You are here

Những mảnh ghép về thời gian đã qua

Tác giả: 
Lê Hải Đăng

Tôi lục tìm cuốn băng tư liệu cất giữ trong góc tủ. Loại tư liệu vang thu thập sau mỗi đợt điền dã xếp gọn cẩn thận thường ít có cơ hội lên tiếng. Bật máy thu âm lên thấy nguồn điện đã cạn kiệt, phải tìm bộ sạc để nạp pin. Bộ sạc lâu ngày không dùng cũng trục trặc, nóng ran sau khi cắm điện, may mà vẫn sử dụng được. Lắp pin vào, thao tác một hồi thấy đèn máy thu âm bật sáng, những âm thanh đã yên giấc thuở nào chợt bừng tỉnh. 

“Lễ vọng các cung ơ í ơ… 
Ở trên phần hương lễ vọng các cung
Thánh thần tạ giáng hội đồng chung ngự về
Giữa trời dựng bảng Tam Quan
Kế Linh Tiêu điện thỉnh vua Ngọc Hoàng…” 

Giọng bà đồng the thé vang lên như từ một thế giới xa lắc. Ký ức âm thanh cũng diệu kỳ như hình ảnh hay mùi vị. Nó khiến ta mau chóng quên đi thực tại dạt về miền dĩ vãng xa xôi. Bởi vậy, người làm âm nhạc dễ bị nghiêng lệch cảm xúc khi đối diện trước tác phẩm gắn liền với ký ức. Trong khi tiếp xúc nghệ thuật chính là quá trình tái lập miền ký ức âm thanh. Giống như hoạt động giáo dục theo quan điểm của Jonh Dewey “là sự thiết lập lại không ngừng của kinh nghiệm”. Trong quá trình đó, con người tiếp tục kiến tạo, sáng tạo, định dạng giá trị. 

Cuối thập niên 90 thế kỷ trước, tôi từng nghiên cứu về hát Bóng rỗi. Thuở ấy, hát Bóng rỗi chưa thoát khỏi những năm tháng thăng trầm. Loại hình nghệ thuật này đã bị liệt vào danh sách “Mê tín dị đoan”. Các bà bóng sở đắc vốn di sản hát Bóng rỗi đa số phải che giấu thân phận. Tại địa bàn Xóm Bóng, thành phố Nha Trang, không một nghệ nhân nào dám nhận mình có liên quan đến hát Bóng rỗi. Gần đây nhất, tháng 10 năm 2017, đoàn công tác Viện âm nhạc Việt Nam thực hiện dự án phi vật thể về hát Bóng rỗi trên địa bàn quận 4, thành phố Hồ Chí Minh, chính quyền sở tại (Công an phương 14, quận 4) đã không cho phép các nghệ nhân chùa Bóng Liễu, số 500/113 Đoàn Văn Bơ trình diễn với lý do “ngôi nhà này đang bị tranh chấp”! Thậm chí, sau nhiều loại hình di sản lần lượt được minh oan, phục hồi danh phận, như Ca trù, Nhã nhạc, Chầu văn, Nhạc lễ, Đờn ca Tài Tử… rồi từng bước bước lên bục vinh quang đem về niềm tự hào cho văn hóa đất nước, đâu đó vẫn còn kỳ thị đối với di sản âm nhạc truyền thống. Nhiều nghệ nhân dân gian gặp không ít khó khăn, chịu nhiều thiệt thòi trong cả đời sống lẫn sự nghiệp. 

Hát Bóng rỗi là loại hình nghệ thuật tổng hợp có chức năng thực hành nghi lễ trong cơ sở tín ngưỡng nữ thần Nam Bộ. Còn tín ngưỡng nữ thần là hiện tượng văn hóa sơ khai có nguồn gốc lâu đời, gắn liền với hình thái thờ Mẹ. Rất nhiều dân tộc trên thế giới sùng tín nữ thần, đặc biệt là vị thần sản sinh ra vạn vật (Vạn vật chi mẫu). Theo đó, cội nguồn của sự sống bắt nguồn từ thuộc tính Nữ. Suốt chiều dài lịch sử, do ảnh hưởng tư tưởng Nho giáo, quan niệm trọng nam khinh nữ, nên tín ngưỡng nữ thần có xu hướng tồn tại vất vưởng ngoài môi trường văn hóa dân gian, đặc biệt mạnh lên khi người Việt thiên di vào vùng đồng bằng Nam Bộ, cộng hưởng với văn hóa Chăm. Bởi vậy, uy linh các nữ thần bao trùm cả một vùng đồng bằng rộng lớn, từ Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam vào đến vùng miền Tây Nam Bộ với những vị như: Thiên Y A Na, Bà Chúa Tiên, Chúa Ngọc, Bà Đen, Bà Chúa Xứ, Bà Cửu Thiên Huyền Nữ, Linh Sơn Thánh Mẫu, Thiên Hậu, Kim Huê, Thánh Anh La Sát, Thất Thánh Nương Nương, Cố Hỷ, Thượng Động, Cô Hồng, Cô Hạnh, Bà Kim, Bà Mộc, Bà Thủy, Bà Hỏa, Bà Thổ… Tất cả đều được thờ tự rải rác hay phối tự trong cơ sở tín ngưỡng nữ thần, mà cụ thể là ngôi miếu. 

Xét về mức độ phổ biến, hễ đâu có đình cũng thường có miếu. Số lượng miếu tuy chưa thể thống kê một cách đầy đủ, nhưng theo phán đoán có thể nhiều hơn cả đình. Bởi lẽ, đình có quy mô lớn, nằm lộ thiên giữa chốn công cộng. Trong tiến trình lịch sử, đình đóng nhiều vai trò khác nhau, từ cao nhất là Hành cung  cho đến ngôi Nhà làng (thiết chế công cộng làng xã) mà hiện tại còn bảo lưu công năng thờ tự. Để xây dựng đình đòi hỏi huy động nhiều nhân lực, vật lực, tài lực, trong khi miếu xưa nay đều thống nhất trên một chức năng thờ tự. Đình mang trong mình bản thể của xã hội phong kiến với quyền uy thuộc về phái nam, từ uy quyền quan phương cho đến tư tưởng trọng nam và đã ngừng tái sinh trong xã hội hiện đại. Miếu “đại diện” cho phái nữ, có lẽ bởi thế mà không kém phần yếm thế. Miếu mang sắc màu tín ngưỡng rõ rệt, tồn tại tự phát trong dân gian và không đồng nhất về mặt quy mô. Chốn thường trú của thần linh này gắn liền với hoạt động diễn xướng thực hành nghi lễ hát Bóng rỗi. Trong khuôn khổ ít nhiều khép kín về không gian, nhỏ hẹp về quy mô, cộng thêm tính chất tư gia cho phép nhiều ngôi miếu mọc lên theo ý chí, nguyện vọng cá nhân, không thống thuộc bất cứ đoàn thể hay tổ chức nào. Ở nhiều địa phương có những gia đình lập am, miễu ngay trong khuôn viên nhà mình và đương nhiên họ cũng có thể tổ chức “lễ hội tại gia” giống như việc Hầu bóng ở các bản điện, đền từ tại gia khu vực miền Bắc.

Hát bóng rỗi tổng hợp nhiều tiết mục, từ Lễ khai tràng, Chầu mời thỉnh tổ, Mời tiên ra tuồng, Phước Lộc cho đến chặp bóng tuồng Địa Nàng và Múa bóng. Chầu mời thỉnh tổ là tiết mục mang đậm tính chất lễ. Nó tập trung các bài Chầu ông, Chầu bà, Chầu cô, Chầu cậu và Chầu chiến sĩ với nội dung bao quát toàn bộ thế giới quan đức tin của tín ngưỡng nữ thần. Ngoài ra, các tiết mục, như Phước Lộc, Địa Nàng, Múa bóng… mang nhiều tính chất hội nhằm thỏa mãn nhu cầu giải trí. 

……....................

Cuốn băng ngày cũ nghe lạo xạo, âm nhạc pha lẫn tạp âm. Chúng đơn giản là ký ức âm thanh sau khi bị nhốt vào máy thu âm trở thành những mảnh hóa thạch của thời gian đã mất. Nhiệm vụ của người sưu tầm là ghép chúng lại theo một trật tự thống nhất về cấu trúc, đồng thời trả về cho âm nhạc những gì đã bị thời gian tước đoạt. Âm thanh sở dĩ mang giá trị vô song cũng nhờ bản chất mất đi liên tục trong không gian và thời gian. Âm nhạc sinh ra từ không rồi trở về với không. Mỗi khoảnh khắc âm thanh sinh ra và mất đi đong đầy ý nghĩa sinh tử và khát vọng tái sinh. Một bài ca dù có đi cùng năm tháng trước hết vẫn phải sinh ra và mất đi. Sau mỗi lần tiếp xúc, người nghe lại tiếp tục sáng tạo bằng cách ghép lại những mảnh ký ức âm thanh nhằm tạo nên trường cảm xúc cho hình tượng nghệ thuật nương nhờ. Tiếng hát trong máy thu âm lúc mờ, lúc rõ, giọng người hát lọt giữa thế giới âm thanh làm sống lại cả một trời thương nhớ mênh mang.

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.