You are here

Tác giả của ca khúc “Chiều biên giới” đã “về với núi”

Tác giả: 
Ngô Khiêm

Nhạc sĩ Đức Miêng vừa qua đời ở tuổi 65. Ông là tác giả soạn lời cho những ca khúc dựa trên những làn điệu Quan họ truyền thống, trong đó phải kể đến “Chiều biên giới”, “Quan họ nơi đảo xa”... được đông đảo cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ nơi biên cương, hải đảo yêu thích. Sự ra đi đột ngột của ông đã để lại niềm tiếc thương đối với bạn bè trong giới văn nghệ sĩ, đồng nghiệp và công chúng yêu nhạc trên khắp cả nước.

Nhạc sĩ Đức Miêng. Ảnh: Ngô Khiêm

Một năm về trước, tôi có dịp gặp nhạc sĩ Đức Miêng tại tư gia của ông, nằm trên một con phố vắng vẻ của thành phố Bắc Ninh. Nhạc sĩ Đức Miêng với vóc dáng cao lớn, niềm nở đón tiếp chúng tôi. Căn nhà của ông được xây khá hiện đại nhưng vẫn mang một nét truyền thống, đặc biệt ở 4 bức tranh gốm với nét vẽ tinh xảo được gắn ở phòng khách. Nhạc sĩ Đức Miêng kể, 4 bức tranh này do một họa sĩ quê ở làng gốm Bát Tràng tự tay vẽ phôi, tô màu, nung tặng ông.

Bức tranh thứ nhất là một cây đàn lia, biểu tượng chung của âm nhạc thế giới, nghề mà nhạc sĩ Đức Miêng theo đuổi suốt cuộc đời. Bức thứ hai, được đặt tên là “Liền anh, liền chị”, mô tả liền anh đội khăn xếp, liền chị mặc áo tứ thân, đầu chít khăn vuông mỏ quạ, hai người cùng nâng chiếc nón ba tầm, ở giữa là miếng trầu cánh phượng. Đó chính là những đạo cụ truyền thống mà các liền anh, liền chị thường sử dụng khi diễn xướng. Bức thứ ba in hình một cây đàn nguyệt bên cạnh đôi mắt thiếu nữ có mái tóc bay mềm mại, mà theo nhạc sĩ Đức Miêng, nếu hình dung một chút sẽ giống với chữ ký của ông. Bức thứ tư là hình ảnh liền anh, liền chị đang hát quan họ trên thuyền rồng, một nét văn hóa độc đáo của miền đất nơi đây. Sau khi giới thiệu 4 bức tranh quý, nhạc sĩ Đức Miêng mới nói: “Đặt 4 bức tranh ở phòng khách như một lời nhắc nhở, thúc giục, động viên để tôi tiếp tục trên con đường nghiên cứu, bảo tồn, giữ gìn phát huy vốn văn hóa truyền thống dân tộc nói chung và dân ca quan họ nói riêng”.

Nhạc sĩ Đức Miêng sinh năm 1953, tại Thái Bình, do chiến tranh, gia đình ông chuyển đến vùng đất Bắc Ninh sinh sống từ khi ông chỉ mới chập chững biết đi. Ông nội của ông có năng khiếu về hội họa, điêu khắc và từng tốt nghiệp Trường Bách nghệ Đông Dương từ những năm 30 của thế kỷ trước. Những bức tượng được đắp bằng thạch cao do ông nội của nhạc sĩ làm thời ấy còn được người Pháp mang về nước. Bố của ông tuy không được theo học hội họa, nhưng vẽ rất giỏi. Rồi đến thế hệ ông thì có đến 3 người trong số 6 anh em đi theo con đường nghệ thuật. Em gái ông là Nghệ sĩ Ưu tú Thanh Mạn, công tác ở Nhà hát Chèo Việt Nam; một em gái nữa là nghệ sĩ Thanh Miền, công tác ở Đoàn Văn công Quân khu 3.

Từ nhỏ, nhạc sĩ Đức Miêng đã sớm bộc lộ niềm say mê với âm nhạc và đặc biệt là quan họ, chính vì vậy, đến tuổi đi học, ông thường được cô giáo cho làm quản ca. Nhạc sĩ Phó Đức Phương là người đã phát hiện và tuyển chọn Đức Miêng vào học tại Khoa Nhạc cụ dân tộc, Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam). Sau khi ra trường, Đức Miêng về công tác tại Đoàn Ca múa Hà Bắc, sau chuyển về Đoàn Dân ca quan họ Hà Bắc (nay là Nhà hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh), rồi Trung tâm Văn hóa tỉnh Bắc Ninh với vai trò cán bộ nghiên cứu Quan họ và sáng tác âm nhạc.

Đức Miêng nổi danh bắt đầu từ những bài hát mà ông soạn lời dựa trên những làn điệu Quan họ truyền thống. Và “Lời thương ta ngỏ cùng nhau” (hay còn gọi là “Chiều biên giới”) chính là cái duyên để đưa chàng trai 26 tuổi khi ấy đến với công việc vô cùng thú vị này. Đó là bài hát được ông soạn lời theo làn điệu “Mười nhớ” của quan họ trong chuyến công tác tại biên giới phía Bắc, khi chiến tranh Việt – Trung năm 1979 nổ ra. Ông đã mượn nỗi nhớ của người lính nơi biên cương Tổ quốc gửi về cô gái nơi quê nhà và đó cũng là lời nguyện ước, niềm hy vọng tới ngày đoàn tụ. Với ca khúc “Chiều biên giới”, nhạc sĩ Đức Miêng đã góp tên mình vào một trong 4 tác giả (Trần Chung, Nguyễn Văn Hiên, Vũ Hiệp Bình, Đức Miêng) có ca khúc nổi tiếng cùng tên gọi.

Vào dịp Tết năm 1980, trong một chuyến công tác cùng Đoàn Dân ca Quan họ Hà Bắc trên tuyến đảo vùng biển Đông Bắc tỉnh Quảng Ninh, Đức Miêng đã cho ra đời ca cảnh “Quan họ nơi đảo xa”. Bối cảnh viết khi đoàn văn công biểu diễn thì ca sĩ Bích Hạnh gặp được bạn trai cùng quê đang là bộ đội đóng quân trên đảo, tên là Bưởi (Đại đội trưởng Bưởi). Đêm văn nghệ cùng gặp gỡ rồi chia tay giữa ca sĩ Bích Hạnh và Đại đội trưởng Bưởi là chất liệu sinh động để nhạc sĩ Đức Miêng sáng tác ca cảnh “Quan họ nơi đảo xa” với nhân vật Đại đội trưởng Bưởi và người yêu Kim Dung (nguyên mẫu ca sĩ Bích Hạnh). Sau chuyến lưu diễn, đoàn đã được Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam tặng Bằng khen.

Cho đến nay, “Quan họ nơi đảo xa” vẫn được nhiều đơn vị nghệ thuật của tỉnh Bắc Ninh dàn dựng thành tiết mục đi hội diễn ở khắp nơi. Tuy nhiên, sinh thời, Đức Miêng luôn mong muốn, một dịp nào đó, ca cảnh được biểu diễn ở quần đảo Trường Sa thân yêu. Nó đã đến với công chúng như bản tình ca về cô gái hậu phương với người lính tiền tiêu biên giới, hải đảo. Bản tình ca đôi lứa hòa quyện với tình yêu quê hương, đất nước.

Sau 40 năm miệt mài hoạt động nghệ thuật, tính đến nay, nhạc sĩ Đức Miêng đã cho ra đời hơn 200 ca khúc, trong đó, hơn một nửa được dàn dựng ở nhiều đơn vị nghệ thuật, số còn lại hầu hết đã được giới thiệu rộng rãi trên làn sóng phát thanh và truyền hình quốc gia. Với những đóng góp to lớn trong việc bảo tồn và phát triển dân ca Quan họ, nhạc sĩ Đức Miêng đã vinh dự được tặng nhiều huân chương, huy chương cao quý như: Huy chương Vì sự nghiệp văn hóa Việt Nam; Huy chương Vì sự nghiệp văn học nghệ thuật Việt Nam; đặc biệt, được Nhà nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba...

Nhận tin nhạc sĩ Đức Miêng qua đời, Đài Tiếng nói Việt Nam đã phát sóng chương trình mang tên “Nhớ Đức Miêng” để cùng với công chúng nghe đài ôn lại con đường sự nghiệp và những ca khúc để đời của ông. Là một người bạn nghề và cũng là người bạn thân thiết ngoài đời của nhạc sĩ Đức Miêng suốt gần 40 năm qua, Nghệ sĩ Ưu tú Quý Tráng (nghệ danh Hai Tráng), nguyên Giám đốc Nhà hát Dân ca quan họ Bắc Ninh xót xa chia sẻ: “Đức Miêng là người tiếp thu âm nhạc quan họ nhanh và đã góp phần không nhỏ cho việc giới thiệu, nâng cao, phát triển dân ca Quan họ trong đời sống mới. Ông là người sống trầm tính, cuộc sống riêng tư có nhiều nỗi truân chuyên trắc trở, nhưng ông là một con người có chiều sâu của tâm hồn người nghệ sĩ biết kìm nén để thăng hoa, biết chịu đựng để sáng tạo, tìm ra những hướng đi dù rất mong manh, yếu ớt. Tuy nổi danh với nhiều ca khúc, nhưng nhạc sĩ Đức Miêng lại là người khiêm tốn, giản dị, ít nói, ít kể về mình. Nghe tin Đức Miêng mất, tôi không khỏi ngậm ngùi, suy tư, thương cho bạn một cuộc đời lặn lội với nghề, với đời”.

(Nguồn: http://www.bienphong.com.vn)

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.