You are here

Sự trở lại của Schubert và “Cá hồi”

Tác giả: 
Ngọc Anh (tổng hợp)

Hai nghệ sỹ xuất sắc của thời đại mình, Anne-Sophie Mutter và Daniil Trifonov, đã có sự kết hợp đầy bất ngờ để thu âm bản ngũ tấu “Cá hồi” của nhà soạn nhạc Franz Schubert cho hãng Deutsche Grammophon vào cuối năm 2017. Màn trình diễn này đã được New Yorker ca ngợi là “hoàn hảo”, trang allmusic.com chấm điểm 9/10, còn một thính giả chia sẻ trên trang akivmusic.com “mỗi nhạc cụ đều chói sáng với sự trong trẻo huyền diệu, mỗi chương đều vang lên với nguồn năng lượng lạ thường”.

Anne-Sophie Mutter và Daniil Trifonov trao đổi trong quá trình luyện tập. Nguồn: br-klassik.de

Sự kết hợp của những tài năng

Hai ngôi sao của hai thế hệ khác nhau, những nghệ sỹ xuất sắc trong lĩnh vực của mình, đã ghi dấu ấn đậm nét ngay trong lần đầu kết hợp. Nghệ sỹ violin Anne-Sophie Mutter, người đã kỷ niệm 40 năm ngày ra mắt lần đầu của mình vào năm 2016, và nghệ sỹ piano Daniil Trifonov, mới ngoài tuổi hai mươi, đã góp sức cùng ba nam sinh khoa đàn dây trẻ tuổi của Quỹ Mutter tại Baden-Baden Festspielhaus vào tháng 6/2017 để biểu diễn Ngũ tấu piano giọng La trưởng, thường được biết đến là Ngũ tấu “Cá hồi”.

Mutter và Trifonov cùng cuốn hút nhau bởi lực hấp dẫn mạnh mẽ của nghệ thuật. Nữ nghệ sỹ violin nhớ lại: “Làm việc cùng nhau là một ý tưởng mang tính ngẫu hứng.” Chị cười và nói thêm: “Nhưng tôi đã lén ‘theo dõi’ Daniil mấy năm rồi.” Đầu năm 2017, Mutter đã “để mắt” đến chùm chương trình concerto của nhà soạn nhạc Nga Rachmaninov do Trifonov cùng dàn nhạc Munich Philharmonic và Valery Gergiev biểu diễn. Chị nêu lên một điểm trùng hợp thú vị: “Tôi cũng từng ở Moscow khi cậu ấy đoạt giải Tchaikovsky năm 2011 và nghe cậu ấy chơi trong buổi hòa nhạc của những người đoạt giải tại đó”.

Dù mối quan hệ bạn diễn lâu năm giữa Anne-Sophie Mutter và Lambert Orkis vẫn được thắt chặt nhưng chị vẫn thường gây dựng mối quan hệ mới với các nghệ sỹ piano khác khi biểu diễn những tác phẩm thính phòng, trong số đó có Alexis Weissenberg, André Previn - người chồng cũ của chị, và Yefim Bronfman. Cơ hội để chị lần đầu thực hiện bản thu âm Ngũ tấu “Cá hồi” với Daniil Trifonov quá hứa hẹn, bản thân Trifonov cũng nhiệt tình hết mực với ý tưởng này.

Vì sao Trifonov lại hứng thú với âm nhạc của Schubert và ý tưởng của Mutter? Với anh, Schubert là một trong những nhà soạn nhạc vĩ đại thời kỳ Cổ điển: ông không chỉ sáng tạo ra những giai điệu đẹp tinh khiết mà còn là một bậc thầy về cấu trúc các hình thức của âm nhạc. Trifonov nhận xét: “Sự chân thật trong cách biểu lộ âm nhạc của ông quyến rũ khán giả và người biểu diễn. Thoạt tiên khi biết Anne-Sophie muốn thu âm bản nhạc này, tôi đã thấy hạnh phúc đến khó tin. Trước đây tôi chỉ thu âm các bản chuyển soạn ca khúc Schubert của Liszt, bởi vậy tôi không thể bỏ lỡ cơ hội được biểu diễn một trong những tác phẩm lớn nhất của nhà soạn nhạc cùng bốn đồng nghiệp tuyệt vời”.

Âm nhạc thính phòng là thứ âm nhạc vừa cá nhân nhất vừa giàu cảm xúc nhất. Hãy lắng nghe những tứ tấu đàn dây thời kỳ cuối của Beethoven hay tác phẩm thính phòng của Schubert trong những năm cuối đời – các bản tam tấu hay Fantasy giọng Đô trưởng. Hầu hết tác phẩm tuyệt vời nhất trong lịch sử âm nhạc thường được viết cho hòa tấu thính phòng. Nhưng đó chẳng phải là lý do duy nhất khiến tôi luôn yêu thích âm nhạc thính phòng và càng ngày càng yêu thích hơn. Bởi không thứ nhạc nào khác có sự riêng tư đến thế, cho phép tự nhiên nhiều đến thế và đòi hỏi các phản xạ nhanh đến thế.” - Anne-Sophie Mutter

“Âm nhạc thính phòng đòi hỏi và cho phép các nghệ sỹ piano thể hiện một phạm vi các sắc thái không giới hạn – sự dịu dàng và những cuộc tấn công sắc bén, tránh những xung đột về âm sắc, pha trộn vào cùng các đàn dây. Và mọi giải pháp bạn tìm thấy đều giúp mở ra những viễn cảnh mới” - Daniil Trifonov

Trong khi Schubert chỉ viết một số ít tác phẩm cho violin kết hợp với piano thì các bản tam tấu piano và ngũ tấu piano của ông lại có những đoạn viết cho bè violin. Anne-Sophie Mutter ngẫm ngợi: “Thật buồn là Schubert đã viết rất ít cho violin. ‘Cá hồi’ đã cho tôi cơ hội làm việc không chỉ với Daniil mà với cả các đồng nghiệp tài năng. Đó cũng là một tác phẩm cho phép những người bạn nhạc làm việc cùng nhau.” Thật vậy, đội ngũ “Cá hồi” trở nên hoàn thiện với nghệ sỹ violin người Hàn Quốc Hwayoon Lee, nghệ sỹ cello người Đức Maximilian Hornung và nghệ sỹ doublebass người Slovakia Roman Patkoló, các cựu sinh viên nhận học bổng từ Quỹ Anne-Sophie Mutter. Mutter nhận xét: “Trong cuộc hợp tác thú vị này, cảm hứng lan tỏa từ nhiều quan điểm, nhiều góc nhìn và nhiều gốc rễ văn hóa.”

Tái khám phá Schubert

Trong quá trình cùng nhau khám phá âm nhạc của Schubert, năm nghệ sỹ đã sớm tìm thấy những nguyên cớ chung đẹp đẽ - yếu tố khiến họ cùng nhau trở lại với những tác phẩm ra đời cách đây gần 200 năm. Mutter ví cách thức trình diễn “Cá hồi” với việc leo núi, khi chinh phục một ngọn núi thì lại mở ra một cái nhìn tươi mới về những đỉnh núi khác còn chưa được chinh phục. Với chị, quá trình khám phá ấy thú vị ấy đầy rẫy những đòi hỏi khắt khe. Trong quá trình luyện tập, những khác biệt trong quan điểm của mỗi người về các thay đổi tempo (tốc độ) trong một chương nhạc và những liên hệ về tempo giữa các chương nhạc đều được giải quyết, điều đó cho phép các nhạc công mở khóa cái mà Trifonov ví von là “tinh hoa năng lượng” của tác phẩm: những bùng nổ kịch tính, những tương phản sắc nét và những âm vang tươi sáng, yếu tố đem lại sức sống cho tác phẩm. “Nó khiến những biểu cảm không trở nên xám xịt”, Mutter bổ sung.

Nhiều bản thu âm “Cá hồi” đã ra mắt công chúng nhưng không phải bản nào cũng thu hút. Có lẽ việc xử lý tác phẩm xuất sắc này của Schubert không hề đơn giản. Mutter cũng nghĩ như vậy. Chị nhận xét: “Tôi luôn thấy tiếc nuối vì rất nhiều đồng nghiệp giỏi chơi chủ đề chính trong chương thứ tư của tác phẩm như thể con cá hồi đã chết hàng thế kỉ rồi. Nhưng nếu bạn đọc ca từ của bài hát mà Schubert đã lấy làm chủ đề của bản ngũ tấu thì có thể thấy con cá hồi lao nhanh như tên bắn! Khi chủ đề ‘cá hồi’ trở lại, tốc độ là Allegretto (hơi nhanh), thậm chí còn nhanh hơn tốc độ Andantino gốc (chậm vừa phải). Có biết bao nhiêu sự dí dỏm và chan chứa niềm vui trong bản nhạc này. Đó là một trong những tác phẩm rực nắng nhất của Schubert.”

Dù tràn đầy hân hoan nhưng tác phẩm cũng có những khoảnh khắc kích động gần như những cơn bột phát “bạo lực”. Là một nghệ sỹ giàu kinh nghiệm và bản lĩnh sân khấu, Mutter có cái nhìn bao quát trong xử lý tác phẩm, “có rất nhiều dấu nhấn trên các trang nhạc, rất nhiều dấu Sforzando 1 và dấu chỉ cường độ ở mức cao bậc nhất, thường xuyên nhất là fortepiano (âm lượng mạnh). Và thường thì âm thanh bừng lên thành ánh sáng chói lòa.”

Nhìn một cách tổng thể thì nhiều tác phẩm của Schubert nằm trong số những bản nhạc quan trọng nhất trong kho tàng âm nhạc cổ điển thế giới. “Ngay cả khi âm nhạc trong các bản piano sonata thời kỳ cuối của Schubert đều có xu hướng trở nên ‘bất trị’ thì ‘Cá hồi’ lại biệt lệ. Chúng tinh khiết, đơn giản trong cấu trúc, thẳng thắn trong biểu đạt với những câu nhạc dài theo những dòng phát triển dường như bất tận”, Trifonov nêu cái nhìn của mình.

Thông thường việc được chơi cùng một nữ nghệ sỹ xuất sắc như Mutter là niềm tự hào với bất kỳ nghệ sỹ trẻ nào, kể cả Trifonov. Tuy nhiên một cách khiêm tốn, Mutter lại coi đây là cơ may của mình, chị nhấn mạnh đến tài năng của Trifonov và phạm vi phi thường của những màu âm cùng những phản ứng nhanh nhạy và cả những tư duy âm nhạc tươi mới của anh. Cô nhận xét: “Thậm chí sau khi thảo luận về mọi thứ lúc diễn tập, bạn vẫn có thể tìm ra những giải pháp khác lúc biểu diễn. Nhưng điều đó chỉ đến với những nghệ sỹ có tư duy âm nhạc tự do phóng khoáng chứ không phải những người nhất nhất biểu diễn theo một công thức đã định.”

Ngoài ngũ tấu “Cá hồi”, album của họ còn có bản chuyển soạn ca khúc Ständchen của Mischa Elman và bản chuyển soạn ca khúc Ave Maria, tên chính xác hơn là Ellens Gesang III  do August Wilhelmj thực hiện vào những năm 1880 rồi sau này được Jascha Heifetz bổ sung. Cả Mutter và Trifonov cùng thực hiện những thay đổi ở bè của mình để tạo ra một “cuộc phiêu lưu chung” trong nghệ thuật chuyển soạn như cách miêu tả của Mutter. “Tôi nghĩ là cũng có một chút trợ giúp từ Liszt,” Trifonov lưu ý khi đề cập đến ảnh hưởng của nhà soạn nhạc kiêm nghệ sỹ piano người Hungary lên phần tự chuyển soạn của anh.

Việc chuyển soạn tác phẩm không phải là chuyện mới trong âm nhạc cổ điển, thi thoảng cũng có trường hợp những bản chuyển soạn lại có sức sống mãnh liệt không kém nguyên bản. Theo quan điểm của Mutter, “đôi khi người ta phải chuyển soạn lại chúng để phô ra những điều đẹp còn giấu kín trong bản gốc”. Notturno của Schubert chứa đựng bằng chứng cho thấy nhà soạn nhạc tìm kiếm những âm thanh mới trong những năm cuối của cuộc đời ngắn ngủi. Có lẽ được hình thành để làm chương chậm trong bản Piano Trio No.1, tác phẩm đạt được vẻ đẹp vượt trội trong sự phối hợp giữa bè violin giản dị và những giai điệu cello cũng bè đàn phím công phu.

Biểu diễn âm nhạc của một nhà soạn nhạc nổi tiếng đã là một thách thức nhưng biểu diễn những tác phẩm tinh túy nhất của họ còn ẩn chứa nhiều cam go hơn với các nghệ sỹ. Tuy nhiên, cả Mutter và Trifonov cùng những nghệ sỹ trẻ chưa tên tuổi đã đem một sức sống cho “Cá hồi”, bởi như cách nói của Trifonov, “chúng tôi càng chơi cùng nhau thì càng mở ra nhiều khả năng biểu đạt tác phẩm. Lúc nào cũng có cái gì đó khác lạ chợt đến để rộng mở hơn nhận thức. Và rồi bạn trở nên thoải mái hơn với cách trình diễn mới trong từng khoảnh khắc”.

Nhiều nhà soạn nhạc thường có xu hướng sử dụng tối đa những chủ đề sẵn có của mình . Franz Schubert đã “dùng lại” ba trong số những ca khúc phổ biến nhất của chính mình để tạo ra ba tác phẩm hòa nhạc thính phòng được yêu thích nhất của ông là Tứ tấu “Thần chết và Trinh nữ”, Fantasy “Người lang thang” và Ngũ tấu “Cá hồi”. Với biên chế nhạc cụ khác lạ và tính chất nhẹ nhàng dễ chịu, ngũ tấu ‘Cá hồi” của Schubert là một trong những sáng tạo đẹp nhất của Schubert trong địa hạt nhạc thính phòng. Dù ông hoàn thành nó ở Vienna vào mùa thu năm 1819 nhưng đó là kết quả của một kỳ nghỉ vô tư lự tại Steyr vào mùa hè năm ông tròn 22 tuổi cùng với một trong những người bạn thân nhất, ca sỹ giọng baritone Johann Michael Vogl. Những bức thư của Schubert thể hiện niềm sung sướng trước cảnh quan đẹp diệu kỳ và tám cô gái trẻ trung duyên dáng (“gần như cô nào cũng xinh đẹp”) vây quanh ngay trước mắt. Nghệ sỹ cello nghiệp dư Sylvester Paumgartner đã đặt hàng ông viết một bản ngũ tấu có cùng cách biên chế nhạc cụ như bản ngũ tấu piano Op.87 của Johann Nepomuk Hummel với những giai điệu của Die Forelle (Con cá hồi). Schubert đã thuận theo yêu cầu này bằng cách chèn vào một bộ các biến tấu được đánh dấu tốc độ Andantino để làm chương nhạc thứ tư. Việc này giải thích cho mẫu hình 5 chương khác thường của bản ngũ tấu cũng như biệt danh của nó.

(Nguồn:
https://www.anne-sophie-mutter.de/en/page/projekte/schubert-trout-quintet/
https://www.deutschegrammophon.com/en/artist/mutter/
https://www.gramophone.co.uk/review/schubert-trout-quintet-notturno-ave-...)

——
1. Loại dấu nhấn cực mạnh, thường được viết tắt là sf, sfz hay fz.

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.