You are here

Phận đàn bầu

Tác giả: 
Lê Hải Đăng

Nghe tin đàn bầu được đưa vào giảng dạy trong Học viện Quảng Tây, Trung Quốc, không ngoại trừ khả năng nước này đăng ký di sản văn hóa thế giới đã dẫn tới phản ứng của nhiều nhà nghiên cứu âm nhạc Việt Nam. Lời kêu gọi bảo vệ “chủ quyền” đàn bầu đã được phát đi. Nó không khỏi khiến người ta liên tưởng đến sự kiện bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của tổ quốc.

Đàn bầu là một sản phẩm văn hóa hình thành trong quá trình lịch sử và phát triển theo con đường giao lưu, tiếp biến văn hóa. Biển đảo, sông ngòi… cũng mang giá trị lịch sử, nhưng không phải sản phẩm do con người sáng tạo. Sản phẩm văn hóa do con người sáng tạo nhằm thỏa mãn nhu cầu văn hóa của mình, trong đó có rất nhiều sản phẩm hình thành trong quá trình tiếp biến, giao lưu văn hóa. Đa số nhạc cụ giảng dạy trong trường âm nhạc đều du nhập từ các nước. Điều đáng nói là, sau khi du nhập quốc gia, vùng văn hóa khác, chúng có xu hướng khúc xạ qua lăng kính thẩm mỹ của cư dân bản địa, thay đổi phù hợp với đặc điểm, tâm lý, môi trường văn hóa. Theo đó, đàn bầu Việt Nam hoàn toàn có khả năng xâm nhập các quốc gia, vùng văn hóa khác. Đứng ở góc độ văn hóa, đó là kết quả của quá trình giao lưu. Còn đứng ở góc độ dân tộc, đây là một tìn vui đáng tự hào, chứng tỏ Việt Nam có đóng góp cho thế giới. Biết bao nhạc cụ Việt Nam từng du nhập từ các nước. Ngược lại, đàn bầu Việt Nam cũng có quyền xâm nhập quốc gia khác.

Đàn bầu vừa là sản phẩm văn hóa, vừa là hàng hóa. Bất cứ ai cũng có thể bỏ tiền ra để sở hữu cây đàn. Một vật có thể sở hữu bằng tiền, có thể mua bán, trao đổi, vậy chủ quyền của nó nằm ở đâu? Rõ ràng, nằm ở thuộc tính văn hóa. Thông qua cơ chế phát thanh, ngôn ngữ biểu hiện, đàn bầu xác lập căn cước văn hóa của mình. Tính chất này khác với chủ quyền quốc gia, đất đai, lãnh thổ, sông ngòi, biển cả… Như cuộc xung đột giữa người Isarel và Palestin ở dải Gaza kéo dài từ quá khứ tới hiện tại vẫn chưa đi đến hồi kết. Còn đàn bầu, ai thích đều có quyền mua và học tập. Trong phạm trù văn hóa nổi lên hai giá trị: có thể học tập và thay đổi. “Con đường tơ lụa” từng là một kênh chuyển tải băng thông rộng trên mặt đất góp phần đưa nhiều sản phẩm văn hóa qua những vùng miền, lãnh thổ khác nhau tạo nên bức tranh hỗn dung, đa dạng. Hiện tại, sản phẩm văn hóa nói chung đong đầy tính chất đa nguyên, thay đổi theo thời gian và chịu tác động bởi quan niệm giá trị. Nguyên tắc ứng xử nào phù hợp với đặc điểm văn hóa sẽ có độ bền cao. Bộ quy tắc ứng xử nào giúp con người hợp tác với nhau tốt sẽ trở nên phổ biến.

Công năng phát thanh của nhạc cụ mang tính chất trung tính. Một nhạc cụ trước hết và sau cùng phải đảm bảo công năng phát thanh. Âm thanh phát ra quyết định tính chất, đặc trưng văn hóa. Xét về hình tướng, cấu trúc một nhạc cụ chỉ là phần xác, còn phần hồn nằm ở thuộc tính âm thanh. Biết bao nhạc cụ bị thời gian chôn vùi, không còn khả năng phát thanh đã ngủ quên trong viện bảo tàng, giống như thi thể chất chứa trong nhà xác nhạc cụ. Còn những nhạc cụ truyền thừa trong các nền văn hóa đều có công năng và quyền năng phát thanh. Chúng ta không thể nhân danh chủ quyền quốc gia mà tước đoạt quyền phát thanh ở nhạc cụ, cũng không thể nhân danh dân tộc mà hạn chế khả năng thể hiện nhiều ngôn ngữ khác nhau của nhạc cụ. Giống như người Việt Nam đâu chỉ được nói một thứ ngôn ngữ là tiếng Việt?

Đàn bầu trong quá trình dịch chuyển không gian văn hóa đã và sẽ tiếp nhận thêm nhiều ngôn ngữ âm nhạc và cách thức biểu hiện khác. Việc đàn bầu được đưa vào giảng dạy trong Học viện Quảng Tây, Trung Quốc chính là một bước tiến nhỏ trên trên chặng đường dài hội nhập thế giới. Trước và sau sự kiện này, Việt Nam và Trung Quốc có thể hợp tác với nhau để cùng phát triển đàn bầu. Truyền thống và sức sáng tạo trong mỗi quốc gia sẽ bổ sung và làm phong phú cho ngôn ngữ âm nhạc đàn bầu.

Cho đến hiện tại, rất nhiều nhạc cụ truyền thống vẫn bị kìm kẹp giữa ý thức hệ văn hóa quốc gia và tư duy dân tộc hẹp hòi. Trong các trường âm nhạc chuyên nghiệp, nhạc cụ phương Tây phân loại theo tổ bộ hoặc phân chia theo khoa, như Khoa piano, Khoa kèn, gõ, Khoa guitar… Còn nhạc cụ truyền thống, như tỳ bà, đàn tranh, đàn bầu, sáo trúc, tam thập lục… tất cả đều bị nhốt chung vào một khoa, gọi là Khoa âm nhạc dân tộc hay Khoa âm nhạc cổ truyền. Cách phân loại này vừa thiếu tính nhất quán, vừa thể hiện tư duy dân tộc hẹp hòi. Chẳng lẽ đàn tranh, đàn bầu, sáo trúc, tỳ bà… cứ quẩn quanh mãi bên chiếc nôi dân tộc? Chúng cũng có quyền thể nghiệm nhiều thứ ngôn ngữ khác chứ? Như đàn piano từ lâu đã không giới hạn trong phạm vi châu Âu. Nhiều người cũng không cố truy xuất nguồn gốc, xuất xứ của nó. Piano thực sự đã trở thành “công dân quốc tế” trong thế giới âm nhạc, song, không hẳn vì thế mà đánh mất thuộc tính dân tộc. Âm nhạc của các nhạc sĩ lãng mạn dù xuất hiện trên cùng một nhạc cụ vẫn thể hiện sâu sắc tính chất dân tộc. Đàn nhị, kèn sona, đàn tỳ bà, đàn tranh… tuy mang tiếng nhạc cụ dân tộc, nhưng từng ngao du nhiều nơi trên thế giới. Bản sắc văn hóa của nhạc cụ cần hiểu dưới góc độ âm nhạc, chứ đừng bám chấp vào tên gọi hay hình tướng. Mối quan hệ giữa âm nhạc và dụng cụ phát thanh dễ dàng móc nối với nhau, nhưng chúng là hai thực thể khác biệt. Điểm gặp gỡ của chúng nằm ở ngôn ngữ biểu hiện. Thành lũy bảo vệ sự độc đáo của âm nhạc, xét về mặt thực tiễn thuộc ngôn ngữ âm nhạc, chứ không phải dụng cụ phát thanh. Cây đàn ghita phím lõm trong nhạc Tài tử Nam Bộ xét về ngoại hình chẳng khác guitar Tây Ban Nha, nhưng tâm hồn của nó hoàn toàn Việt Nam. Xuất phát từ một thực thể, con người có thể sáng tạo, làm nên ý nghĩa khác biệt. Trong trường hợp đàn ghita phím lõm mà bị Tây Ban Nha lên tiếng phản đối, đòi chủ quyền chắc cả thế giới đã không còn cơ hội chứng kiến sức quyến rũ của cây đàn này.

Nhạc cụ dân tộc hay quốc tế đều là sản phẩm văn hóa. Sau khi hàng hóa hóa, chúng tiếp tục trở thành căn cứ cho những sáng tạo phái sinh. Nhiều nhạc cụ phương Tây đã thoát khỏi biên giới văn hóa và biên độ dân tộc, từ giá trị vật chất bất biến thành tinh thần, từ dân tộc thành quốc tế, từ hình tướng, tính năng thành ngôn ngữ và phương thức biểu hiện. Người xưa thường nói: “Làm thân con gái chớ nghe đàn bầu”.  Đây có lẽ là một tâm lý phòng vệ điển hình kiểu Việt Nam. Bởi vậy, trong quá trình phát triển, chúng ta dễ rơi vào tình trạng dùng dằng giữa ngã ba đường. Đường nào cũng có những lối rẽ, trước mắt, đàn bầu đã rẽ sang Trung Quốc. Cùng với nó là “chiếc mũ” dân tộc sẽ phải bỏ xuống và khoác lên bộ trang phục khác. Giống như đàn ghita trong nhạc Tài tử và sân khấu Cải lương. Sau khi khoét lõm phím, nó đã đổi tên thành ghita phím lõm hay ghita Cải lương, cái tên guitar Tây Ban Nha hay Tây Ban Cầm dần dần rời xa. Các nhạc cụ trên thế giới đều đi ra từ chiếc nôi dân tộc như thế. Qua đó, nội hàm dân tộc hay bản sắc văn hóa chuyển biến tương ứng, từ chủng loại nhạc cụ sang ngôn ngữ biểu hiện. Nó tạo nên sự thay đổi đa dạng trong âm nhạc góp phần làm sâu sắc, phong phú thêm cho nội hàm dân tộc và văn hóa. Trải qua thời gian dài đi tìm hình bóng và tiếng nói cho mình, đàn bầu đã thay đổi thân phận trong xu hướng hội nhập thế giới sáng tạo vô biên.

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.