You are here

PGS – Nhạc sĩ Chu Minh: Nhạc sĩ không tuổi

Tác giả: 
Trần Mỹ Hiền

Trong số tác giả (và đồng tác giả) có tác phẩm và công trình được Giải thưởng Hồ Chí Minh vừa qua, PGS Chu Minh là một trong nhạc sĩ có những bài ca cách mạng đi cùng năm tháng giờ đã ở tuổi gần 90.

Chậm rãi, từ tốn, người nhạc sĩ già tác giả của "Người là niềm tin tất thắng" và "Ta tự hào đi lên, ôi Việt Nam" lên nhận giải thưởng Hồ Chí Minh 2016, giải uy tín danh giá nhất về văn học nghệ thuật tại Nhà hát Lớn Hà Nội...

Trong gia tài âm nhạc đồ sộ của ông không chỉ có những ca khúc bất hủ viết về Bác Hồ kính yêu, về đất nước, mà hàng loạt những công trình thanh khí nhạc đồ sộ đã từ lâu là tài liệu giảng dạy trong các trường nghệ thuật trong cả nước.

1. Khu tập thể cũ kĩ, bong tróc, lớp vôi đã úa vàng từ lâu. Nó ọp ẹp và rệu rã nằm lọt thỏm ngay đằng sau dãy nhà D2, 21 tầng vừa xây xong ở khu phố Giảng Võ. Đối lập với những khu chung cư cao tầng hiện đại trên con phố thì khu tập thể như một thế giới khác. Thế giới của những ngôi nhà từ cuối những năm của thập niên 70 còn sót lại.


Nhạc sĩ Chu Minh trong căn phòng nhỏ của mình.

Nhà ông ở đó, trên căn gác nhỏ tầng 3 cửa khóa then cài. Trên tầng 3 có nhiều hộ gia đình của những cặp vợ chồng già sinh sống. Ơn trời, tuy cũ kĩ nhưng gió vẫn mát rười rượi. Ở ban công nhiều giỏ cây xanh đu đưa, từ đó có thể ngắm khoảng trời mây bồng bềnh và những tia nắng lung linh đang chiếu rọi.

Nhà chỉ có hai vợ chồng nhạc sĩ và cô giúp việc, căn phòng nhỏ nhưng sạch sẽ ấm cúng, ông ngồi ở bộ sa-lông nhỏ, bên cạnh là cửa sổ hướng ra ban công, ngoài kia người ta đang làm công trường, ông bảo nghe đâu họ lại đang xây chung cư hay khu đô thị thương mại hàng mấy chục tầng. Nếu họ xây xong đồng nghĩa với việc sẽ che lấp cả bầu trời xanh và chắn mất gió của những căn hộ trong khu tập thể cũ kĩ này. Ông cười... căn phòng nhỏ nhưng sạch sẽ tinh tươm, gọn gàng, ấm cúng.

Trên ban thờ, những tấm ảnh nhỏ của tổ tiên, hoa quả tươi trang nghiêm tĩnh lặng, ngay ở phía dưới ban thờ, chếch về bên trái là cây đàn piano, tài sản đáng giá duy nhất của căn nhà. Trên cây đàn piano là lọ hoa loa kèn nở đẹp một cách giản dị và trang nhã, bên cạnh lọ hoa là khung giải thưởng Nhà nước phong tặng cho nhạc sĩ - PGS Chu Minh, Giải thưởng Hồ Chí Minh danh giá được bày trang trọng.

Trên bức tường treo bức tranh của cố họa sĩ Đào Hồng Cẩm tặng ông. Họa sĩ Đào Hồng Cẩm mất cách đây cũng đã 7-8 năm, thi thoảng đến nhà văn nghệ sĩ nào đó lại thấy lưu dấu ấn về anh, một phút chạnh lòng nhớ nhung về người họa sĩ tài hoa bạc mệnh, nhạc sĩ Chu Minh bảo: "Cẩm đã đi xa, theo gió về trời, nhưng hồn Cẩm vẫn còn ở lại với đời, với bạn". Chỉ cần nhìn qua căn phòng được bài trí thanh nhã này cũng thấy lối sống phong lưu, lịch thiệp của một người nhạc sĩ.

"Cuối cùng thì cũng có ngày này" tôi bảo với ông như vậy, nhưng ông, một nhạc sĩ từ tốn và trưởng thành từ hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, là người nhạc sĩ lớn cả về tầm vóc phẩm cách và tài năng, ông trân quý giải thưởng nhưng không khát khao hay bằng mọi giá để phải có giải thưởng, bởi vì cái mà ông trân trọng nhất, yêu thương nhất chính là vào những ngày trọng đại của đất nước trên Đài Truyền hình quốc gia, Đài Tiếng nói Việt Nam đều phát những ca khúc của ông.

Khán giả thích những ca khúc của mình hay những học trò của ông, những nghệ sĩ thành danh như nhạc sĩ An Thuyên, Trần Tiến, Quang Thọ... đều quý trọng ông. Với ông,  tình cảm, tố chất tài năng mới là thứ ông trân trọng nhất.

2. Thay vì nói về mình, ông lại nói về những người bạn đã vào ra sinh tử trên chiến tuyến thời kháng chiến chống Mỹ năm xưa. Kỉ niệm thuở nào như thước phim sống động quay chậm cứ lần lượt hiện ra trong tâm trí ám ảnh người nhạc sĩ già. 

Ông mang quyển sách mà Hội Nhạc sĩ Việt Nam làm cho riêng ông. Trong đó là những nhạc sĩ danh tiếng, những nhà phê bình âm nhạc uy tín nhận xét về ông, những ca khúc có lời và không lời của ông. Điều đặc biệt hơn, bàn tay người nhạc sĩ già run run lần giở vào những trang ảnh, đó là những người bạn nghề của ông, những người bạn của một thời để nhớ.

Ông bảo: Tân Huyền, Huy Du, Phan Huỳnh Điểu... đã lần lượt đi xa hết rồi, hưởng mây ngàn gió nội, họ có thể ở đâu đó trong vũ trụ bao la và khôn cùng này, có thể họ đã bay đến đâu đó rồi lại tiếp tục sự nghiệp sáng tác. Người nghệ sĩ - nhạc sĩ đến khi nhắm mắt xuôi tay vẫn không thôi đam mê và cống hiến.

Ông lại hướng ra cửa sổ lộng gió bảo, với nghề sáng tác âm nhạc của ông, ngoài tài năng, sự ngẫu hứng trong sáng tạo còn phải có sự tích lũy nữa. Đó phải là sự trải nghiệm, mình đi, mình trải qua, nhìn thấy, khi cảm xúc đủ đầy rồi thì những câu chữ và những nốt nhạc sẽ lần lượt tuôn rơi.


Nhạc sĩ Chu Minh và nhạc sĩ Đỗ Nhuận.

Ông nhớ vào năm tháng kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ông cùng với những nhạc sĩ Văn Dung, Hoàng Vân, Trọng Bằng đi trên những cung đường để vào chiến tuyến. Lần thứ nhất đó là năm 1966, lần thứ hai vào năm 1969 và lần thứ ba vào năm 1972. Năm 1972, là năm Mỹ đánh phá ác liệt nhất ở dải đất miền Trung.

Ngày đó người ta thường đánh số những con đường. Năm 1966 thì ông và những người bạn nhạc sĩ đi con đường 16. Đến năm 1969 đi con đường 18. Sang năm 1972 thì đi con đường 20. Đường 20 là con đường ác liệt nhất, bom rơi đạn trút trên mảnh đất Vĩnh Linh, Quảng Trị. Đã có bao nhiêu chiến sĩ gửi thân ở lại trên chiến trường.

Máu và xương của họ đã hòa cùng với đất, những nấm mồ chưa kịp xanh cỏ, những ngôi mộ vô danh của những chiến sĩ trải dài trước mắt. Lúc đó, người sống đi bên mộ của người chết, hành trình dài và đầy gian nan, cái chết có thể đổ ập xuống bất cứ lúc nào.

Ông kể: Lúc đó, nhóm chúng tôi gồm Tân Huyền, Hồng Đăng, An Chung, Văn Dung, Lê Lôi mang được hai cây đàn ghi-ta từ Hà Nội đến gần binh trạm của Hà Tĩnh thì cũng là lúc bom Mỹ vừa mới thả. Xe ô tô không qua được, cả nhóm lục tục kéo nhau xuống đi bộ. Trời tối, bấm đèn pin thì thấy xung quanh cả một khoảng không gian trên gò cao toàn mộ là mộ. Nhiều người hi sinh quá. Những ngôi mộ ghi tên tuổi người đã mất, người nhiều tuổi nhất mới có 21. Cảm xúc mạnh ùa vào, chả ai nói với ai câu nào, tất cả mọi người lầm lũi đi trong đêm cho đến khi trời sáng thì tới binh trạm...

3. Chính trong quãng đời sôi nổi hào hùng của tuổi trẻ, chính trong trận tuyến một mất một còn, sự sống và cái chết chỉ cách nhau trong tích tắc, mảnh đất "Máu và hoa" đã trải thảm trên những cung đường chiến trận, bản anh hùng đầy bi tráng, thiết tha, lời thề với Tổ quốc, với non sông sống mãi trong tâm trí những người nhạc sĩ sáng tác để sau đó là Tân Huyền với "Ta đi trong đêm Trường Sơn"; "Cỏ non thành cổ"; "Tiếng hò trên đất Nghệ An"; "Mỗi bước đi thêm yêu Tổ quốc".


Nhạc sĩ Chu Minh và nhạc sĩ Huy Du.

Nhạc sĩ Lê Lôi gây ấn tượng với những ca khúc: "Nhắn anh nhắn chị đường xa", "Cả Hà Nội hành quân", "Đất nước ta đẹp lắm". Nhạc sĩ Văn Dung với những bài ca đi cùng năm tháng: "Giải phóng quân ta ra đi"; "Tiến về Khe Sanh"; "Bài ca đường 9 chiến thắng"; "Xuân biên cương"...

Với riêng nhạc sĩ Chu Minh, cảm xúc dạt dào trên những cũng đường chiến tranh ác liệt khi xưa với những gì ông đã nhìn, đã thấm. Chính cảm xúc cộng với tài năng, tình yêu đất nước và con người Việt Nam của ông bắt gặp dòng suy tư của nhà thơ Hoàng Trung Thông trong bài "Đầu sóng" đã thành khúc tráng ca bất hủ: "Ta tự hào đi lên, ôi Việt Nam", phản ánh đầy đủ sự kiện lịch sử vĩ đại với đầy đủ tầm vóc của nó: "Ta đứng đầu ngọn sóng/ Giữa dòng thác lũ thời đại, thác lũ cuộc đời/ Thuyền ta bé nhỏ nhưng vững tay chèo/ Không chòng chành nhằm thẳng hướng mà đi/ Nơi đấu tranh bão táp diệu kì/ Nơi hi vọng như ngàn hoa nở/ Nơi chân lý sáng ngời đầu sóng gió/ Ta tự hào đi lên, ôi Việt Nam!...".

Bài hát được ông sáng tác vào năm 1972, lúc đó nhạc sĩ Chu Minh đang ở nhờ nhà anh vợ trên phố Hàng Chiếu. Nơi ông ở chỉ đủ kê một chiếc giường đơn và một cây đàn. Mỗi khi đi vào trong nhà là người ta phải đi qua chỗ ông ở. Trong một không gian rất tù túng, chật chội, thật là không hợp với một người sáng tác như ông chút nào.

Ông bảo, Hội Nhạc sĩ lúc ấy cũng đã cấp cho ông một căn nhà hơn chục mét vuông nhưng tít tận Cầu Giấy, xa nơi làm việc không tiện đi lại, nên ông ở quanh quẩn 36 phố phường cho dễ di chuyển sinh hoạt.  Sau khi lấy cảm hứng từ bài thơ "Đầu sóng" của nhà thơ Hoàng Trung Thông, nhạc sĩ qua một đêm đã cho ra tác phẩm: "Ta tự hào đi lên, ôi Việt Nam!".

Ông nhắn nhà thơ đến và cho nhà thơ biết ông sáng tác ca khúc xong thì trằn trọc cả đêm mất ngủ chỉ để mong trời sáng mau mau còn đệm đàn hát cho nhà thơ nghe. Nhà thơ Hoàng Trung Thông lắng nghe xong ca khúc thì mừng rỡ bảo: "Chưa cần đăng thơ ở Báo Văn nghệ nữa, anh sắp nổi tiếng rồi. Em phổ nhạc bài thơ này thì anh sẽ là người nổi tiếng đấy!". Khi đất nước thống nhất, ca khúc đầy hào sảng: "Ta tự hào đi lên, ôi Việt Nam" được Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam biểu diễn tại thành phố mang tên Bác trong những ngày đầu sau chiến thắng 30-4-1975.

4. Năm 1979 nhạc sĩ Chu Minh được nhà nước cấp cho một căn hộ tầng 3 trên khu tập thể 5 tầng ở phố Giảng Võ, căn hộ rộng chừng 30m vuông. Ông bảo: "Khi xưa, những ai tiêu chuẩn lắm mới được về đây, xung quanh đây toàn là nhà cấp cho thứ trưởng, vụ trưởng cả thôi. Giờ, sau gần 40 năm, khu tập thể mới cũ kĩ và rệu rã thế này. Nhưng mình sửa lại ở vẫn còn tốt lắm".

Ông còn cho biết thêm, ngày xưa nhiều đất, người ta xây còn chừa ra ít đất để làm sân vườn, sau này thời kinh tế thị trường, những nhà tầng 1 đều muốn cơi nới thêm, họ xây rộng ra đến 20m, mình cũng thêm được 20m. Ông bà chỉ có duy nhất hai cô con gái, cả hai đều đi theo nghiệp của ông. Một đang công tác tại Hội Nhạc sĩ Việt Nam, một đang là giảng viên khoa piano trong trường Đại học Âm nhạc quốc gia Việt Nam.

Ông kể, mỗi tuần hai cô con gái vẫn thay nhau đến ăn cơm cùng ông bà, và cắm những bông hoa đặt trên đàn piano. Lúc thì là cúc vàng, khi cúc trắng, đôi lúc lại là đóa hồng thơm. Còn vào tháng 5 như bây giờ là mùa hoa loa kèn. Hoa này đẹp trang nhã lại chơi được lâu.

Ông bảo: "Giờ cho tôi ngồi một chỗ thì không khác gì cầm tù, người sáng tác là phải được đi đây đi đó, có đi thì mới sáng tạo được". Thế nên giờ ngoài những khi đi cùng với một vài người bạn hay học trò của mình thì lắm khi ông lại đi một mình ra tận đảo Phú Quốc, hay Hòn Gai, Quảng Ninh, rồi lại vào Phú Yên, Khánh Hòa...

Tôi nhìn người nhạc sĩ già, nhưng có lẽ tâm hồn ông chưa bao giờ già cả. Ai đó đã nói, nghệ sĩ quả thật không có tuổi, điều đó thật đúng với ông. Vẫn tất bận với chuyến đi sáng tác, chẳng thế mà ngay khi phát động bài hát sáng tác về "Học tập và làm theo gương đạo đức Hồ Chí Minh", ông đã được trao giải nhất sáng tác ca khúc về Người. Ông ở đây, trong căn phòng nhỏ ấm cúng, khoảng trời xanh ngoài kia nắng vẫy gọi, và tôi thấy bảo chỉ một vài hôm nữa ông lại xách ba lô tất bật hành trình trên những cung đường của đất nước.

(Nguồn: http://antg.cand.com.vn)

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.