You are here

Nhớ nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn nhân dịp giỗ đầu

Tác giả: 
Nguyễn Phú Cương

Ông sinh ngày 10 tháng 3 năm 1929, mất 7 tháng 10 năm 2016, thọ 87 tuổi.

Mình may mắn được quen ông, nhà lại gần nên khi có sách vựng tập hội họa, và thơ (ông in 3 tập thơ tình) và đặc biệt khi ông làm đĩa thường alo: "Qua nhà tớ có quà cho cậu". Hôm ông mất mình đang lên Mộc Châu, khi về thì tang lễ đã xong. Gửi bài nhỏ này cho Hà Nội mới cuối tuần. Hôm báo ra sạp mình mang một tờ đến thắp hương ông, bà Thúy Nga NSUT đoàn kịch Tổng cục Chính trị đọc còn bảo "Nhớ anh Toàn lắm em ạ". Quá đau buồn bà đã ra đi ngày 16/9/217 chưa kịp làm giỗ đầu cho ông. 

Xin đăng lại như một nén nhang tưởng nhớ đến nhạc sĩ - một chiến sĩ tài hoa.

________________

Nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn 

MÃI MÃI MỘT TRÁI TIM HỒNG DÀNH CHO HÀ NỘI

Mới lần đầu năm được tin ông mệt tôi đến thăm, ông còn nói vui: “Năm 1991 mình bị cơn nhồi máu cơ tim tưởng “đi”, nhạc sĩ Trần Hoàn hồi đó là Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin đến thăm và dặn dò “Anh không được đi trước anh Nguyễn Xuân Khoát đâu đấy”. Vậy mà hai ông đều “đi” trước mình: ông Khoát 1993, ông Hoàn 2003, mình bền bỉ hơn cả hai ông chục năm rồi”.

Giờ Nguyễn Đức Toàn đã về với đất mẹ, tự nhiên, thanh thản bởi ông đã đem hết yêu thương và tài hoa dâng tặng cho đời….
MỘT CUÔC ĐỜI SÔI NỔI

Nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn quê gốc huyện Quế Võ, Bắc Ninh. Ông nội ông ra Hà Nội sinh sống bằng nghề bốc thuốc chữa bệnh. Thân phụ ông là Nguyễn Đức Thục, có năng khiếu về hội họa, ông Thục tự học và chịu ảnh hưởng nhà điêu khắc người Pháp: Jon Chere. Thời Pháp ông đã có tác phẩm nhóm tượng “Canh Nông” tạc hình sĩ, nông, công, thương đặt ở vườn hoa Canh Nông (nay là nơi đặt tượng đài Lênin) sau này bị phá mất. Ông Thục dạy vẽ ở trường Bách Nghệ Hà Nội, có thời gian làm giám thị trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương.

Nguyễn Đức Toàn sinh ra ở ngôi nhà 61 phố Huế, trong căn phòng xung quanh là tranh tượng, la liệt bột mầu, sơn dầu… Khi biết bò thì mặt mày lấm lem màu xanh đỏ vì họa phẩm của bố. Ông nói đùa: “Tôi sinh ra ngỡ là để vẽ, nối nghiệp bố tôi”. Năm 1944 bố ông khai “nống” 2 tuổi để ông đủ tuổi thi vào theo học lớp Dự bị trường Cao đẳng Mỹ Thuật Đông Dương. 

Trong hồi ký ông viết: “Bên cạnh hội họa tôi cũng yêu âm nhạc. Năm đó có một anh cao to dáng người lớn trọ một gian nhà tôi, anh chơi đàn mandoline còn tôi chơi đàn guitare, thi thoảng mấy anh em bạn bè tụ tập hòa tấu rất vui vẻ. Một sáng tôi vừa ra khỏi nhà được mấy bước thì mật thám Pháp ập đến bắt anh đi, giam ở Hỏa Lò. Mươi ngày sau mới thả anh về. Lúc ấy tôi mới biết anh là hoạt động Việt Minh. Ngạc nhiên nữa là sau ngày khởi nghĩa thành công, bài hát Diệt phát xít được hát khắp nơi là của người thanh niên ấy, anh sáng tác trong phòng trọ nhà tôi. Đó là nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi.

Những ngày tháng 8-1945 đầy sôi động, tôi tham gia đoàn biểu tình, đi cướp trại Bảo An Binh, mít tinh ở quảng trường Nhà Hát lớn. Tôi cùng mấy anh bạn lập ban nhạc gồm bangio, mandoline, guitare suốt ngày hòa tấu những bài hát cách mạng: Diệt phát xít, 19 tháng 8, Cùng nhau đi Hồng Binh, Chiến sĩ Việt nam, Tiến quân ca... Ban nhạc được biểu diễn khắp nơi trong thành phố và phục vụ thu thanh trực tiếp lên sóng đài Tiếng Nói Việt Nam. Trong không khí tưng bừng đó tôi viết bài hát đầu tiên Ca ngợi đời sống mới. Bài hát đến bây giờ hát lại thấy hồn nhiên và thôi thúc đầy ắp không khí hào sảng ngày Cách mạng tháng 8 năm nào: “Đây trời Việt nam ngàn năm tươi sáng luôn. Thanh niên xung phong đấu tranh vì đất nước. Đây người Việt Nam ngàn năm anh dũng luôn, thanh niên kiên cường trí trai vững vàng… Đời sống mới, người Việt Nam mới, xây núi sông bằng sức người Việt Nam”. 

Bạn rủ, thế là ông vác đàn lên chiến khu 2 đóng ở đồn điền Chi Nê. Ông tham gia đội Văn nghệ Giải phóng quân cho đội 2 chính thức trở thành người lính trong bộ ka-ky mới, khẩu “côn bạt” đeo trễ bên hông và cây đàn guitare sau lưng trông rất “thời thượng”. Ông kể phải bỏ nghề vẽ vì vác giá vẽ cồng kềnh, họa phẩm hiếm hoi và nhất là hồi đó có tờ giấy với bút chì trong người dễ bị nghi là Việt gian đi vẽ bản đồ cho Pháp (họa sĩ Mai Văn Hiến đã từng bị nghi là …gián điệp, bị bắt giam và may được minh oan).

Rồi ông tham gia đoàn Ca kịch Sao Vàng, đoàn trưởng là nhạc sĩ Đỗ Nhuận, vừa biểu diễn các vở kịch ngắn, hát các ca khúc cách mạng, thiếu bài hát thì hai anh em sáng tác tuyên truyền nhân dân đứng lên tham gia kháng chiến. Ông viết Bé nhè - có lẽ là một trong những bài hát đầu tiên dành cho các bé năm 1945: “Ngày nào năm xưa em còn bé tí teo, nằm cạnh bên me em bé như con mèo. Ngày nào năm xưa em còn khóc í a. Đòi me mua bánh bé không khóc nhè…”. Đi đâu cùng thấy “Em còn khóc í a” nghe rất hứng thú. 

Năm 1948 Đoàn Văn Công Việt Bắc thành lập, Hoàng Cầm là đoàn trưởng, ông là đoàn phó, ông đóng kịch vở Một đêm trong vai Quản Tài gian ác. Ông kể: “Sân khấu là mảnh ruộng, trăng rằm vằng vặc, bà con, bộ đội quây 3 phía, tôi mặc áo đội mũ sĩ quan Pháp chống ba-tong, khệnh khạng ra sân khấu quát tháo dăm ba câu tiếng Pháp rồi vung roi quật vào mông mấy nhân vật đóng vai nông dân, chợt nghe tiếng súng “đoàng” vèo bên tai, tôi lăn quay lơ ra tưởng dính đạn, bà con nháo nhác, anh chính trị viên nhảy lên sân khấu, bật đèn pin hét to “Đồng bào chú ý đây, là diễn kịch anh Toàn không phải là Tây đâu”. Mọi người bu lại đỡ tôi may mà chỉ xém tí tóc. Hôm ấy đoàn được thù lao bữa thịt lợn có tiết canh lòng lợn nhớ đời”.

Hòa bình lập lại, ông được phân công phụ trách đoàn Văn Công 3 của Tổng cục Chính trị, làm nhiệm vụ đón tiếp các chiến sĩ và đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc. Hoàn thành nhiệm vụ ba đoàn nhập làm một, mở đầu giai đoạn “xây dựng chính quy hiện đại”. Những chuyên gia từ Triều Tiên, Trung Quốc sang giúp đỡ những lớp dạy về âm nhạc nghệ thuật, vừa học tập vừa dàn dựng những tiết mục lớn: kịch múa Ngọn lửa Xô viết Nghệ Tĩnh, hợp xướng Tiếng hát người chiến sĩ Biên Thùy của nhạc sĩ Tô Hải. Trong lớp học này ông sáng tác bài Mời anh đến thăm quê tôi mà nhiều nhà lý luận âm nhạc nói là một bước tiến đáng kể trong sự nghiệp âm nhạc của Nguyễn Đức Toàn, lời và nhạc quyện vào nhau, khúc thức, bố cục mạch lạc rõ ràng, và trong đó như dồn nén lại bao nhiêu kỷ niệm máu xương trên những dặm đường chiến đấu.

Từ năm 1968 – 1970, ông đi tu nghiệp ở Nhạc viện Kiev (Ucraina). Trong hồi ký ông tâm sự: “Các thầy dạy tôi là những thầy giỏi về chuyên môn và hết lòng dạy bảo tôi. Nghĩ lại trước kia mình viết các khúc đều từ bản năng. Muốn sáng tác những tác phẩm âm nhạc đích thực phải được học bài bản. Chỉ tiếc là được cắp sách đến trường học hành tử tế muộn mằn quá”.

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.