You are here

Những trường ca trong kháng chiến chống Pháp

Tác giả: 
PGS-TS Trần Thế Bảo
AttachmentSize
Image icon 0014495.jpeg63.83 KB

Trong số những bài hát hay trong kháng chiến chống Pháp thì trường ca chiếm một số lượng rất lớn như: Trường ca sông Lô (Văn Cao), Người Hà Nội (Nguyễn Đình Thi), Bình ca (Nguyễn Đình Phúc), Trường chinh ca (Lương Ngọc Trác), Bình Trị Thiên khói lửa (Nguyễn Văn Thương), Du kích sông Thao (Đỗ Nhuận), Đông Nam Á châu (Lưu Hữu Phước), Bộ đội về làng (Lê Yên)… Chúng tôi muốn giải mã hiện tượng này với các bạn, mong được chỉ dẫn thêm.

Từ năm 1947 đến năm 1950 sau ngày toàn quốc kháng chiến, quân dân ta rút về Việt Bắc, các vùng tự do, vùng du kích để chống Pháp, các nhạc sĩ thời tiền chiến và các nhạc sĩ mới tham gia kháng chiến còn rất trẻ.

Văn Cao thuở ấy mới 25 tuổi, Nguyễn Đình Thi 24 tuổi, Đỗ Nhuận 26 tuổi, Lương Ngọc Trác 20 tuổi, Lưu Hữu Phước 27 tuổi, Nguyễn Văn Thương 29 tuổi, Nguyễn Đình Phúc 29 tuổi. Họ đi vào kháng chiến với tình yêu nước mang chất tráng sĩ ca, chất lãng mạn say đắm mà thời tân nhạc họ chỉ mới bộc lộ khía cạnh u hoài. Cuộc sống mới của kháng chiến chống Pháp gặp gỡ những con người mới, những nẻo đường chiến tranh trăm ngả, những chiến công hào hùng… đã thổi bùng trong họ niềm say sưa muốn sáng tạo nên những tác phẩm hùng tráng, dài hơi hơn, tầm cỡ hơn.

Viết những ca khúc ư? Họ đã viết rồi, ngay cả đàn em, bạn bè họ và những cán bộ bộ đội không chuyên cũng đã có thể ngân nga bài ca khúc đơn giản. Họ muốn viết nên những cantate (đại hợp xướng), poème symphonique (giao hưởng thơ), suite symphonique (tổ khúc giao hưởng) hay symphony (giao hưởng) để đời. Nhưng trong kháng chiến nơi bưng biền, rừng núi, làng quê, làm sao tập hợp đuợc ban hợp xướng, ban nhạc hàng trăm người. Các nhạc sĩ Văn Cao, Nguyễn Đình Thi, Đỗ Nhuận, Lưu Hữu Phước, Nguyễn Văn Thương, Nguyễn Đình Phúc, Lương Ngọc Trác, Lê Yên… hồi ấy chắc phải nhiều đêm trăn trở mong tìm ra một lối thoát.

Trước đây, vào khoảng đầu những năm 40 của thế kỷ XX, trước 1945 ở Việt Nam đã có nhiều đoàn nghệ sĩ nước ngoài đến trình diễn và có nhiều đĩa hát phổ biến những liên khúc âm nhạc như Sóng Danube của Ivanovici, Danube xanh, Đời nghệ sĩ, Rừng Vienne của Johann Strauss… Những bản nhạc này hòa tấu hoặc rút gọn lại cho độc tấu piano, song tấu violon và piano với nhiều liên kết các đoạn nhạc, thay đổi chất liệu âm nhạc, tiết tấu, tiết điệu, chuyển điệu xa và rất hấp dẫn người nghe. Đây là thể loại được xem là tương đối lớn, dài hơi thời ấy. Chính loại hình liên khúc như Sóng Danube, Danube xanh… đã giúp các nhạc sĩ trẻ trong kháng chiến chống Pháp tìm ra thể loại trường ca có thể miêu tả chiến công oai hùng của dân tộc với nhiều cung bậc, nhiều sắc thái, nhiều khung cảnh… như Trường ca sông Lô của Văn Cao. Trường ca sông Lô mới ra đời đã được quân dân ta đón nhận hồ hởi. Người ta có thể hát bài Trường ca sông Lô dài hơi, nhiều thay đổi ấy bằng đơn ca đệm guitare hay accordéon. Thật là kỳ diệu!

Sau này, tất cả các bài trường ca được các nghệ sĩ cover(*) cho các chương trình biểu diễn riêng, cho các CD của mình và cũng là tiết mục bắt buộc hoặc chọn lọc cho các thí sinh dòng ca hát thính phòng vốn đòi hỏi bài hát khó, phô trương giọng ca điêu luyện. Chúng ta hãy xem Trường ca sông Lô của Văn Cao viết vào năm 1947.

Bài hát mở đầu bằng giai điệu ngân nga rộng mở, miêu tả sông Lô vào mùa nước lớn “Sông Lô sóng ngàn Việt Bắc…” đưa ta đến ngút ngàn bát ngát dòng Lô. Tiếp đến là nhịp điệu sôi nổi của quân dân hai bờ sông Lô. Bài hát chuyển từ Re trưởng sang Sol trưởng với nhịp điệu sôi nổi “Trên dòng sông trở về đoàn người…”. Rồi đêm bên bếp lửa hồng, âm nhạc chậm rãi tự tình với giọng Si thứ. Văn Cao táo bạo chuyển điệu sang Si trưởng (5 dấu thăng). Sau bao nhiêu thay đổi, bài hát trở về với giọng Re trưởng điệu tính ban đầu. “Dòng sông Lô trôi…”.

Cũng vào năm 1947, Nguyễn Đình Thi cho ra đời bài hát Người Hà Nội. Cấu trúc tác phẩm có 2 phần lớn. Đoạn I chậm rãi, kể lể, phác họa nên một Hà Nội cổ kính đẹp hào hoa với các địa danh Đông Đô Thăng Long, Cầu Dền… làm nao lòng người Hà Nội và người yêu Hà Nội. Đoạn II nhịp điệu hành khúc với những cao trào: “Hà Nội cháy”, “Hà Nội ầm ầm…” và tái hiện nét nhạc Tiến quân ca. Trong đoạn II chia ra 3 đoạn A, B, C mà đoạn C (đoạn kết) chuyển sang nhịp 6/8 liền mạch, hừng hực niềm tin chiến thắng “Này lớp lớp người đi…”.

Bài trường ca Người Hà Nội với đoạn kết đã làm chúng ta liên tưởng đến chương V hợp xướng Đi đến niềm vui trong giao hưởng số 9 của Beethoven, đủ biết sức mạnh của trường ca lớn hơn thể loại mà tác giả đã viết ra. Ca sĩ Mỹ Bình có thể xem là người hát thành công Người Hà Nội vào những năm 60 của thế kỷ trước trên Đài Tiếng nói Việt Nam. Sau này nhiều ca sĩ hát Người Hà Nội rất hay nhưng dấu ấn của con chim họa mi Mỹ Bình vẫn còn ghi đậm trong tim người yêu nhạc.

Năm 1947 là năm đặc biệt của thể loại trường ca khi Lương Ngọc Trác, chàng trai Hà Nội của Trung đoàn Thủ đô mới 20 tuổi đã viết nên Trường chinh ca theo lời thơ Lê Minh. Lương Ngọc Trác học nhạc từ khi lên 10, chơi giỏi accordéon và các nhạc cụ khác. Nhạc sĩ trẻ đã đánh dấu với tác phẩm đầu tay hay như thế.

Ngoài Trường ca sông Lô, Người Hà Nội, Trường chinh ca, năm 1947 còn có trường ca Bình ca của Nguyễn Đình Phúc. Tác phẩm rất hay và dài đến 6 đoạn: Bình ca - Martinique - Dân tộc nhỏ vùng lên - Đoàn quân tiên phong - Dân tộc nhỏ chiến thắng - Việt Bắc-Sông Lô-Bình ca- Martinique và người ta hay hát trích đoạn. Chúng tôi đã nghe Trần Khánh, Quý Dương hát toàn bài với 6 đoạn thật tuyệt vời bởi vì trong con người nhạc sĩ Nguyễn Đình Phúc còn là người họa sĩ, cựu học sinh trường Mỹ thuật Đông Dương mới có thể vẽ nên một bức tranh về Bình ca đa dạng, đa sắc tuyệt vời.

Năm 1948, trường ca có bước chuyển biến với Bình Trị Thiên khói lửa của Nguyễn Văn Thương viết ở Khu IV cũ. Tác phẩm gồm 2 phần: Phần I giọng Re thứ dàn trải miêu tả con người và mảnh đất Bình Trị Thiên, và đây có lẽ là bài hát có nhiều địa danh mang tính kỷ lục… Phần II nhịp điệu hành khúc chuyển sang giọng Re trưởng đầy tính chiến đấu hào hùng. Nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương đã dàn dựng đơn ca và hợp xướng cho cán bộ bưu điện Khu IV nơi ông công tác. Sau này, bài Bình Trị Thiên khói lửa vẫn trình bày với đơn ca qua nhiều thế hệ ca sĩ và thành công rực rỡ.

Năm 1948, trường ca đã kết hợp với hợp xướng như Nguyễn Văn Thương đã dàn dựng. Và tác phẩm Du kích sông Thao - Đỗ Nhuận, Đông Nam Á châu - Lưu Hữu Phước, Bộ đội về làng - Lê Yên là rõ nét nhất của ngã rẽ này. Nếu Du kích sông Thao (1948) của Đỗ Nhuận mênh mông dào dạt với đối đáp của xướng xô, đơn ca và hợp xướng phụ họa thì Đông Nam Á châu (1948) của Lưu Hữu Phước rầm rập bước chân của các dân tộc mới trỗi dậy. Đông Nam Á châu với hợp xướng đuổi nhau và không khí trữ tình nhẹ nhàng của tình quân dân “bát nước chè xanh” trong Bộ đội về làng (1952) của Lê Yên phổ thơ Hoàng Trung Thông với đơn ca và hợp xướng phụ họa…

Thế là hình thức trường ca đã đáp ứng được từ quy mô trình diễn đến ngôn ngữ âm nhạc, thể loại mà người nhạc sĩ trong hoàn cảnh khó khăn của kháng chiến chống Pháp đã sáng tạo nên. Trong lịch sử, dường như khó có hoàn cảnh và khó có một đội ngũ nhạc sĩ trẻ tài năng đầy khát vọng để có thể viết nên thể loại trường ca nhưng có sức nặng hiệu ứng tựa đại hợp xướng, giao hưởng như trường ca thời chống Pháp.

Thu 2016

Tác giả: PGS-TS Trần Thế Bảo

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.