You are here

Những buổi diễn thuyết về âm nhạc cổ truyền của Giáo sư Trần Văn Khê

Tác giả: 
Hoàng Việt Tử

Sau 25 năm xa cách, GS Trần văn Khê vừa mới về thăm quê nhà từ ngày 15-8-74, nhân chuyến đi công tác từ Úc châu trở về Pháp. Trong dịp ở lại Sài-gòn, ông đã thuyết trình về âm nhạc Cổ truyền Việt Nam tại nhiều nơi: hai lần ở trường Quốc Gia Âm Nhạc và Kịch Nghệ, một lần ở Hội "Ái Hữu Nghệ Sĩ Việt Nam", một lần ở Đại Học Vạn Hạnh, một lần ở Trung Tâm Văn Hóa Pháp, một lần ở Hội Việt Mỹ, một lần ở trường Taberd. Ở tất cả mọi nơi, giáo sư Trần Văn Khê cũng đều ứng khẩu rất lưu loát bằng tiếng Việt hay tiếng Anh (Hội Việt Mỹ), tiếng Pháp (Trung Tâm Văn Hóa Pháp). Với giọng nói trầm ấm, truyền cảm, với khả năng ăn nói thật lưu loát dí dỏm, với tài năng thiên phú bắt chước dễ dàng các giọng hát đủ loại (dân ca các miền, ngoại quốc), các tiếng đàn, tiếng nhịp trống rất tự nhiên, những buổi nói chuyện của Ông thật vui, thật lôi cuốn người nghe. Có thể nói từ xưa đến nay, ít có người có tài diễn thuyết về âm nhạc như thế. Về nội dung các bài diễn thuyết, tuy ít có gì mới mẻ so với những gì Ông đã từng biên khảo, phổ biến, nhưng nhờ tài lôi cuốn trên, nhất là Ông biết triệt để sử dụng những thí dụ cụ thể, các dẫn chứng về ca nhạc, cũng như nhờ kiến thức thật phong phú về sự đối chiếu nhạc học của nhiều dân tộc, nên Ông rất thành công trong các buổi diễn thuyết, nhứt là trong phần thảo luận, đối đáp với các thính giả.

Cũng xin nói thêm: giáo sư Trần văn Khê sinh trưởng ở Mỹ Tho năm 1921 trong một gia đình trung lưu, sành về ca nhạc. Khi lên 6 tuổi, ông đã sành về đàn kìm, đàn cò. Ông đã học Y khoa Hànội còn dở dang, từng tham gia kháng chiến, rồi trở về thành, sang Pháp du học chính trị học rồi văn chương, Ông đã đậu bằng tiến sĩ văn chương ban âm nhạc tại Pháp với đề tài : "Âm Nhạc Truyền Thống Việt Nam" (La musique Vietnamienne traditionnelle). Hiện Ông giữ chức vụ Giám Đốc Trung Tâm Nhạc Học Đông Phương, giáo sư về dân tộc nhạc học tại đại học Sorbonne, một chuyên viên cao cấp tại Trung Tâm Quốc Gia Nghiên Cứu Khoa Học Pháp Quốc (CNRS) và là hội viên Hội Đồng Quốc Tế Âm Nhạc thuộc Unesco. Chính nhờ vậy, hiện Ông có phương tiện nghiên cứu cũng như có dịp tham dự nhiều hội nghị âm nhạc quốc tế, nhiều dịp đi diễn thuyết về âm nhạc đông phương và Việt Nam. Ở mọi nơi Ông cũng đều thành công và đã làm vẻ vang cho ca nhạc cổ truyền Việt Nam.

Tại trường Quốc Gia Âm Nhạc và Kịch Nghệ Sài-gòn, GS Khê đã diễn thuyết 2 đề tài: "Vài Đặc Điểm Trong Nền Cổ Nhạc Việt-Nam" vào thứ bảy ngày 24-8-74 và "Vài Ý Kiến Về Vấn Đề Bảo Vệ và Phát Triển Vốn Cổ Trong Truyền Thống Âm Nhạc Việt Nam" do Khối Văn Hóa thuộc Bộ VHGD tổ chức.

1. Vài đặc điểm trong nền cổ nhạc Việt-Nam

Dùng phương pháp đối chiếu, GS Trần văn Khê đã làm nổi bật nhiều nét độc đáo của âm nhạc Việt Nam về phương diện nhạc khí, nhạc ngữ, cách diễn tấu.

Âm nhạc Việt Nam ngoài sự ảnh hưởng khá sâu đậm âm nhạc Tàu như việc bắt chước nhạc khí (các cây đàn tranh, ống tiêu, ống địch, đàn tam huyền…) ảnh hưởng chép nhạc hò xự xang xê cống, ảnh hưởng các bài bản như Lưu Thuỷ… ảnh hưởng những yếu tố nghệ thuật kịch nghệ Tàu, âm nhạc Việt Nam còn ảnh hưởng nhạc Chàm như trống cơm từ Ấn Độ qua…

Tuy vậy GS Trần văn Khê đã trình bày những vốn riêng của Việt Nam, về nhạc khí đặc biệt như đàn bầu (độc huyền cầm), đàn đáy, đàn kìm (khác với đàn nguyệt Tàu), đàn gáo, đành tranh "Vĩnh Bảo", cây sênh tiền, cây song lang… Những nhạc khí trên có nhiều đặc điểm độc đáo như dáng vẻ đẹp của cây đàn kìm. Chính ông đã giựt mình khi nghiên cứu thấy một con số tỷ lệ rất có hệ thống khoa học chặt chẽ, như đường kính của các thùng đàn là 36 phân, thì bề đáy của sợi dây từ con dơi tới con cóc là 72 phân (36x2), trục đàn 12 phân (36:3), đầu đàn dài 12 phân (36:3), con dơi, chỗ mắc dây 12 phân (36:3), con dơi để cách phía dưới thùng đàn 4 phân (36:9). Như thế, người đóng đàn đã lấy số 36 phân làm căn bản. Không hề theo phương pháp khoa học nào mà phần lớn nhạc khí Việt Nam khi phân tích bằng máy sonagraph như cây đàn cò, cây song lang, ba động đều đo vào khoảng 3000 hertz mà tất cả những tiếng đo được từ 2800-3500 hertz đều nghe được một cách rõ ràng. Thế nên, ta không lấy làm lạ cây đàn cò VN chỉ cần kéo nhẹ cũng khiến người ngồi ở xa nghe thấy được. Cây song lang chỉ cần đánh lên một tiếng cóc, thì ai cũng phải giựt mình, điếc cả lỗ tai rồi. Có thể nói người Việt Nam đã có một cái máy điện tử đo âm thanh ở lỗ tai. Chính ông Giám Đốc Viện Nghiên Cứu Thanh Học ở Paris đã có xin GS Khê một cái song lang để dùng làm chuẩn đo âm thanh. Gần đây, những người bạn của GS Khê như ông Vĩnh Bảo đã làm một loại đàn tranh kêu to hơn đàn cổ truyền; Ông Bùi Văn Nhu đã làm đàn gáo, dùng phương pháp mới. Để một cái lò xo vào trong mặt đờn để đánh kêu to hơn, khi GS Khê đưa cây đàn gáo này cho các nhà thanh học ở ngoại quốc thì họ ngạc nhiên, tưởng người chế đàn phải từng tốt nghiệp trường Kỹ sư thanh học nào đó, chứ biết đâu những người bạn ấy chẳng tốt nghiệp trường Kỹ sư nào cả, chỉ tự học rồi sáng chế ra.

Về nhạc ngữ Việt Nam cũng có nhiều điểm độc đáo, về âm giai thì có nhiều loại như âm giai 2 cung như điệu hát đúm Hải Dương, 3 cung như các điệu hát trẻ em như bài Cùng Đụng Cùng Nịu, âm giai 4 cung như điệu hát ru Huế, âm giai 5 cung dưới nhiều điệu hát dân ca các miền, cùng nhiều âm giai đặc biệt khác ở điệu hát Nam, miền Trung, vùng Tây Nguyên. Về cung điệu thì rất phong phú, chẳng hạn cùng một chữ sang mà đánh theo hơi xuân, hơi ai thì khác hẳn nhau.

Về nhạc khúc dầu phải tùy theo tiếng trầm của tiếng nói, nhưng nhạc khúc cũng có những nốt mới lạ, chẳng hạn như câu:

Yêu nhau cởi áo cho nhau
Về nhà dối mẹ qua cầu gió bay.

Mà có thể hát ra thành nhiều điệu như điệu ru em, trống quân, cò lả, chèo, tuồng, ngâm thơ, quan họ…

Về tiết tấu cũng rất phong phú không kém, như có nhiều cách đánh nhịp, đánh trống rất độc đáo. Về cách diễn tấu có thêm cái luyến, cái láy, có những biến khúc rất đặc biệt.

2. Vài ý kiến về vấn đề bảo vệ và phát huy vốn cổ trong truyền thống âm nhạc Việt Nam

Theo giáo sư Trần Văn Khê, ta cần bảo vệ cái vốn cũ bởi nền âm nhạc cổ truyền càng ngày càng xuống dốc. Bởi cái vốn cũ đã được xây dựng quá lâu đời. Nếu với 25 năm ta có thể đào tạo được một thế hệ kỹ sư, thì phải I000 năm mới có một nền văn hóa. Bởi sự tiến xúc Âu Á đã gây ra cảnh văn minh Âu đè ép văn hóa Á, chính do vì chính trị, lịch sử. Người Âu đã từng thống trị người Á. Thường thì người bị trị cho rằng người thống trị mạnh về kỹ thuật cũng cao về văn hoá. Bị trị thì tự ti mặc cảm và thống trị thì ngược lại tự tôn mặc cảm.

Nếu Á Châu cứ chạy theo Âu thì giỏi đến đâu cũng chỉ là học trò của họ. Trong khi, nếu mình nắm vững truyền thống của mình thì không những mình làm thày của mình mà còn làm thày của người ngoại quốc.

Trong tình trạng bi đát, trầm trọng hiện nay chẳng khác nào như nhà đang cháy, như người đang trọng bệnh, thì việc đầu tiên phải lo bảo vệ đã. Nhưng bảo vệ chưa đủ, cần phải phát triển theo trào lưu tiến hóa chung của thế giới. Sự phát triển theo đường hướng thế nào mà vẫn giữ được những đặc điểm trong truyền thống của mình, đồng thời phải biết những truyền thống của nước ngoài để có thể mượn một vài yếu tố của nước đó để làm truyền thống của mình để phong phú thêm. Chẳng khác nào ta chắp cây, khi chắp cây cùng một loại thì sẽ sinh ra một cây có hoa trái đẹp, nếu không cùng loại thì cả hai đều chết. Nhưng truyền thống Á Châu như Ấn, Nhật, Tàu, Nam Dương cũng có nhiều điều chúng ta học hỏi chứ không phải chỉ ở Tây Phương. Bảo vệ vốn cổ mà không nệ cổ và phát triển vốn cổ không có nghĩa Âu hóa nối cổ.

Phần thảo luận đã kéo dài tới nhiều giờ trong bầu không khí sôi nổi, thân ái.

 
- Hoàng Việt Tử -
(bút danh của nhà sử học Nguyễn Nhã)
Đăng trên Tập San Sử Địa 27-28

(Ảnh tư liệu page Tran truongca: GS Trần Văn Khê thuyết trình về Âm nhạc truyền thống Việt Nam tại Hội Việt-Mỹ năm 1974)

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.