You are here

NSƯT Bạch Vân: Khi ca trù là cả cuộc đời

Tác giả: 
Gia Linh

Bén duyên với ca trù trong một lần tình cờ được nghe nghệ nhân Quách Thị Hồ hát, NSƯT Bạch Vân đã dấn thân vào một hành trình đầy cam go, thử thách đề vực dậy một bộ môn nghệ thuật, một nét đẹp văn hóa đã gần như bị xóa sổ ở thế kỷ 20 – nghệ thuật ca trù.


NSƯT Bạch Vân  biểu diễn ca trù. Nguồn: catru.vn

Ca trù - một trong những loại hình âm nhạc truyền thống của Việt Nam xuất hiện vào thế kỷ XV, đầu thế kỷ XVI, phát triển rực rỡ vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Trước đây, Ca trù được coi là một môn nghệ thuật tao nhã, sang trọng và kén người nghe. Sau một thời gian bị lãng quên hơn nửa thập kỷ, trải qua những biến cố thăng trầm lịch sử, có lúc tưởng chừng như không thể tồn tại được, nhưng với những đặc trưng về loại hình nghệ thuật độc đáo, sự phối hợp tuyệt vời giữa ca từ và giọng hát hoà cùng các nhạc khí: phách, đàn đáy, trống chầu… cho tới ngày nay, ca trù đã khẳng định được vị trí quan trọng và được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Một trong những nghệ nhân có đóng góp lớn lao vào công cuộc gây dựng lại nghệ thuật ca trù chính là NSƯT Bạch Vân.

Bạch Vân đến với ca trù và gắn bó với loại hình nghệ thuật này có lẽ là duyên trời định và bà luôn đặt ca trù ở vị trí trang trọng trong trái tim với vai trò là tình yêu lớn nhất cuộc đời mình.  Tình yêu ca trù đên với Bạch Vân trong trẻo và thuần khiết như tên của bà vậy, tình yêu ấy đã đưa Bạch Vân bước qua những thăng trầm của cuộc sống để làm sống dậy môn nghệ thuật gần như đã thất truyền mấy chục năm qua.

Ca trù được coi là môn nghệ thuật chuyên nghiệp đầu tiên của người Việt được ghi nhận trong sử sách. Ngược dòng quá khứ trở lại với thời vàng song, triều đình phong kiến đã dặt ra hẳn một chức quan để coi sóc các giáo phường ca trù. Điều đó nói lên được tầm ảnh hưởng, sự sang trọng của ca trù trong xã hội xưa kia.

Nhưng tiếc thay, thời đại Bạch Vân đang sống cũng là lúc thoái trào của nghệ thuật ca trù. Ca trù bị xã hội nhìn nhận với định kiến gay gắt, bị liệt vào hàng mê tín di đoan và bị đẩy xuống đáy của xã hội. Những giáo phường ca trù ran rã, các kép đàn, ca nương không còn đất diễn, phải bỏ nghề, mai danh ẩn tích.


NSƯT Bạch Vân. Nguồn: catru.vn​

Bén duyên với ca trù ở thời điểm khó khăn nhất của môn nghệ thuật này, Bạch Vân đã rong ruổi khắp các vùng miền, từ Thủy Nguyên – Hải Phòng, đến Cổ Đạm – Hà Tĩnh, Nghệ An, Thái Bình, Thanh Hóa, Đan Phượng, Quốc Oai (Hà Tây cũ), lên đến Phú Thọ, Thái Nguyên để tầm sư học đạo, để tìm kiếm những bậc thầy ca trù như cụ Quách Thị Hồ, Phạm Thị Mùi, Chu Văn Du, Nguyễn Thị Phúc…

Biết bao thử thách khắc nghiệt trong hành trình vực dậy ca trù mà NSƯT Bạch Vân đã trải qua, đã chiêm  nghiệm, nhiều lúc muốn từ bỏ. Nhưng tình yêu lớn với ca trù đã khiến bà bám trụ lại với nghề lâu như vậy mà chẳng màng hư vinh, tiền tài hay cuộc sống riêng tư. May mắn nhất đối với Bạch Vân có lẽ là khi bà được nghệ nhân Chu Văn Du – thuộc giáo phường Khâm Thiên truyền dạy ca trù trong 3 năm. Và cũng bằng tấm chân tình của mình, Bạch Vân đã thuyết phục được nhiều nghệ nhân đã mai danh ẩn tích truyền dạy ca trù.

Nghệ sĩ ưu tú Lê Thị Bạch Vân – Người sáng lập – Chủ nhiệm hiện tại Câu lạc bộ Ca trù Hà Nội.
Đơn vị công tác: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội (nay là Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội)
Năm 1986, NSƯT Lê Thị Bạch Vân bắt đầu đi tìm các nghệ nhân Ca trù năm xưa để học hỏi với mong muốn khôi phục lại bộ môn nghệ thuật này . Năm 1991, bà đưa ra sáng kiến đưa tên gọi “Ca trù” vốn hay được dùng trong nghiên cứu vào đời sống, thay thế cho tên gọi “Hát cô đầu”, “Hát ả đào” và tên gọi này đã được sử dụng rộng rãi cho đến ngày hôm nay. Cùng năm đó, bà thành lập câu lạc bộ Ca trù Hà Nội – câu lạc bộ Ca trù đầu tiên của Việt Nam và mời nhiều nghệ nhân dân gian về biểu diễn, đồng thời bắt tay vào đào tạo 1 thế hệ ca nương, kép đàn mới. Bà cũng đã có những đóng góp to lớn trong việc lập hồ sơ trình lên UNESCO để Ca trù được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp của nhân loại vào năm 2009.

 

Khen thưởng nghệ thuật :
- Năm 2004, Trung tâm từ điển Cambridge và Oxford của Anh bình chọn NSUT Lê Thị Bạch Vân là 1 trong số 2000 Nhà thức giả xuất sắc của thế kỷ 21 và đưa vào cuốn Từ điển Thế giới in năm 2004
- Năm 2012, Bà được Nhà Nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú.

Nguồn: CLB Ca trù Hà Nội

Năm 1991, NSƯT Bạch Vân thành lập Câu lạc bộ Ca trù Hà Nội, từ đó, Bích Câu Đạo Quán, nơi sinh hoạt của CLB đã trở thành trung tâm ca trù lớn nhất tại Hà Nội, Việt Nam và góp phần quan trọng vào việc khôi phục ca trù Việt Nam, đưa ca trù trở thành di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Hạnh phúc nhất với NSƯT Bạch Vân có lẽ là việc đưa ca trù trở lại với đời sống, đưa nghệ nhân cao tuổi sống lại với đam mê một thủa của mình. Ngày nay, ngoài địa chỉ Bích Câu Đạo Quán, Câu lạc bộ Ca trù Hà Nội còn biểu diễn tại đình Kim Ngân (42 – 44 Hàng Bạc) vào 20h – 21h15 thứ 4, thứ 6 và chủ nhật hàng tuần.

Với sự phong phú về cách tổ chức biểu diễn và sắp xếp các lượng bài hát sao cho phù hợp với từng buổi, CLB Ca trù luôn có sự thay đổi làm mới các chương trình giúp cho lượng khách du lịch và khán thính giả Việt Nam hòa nhập dòng nhạc truyền thống đòi hỏi sự kén chọn về thính giác. Góp phần vào hoạt động khôi phục ca trù, CLB Ca Trù Hà Nội luôn tích cực tham gia các liên hoan ca trù do Bộ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Sở Văn Hóa- Thể Thao Hà Nội tổ chức như: Liên hoan ca trù toàn quốc lần thứ nhất (2005) và lần thứ 2 (2011) do Bộ VHTTDL tổ chức; Liên hoan ca trù Hà Nội lần thứ nhất (2009) và lần thứ 2 (2012), liên hoan tài năng trẻ ca trù Hà Nội (2016) do Sở VHTT Hà Nội tổ chức.

Nghệ thuật Ca trù đã bước những bước đầu tiên của một trang mới, đang tích cực được khôi phục tại nhiều địa phương trên cả nước. NSƯT Bạch Vân vẫn đang hết mình nhiệt thành với công cuộc “chấn hưng” ca trù. Đôi vai gầy bé nhỏ của bà vẫn đang gồng mình với những nỗi lo, với những trăn trở để duy trì các buổi biểu diễn tại đình Kim Ngân và Bích Câu Đạo Quán để viết tiếp câu chuyện của nghệ thuật ca trù và truyền lửa cho thế hệ kế cận…

(Nguồn: http://cinet.vn)

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.