật không công bằng. Nhưng quả thực là như vậy, khi nói đến guitar cổ điển, những người thợ làm đàn Nhật Bản đã chế tạo những nhạc cụ chất lượng và quan trọng là họ giải quyết được những thách thức kỹ thuật. Chính yếu tố đó đã sớm đưa Nhật Bản trở thành nhà xuất khẩu đàn lớn vào những năm 1980. Một số cây đàn guitar cổ điển này cho đến giờ vẫn giữ được giá trị tuyệt vời bởi âm sắc lôi cuốn và đạt chuẩn chuyên nghiệp, cho dù bạn đang tìm kiếm một cây đàn guitar bình dân hay cao cấp.

Ngoại giao âm nhạc

Cái nhìn hơi phiến diện của người Mỹ về guitar cổ điển Nhật Bản trong những năm 60 và 70 có thể coi là một phần hệ quả của Thế chiến đệ nhị. Thực tế thì đàn guitar Nhật có cội nguồn sâu xa trong lịch sử. Mối quan tâm của người Nhật đối với Tây ban cầm có ít nhất là từ năm 1853, khi thuyền trưởng hải quân Hoa Kỳ Matthew Perry ghé hạm đội vào cảng Tokyo. Nhật Bản khi ấy đang bị cô lập về văn hóa, đóng cửa với bên ngoài kể từ đầu những năm 1600. Lo ngại những ảnh hưởng của các nhà truyền giáo Bồ Đào Nha vào thế kỷ 16, người Nhật đặt Cơ đốc giáo ngoài vòng pháp luật. Các thương nhân châu Âu bị giam giữ tại một hòn đảo nhỏ ở vịnh Nagasaki và bất cứ ai rời khỏi hòn đảo mà không được phép có thể bị xử tử. Nhiệm vụ của Thuyền trưởng Perry là thúc đẩy Nhật Bản mở cửa lại để kinh doanh… với Mỹ!

“Các cuộc đàm phán” ngoại giao của Perry trong đó có việc dàn dựng một số chương trình biểu diễn minstrel blackface (loại hình kịch nhạc với các diễn viên bôi mặt hóa trang như người da đen) cùng rượu sâm panh - trò giải trí phổ biến của Mỹ thời đó. Buổi biểu diễn do thủy thủ đoàn thực hiện và chính những người thủy thủ đó đã giới thiệu cho người Nhật Bản về cây đàn guitar và banjo 5 dây. Những nhạc cụ này có vẻ quen thuộc gần gũi với người Nhật Bản vì họ đã có đàn biwa 4 dây bằng gỗ và đàn shamisen 3 dây bọc da.

Ảnh hưởng của âm nhạc và nhạc cụ phương Tây ngày càng gia tăng nhờ sự phổ biến của các ban nhạc quân đội và những người Nhật Bản hồi hương sau khi trở về từ những cánh đồng mía ở Hawaii hồi năm 1868. Các nhạc sĩ Nhật Bản cũng bắt đầu sang Mỹ và châu Âu học tập.

Morishige Takei (1890-1949) học ở Ý, bắt đầu chỉ huy dàn nhạc mandolin đầu tiên của Nhật Bản (1915), và ông cũng bắt đầu sáng tác cho guitar cổ điển (1919). Năm 1929, Andrés Segovia (nghệ sĩ guitar hàng đầu, người Tây Ban Nha) đi lưu diễn ở các đảo và guitar cổ điển in dấu sâu đậm tại Nhật Bản. Hoshino Gakki Ten bắt đầu nhập khẩu guitar của Tây Ban Nha từ Salvador Ibanez thuộc xứ Valencia, và đến giữa những năm 1930, các nhà sản xuất guitar cổ điển Nhật Bản liên tục xuất hiện như Hoshino, Kasuga Gakki, và Suzuki Violin Company, với ít nhất là hai xưởng riêng biệt do anh em Giichi và Sada Yairi điều hành. Thế rồi tiếng đàn ngưng khi chiến tranh thế giới thứ hai bắt đầu.

Đàn guitar gần gũi với người Nhật Bản vì họ đã có đàn biwa 4 dây bằng gỗ và đàn shamisen 3 dây bọc da.

Những dòng họ làm đàn lừng danh

Một trong những mục tiêu chính của thời kỳ Nhật Bản bị quản chế sau Thế chiến đệ nhị (kết thúc vào năm 1945) là đưa ngành công nghiệp Nhật Bản - gồm cả sản xuất guitar - trở thành một phần của nền kinh tế toàn cầu. Trong số những nhà sản xuất guitar cổ điển Nhật Bản hiện đại, được biết đến sớm nhất là anh em Sakazo và Rokutaro Nakade, Kazuo Yairi (1932-2014), và Yamaha.

Hai anh em Nakade: Sakazo (1906-1993) và Rokutaro (mất năm 1973) là con trai của nhà sản xuất vĩ cầm Kinpachi Miyamoto (người đã so dây đàn guitar cho Segovia vào năm 1929). Vào giữa những năm 1950, nhà Nakade ở Tokyo - là những thợ làm đàn đầu tiên của Nhật Bản “hành hương” đến Tây Ban Nha để nghiên cứu về kỹ thuật làm đàn truyền thống. Nhiều thợ làm đàn Nhật Bản khác sau đó cũng theo bước chân của họ. Các con trai của Sakazo là Teruaki, Toshihiko và Yukio đã trở thành những thợ làm đàn nổi tiếng, rồi những người học việc của ông là Yuichi Imai, Hakusui Imai, Yoshimitsu Hoshino và Hideo Ido cũng vậy.

Kazuo Yairi là con trai của Giichi Yairi, người làm việc cho Công ty Violin Suzuki ở Kiso-Fukushima. Giichi rời công ty Suzuki vào năm 1929 và mở cửa hàng riêng ở Kani, ngay phía bắc Nagoya, nơi cậu con trai Kazuo nối nghề. Kazuo bắt đầu mày mò sản xuất guitar cổ điển vào năm 1950, khi còn là một thiếu niên. Năm 1965, Kazuo thành công khi nối nghiệp cha và đồng ý cung cấp cho St. Louis Music những cây đàn guitar Alvarez-Yairi. Anh trai của Giichi là Sada (bác của Kazuo) cũng rời công ty Suzuki và mở cửa hàng đầu tiên ở Nagoya vào năm 1932, bắt đầu sản xuất guitar cổ điển vào năm 1960.

Những người thợ làm đàn của Yamaha hầu hết không được xác định danh tính, nhưng họ đã trình làng dòng Guitar Dynamic được cấp bằng sáng chế vào năm 1952. Đó là những cây đàn được chế tạo tại Hamamatsu và được thiết kế để sử dụng dây nylon và cả dây sắt. Năm 1966, Yamaha đón thợ làm đàn người Tây Ban Nha Eduardo Ferrer đến Nhật để chỉ bảo cho những người thợ làm đàn của mình. Kết quả là những cây đàn Grand Concert đầu tiên của họ (GC-5, GC-7, GC-10) ra đời. Năm 1973, họ đón thêm Manuel Hernandez tới để hoàn thiện dây chuyền sản xuất hơn nữa. Segovia đã từng biểu diễn trên chiếc Yamaha GC-71 và sử dụng chiếc GC-70 làm đàn guitar luyện tập.

Nhưng thợ làm đàn nổi tiếng nhất của Nhật Bản là Masaru Kohno (1926-1998), người cũng học chế tạo đàn ở Tây Ban Nha và mở một cửa hàng ở Tokyo vào đầu những năm 1960. Ông đã giành được Huy chương vàng tại một cuộc thi chế tạo đàn có uy tín ở Bỉ vào năm 1967 và nổi tiếng trên thế giới. Năm 1975, ông mở một cửa hàng lớn cùng với cháu trai Masaki Sakurai, người đã tiếp tục phát triển thương hiệu sau khi Kohno qua đời. Những thợ làm đàn Nhật Bản đặc biệt tài năng khác còn có thể liệt kê như Masaru Matano, Eichi Kodaira, Ryoji Matsuoka, Hiroshi Tamura, Seizo Shinano, Mass Hirade...

“Đàn công nghiệp” và “đàn nghệ nhân”

Trớ trêu thay, những yếu tố làm nên thành công của guitar cổ điển Nhật Bản cũng khiến nó phần nào trở nên phân liệt. Một mặt, từ những ngày đầu, chính niềm đam mê của người Nhật đã tạo ra lớp thợ làm đàn với những cây guitar đẳng cấp. Mặt khác, ngành công nghiệp này tăng trưởng và phát triển đại trà do đây là ngành kinh doanh xuất khẩu, đáp ứng nhu cầu dường như không đáy của thị trường thế giới.

Lý do chính khiến guitar cổ điển Nhật Bản có được tính cách đặc biệt lại liên quan đến sự thay đổi của khí hậu, như được Shiro Arai (hãng Arai & Co., Aria guitar) lý giải khi ông đến Hoa Kỳ để quảng bá guitar cổ điển Nhật Bản vào đầu những năm 1960. Ông ấy đã mang những cây đàn guitar cao cấp để tiếp thị và trong vòng vài tuần, hầu hết đàn đã bị nứt hỏng do sự khác biệt về khí hậu. Khi Arai trở lại, những người thợ làm đàn Nhật Bản bắt đầu sử dụng loại gỗ dày dặn hơn, phát triển mặt sau và mặt hai lớp - thứ mà nhiều người Mỹ trong những năm 70 chế giễu là “ván ép”. Nó tạo âm thanh dày hơn do hệ thống giằng thùng nặng hơn, tất cả đều được thiết kế để giúp chúng giữ độ bền trong môi trường xa lạ bên ngoài Nhật Bản.

Do đó, những cây đàn guitar được sản xuất để bán trong nước ở Nhật Bản có xu hướng khá nhẹ, với thanh giằng Torres truyền thống (bảy nan gỗ hình quạt áp dưới mặt đàn) và âm sắc như Tây Ban Nha ấm áp, lãng mạn. Điều này có lý do là vô số thợ làm đàn Nhật Bản được đào tạo ở Tây Ban Nha! (Tuy nhiên, cũng có thể tìm thấy các sơ đồ nan gỗ giằng khác, đặc biệt là hình quạt không đối xứng. Các cây đàn guitar được làm để xuất khẩu thường có cấu trúc nặng hơn nhiều, có xu hướng mang lại âm thanh sắc nét, cân bằng tốt, mang đậm chất Nhật Bản.

Việc xác định nguồn gốc những cây đàn là điều không dễ dàng. Những cây đàn chủ yếu được bán tại Nhật Bản ban đầu thường gắn nhãn bằng tiếng Nhật (có một số ngoại lệ), với tên của người thợ làm đàn bậc thầy của cửa hàng (Kazuo Hashimoto, Yusaku Mokuharu, Masayoshi Kikuchi, Sumio Kurusawa, v.v.) hoặc tên thương hiệu nổi tiếng (Maruha, Fuji, Zen-On, v.v.) bằng tiếng Nhật. Tuy nhiên, một số nhà sản xuất đã xuất khẩu đàn vào cuối những năm 70 như Ryoki Matsuoka và Hiroshi Tamura. Và, hầu hết các nhãn được Nhật xuất khẩu khi ấy đều bằng tiếng Anh. Mọi thứ còn rắm rối hơn, khi có một số thương hiệu vốn chỉ dành cho thị trường Nhật Bản cũng đặt tên phương Tây, chẳng hạn như Greco và Fernandes.

Những cây đàn guitar được chế tạo để xuất khẩu là những cây đàn có thương hiệu nổi tiếng (Hohner, Conn, Ventura, Epiphone) và một số loại ít nổi tiếng hơn (Wilson, Westminster, Garcia, Hernandis, Orozco). Thương hiệu của Công ty kinh doanh có thể là phục thị trường trong nước hoặc xuất khẩu (Aria, Takamine, Yamaha). Nói chung rất phức tạp!

Việc chế tạo guitar cổ điển có thể xảy ra ở bất cứ đâu trên đất nước Nhật Bản, nhưng tập trung ở ba vùng trên hai hòn đảo chính. Trung tâm lớn nhất là Nagoya và lân cận trên đảo Honshu. Tiếp đến là khu vực Tokyo sát đó rồi đến Fukuoka ở phía bắc đảo Kyushu.

Những cây đàn guitar cổ điển của Nhật Bản thường chịu mang tiếng oan phổ biến: vì nhiều cây được sản xuất để xuất khẩu, nên chúng là những cây đàn “công nghiệp”, gợi lên hình ảnh của việc sản xuất dây chuyền hàng loạt. Trên thực tế, hầu hết đàn của Nhật được sản xuất trong các xưởng nhỏ bởi đội ngũ ít nghệ nhân, dưới sự giám sát của một thợ làm đàn bậc thầy. Đây chính là điểm khác biệt với hầu hết các xưởng ở Tây Ban Nha. Chẳng hạn, những cây đàn Asturias được sản xuất tại một xưởng nhỏ ở Fukuoka với khoảng 15 người, còn những cây đàn Tama được sản xuất ở một góc nhỏ của nhà máy sản xuất guitar điện FujiGen mà bản thân FujiGen cũng không phải là một cơ sở quá lớn.

Vào thời điểm thế giới bước sang đầu những năm 80 - khi những định kiến từ Thế chiến đệ nhị lùi dần - thì sự kết hợp của chi phí lao động cao hơn và tỷ giá hối đoái không thuận lợi đã khiến khách hàng quốc tế chuyển hướng sang các nhà sản xuất đàn guitar của Hàn Quốc. Theo thời gian, Hàn Quốc đã phát triển nhiều thợ làm đàn cao cấp. Mặc dù những cây đàn của họ có những điểm đặc biệt riêng, nhưng chúng không có đặc tính Tây Ban Nha / Nhật Bản của những cây đàn guitar cổ điển được sản xuất tại Nhật Bản.

Đến đầu những năm 2000, nghề chế tác guitar cổ điển bắt đầu di cư sang các nước châu Á khác (vì những lý do tương tự là giá nhân công, tỷ giá hối đoái). Hiện Trung Quốc đang chiếm ưu thế nhưng vẫn gắng học theo phong cách Nhật. Thật vậy, Hiroshi Yairi, con trai của nghệ nhân làm đàn Nhật Bản Sada Yairi, đã có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của ngành công nghiệp chế tạo đàn guitar cổ điển của Trung Quốc.

Dù trải qua dâu bể, những cây đàn guitar cổ điển của Nhật Bản vẫn tiếp tục được chế tạo cho đến ngày nay, nhưng phần lớn là những cây đàn guitar cao cấp mang tên thợ làm đàn - và được bán với mức giá cao. Với những cây đàn guitar cổ điển của Nhật Bản, những giá trị đích thực vẫn không hề mất.

Nếu bạn định mua hoặc sử dụng một cây đàn guitar cổ điển của Nhật Bản, thì tốt nhất là hãy trực tiếp thử đàn. Nhưng, trong một thế giới mà thương mại quốc tế hầu như thông qua internet như hiện giờ, điều đó có thể không khả thi. Dưới đây là một số mẹo để hướng dẫn bạn mua sắm.

Số model guitar cổ điển Nhật Bản có xu hướng gắn liền với giá cả và ngay cả khi không phải vậy thì đó cũng là những manh mối đáng tin cậy. Và “đẳng cấp” liên quan đến vật liệu, cấu trúc và trang trí. C-60 sẽ tốt hơn C-50 hoặc C-30. C-100 hoặc C-150 sẽ tốt hơn.

Rõ ràng, một cây đàn guitar với nhãn hiệu bảo chứng có nhiều khả năng được chăm chút tốt hơn và âm thanh tốt hơn. Những cây đàn được dán nhãn là “Grand Concert” thường có chất lượng vượt trội.

Những cây đàn cấp thấp hơn có thể được làm bằng gỗ gụ hoặc gỗ thích. Hầu như tất cả các cây đàn guitar cổ điển Nhật Bản đều có mặt sau và mặt hai lớp (“tấm kép”). Các loại tốt hơn có gỗ cẩm lai Ấn Độ hoặc Brazil. Lưu ý rằng các nhà sản xuất đàn guitar Nhật Bản đã sử dụng nhiều chất liệu kỳ lạ, thường được gọi là “gỗ hồng sắc”, gồm cả gỗ trắc Nam Mỹ (cocobolo), gỗ trộn (zebrawood) hay các loại khác. Đôi khi tấm bên trong đẹp hơn bên ngoài, mặc dù nó cũng có thể là gỗ gụ hoặc một loại gỗ cứng trơn.

Những cây đàn guitar cấp thấp hơn thì mặt trên có thể có nhiều lớp (“ván ép”); loại tốt hơn có vân sam rắn hoặc tuyết tùng. Hầu như tất cả, trừ những cây đàn quá “bình dân”, thường cho âm thanh khá tốt. Tôi đã chơi nhiều cây đàn guitar nhiều lớp có âm thanh tuyệt vời. . . và chúng không mấy khi bị nứt!

Đối với những cây guitar có nan gỗ quạt (thanh giằng mặt trong, mặt đàn) thì dùng số quạt để xác định chất lượng, loại thấp có thể có ba nan, loại khá là năm, loại tốt nhất là bảy.

Cuối cùng, số lượng chi tiết hoa mỹ cho thấy cây đàn được làm công phu đến đâu, thường thì cây đàn ít chi tiết sẽ ít tốn công hơn. Các hoa văn ghép gỗ cùng kiểu ở quanh miệng đàn, ở chỗ buộc dây đàn ở con ngựa, và ở đầu cần cho thấy cây đàn này thuộc loại cao cấp hơn, cũng tương tự với số đường chỉ gỗ ghép ở rìa mặt đàn và hông đàn.

(Nguồn: https://thoidai.com.vn/)

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.