You are here

Sài Gòn cà phê nhạc trẻ - Những hòn đá lăn

Tác giả: 
Hoàng Phương Anh

Sau năm 1975, cùng số phận với sách, báo, nhạc tình Sài Gòn, những bản nhạc pop rock của Âu - Mỹ bị xem là “văn hóa đồi trụy” và bị cấm xem, nghe, lưu giữ. Khi thành phố cho phép biểu diễn nhạc pop rock công khai cũng là thời điểm những “quán cà phê nhạc trẻ” âm thầm mở lại.

Khoảng cuối năm 1978, giới trẻ Sài Gòn rất phấn khích khi được xem buổi phát sóng truyền hình chương trình của nhóm Ca khúc chính trị Thế hệ 49 của Cộng hòa Dân chủ Đức trong dịp họ đến thành phố biểu diễn. Toàn bộ ca khúc đều được chơi theo phong cách rock, trong đó gây ấn tượng mạnh là Bảy ngày đêm đói và khát.

Sau đó, thành phố cho thành lập nhiều nhóm ca khúc chính trị biểu diễn nhạc pop rock. 

Rón rén trở lại

Những nhóm ca khúc chính trị được đông đảo bạn trẻ hâm mộ có Sao Sáng, thường chơi lại Oye Como Va, Black Magic Woman, Sampa Pati của nhóm Santana, họ chính là ban The Peanuts Company trước đây. Nhóm Hải Âu với thành viên chính là nhạc sĩ Lê Hựu Hà hát các bản nhạc pop How Can I Tell Her, I’d Love You To Want Me của Lobo, Green Fields... Đây là những nhóm nhạc mà 8-9 năm trước đã tham gia trong các kỳ đại hội nhạc trẻ.  

Khi thành phố cho phép biểu diễn nhạc pop rock công khai cũng là thời điểm những “quán cà phê nhạc trẻ” âm thầm mở lại. Những quán nổi tiếng khi ấy có Bố Già trên đường Nguyễn Thiện Thuật, quận 3 sau chuyển ra quận 1. Khu vực ngã tư Lê Lợi - Nam Kỳ Khởi Nghĩa có Trang Đài và Lữ Quán. Quán Hồng Loan trên đường Nguyễn Huệ góc Nguyễn Thiệp quận 1.

Quán cá phê Bố Già ngày nay. Ảnh: TL

Tiêu chuẩn xếp hạng quán cà phê nhạc trẻ thời ấy là cà phê ngon, nhạc hay, dàn máy hiện đại với máy quay đĩa LP (sau hay gọi là đĩa than) hoặc các máy phát băng lớn magnetic (sau hay gọi là băng cối), dàn âm thanh stereo 4 loa và cuối cùng là không gian ấm cúng. Quán phải có người chọn nhạc giỏi tâm lý khách, chọn nhạc sao cho khách nghe không chán nhưng có lúc cũng phải biết mở nhạc thật quái ác để đuổi khách!

Mỗi quán có gu nhạc riêng, nhưng những bản pop rock êm nhẹ Yesterday, And I love Her của The Beatles, Yesterday Once More, Sing của The Carpenters; Every Thing I Own, If của The Bread thì hầu như nơi nào cũng mở. Trường hợp Lữ Quán thì chuyên nhạc rock mạnh với Stairway To Heaven của Led Zeppelin, Highway Star của Deep Purple, Honky Tonk Women, Midnight Rambler của The Rolling Stones… Và hôm nào trời mưa chắc chắn sẽ mở Have You Ever Seen The Rain, Who’ll Stop The Rain của nhóm CCR. Quán trang trí rất đơn giản, ghế gỗ có dựa lưng, sang chút thì có lót nệm. Chân tường đóng lamdri gỗ cao khoảng 1,2m, trên cao treo các bìa đĩa nhạc đẹp, chỗ nào mua được các ảnh ca sĩ, hay poster đẹp thì lộng kính treo lên.

Chỉ khoảng một năm, các nhóm ca khúc chính trị không biểu diễn nhạc Âu - Mỹ nữa mà hát ca khúc do chính họ sáng tác. Số phận quán cà phê nhạc trẻ lúc này lại bấp bênh, nhạc trẻ tiếp tục bị cấm, nên họ mở chỗ này được vài ba tháng thấy không ổn là chuyển sang chỗ khác. Như Những Hòn Đá Lăn lúc thì ở quận 1, quận 3 sau phải đi xa hơn ra Phú Nhuận, Bình Thạnh. Phần lớn thời gian trong ngày quán chỉ mở nhạc hòa tấu, gặp khách quen mới mở pop rock. Nhưng họ vẫn sưu tầm các đĩa LP mới của những nhóm nhạc mới nổi như ABBA, Air Supply… Nhóm Bee Gees trước đây chơi rock nhẹ với I Started A Joke, Massachusetts nay chuyển sang chơi disco nổi tiếng với album Tragedy, album Woman In Love của Barbara Streisand cùng với Barry Gibb, trưởng nhóm Bee Gees.

Cà phê nghe nhìn

Nửa sau thập niên 1980, vào thời kỳ đổi mới, mở cửa thị trường, xuất hiện một sản phẩm mới gọi là “đầu video”, đầu phát băng VHS. Gia đình nào có đầu video (hoặc thuê) thì xem phim truyện, phim bộ. Một số cơ sở kinh doanh của nhà nước có “sáng kiến” tổ chức các phòng chiếu nhỏ cho 20-30 khán giả ngồi vây quanh chiếc tivi chỉ độ 20 inch xem - nghe video nhạc trẻ vừa uống cà phê. Khách sạn Hoàng Gia quận 1 là điển hình. 

Về sau nhu cầu khán giả lớn dần, họ tổ chức thành quán cà phê lớn sang trọng với máy phóng hình (projector) lên đến 200 inch như ở Café Intershop (quận 1). Giới trẻ Sài Gòn lại có cơ hội được nghe pop rock, được thấy ngón lead guitar của các nhóm Led Zeppelin, Deep Purple đã từng nghe trước đây, mê mẩn với Hotel California của nhóm Eagles, tập theo các bước nhảy của Michael Jackson với bản Billie Jean. Một số quán trang bị tivi loại CRT cỡ lớn 40-50 inch phát băng cho khách xem nghe.

Dần dần đời sống khá lên, nhiều gia đình có đầu video riêng nên một số không ra ngoài nghe nhạc nữa. “Cà phê nghe nhìn” phải đầu tư lớn, tivi loại CRT dùng bóng đèn hình lại mau xuống cấp, khách đến thưa dần nên chỉ vài năm, quán mở theo mô hình này giảm dần rồi mất hẳn.

Café music compact disc

Sang đầu thập niên 1990, xuất hiện nhiều quán cà phê treo bảng “Café music compact disc”, nghe rất lạ lẫm. Thực ra đây là các quán café nhạc sử dụng máy đọc đĩa CD. Điển hình có Café Phượng Các trong hẻm trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa. Đây là biệt thự có sân rộng, bàn ghế kê trong sân và dọc các hành lang. Khách đến nghe các bản nhạc mới - cũ phát ra từ dàn âm thanh với đầu đọc CD lúc này đang là hàng xa xỉ. Âm thanh CD trong suốt không bị tiếng “xì” như máy dùng băng lớn magnetic, băng cassette hay có tiếng nổ “lộp bộp” nho nhỏ đặc trưng của máy phát đĩa LP.

Vào nửa sau thập niên 1990, giá đĩa CD giảm sâu do hơn 90% đĩa CD trên thị trường có xuất xứ từ Trung Quốc copy lại. Giá CD rẻ và đa dạng thể loại nên một số quán mở nhạc theo cung giờ. Sáng cho không khí sôi động mở các ban nhạc trẻ mới nổi Michael Learns To Rock, Westlife. Trưa vắng lặng nghe Richard Clayderman độc tấu piano, ban nhạc Paul Mauriat hòa tấu, có khi mở nhạc Pháp thập niên 1970. Chiều xuống để tâm hồn khách xao động mở Saving all my love for you với Whisney Houston, Because You loved me với Céline Dion. Khi màn đêm dần xuống thêm một chút lãng mạn cho các đôi tình nhân mở album Lời gọi chân mây với Tuấn Ngọc - Thái Hiền, Khánh Hà ngất ngây với Đời đá vàng. Rồi những giọng hát Ý Lan, Lưu Bích, Vũ Khanh lâu lâu điểm thêm tiếng nỉ non của Ngọc Lan với những khúc nhạc Nhật lời Việt.

Café music compact disc phát triển mạnh theo hai hướng. Mô hình cà phê sân vườn với nhiều phân khúc, chủ nhân chọn phân khúc cao thì thuê các biệt thự đẹp trên trục đường chính để kinh doanh, ở phân khúc bình dân điển hình có quán cà phê 27 trên đường Nguyễn Thị Diệu, quận 3, giá cả vừa phải.

Vào thời điểm hãng Microsoft ra mắt sản phẩm mới Windows 95 với nhạc nền là ca khúc Stayin’ Alive trong album Saturday Night Fever của The Bee Gees, thì những người yêu nhạc ở Sài Gòn mới có thể sắm cho mình một dàn máy nghe nhạc riêng. Đầu CD, ampli, loa các loại, hàng second hand nội địa Nhật được bày bán rất nhiều ở chợ Nhật Tảo, quận 10. 

Đến cuối thiên niên kỷ thứ hai, kinh tế thành phố phát triển mạnh, đời sống dân chúng tăng cao cùng với sự tiến bộ vượt bực của công nghệ thế giới, cà phê nhạc trẻ cũng chuẩn bị rẽ sang một hướng mới...

Ông Lâm, cư dân sống gần 70 năm ở Sài Gòn nhớ lại: “Giữa thập niên 1960, khi The Beatles và nhiều nhóm nhạc Anh sang chinh phục giới trẻ Mỹ đã tạo nên làn sóng âm nhạc mới. Sài Gòn - Hòn ngọc Viễn Đông, cũng nhanh chóng tiếp cận âm nhạc mới. Lúc đó, giới trẻ Sài Gòn mua đĩa LP mới trễ sau các bạn trẻ Mỹ một tháng, và về sau chỉ còn một tuần. Song song đó, các tạp chí âm nhạc của Mỹ cũng được mang vào bởi những khách ngoại quốc.

Một số đĩa LP lừng danh một thuở. Ảnh: TG

Năm 1965, Đại hội Nhạc trẻ đầu tiên được tổ chức tại trường Lasan Taberd (nay là trường Trần Đại Nghĩa, quận 1). Chủ xướng là ký giả Trường Kỳ (lúc đó mới 19 tuổi). Ông là cha đẻ của cụm từ “nhạc trẻ” để chỉ chung thể loại pop rock, và là thủ lĩnh chính của phong trào nhạc trẻ 10 năm tiếp theo.

Sau đại hội, giới trẻ yêu thích âm nhạc mới nhiều hơn. Đến lúc đó, cà phê nhạc trẻ xuất hiện nhiều. Nhưng phát triển mạnh có lẽ vào cuối thập niên 1960 đầu 1970. Đi cà phê khi đó phải đem theo giấy tờ tùy thân, có giấy hoãn dịch càng tốt. Quân cảnh ập vào không có giấy tờ là xúc đi liền”.

(Nguồn: https://nguoidothi.net.vn/)

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.