You are here

Sự yếu kém trong quản lý điều hành hay tham nhũng lãng phí từ những kẻ hở của thủ tục hành chính

Tác giả: 
Trần Lệ Chiến

Tham nhũng, lãng phí đang trở thành hiện tượng tiêu cực gây nhức nhối trong dư luận, xã hội; làm chậm sự phát triển kinh tế của đất nước; làm tha hóa quyền lực nhà nước; hủy hoại các chuẩn mực đạo đức và làm giảm lòng tin của nhân dân vào Đảng - Nhà nước; gây mất ổn định chính trị, an toàn xã hội. Tham nhũng xuất hiện ở mọi lúc, mọi nơi với nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong đó một nguyên nhân sâu xa xuất phát từ các thủ tục hành chính. Những quy định có tính pháp lý về thủ tục hành chính rườm rà, phức tạp, không rõ ràng đã tạo kẽ hở cho một bộ phận cán bộ, công chức nhũng nhiễu khi giải quyết thủ tục hành chính. Bên cạnh đó việc kiểm tra, thanh tra, kiểm soát thiếu hiệu quả dẫn đến việc xử lý vi phạm chưa nghiêm, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Vì thế, cải cách thủ tục hành chính là trọng tâm, được Đảng và Nhà nước quan tâm thực hiện.

Nhằm nâng cao năng lực quản lý nhà  nước, khuyến khích sáng tạo, phổ biến tác phẩm nghệ thuật tới công chúng; Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Công văn số 2075 - CV/VPTW ngày 12/9/2016 của Văn phòng Trung ương Đảng về việc “Tăng cường chỉ đạo việc tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, tổ chức biểu diễn, đảm bảo sự đan xen hài hòa giữa các loại hình nghệ thuật, văn nghệ truyền thống và hiện đại, giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc.

Ngày 11/11/2016 Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện ký ban hành Quyết định số 3933/QĐ-BVHTTDL về việc phê duyệt Đề án “Tăng cường công tác sáng tạo và quảng bá tác phẩm đối với các đơn vị nghệ thuật truyền thống trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch”.

Tại Công văn số 5191 VPCP- KGVX ngày 22/5/2017, Thứ trưởng Bộ VHTTDL - Vương Duy Biên, người trực tiếp phụ trách Cục Nghệ thuật biểu diễn (NTBD) kiến nghị sửa đổi Nghị định 79 và Nghị định 15 về nghệ thuật biểu diễn theo hướng thông thoáng hơn bởi các nghị định sau một thời gian thực thi đã bộc lộ nhiều điểm bất cập, chưa phù hợp với sự phát triển của xã hội.

Tại Công văn số 5865/VPCP - KGVX ngày 6/6/2017Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã yêu cầu Bộ VHTTDL khẩn trương rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động biểu diễn nghệ thuật, đề xuất sửa đổi cho phù hợp với yêu cầu phát triển.

Tuy nhiên, những sự việc xảy trong thời gian gần đây liên quan hoạt động của Cục nghệ thuật biểu diễn cho thấy những bất cập trong công tác quản lý nhà nước của Ngành, trong đó có những vấn đề liên quan đến thủ tục hành chính, cũng như năng lực chuyên môn, nghiệp vụ và phương pháp quản lý, điều hành của Cục.

Để văn hóa nghệ thuật thực sự trở thành động lực phát triển

Văn hóa nghệ thuật vốn là một mặt trận, là nền tàng tử tưởng và là động lực phát triển xã hội, đất nước. Văn hóa nghệ thuật là một lĩnh vực rộng, để hoạt động sáng tác, lưu hành tác phẩm nghệ thuật trong thời kỳ đất nước hội nhập với sự du nhập ồ ạt của văn hóa ngoại lai là một thách thức lớn đối với những nhà quản lý nghệ thuật. Có những được quyết sách đúng đắn, điều kiện cần và đủ để tạo bước đột phá đấy chính là yếu tố con người. Tôi nghĩ bộ máy cán bộ từ chuyên viên, hội đồng nghệ thuật làm việc ở Bộ VHTT&DL hay Cục nghệ thuật biểu diễn không đơn thuần như những cán bộ làm việc ở các cơ quan hành chính khác, chỉ cần đúng ngành học là được. Đặc trưng của người làm văn hóa nghệ thuật đấy chính là sự sáng tạo mang tính phát hiện, đột phá. Vậy bộ máy của những người cầm cân nảy mực ắt hẳn phải là những người có đủ năng lực, trình độ, sự nhạy cảm chính trị, am tường  sâu rộng về văn hóa nghệ thuật vốn đa dạng và phức tạp với nhiều loại hình - ca – múa - nhạc - kịch… từ ở cả lĩnh vực cổ truyền; bác học đến đại chúng. Vì thế, chỉ cần một sơ xuất nhỏ, một sự yếu kém trong nhận thức ở lĩnh vực nào cũng có thể đưa ra những tư vấn lệch chuẩn, chứ chưa nói gì đến việc tham góp, đề xuất những sáng kiến nhằm thúc đẩy sự phát triển của văn hóa nghệ thuật. Nên chăng cần có một ban cố vấn gồm những người có Tầm, Tầm, Tài ở các lĩnh vực nghệ thuật bên cạnh Hội đồng nghệ thuật để có được những đề xuất, kiến nghị và quyết sách đúng đắn trong việc thầm định tác phẩm, lưu hành và quảng bá tác phẩm…

Nghịch lý trong cấp phép lưu hành tác phẩm

Từ năm 1986 đến nay, đất nước chúng ta đã mở cửa và và hội nhập quốc tế trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có văn học, nghệ thuật, âm nhạc. Vậy tại sao ở thời điểm này mà vẫn còn quy định cấp phép lưu hành đối với các tác phẩm sáng tác trước năm 1975, đó là một sự phi lý.

Tại sao ở những năm 2017 của thế kỷ 21 rồi mà những bài hát trước năm 1975 vẫn phải xin cấp phép lưu hành? Hay những cụm từ như “cập nhật những danh mục bài hát được phổ biến rộng rãi” đối với những ca khúc cách mạng đã gây nên nhiều tranh luận, bất cập trong khâu cải cách thủ tục hành chính.

Với ý nghĩ: không quên quá khứ, nhưng chúng ta “gác lại quá khứ, hướng tới tương lai”…  vậy tại sao vẫn có sự kiểm soát bằng những văn bản, chỉ thị, nghị định chồng chéo, không rõ ràng gây ảnh hưởng và tạo ra những kẽ hở trong thủ tục hành chính, tạo cơ hội cho tham nhũng, lãng phí.

Đành rằng đó là quá khứ, là lịch sử để lại, song chẳng lẽ không ai thấy một sự phí lý khi “Nghệ thuật là để cảm”. Âm nhạc nói riêng, nghệ thuật nói chung không phân biệt màu da, sắc tộc, không phân biệt sự giàu sang hay nghèo hèn. Ở mỗi giai đoạn lịch sử, mỗi thế hệ những người sáng tạo nghệ thuật sẽ tự tạo một lớp công chúng cho riêng mình.

Chẳng nhẽ ở thời đại này mà một bài hát có thể thay đổi cả thể chế, chính sách và suy nghĩ của cả một dân tộc hay sao? Tại sao trong suốt mấy chục năm đổi mới, các nhà hoạch định chính sách, những người làm công tác văn hóa lại chưa từng đề cập đến vấn đề xóa bỏ việc cấp phép lưu hành tác phẩm? Hay Cục nghệ thuật có đề xuất mà không được cấp lãnh đạo cao hơn chấp thuận và chúng tôi cũng không biết được việc đó?

Sự thật sẽ mãi là sự thật, lịch sử và quá khứ không thay đổi, nhưng có những điều cần phải nhìn vào sự thật để thay đổi cách nghĩ, cách làm cho phù hợp với xu thế phát triển tất yếu của một xã hội văn minh, hội nhập.

Nhớ lại câu chuyện của “Nguyễn Văn Lộc” tức “Lộc Vàng”, hẳn quý vị sẽ thấy. Do hoàn cảnh lịch sử mà ngày ấy, người ta đưa nhiều sáng tác có giai điệu trữ tình của Văn Cao, Đoàn Chuẩn - Từ Linh, Dương Thiệu Tước, Đặng Thế Phong, Nguyễn Văn Thương v.v là những tác phẩm có nội dung ca từ nhạy cảm chính trị là ủy mị, vàng vọt, gọi đó là “nhạc vàng” và người hát những tác phẩm ấy đã rơi vào vòng lao lý với 8 năm tù giam. Ngày ra tù năm 1976, tất cả những quán cà phê có dàn âm thanh hay những quán nhạc sống dọc ga Lào Cai đâu đâu người ta cũng hát những bài như: Chuyển bến, Gửi người em gái miền Nam của Đoàn Chuẩn - Từ Linh; Đêm Đông của Nguyễn Văn Thương; Con thuyền không bến của Đặng Thế Phong… Đến hôm nay, những nhạc sĩ của dòng tân nhạc thời kỳ đầu, dưới nhiều hình thức khác nhau đều đã được tôn vinh, còn người đi tù để góp tiếng nói bảo vệ một dòng nhạc thì lại bị “vết nhơ” trong lý lịch. Ai sẽ là người đủ thẩm quyền xóa bỏ vế nhơ ấy để trả lại cho họ sự công bằng?. Nhắc lại chuyện này bởi cách đây không lâu, người ta đã từng đặt dấu hỏi với tác phẩm Con đường xưa em đi, rồi rắc rối trong việc cập nhật danh mục bài hát phổ biến rộng rãi và sự cố với Thời hoa đỏ…đã làm dậy sóng dư luận.

Tôi vẫn phải nhắc lại: âm nhạc, nghệ thuật là để cảm, đừng gán ghép nó vào bất cứ một mục đích hay những ý nghĩ hạn hẹn nào đó, bởi mọi sự gán ghép đều là khập khiễng và không phù hợp với xu thế phát triển hội nhập.

Cũng là việc cấp phép, tại sao những sáng tác trước năm 1975 phải xin phép, trong khi có những sản phẩm được phát tán tràn lan trên mạng đâu có cần xin phép và đến khi xảy ra sự cố thì mới có chỉ đạo của ngành nọ, ngành kia cấm hay xử phạt vi phạm hành chính.

Chúng ta đang sống trong thời đại văn minh với công nghệ 4.0, không ai có quyền chối bỏ nên văn minh nhân loại và bản thân lớp trẻ cũng đầy đủ tri thức để phân địch rạch ròi mọi chuyện rõ ràng, đúng, sai, nên và không nên. Lịch sử không bao giờ thay đổi, cũng giống như việc đã rất nhiều lần có đề xuất sửa lại lời Quốc ca và điều này bất thành.

Vậy một nền tân nhạc thời kỳ đầu với biết bao nhiều tác phẩm hay tại sao ta lại hạn chế việc lưu hành? Và ai sẽ là người đủ trình độ thẩm định cho phép lưu hành hay không? Hay chính việc “cấm” lại đang tạo ra kẽ hở trong công tác quản lý cũng như lưu hành bởi hiện nay, nhiều tác phẩm dù không được cấp phép, nhưng mỗi ngày cũng có biết bao những thứ tạm gọi là ca khúc và tác phẩm vẫn đang len lỏi vào đời sống xã hội. Có quá nhiều sản phẩm có nội dung dung tục, vi phạm thuần phong mỹ tục và làm suy đồi đạo đức, gây ảnh hưởng xấu đến một bộ phận giới trẻ đang tràn lan. Chỉ cần biết một chút công nghệ chứ chưa hẳn đã phải là nhạc sĩ, ca sĩ cũng có thể tung lên mạng xã hội những thứ rác rưởi nhưng lại được những trang báo lá cải tiếp tay đẩy lên thành nghệ thuật với những chiêu trò PR “bẩn”. Những hiện tượng như: Bà xã tôi Number one, Con bướm xinh, Nóng như cái Lò, Em gái mưa làm khuynh đảo trên mạng xã hội nhưng rồi cũng chỉ một thời gian ngắn đã chìm vào quên lãng. Tuy nhiên, nó lại có ảnh hưởng không nhỏ đến trình độ hưởng thụ nghệ thuật của một bộ phận công chúng. Nếu các nhà quản lý không có biện pháp ngăn chặn bằng an ninh mạng, đồng nghĩa với việc sẽ đẩy thế hệ con em chúng ta vào những nghịch cảnh khó lường trong nhận thức và làm suy đồi đạo đức.

Vậy có nên cấp phép cho các tác phẩm hay không? Và nếu tiếp tục cấp phép thì bộ phận cấp phép là những ai? Có trình độ, sự hiểu biết và thẩm thấu tác phẩm ở mức độ nào? Vì đọc một tác phẩm âm nhạc là phải hiểu về cấu trúc, khúc thức, điệu tính chứ không chỉ nhìn vào lời ca mà phán xét có được hay không? Và nếu chỉ dựa vào nội dung lời ca thì vô tình chung đã làm sai lệch ý nghĩa của câu hát. Còn nếu không cấp phép phát lưu hành thì cũng cần có những chế tài đủ mạnh và kiểm soát nghiêm ngặt của an ninh mạng để loại bỏ những văn hóa nghệ thuật độc hại ra khỏi đời sống.

Việc cấp phép đối với các đơn vị nghệ thuật, thiết nghĩ cũng cần có sựu thay đổi. Nên chăng, chỉ bắt buộc cấp phép và kiểm duyệt các chương biểu diễn của các cá nhân, doanh nghiệp (đơn vị tổ chức biểu diễn). Còn đối với các Nhà hát thiết nghĩ, bản thân Ban lãnh đạo của mỗi nhà hát đã đủ thẩm quyền và trình độ nghệ thuật để quyết định xây dựng chương trình nghệ thuật ra công chúng như thế nào. Hoạt động nghệ thuật quyết định sự sống còn của nhà hát và đương nhiên bên cạnh việc phải đảm bảo đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; những quy định căn bản về công tác tổ chức biểu diễn, chuyên môn nghiệp vụ còn là yếu tố thị trường. Vì thế, mỗi chương trình biểu diễn của Nhà hát phải xin cấp phép đang gây lãng phí và làm chậm lại quá trình phát triển. Cần mạnh dạn loại bỏ những thủ tục rườm rà không phù hợp ra khỏi đời sống đương đại để thúc đẩy sự phát triển và hội nhập của văn hóa nghệ thuật.

Làm sao để khuyến khích sáng tạo nghệ thuật

 Việt Nam là một quốc gia đa dân tộc với một bề dày truyền thống văn hóa, nghệ thuật thật đáng tự hào. Nhiều người Việt Nam đang hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật thành danh trên thế giới. Chúng ta không thiếu người tài, song để có những tác phẩm xứng tầm thời đại thì việc khơi gợi cảm xúc, tạo điều kiệu cho giới văn nghệ sĩ sáng tạo dường như chưa được lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ VHTT&DL quan tâm đúng mức cần và đủ cho sự phát triển ấy. Nếu coi “văn hóa nghệ thuật là một mặt trận, anh chị em văn nghệ sĩ là chiến sĩ trên mặt trận ấy” thì càng cần phải có những quyết sách đúng đắn. Không thể để đầu tư cho hoạt động văn hóa nghệ thuật cũng chỉ như những ngành nghề khác, bởi nghệ thuật là sự sáng tạo.

Hiện nay, cơ chế, chính sách đầu tư của Nhà nước cho hoạt động sáng tạo nghệ thuật thực hiện chủ yếu thông qua sự hỗ trợ kinh phí các hội chuyên ngành và hoạt động sáng tác theo các quy định tài chính của Nhà nước cùng quy chế hoạt động hội, tùy thuộc vào điều kiện của các đơn vị từ trung ương đến địa phương.

Để được hỗ trợ, các văn nghệ sĩ phải đăng ký trước, trình bày bản thảo hoặc phác thảo để được xét duyệt. Tuy nhiên, những quy định này đang phàn nào hạn chế hoạt động sáng tạo của nghệ sĩ vốn mang tính đặc thù cá nhân và phụ thuộc vào sự thăng hoa nghệ thuật. Bên cạnh đó, có một điều bó buộc về nguyên tắc tài chính, gây khó cho công tác đầu tư, hỗ trợ các tác giả, là họ phải xây dựng được những đề án, đề cương định trước về tác phẩm, công trình mà nếu không có thì sẽ không thể "giải ngân" được kinh phí. Trong khi đó, nếu để tác phẩm ra đời mới hỗ trợ thì số tiền sẽ ít hơn, còn nếu áp dụng cơ chế "cào bằng" để các hội viên lần lượt được nhận giúp đỡ sáng tác hằng năm thì dường như không mang lại hiệu quả.

Để tiền tài trợ từ ngân sách đóng góp thiết thực cho quá trình sáng tạo nghệ thuật, đòi hỏi phải có một cơ chế đủ linh hoạt và phù hợp, cần tập trung hỗ trợ chiều sâu, nhằm khuyến khích tác giả tạo ra nhiều tác phẩm đỉnh cao trí tuệ.

Một trong những yếu tố thúc đẩy sự phát triển của văn hóa nghệ thuật trong điều kiện hiện nay chính là công tác xã hội hóa. Tuy nhiên, từ khâu đề xuất đến triển khai thực hiện đói với các đơn vị nghệ thuật công lập sang bán công hay dân lập là cả một quá trình chuyển đổi khốc liệt và phải thay đổi cả quan điểm, suy nghĩ, nhận thức, cách làm… làm sao dung hòa giữa cơ chế bao cấp sang cơ chế thị trường một cách khéo léo. Làm được như vậy cần có một lộ trình và quan trọng người lãnh đạo cần phải biết lắng nghe, thấu hiểu và phải thực sự để tâm vào những đề xuất, kiến nghị dù chỉ là chi tiết nhỏ. Làm văn hóa thuật không phải chuyện nói xuông mà phải là người luôn nhanh nhay, nắm bắt mọi chuyện và xử lý với một cách tinh tế. Với nghệ sĩ, mọi sự áp đặt sẽ chỉ mang lại những kết cục không mong muốn trong ứng xử.

Thực thi quyền tác giả là thúc đẩy sáng tạo đỉnh cao

Những năm gần đây, Cục bản quyền Bộ văn hóa và các Trung tâm bảo vệ quyền tác giả trong các lĩnh vực, trong đó có Trung tâm bản quyền tác giả âm nhạc Việt Nam đã làm tốt vai trò của mình. Tuy nhiên, trong triển khai thực hiện còn có nhiều bất cấp do những hạn chế về quyền thực thi pháp luật, những nghị định, thông tư hướng dẫn còn chồng chéo, gây thất thoát, lãng phí và gây bức xúc trong dư luận. Nhiều lãnh đạo đầu ngành còn chưa hiểu rõ về Luật sở hữu trí tuệ và những cam kết của Việt Nam khi tham gia công ước Bern nên đã có những phát ngôn chưa thống nhất, thiếu chính xác gây bức xúc trong giới nghệ sĩ; hoang mang trong dư luận.

Để văn hóa nghệ thuật phát triển xứng tầm thời đại, buộc chúng ta phải tuân thủ những quy định quốc tế và Việt Nam về Luật sở hữu trí tuệ. Có thực thi đúng luật pháp, thực hiện đúng cam kết với quốc tế thông qua các trung tâm ủy thác mà Việt nam đã ký kết hợp tác thì chúng ta mới thúc đẩy được những sáng tạo đỉnh cao. Đơn cử, trước đây chưa có Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam, các nhạc sĩ đã bị nhiều cá nhân, đơn vị tổ chức biểu diễn “quỵt” tác quyền. Hơn 10 năm qua, từ khi có Trung tâm, những nhạc sĩ đã ký ủy thác đều được nhận tác quyền. Nhiều hay ít phụ thuộc vào tác giả và cả sự lan tỏa tác phẩm, mặc dù nhiều ý kiến cho rằng việc phân chia chưa chính xác, song thiết nghĩ: “có còn hơn không”. Như tôi biết, có những nhạc sĩ (top 10) mỗi năm nhận tiền tác quyền lên đến 700-800 triệu; hay nhạc sĩ trẻ Nguyễn Văn Chung, riêng quý 2/2017 nhận 140 triệu tác quyền do các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước chi trả thông qua trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc VN. Như vậy, ở một khía cạnh nào đó là chúng ta đang thực hiện có hiệu quả Luật sở hữu trí tuệ. Mằ dù, còn nhiều bất cập cần thời gian điều chỉnh, song nếu không quyết liệt thực hiện là đi ngược lại sự phát triển của đất nước, đi ngược lại với lợi ích quốc gia, dân tộc khi VN đã là thành viên của nhiều tổ chức quốc tế với những cam kết quan trọng.

Thiết nghĩ các ngành chức năng, trong đó có Cục nghệ thuật biểu diễn cần tổ chức nhiều hội thảo, mổ xẻ những vấn đề liên quan đến việc thực thi pháp luật trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, học tập kinh nghiệm từ các nước, áp dụng vào thực tiễn của nước ta để tìm ra một phước thức thu, chi sao cho hợp lý. Khi chủ thể sáng tạo được bảo vệ, tác phẩm được bảo hộ một sách xứng đáng với chất xám tác giả bỏ ra thì mới kích thích sáng tạo nghệ thuật tiến lên.

Vai trò của báo chí trong việc giới thiệu, quảng bá tác phẩm

Hiện nay, báo chí viết về âm nhạc, nghệ thuật đang diễn ra một cách tràn lan, chủ yếu là những bài câu view rẻ tiền. Có khi chỉ một thông tin, một câu nói được đăng tải trên một trang báo mạng nào đó, lập tức được các báo khai thác và đẩy sự việc theo một chiều hướng hoàn toàn khác xa với câu chuyện của nó ở xuất phát điểm. Điều này có ảnh hưởng không nhỏ đến nhận thức, quan điểm tư tưởng, quan niệm sống, hành xử của một bộ phận công chúng. Người ta sẵn sàng chê bai một tác phẩm hay một chương trình văn hóa, nghệ thuật nào đó chỉ vì đọc đâu đó một cái tít báo, chứ chưa hẳn là đã xem hay nghe. Người ta cũng sẵn sàng tham gia vào hiệu ứng đám đông bằng những bình luận, comtmen, like, share những thứ “rác rưởi” mà ai đó vì mục đích cá nhân đã tung lên mạng với những lời lẽ câu view để đẩy cái thứ rẻ tiền ấy thành tác phẩm nghệ thuật hay bản hit. Vậy trách nhiệm của những nhà quản lý văn hóa ở đâu?. Chúng ta sẵn sàng bỏ thời gian mổ xẻ những tác phẩm đã đi vào đời sống của người dân mấy chục năm, nhưng lại bỏ qua những thứ văn hóa rẻ tiền đang đầu đọc thế hệ trẻ, trong đó có cả con, em chung ta? Vậy, vai trò của Cục nghệ thuật biểu diễn - Bộ văn hóa; các tổ chức Hội ở đâu?

Là cơ quan quản lý, Cục nghệ thuật biểu diễn - Bộ VHTT và DL cần có những kiến nghị về báo chí với việc tuyên truyền văn hóa nghệ thuật, bởi văn hóa nghệ thuật là sáng tạo và rất khó để thẩm định, để viết nếu không phải là người được trang bị kiến thức đủ và cần chứ chưa nói đến sự am tường sâu rộng nhiều lĩnh vực khác nhau trong nghệ thuật. Không phải báo nào cũng có thể viết và đăng tải về hoạt động văn hóa nghệ thuật và cũng không phải nhà báo nào cũng cho mình cái quyền được bới móc, được mổ xể những vấn đề về văn hóa nghệ thuật chỉ từ góc nhìn hạn hẹp của mình. Chúng ta là những người làm nghệ thuật vậy chúng ta có quyền đề đạt những yêu cầu đối với báo chí trong việc tuyên truyền quảng bá tác phẩm nghệ thuật ra công chúng. Có như thế mới làm lành mạnh đời sống văn hóa nghệ thuật, nâng tầm tri thức của người hưởng thụ, khuyến khích thúc đẩy những nhà hoạt động nghệ thuật sáng tạo, biển diễn  lên một tầm cao mới.

Tôi gay gắt về điều này bởi như quý vị đã thấy cách đây 1 tháng là phát ngôn của ca sĩ Tùng Dương và mới đây là phát ngôn của NSUT Thanh Lam. Thực sự những người làm nghệ thuật chân chính sẽ chẳng ai nói phát ngôn của họ gây sock hay sai ở điểm gì.

Cái lo sợ của Tùng Dương nếu cứ để “Bolero” lên ngôi thì âm nhạc Việt Nam tụt hậu đấy là cái lo lắng của một người có tư tưởng cấp tiến.

Tôi vốn yêu thích tất cả các dòng nhạc, nhưng xin thưa ngay cả tên gọi “dòng nhạc bolero” cũng là cái sai nghiêm trọng về nghề nghiệp mà không hiểu sao Cục nghệ thuật biểu diễn là đơn vị cấp phép không chỉ ra cho các đơn vị tổ chức biểu diễn thấy cái sai ngay khi họ xin phép tổ chức biểu diễn? Định nghĩa Bolero là một tiết điệu không phải dòng nhạc, không nên đánh đồng tất cả những bài hát có tiết điệu chậm, giai điệu trữ tình rồi gán ghép nó thành bolero là sai nghiêm trọng về nhận thức.

Nhớ lại cái thời người ta gọi là “nhạc vàng” đấy là những sáng tác có giai điệu buồn, ủy mị, đôi khi bi lụy được nổi lên như một trào lưu - đó là thời kỳ đất nước loạn lạc, hai miền Bắc Nam bị chia cắt, gia đình ly tán bởi chiến tranh. Ở thời điểm hiện tại khi đất nước phát triển, các nghệ sĩ nhạc hàn lâm ra sức đưa âm nhạc đỉnh cao đến gần hơn với công chúng bằng những hoạt động âm nhạc đường phố thì chúng ta lại đang cấp phép tràn làn cho các chương trình, các game show ca nhạc mà người ta gọi chung là bolero tràn trên sóng phát thanh truyền hình, sân khấu biểu diễn… đâu đâu cũng bolero thì rồi âm nhạc Việt Nam sẽ đi về đâu? Giá trị nghệ thuật Việt Nam ở đâu? Trình độ hưởng thụ của người thưởng thức sẽ ở đâu? Đó có phần trách nhiệm không nhỏ của cơ quan quản lý văn hóa. Cần có chế tài đủ mạnh để xử lý các thông tin báo chí không trung thực cũng như đưa ra những nhận định không có tính xây dựng, không làm lành mạnh đời sống, không nâng tầm được tri thức và gây ảnh hưởng đến đời sống xã hội.

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.