You are here

Nhạc sĩ Vũ Thiết: Người lãng du từ rừng xuống biển

Tác giả: 
Thảo Duyên

Với không ít nghệ sĩ, có những miền đất không chỉ là quê hương, không chỉ là nơi họ sinh sống mà đã đi vào những sáng tác của họ như một đề tài, một niềm cảm hứng. Miền đất Tây Nguyên đầy nắng và gió đã gắn bó cùng nhạc sĩ Vũ Thiết như thế...

Dẫu trò chuyện lần đầu tiên hay đã từng quen biết, nhạc sĩ Vũ Thiết luôn mang đến cho người tiếp xúc cảm giác dễ chịu, trân quý vì sự nhiệt tình, cởi mở và thẳng thắn. Dù đã "xuống núi" và định cư ở Thủ đô tới gần 30 năm, nhưng người nhạc sĩ của những ca khúc "Nghe câu quan họ trên cao nguyên", "Khúc tráng ca biển", "Lời biển hát"... dường như vẫn giữ nguyên nét tính cách phóng khoáng, hào sảng của người Tây Nguyên ngập tràn nắng gió. Và, âm nhạc vẫn là một tình yêu chưa khi nào nhạt phai trong tâm thức người nhạc sĩ vừa lãng tử vừa chỉn chu này.

Nhạc sĩ Vũ Thiết nhận sổ hưu được hơn một năm sau khi gắn bó với Hệ Âm nhạc - Thông tin - Giải trí (VOV3), Đài Tiếng nói Việt Nam gần 30 năm. Nhưng, như ông chia sẻ, dù đang công tác hay nghỉ hưu thì cũng không có gì quá khác biệt. Ông vẫn dành phần lớn thời gian cho âm nhạc. Có chăng là giờ đây, khi không phải lo công việc phát sóng của Đài, ông dành được nhiều thời gian hơn cho những chuyến đi thực tế cùng các nhạc sĩ hay chăm chút cho những đứa con tinh thần của mình.

Với không ít nghệ sĩ, có những miền đất không chỉ là quê hương, không chỉ là nơi họ sinh sống mà đã đi vào những sáng tác của họ như một đề tài, một niềm cảm hứng. Miền đất Tây Nguyên đầy nắng và gió đã gắn bó cùng nhạc sĩ Vũ Thiết như thế.

Sinh ra và lớn lên ở quê lúa Thái Bình nhưng khi vừa tròn 20 tuổi, chàng trai say mê âm nhạc và nhiều tài lẻ (thổi sáo, đàn guitare) đã quyết định rời Đoàn Ca múa Thái Bình chuyển vào làm nhạc công flute tại Đoàn Ca múa Đắk Lắk. Vùng đất đỏ bazan hùng vĩ, phóng khoáng đã mê hoặc chàng trai 20 tuổi, đồng thời nuôi dưỡng những giấc mơ âm nhạc, những hoài bão trong tâm hồn chàng thanh niên ấy.

Giờ đây, khi đã xa mảnh đất ấy nhiều năm, nhạc sĩ Vũ Thiết vẫn da diết: "Có lẽ, tôi là người may mắn, khi ngoài quê cha đất Tổ Thái Bình, ngoài Thủ đô Hà Nội đã cho tôi một sự nghiệp vững vàng thì tôi đã có mảnh đất Tây Nguyên ruột thịt gắn bó cả thời thanh xuân đầy hoài bão". Vùng đất màu mỡ ấy đã giúp Vũ Thiết gieo những hạt giống đầu tiên trong sự nghiệp âm nhạc của mình. Đó còn là nơi, ông có được một gia đình nhỏ hạnh phúc, êm ấm vẹn toàn.

Nhắc tới những ngày công tác tại Đoàn ca múa Đắk Lắk, nhạc sĩ Vũ Thiết lại nhớ tới người bạn thân của mình là NSND Y Moan. Hai nghệ sĩ trẻ mang trong mình một tình yêu say mê, hồn nhiên với âm nhạc đã có một tình bạn thật đẹp.

Những đêm biểu diễn trên sân khấu đơn sơ ở tận buôn làng, những buổi cạn chén rượu cùng với đồng bào bên ánh lửa bập bùng... đã là những ký ức đẹp trong tâm hồn ông. Tới khi cả 2 người có gia đình riêng thì hai gia đình lại thân thiết như những người anh em trong gia đình. Dù sau này, gia đình nhạc sĩ Vũ Thiết chuyển ra Bắc ít có điều kiện gặp gỡ, rồi NSND Y Moan không còn nữa nhưng với nhạc sĩ Vũ Thiết, đó vẫn là người bạn, người đồng nghiệp đã có rất nhiều yêu thương, trân trọng.

Hơn mười năm gắn bó với miền đất đỏ bazan, nơi có dân ca, dân nhạc và nhiều lễ hội đặc sắc đã chắp cánh cho tài năng của người nhạc sĩ trẻ Vũ Thiết. Với không ít nhạc sĩ, khi viết về Tây nguyên đều tập trung vào nét hoang sơ hùng vĩ của núi rừng, những bạt ngàn cà phê, cao su, với cái nắng cái gió cũng hào sảng như lòng người thì Vũ Thiết lại nhìn Tây Nguyên qua làn điệu dân ca quan họ.

"Nghe câu quan họ trên cao nguyên/ Ngỡ con sông Cầu dập dềnh trước mặt/ Rừng đung đưa, giọng em khoan nhặt/ Nắng trên đồi như thực, như mơ"... Đó là tình yêu Tây Nguyên của một người nhạc sĩ vốn nặng lòng với những làn điệu dân ca. Nhạc sĩ Vũ Thiết tâm sự: Ca khúc được ông sáng tác năm 1982, trong dịp tỉnh Đắk Lắk mở trại viết bồi dưỡng cho những người có năng khiếu sáng tác.

Khi ấy, ông vô tình đọc được bài thơ của tác giả Hữu Chỉnh trên báo. Bài thơ rất dài nhưng chỉ cần một câu "Nghe câu quan họ trên cao nguyên" đã đủ khiến cảm xúc trào dâng. Và ông đã viết một mạch bài hát, chỉ sử dụng duy nhất tứ thơ ấy. Không chỉ có riêng "Nghe câu quan họ trên cao nguyên" mà một số những ca khúc của nhạc sĩ Vũ Thiết như "Bồng bềnh", "Ngày ấy", "Biển và em", "Một khoảng trời xanh cao nguyên", "Chiều Hồ Tây"... luôn phảng phất chất dân ca của một miền quê nào đó.

Giờ đây, khi sống và làm việc ở Hà Nội tới gần 30 năm nhưng nhiều người vẫn nghĩ nhạc sĩ Vũ Thiết là người của Tây Nguyên. "Chắc bởi làn da, mái tóc của tôi đã nhuốm cái nắng, cái gió từ bao giờ. Và chắc là lối sống ào ạt của tôi nữa.

Một may mắn nữa của tôi là từ thời ở Tây Nguyên, tôi đã được tiếp xúc với nhiều bậc đàn anh trong nghề khi họ đi thực tế sáng tác ở đó. Đặc biệt có thời điểm anh Nguyễn Cường ở đó tới 3 tháng. Tôi học được ở các anh ấy rất nhiều, nhất là mảng sáng tác ca khúc. Điều đó giúp cho sau này, tôi hầu như không phải học thêm nữa" - nhạc sĩ Vũ Thiết chia sẻ.

Nhạc sĩ Vũ Thiết là người có duyên với giải thưởng. Không ít tác phẩm của ông, ở nhiều thể loại đã nhận được giải thưởng quan trọng. Tác phẩm "Rừng gọi" (viết cho Flute và piano) đã nhận giải thưởng Hội Nhạc sĩ Việt Nam năm 1995, tác phẩm "Mầm xuân” (viết cho đàn bầu và dàn nhạc), giải thưởng Hội Nhạc sĩ Việt Nam năm 1997, ca khúc "Tiếng hát bên dòng sông Trà" nhận giải nhì (không có giải nhất) Giải thưởng Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Gần đây nhất, ca khúc "Khúc tráng ca biển" (phổ thơ Trịnh Công Lộc) đã đạt giải nhì (không có giải nhất) cuộc vận động sáng tác ca khúc "Đây biển Việt Nam" do Báo điện tử Vietnamnet phối hợp với Hội nhạc sĩ Việt Nam tổ chức.

Tác phẩm này đã thường xuyên được phát sóng trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Nói về sự ra đời của ca khúc, nhạc sĩ Vũ Thiết cho biết, khi bắt gặp bài thơ "Mộ gió" của nhà thơ Trịnh Công Lộc, ông đã vô cùng ấn tượng và xúc động trước hình tượng thơ kiêu hùng và đầy ám ảnh mà nhà thơ đã khắc họa trong những câu thơ của mình: "Mộ gió đây, giăng từng hàng, từng lớp/ Vẫn hùng binh giữa biển đảo xa khơi/ Là mộ gió vẫn thổi hoài, thổi mãi/ Thổi bùng lên những ngọng sóng, ngang trời...".

Nhạc sĩ Vũ Thiết đã chọn dòng nhạc thính phòng để phổ nhạc cho bài thơ này bởi theo ông, chỉ dòng nhạc này mới có thể truyền tải được chất bi hùng về sự hy sinh của các chiến binh biển đảo. Sau này, nhạc sĩ Vũ Thiết tiếp tục phổ nhạc bài thơ "Lời sóng hát" cũng của nhà thơ Trịnh Công Lộc với phong cách nhẹ nhàng, sâu lắng. Năm 2011, "Lời sóng hát" lại tiếp tục trở thành một ca khúc hay về chủ đề biển đảo, đồng thời mang về cho nhạc sĩ Vũ Thiết giải nhất giải thưởng Hội Nhạc sĩ Việt Nam.

Rồi ca khúc "Biển chiều Nha Trang" cũng đã vượt trên 500 ca khúc tham dự để giành giải nhì cuộc thi sáng tác với chủ đề "Biển đảo và quê hương Khánh Hòa". Liên tục có những ca khúc hay về biển đảo, nhạc sĩ Vũ Thiết được yêu quý gọi là người nhạc sĩ có tình yêu thiết tha với biển đảo. Nhạc sĩ Vũ Thiết chân tình: "Tôi có may mắn được nhiều lần đến với biển.

Lần đi thực tế sáng tác, lần thì ra thăm các chiến sĩ tại Trường Sa. Mỗi lần đến với biển, đều đem lại cho tôi một cảm xúc đặc biệt. Đó là niềm tự hào về biển đảo quê hương của mình, là sự khâm phục những quân dân đã không quản hiểm nguy, gian khổ bảo vệ vùng biển Tổ quốc. Tôi chỉ cố gắng bằng công sức bé nhỏ, đóng góp vào tình yêu ấy".

Trong con mắt của đồng nghiệp, Vũ Thiết là nhạc sĩ đa tài, có thể sáng tác ở nhiều thể loại âm nhạc nhưng chỉ riêng mảng ca khúc, hai đề tài ghi dấu ấn đậm nét trong các tác phẩm của ông là vùng đất Tây Nguyên và biển đảo. Có lẽ, chất hào sảng trong con người Vũ Thiết đã khiến ông luôn thành công khi chạm đến những miền cảm xúc khoáng đạt, rộng lớn nhưng không kém phần tinh tế, sâu thẳm.

Là nhạc sĩ, nhưng đồng thời cũng là người làm âm nhạc ở một đơn vị truyền thông lớn là Đài Tiếng nói Việt Nam nên nhạc sĩ Vũ Thiết luôn có một cái nhìn khá khách quan khi đánh giá về đời sống âm nhạc.

"Tôi cho rằng, không nên quá lo ngại đối với đời sống âm nhạc. Những gì không phải là chân giá trị sẽ sớm bị đào thải. Vẫn luôn tin có một lớp khán giả đủ trình độ, nhận thức để trân trọng những giá trị đích thực".

Và ở tuổi ngoài 60, ông vẫn không ngừng tự học hỏi, hoàn thiện mình: "Hằng ngày, tôi vẫn thường xuyên nghe, xem các sáng tác của đồng nghiệp và các bạn trẻ. Nghe cả những ca khúc bị chê để hiểu vì sao khán giả không thích". Khi hỏi nhạc sĩ Vũ Thiết rằng: "Là người sở hữu nhiều giải thưởng, lại được biết ông vừa được xét tặng Giải thưởng Nhà nước cho chùm 4 ca khúc, vậy giải thưởng với ông có ý nghĩa thế nào?", nhạc sĩ Vũ Thiết chân tình: "Những giải thưởng khiến tôi rất vui vì nó là động lực để tiếp thêm sức mạnh trên con đường sáng tác của mình. Nhưng điều quan trọng nhất là tác phẩm ấy phải "sống" được trong lòng khán giả. Tôi vẫn còn nhiều đề tài ấp ủ trong lòng. Tác phẩm ưng ý vẫn đang ở phía trước". 

(Nguồn: http://vnca.cand.com.vn)

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.