You are here

“Sến” một chút

Tác giả: 
Nguyễn Thị Minh Châu

Danh từ “sến” thường được dùng như tính từ chỉ tính chất có ý chê bôi sự ướt át, ủy mị, quê mùa... và không chỉ nói về âm nhạc. Cũng như với cải lương, chẳng mấy ai lấy làm tự hào khi bị quy là “cải lương!”, là “sến!”. Không ít người yêu quý cải lương phản đối cách mượn từ vô hình trung đã miệt thị một loại hình âm nhạc sân khấu dân tộc. Còn nhạc sến, nó có đáng bị miệt thị thế không, hay mạch ngầm này cần phải được xưng danh chính thức như một dòng nhạc đã khởi nguồn từ giữa thế kỉ trước cho đến nay vẫn rỉ rả chảy giữa dòng đời?

Trong xu thế đề cao bản sắc dân tộc, ta có nên miệt thị hay phủ nhận những ca khúc mà nghe biết liền là nhạc Việt? Dù thích hay không vẫn phải công nhận rằng nhạc sến rất Việt Nam, không dễ lẫn với Tây, Tàu, Hàn, Nhật... Với lời ca tình tự, giai điệu luyến láy kiểu dân ca và lối hát mùi mẫn, sến dễ làm mủi lòng người, nhất là những ai xa quê hương hay xa người thương. Có những người không chịu nổi nhạc sến khi ra nước ngoài bỗng dưng... nghiện sến, dường như hoàn cảnh xa xứ khiến họ cảm nhận rõ hơn hơi thở quê hương đậm đà trong chất sến.

Cái chất sến đó là gì vậy? Không dám múa rìu qua mắt các nhà “sến học” có lẽ vẫn đang suy ngẫm cho một định nghĩa chính thức và đầy đủ, tôi chỉ đánh liều với chút hiểu biết nhỏ nhoi về nhạc sến để làm cái việc giản đơn hơn là thử điểm qua vài nét chung trong những bài ca thuộc họ sến.

Về sáng tác, cả nhạc và lời của sến đều được gói trọn trong chữ “tình”. Tình lai láng, tình chảy nước, cứ như ngay từ thuở ban đầu đã vận vào tên gọi “tình ca máy nước” với các nàng Mari-Fontaine gánh nước thuê. Tâm tình, tự sự, giãi bày, chan chứa trong lời ca là những câu chuyện về tình người và thân phận. Đã than thở ắt là phận nghèo, phận cô đơn vì yêu đơn phương hoặc thất tình, hoặc tha hương. Những “chuyện chúng mình”, “tình đôi ta” có lúc trải rộng thành tình quê, tình non nước. Lời ca kể lể tình tiết, bày tỏ cảm xúc một cách trực diện, không ẩn dụ, không triết lí, không cần suy ngẫm sâu xa.

Với nội dung bình dị, cách biểu hiện của sến cũng rất tự nhiên. Những ngôn từ dễ hiểu được hát lên bằng giai điệu thuận tai, êm dịu, trôi chảy, dễ dãi, không vận đến học thuật cao siêu. Nhìn chung âm nhạc một màu, đơn điệu, dễ nhàm, trước hết là do sự lặp lại vài nét nhạc điển hình và những motif quen thuộc đó trở thành một trong những đặc điểm để nhận ra sến. Chẳng hạn, cứ hát lên giai điệu quá quen “đời tôi cô đơn nên yêu ai cũng không thành” (Người yêu cô đơn - Đài Phương Trang), để thấy cùng cao độ với bốn từ cuối câu trên còn có vô thiên lủng những “thương nhớ vơi đầy” (Sao chưa thấy hồi âm - Châu Kỳ), “đôi má xuân nồng” (Dành cho em đó - Nguyễn Thiện Thanh), “như khói sương mù” (Tình em đã chết - Nguyễn Hữu Thiết...

Điều đáng ghi nhận là nhạc sến có thể cung cấp không ít dẫn chứng cho quá trình tiếp biến âm nhạc phương Tây. Mượn của Tây sự phát triển giai điệu theo lối lặp lại đều đặn một âm hình tiết tấu. Cũng lấy từ nhạc Tây phần đệm “xập xình” chủ yếu theo điệu boléro, đến mức nhạc sến còn được gọi là nhạc boléro! Song sến đã được “Việt hóa” nhuần nhuyễn qua sự kết hợp màu sắc điệu tính trưởng - thứ của châu Âu với vai trò chủ đạo của các quãng đặc trưng ngũ cung và những nét luyến láy rất gần với dân ca, nhất là dân ca phương Nam.

Một số ca khúc không phải nhạc sến vẫn làm người nghe cảm thấy chút gì đó “sến sến”, có thể vì tình cờ xuất hiện một trong những “motif sến”, nhưng cũng có khi chỉ vì được hát lên theo kiểu sến. Vậy thì những gì làm nên chất sến không hoàn toàn thuộc về sáng tác, mà còn được quyết định bởi phong cách biểu diễn.

Lả lướt, nỉ non, sướt mướt, lâm ly, bi thiết..., chất sến toát ra từ lối nhả chữ vuốt lên trượt xuống, luyến qua láy lại, điểm thêm những nốt rung nhẹ hay buông lơi tình tứ. Với cách hát như vậy, sến rất gần với nhạc vàng và cải lương. Có những tình khúc xếp vào họ nhà sến hay nhạc vàng đều được. Lại có những bài trình diễn theo tinh thần tân cổ giao duyên với khúc dạo đầu ngâm nga kiểu cải lương rồi mới chuyển rất ngọt vào tiết điệu boléro.

Mấy thập kỉ qua nhạc sến vẫn theo chân người hát rong “đánh” vào lòng thương cảm của người qua đường, vẫn qua loa phóng thanh của các xe hàng rong khuấy động cả ngõ ngách phố phường. Nhạc sến vẫn có đời sống xã hội, vẫn có công chúng, vẫn có tác giả được phong vua nhạc sến và ca sĩ được coi là ngôi sao nhạc sến.

Sến hồn nhiên sống như chính cái tên sinh ra theo cách dân gian, cái tên dung dị để chỉ một tính cách âm nhạc thuộc mảng ca khúc trữ tình. Chắc gì đời đã chấp nhận mọi sự can thiệp duy lí, như thay sến bằng một tên gọi khác khoa học hơn mà các nhà nghiên cứu có thể nghĩ ra, hoặc cố đẩy mạch ngầm gồng mình lên thành một dòng chảy chính thống.

Và khi ấy chắc gì sến còn... là sến!

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.