You are here

Nhạc sĩ Vũ Trọng Hối trở thành nhạc sĩ nổi tiếng vì “tự ái”

Tác giả: 
Nguyễn Đình San

Tất nhiên, không phải ai có lòng tự ái cũng thành những tài năng và không phải cứ có cảm xúc đặc biệt là cho ra được tác phẩm. Nhưng câu chuyện của người nhạc sỹ tài danh trong bài viết này đã đúng như vậy.

Đó là Vũ Trọng Hối (1926-1985) – một Đại tá quân đội, nhạc sỹ rất đỗi quen biết của lực lượng vũ trang. Tên ông có thể khiến nhiều người nghe chưa quen nhưng những bài hát của ông thì cực kỳ nổi tiếng, không công chúng yêu âm nhạc nào lại không biết, đặc biệt là hai ca khúc bất hủ: “Đường tôi đi dài theo đất nước”  (“Đời giao liên bước tôi đi dài theo đất nước/ Đường tôi đi núi chênh vênh có mây bay dưới chân dăng thành…”) và “Bước chân trên dải Trường Sơn” (“Ta vượt trên triền núi cao Trường Sơn/ Đá mòn mà đôi gót không mòn…”).

Mùa xuân năm 1979, chúng ta tiến hành cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc tại biên giới phía Bắc. Trong rất nhiều ca khúc sục sôi ý chí quyết chiến, quyết thắng khi ấy, có một bài hát mang âm điệu trầm hùng thật đĩnh đạc với lời ca sâu sắc khiến ai nghe cũng thấy bốc cao ngùn ngụt ngọn lửa yêu nước, căm thù giặc ngoại xâm.

Đó là bài “Lời tạm biệt lúc lên đường” của Vũ Trọng Hối (“Ngày ra đi hướng biên cương/ Gió bấc tràn về lòng anh lạnh buốt/ Nòng súng thép dán câu thơ/ Ý thơ tuyệt hay là thơ Lý Thường Kiệt…”). Năm 1980, khi ấy, với tư cách phóng viên nghệ thuật của một tờ báo, tôi đã đăng bài hát này kèm đôi lời bình vào số kỷ niệm 35 năm ngày Quốc khánh nước ta. Lúc này, tôi chưa một lần được gặp Vũ Trọng Hối, chỉ biết ông qua hai ca khúc nổi tiếng về Trường Sơn đã có dịp nhắc ở trên.

Tôi đang định tìm gặp ông để tặng báo. Chưa kịp làm việc này thì một buổi chiều đang ở nhà, có một người khách lạ đến tìm gặp tôi. Ông chừng ngoài 50 tuổi, mặc đồ bộ đội đã cũ, trông vẻ người có phần cũ kỹ, dáng điệu chậm chạp như một nông dân nhưng gương mặt thì sáng sủa với đôi mắt tinh anh, toát lên vẻ thông minh. Tôi vừa mở cửa để mời khách vào nhà thì vị khách lạ cất lời:

- Tôi là Vũ Trọng Hối vừa được anh đăng cho bài hát. Tôi đến để cảm ơn anh và luôn thể xin anh tờ báo.

Tôi lấy làm rất thú vị, bởi không ngờ đó là người nhạc sỹ tài ba, có những bài hát rất nổi tiếng mà tôi vô cùng ưa thích. Tôi bày tỏ sự ái ngại vì chưa kịp đến gặp ông – mới phải – thì ông đã lại tìm tôi trước. Như đọc được chút băn khoăn của tôi, ông cho biết nhà ông ở khu tập thể Quân y viện 103 trong Hà Đông, ra cơ quan phải đi qua nhà tôi (ở Tập thể Fafilm, Ngã Tư Sở)  nên ghé vào cho tiện chứ tôi mà tìm ông thì khó, vì nhà ông ở xa, còn cơ quan ngoài Hà Nội thì chỉ thi thoảng mới ra.

Vũ Trọng Hối đã để lại trong tôi ấn tượng ban đầu thật tốt đẹp với phong cách hết sức bình dị, tình cảm chân thành và sự hiểu biết sâu sắc về văn hóa nghệ thuật chứ không chỉ âm nhạc. Ông điềm đạm, đôn hậu, không ồn ào, “chém gió” như cái từ quen thuộc bây giờ người ta vẫn chỉ những người ba hoa chích chòe, ồn ào, trống rỗng. Đặc biệt ông rất khiêm nhường khi nói với tôi:

- Trong bài viết, anh có khen bài hát của tôi là một trong những bài hành khúc quân đội hay nhất từ trước đến nay và là bài hay nhất trong lô bài về cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới. Tôi tự thấy chưa được như thế mà mới chỉ nói lên được phần nào tâm tư, tình cảm của lớp trẻ hôm nay lên đường bảo vệ tổ quốc.

Quả là Vũ Trọng Hối đã khác hẳn không ít tác giả có tật “văn mình, vợ người”, chỉ thấy tác phẩm của mình là có giá trị mà xem thường của người khác. Từ sự cảm mến, nể trọng phút đầu đó mà tôi với ông đã trở nên bạn vong niên. Tôi coi ông như người anh cả, người thầy trong lĩnh vực sáng tác âm nhạc và mạnh dạn muốn được ông truyền cho một số thủ pháp, kỹ năng sáng tác. Ông vui vẻ nhận lời và chủ động lên lịch ngay. Tuy nhiên, ông nói:

- Thực tình, tuy có được đi tu nghiệp thêm ở nhạc viện Alma-Ata (Azerbaijan) nhưng tôi tự thấy chưa thấm tháp gì. Sáng tác, nhất lại là sáng tác ca khúc, cần những yếu tố khác hơn cả sự học kỹ thuật, lý thuyết tại nhạc viện. Đó là năng khiếu, nhạc cảm, là vốn liếng về dân ca, văn học, có khả năng làm thơ, có thẩm âm tốt. Những thứ này San đã có cả. Cứ viết nhiều sẽ lên tay và sẽ hay. Lúc tôi mới sáng tác những bài đầu tiên, cũng chưa có chút vốn liếng gì, nếu không nói là còn mù nhạc.

Và ông kể cho tôi nghe nguyên do ông bước vào con đường sáng tác âm nhạc để cuối cùng gặt hái được những thành công lớn như chúng ta đã thấy.

…Vũ Trọng Hối sinh ngày 15-6-/1926 tại một ngôi nhà lụp xụp, tồi tàn ở xóm thợ phố Hàng Kênh (Hải Phòng). Cha mẹ ông trước đó quê Nam Định, rất nghèo khó nên đã dạt về Hải Phòng với hy vọng sẽ có cơ hội kiếm sống dễ dàng hơn. Ông kể rằng lúc 4-5 tuổi đã rất thích nghe những người xẩm mù đi lang thang hát nhiều làn điệu dân ca. Và ông đã thuộc nằm lòng từ ngày ấy.

Do nhà quá nghèo nên cậu bé Hối chỉ học hết lớp 3 rồi phải bỏ học đi làm đủ mọi việc để kiếm sống, rồi trở thành người thợ. Từ thợ mà chàng thanh niên này đến với cách mạng. Chàng gia nhập đội quân Hùm xám của tướng Nguyễn Bình (Đội quân này lúc đó rất nổi tiếng, là nỗi kinh hoàng của thực dân Pháp).

Thời kỳ này, Vũ Trọng Hối đã thích tự mình nghĩ ra những giai điệu có lời ca. Chàng lính trẻ dạy cho anh em hát theo. Một số bài được họ ưa thích, cổ vũ. Thế là chàng lại càng hào hứng lao vào sáng tác. Nhưng không biết chút nhạc lý gì nên không thể ghi ra giấy những bài mình đã sáng tác. Chàng bèn quyết định sẽ tìm đến các quán bar, gặp những nhạc công với ý định sẽ nhờ họ hướng dẫn cách ghi âm.

Nhìn người lính trẻ có vẻ quê mùa, lại tập toạng sáng tác, họ đã cười nhạo, tỏ vẻ coi khinh Vũ Trọng Hối. Cay cú và tức giận, chàng lính trẻ yêu âm nhạc nuôi chí “phục thù” với ý nghĩ mình phải giỏi nhạc, phải viết nên nhiều bài hát để mọi người biết. Ông nói rằng lòng tự ái còn được nhân thêm khi ngay trong đơn vị, bên cạnh nhiều người rất khuyến khích cổ vũ ông sáng tác cũng có một số người dè bỉu, cho rằng ông “hâm”, mơ hão huyền.

Thế rồi, ông tìm kiếm tài liệu, tự mày mò học nhạc lý và miệt mài tập sáng tác. Vốn dĩ là một người lính rất có ý thức tổ chức kỷ luật, lại sống tốt với mọi người nên Vũ Trọng Hối được đồng đội và cấp trên quý mến. Thấy rõ năng khiếu của ông, đồng chí Lê Quang Hòa – một vị chỉ huy cấp trên – đã cho ông lên Việt Bắc dự lớp bồi dưỡng âm nhạc do nhạc sỹ Nguyễn Xuân Khoát – người anh cả của làng nhạc Việt Nam phụ trách. Có thể nói, từ đó, Vũ Trọng Hối chính thức bước vào hoạt động âm nhạc.

Bước chân những người chiến sỹ trên dải Trường Sơn (Ảnh tư liệu).

Sau ngày hòa bình lập lại trên miền Bắc (1954), như nhiều nhạc sỹ quân đội khác, Vũ Trọng Hối nhanh chóng bắt nhập với không khí dựng xây đất nước bằng những ca khúc in đậm dấu ấn sáng tạo riêng: “Ngọn cờ hồng”, “Hát mừng đất nước”. Nhưng ông nở rộ và chói sáng tài năng nhất phải là những năm tháng chống Mỹ cứu nước tại cung đường Trường Sơn. Trước ngày lên đường vào đây, ông đã có bài hát được nhiều người tán thưởng là “Mùa chiến công nở rộ khắp hai miền” nhưng tự thấy chưa “đã” nên quyết tâm sẽ có những bài hay hơn, sâu sắc hơn trong đợt đi thực tế này. Ông kể:

- Ngày 18-12-1965, giữa một ngày nhiệt độ xuống tới 7-8 độ, rét như cắt ruột, tôi khoác ba-lô lên đường vào Trường Sơn lúc 40 tuổi, để lại vợ và hai con với nung nấu mình sẽ viết nên được những bài ca xứng đáng với con đường bất tử đầy kỳ tích này.

Vũ Trọng Hối nói ông chỉ biết nỗ lực hết mình chứ không dám chắc cả hai bài đều được công chúng, đặc biệt là các chiến sỹ tán thưởng đến như vậy. Tôi tò mò hỏi ông có kỷ niệm gì đặc biệt không mà có thể viết nên được bài “Đường tôi đi dài theo đất nước” tha thiết, trữ tình, rất lãng mạn, “ướt át” đến như vậy mặc dù nói về cuộc chiến tranh đang cực kỳ khốc liệt khi ấy. Lúc đầu, ông chỉ cười mà có vẻ không dễ kể. Nhưng rồi ông cũng bộc bạch:

- Lần ấy, vào đến Trường Sơn, tôi có quen biết một nữ giao liên, tuổi chỉ hơn 20, lúc đầu gọi tôi bằng “chú” (cô kém tôi gần 20 tuổi). Một số người trêu cô: “Chú nhạc sỹ là sao? Chỉ có thể gọi nhạc sỹ chứ không thể chú, bác hay anh được”. Thế là về sau, cô thay đổi cách xưng hô, chỉ gọi tôi là “nhạc sỹ” (“Thưa nhạc sỹ”, “nhạc sỹ ơi”) mà không có từ “chú”. Và xưng là “em” thay vì “cháu” như trước.

Chuyện chỉ có vậy mà vị nhạc sỹ trước mặt tôi lúc ấy đã gần 60 tuổi vẫn có chút ngượng nghịu khi kể lại kỷ niệm gần 20 năm về trước.

- Chỉ có vậy thôi ư? Chỉ là quen biết như thế rồi đến khi anh trở ra Bắc thì “tạm biệt” sao?

- Chỉ có vậy.

- Có lẽ vì cô giao liên thay đổi cách xưng hô mà nhạc sỹ thấy xao xuyến để viết nên một tuyệt phẩm như thế?

- Và sau đó tôi đã nhân đà cảm xúc viết luôn bài thứ hai là “Bước chân trên dải Trường Sơn”. Viết một mạch từ đầu chí cuối rồi đưa anh Tào Mạt sửa sang ca từ và làm thêm lời hai.

Từ sự kích thích của lòng tự ái, rồi chút xúc cảm rất đẹp trước cô gái giao liên mà Vũ Trọng Hối trở thành nhạc sỹ với hai ca khúc để đời. Tất nhiên, sâu xa phải là sức thuyết phục, thôi thúc của một hiện thực đầy chất anh hùng ca của dân tộc và sự nỗ lực không mệt mỏi của người nhạc sỹ giàu bản lĩnh sáng tạo.

(Nguồn: http://vnca.cand.com.vn)

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.