You are here

Qua rồi thời live show ca nhạc hoành tráng

Tác giả: 
Thùy Trang

Những live show ca nhạc hoành tráng ở sân vận động với hàng chục ngàn khán giả đã trở thành ký ức ở showbiz Việt khi nó không còn mang lại hiệu quả cho người làm lẫn còn không thu hút nhiều người xem.

"Thấy Đen duyên muốn xỉu khi xem anh ấy hát và giao lưu trên sân khấu", "Không ai nghĩ một rapper có vẻ ngoài hầm hố như Đen lại nhẹ nhàng đến thế khi trò chuyện. Âm nhạc cực chất, giao lưu đầy thiện cảm. Đen Vâu nổi tiếng là chuyện đương nhiên"… Những bình luận đầy thiện cảm của khán giả bên dưới các tiết mục biểu diễn của ca sĩ Đen Vâu được livestream và chia sẻ khắp các trang mạng xã hội. Điều này càng làm tăng thêm hiệu ứng cho buổi diễn của rapper Đen Vâu ở khắp mọi nơi.

Tận dụng hiệu ứng truyền thông số

Họp báo livestream, buổi diễn livestream ra mắt ca khúc mới, làm live show quy mô nhỏ có livestream…, showbiz dường như đang phụ thuộc hoàn toàn vào truyền thông kỹ thuật số đến mức công chúng tin rằng nghệ sĩ đang sống nhờ YouTube. Thế nhưng thực tế, doanh thu từ YouTube không đáng kể. Cái chính vẫn là hiệu ứng không tưởng mà YouTube mang lại. Giới ca sĩ cho rằng một khi chinh phục được khán giả online, họ dễ dàng thành công ở những buổi diễn offline (trực tiếp gặp mặt).

Ca sĩ Mỹ Linh cũng trở về với những buổi diễn nhỏ để gần gũi hơn với khán giả của mình qua “Hợp âm gió” Ảnh: NGUYÊN HÀ

Thành công mà ca sĩ Hà Anh Tuấn gặt hái được thời gian qua với các buổi diễn "See Sing Share" được người trong giới đánh giá là xứng đáng đối với một ca sĩ có niềm đam mê âm nhạc cháy bỏng. Nhưng đó chính xác là thành tựu của một ca sĩ giỏi tính toán. Việc thực hiện các buổi diễn trực tiếp cùng ban nhạc và livestream trên YouTube đã "thổi" các tiết mục biểu diễn của Hà Anh Tuấn đi khắp mọi nơi. Một sân vận động với vài chục ngàn khán giả cũng chỉ bằng 1/10 so với hàng chục triệu người xem tiết mục biểu diễn trên YouTube. Đợi đến khi khán giả đủ "nghiện" mình, anh ra mắt những buổi diễn offline ở các nhà hát, nhà văn hóa hay một địa điểm ngoài trời đầy cảm hứng như Đà Lạt. Những buổi diễn chẳng cần ồn ào về mặt truyền thông nhưng cũng đủ cháy vé trong khoảng thời gian ngắn. Khán giả thì mặc sức bàn tán. Hiệu ứng đó nuôi sóng "See Sing Share" của Hà Anh Tuấn đến mấy năm và giúp anh tăng thêm các buổi diễn offline.

Sự trở lại của Lam Trường cũng nhờ hình thức biểu diễn online. Khán giả có đủ thời gian để thẩm định chất nhạc, đủ lâu để hiểu tính cách của ca sĩ trước khi họ quyết định đến dự một buổi diễn offline của ca sĩ. Lam Trường nói anh tin rằng sau những buổi diễn online, khán giả sẽ mua vé để dự các buổi diễn offline của anh.

Hiệu quả của hình thức này trở thành cảm hứng, thậm chí là xu hướng biểu diễn của ca sĩ Việt trong năm nay. Noo Phước Thịnh, Hồ Ngọc Hà, Lệ Quyên, Đông Nhi… đang chuẩn bị cho những buổi diễn offline định kỳ để chinh phục khán giả.

Sô nhỏ, gần gũi nhưng chất lượng cao

Không phải tự nhiên mà các buổi diễn "See Sing Share" của Hà Anh Tuấn, "Music acoustic của Đen Vâu", "Lam Trường 9pm live", "Hợp âm gió" của Mỹ Linh… có được thành công nhiều như thế. Tất cả sô diễn này đều có điểm chung: giản dị, mộc mạc - rất phù hợp với tâm lý và xu hướng thưởng thức âm nhạc của công chúng hiện nay.

2019 là một năm được dự báo tràn ngập những buổi diễn nhỏ như thế, không chỉ của các ca sĩ dòng underground, những giọng ca đầy chiến lược hợp xu thế mà còn của hàng loạt giọng ca ngôi sao dòng mainstream (đại chúng). Đây chính là xu hướng của thế giới.

Ngay cả Madonna - nữ hoàng nhạc dance và luôn "quậy tưng" trên sân khấu, bất chấp tuổi tác, thời thế - cũng bắt đầu cho hành trình những sô diễn nhỏ mà chất lượng của mình. Ở đó, bà sẽ là ca sĩ và cả diễn giả để kết nối khán giả. Còn với nhiều ca sĩ dòng mainstream, việc thực hiện những live show quy mô nhỏ là cách để "chứng minh thực lực với khán giả".

Ca sĩ Noo Phước Thịnh cho rằng: "Những nghi hoặc của khán giả dành cho ca sĩ trẻ vẫn còn khi sự hỗ trợ của nền công nghiệp thu âm trong việc điều chỉnh giọng hát là điều không thể phủ nhận. Trong khi đó, để có thể thực hiện những buổi diễn trực tiếp, ca sĩ không chỉ tự tin về khả năng của mình mà còn là sự ứng biến, nhanh nhạy với thời cuộc của mỗi người. Không phải có gì hát nấy mà là sự tính toán phù hợp với không gian, đối tượng khán giả đến nhà hát. Nếu muốn bước lên một vị trí khác với đối tượng khán giả khác, ca sĩ phải đáp ứng được những yêu cầu của khán giả. Đó là thách thức mà ai cũng muốn vượt qua". 

Thức thời

Ngoài tính xu hướng, cái tôi nghệ sĩ, việc trở về với những buổi diễn quy mô nhỏ của ca sĩ còn vì không chịu nổi "lỗ nặng" của các live show hoành tráng. Để lôi kéo vài chục ngàn khán giả đến sân vận động (tức mua vé) là nhiệm vụ bất khả thi hiện nay. Thậm chí vì sĩ diện, ca sĩ phải bỏ tiền thuê người làm khán giả để lấp chỗ trống khán đài các đêm diễn cũng trở thành chuyện thường tình. Vậy nên, việc ca sĩ chọn giải pháp an toàn hơn cho mình là lựa chọn khôn ngoan, thức thời.

Tất nhiên, để có thể thực hiện được những buổi diễn trực tiếp này, chất lượng là bắt buộc phải được đề cao, từ âm nhạc đến cá tính nghệ sĩ với sắc màu khác biệt. Khán giả không chấp nhận những gì làng nhàng, dễ bị trộn lẫn.

(Nguồn: https://nld.com.vn/)

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.