You are here

Nhạc sĩ Vũ Mão được trao Bằng kỷ lục Việt Nam: “Người sáng tác nhiều ca khúc viết về các địa danh nổi tiếng trên thế giới”

Tác giả: 
Thanh Nhã

Ông Lê Doãn Hợp - nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin va Truyền thông trao Bằng  xác lập kỷ lục
cho nhạc sĩ Vũ Mão


Giao lưu văn nghệ

Ngày 8 tháng 7 năm 2017, tại Hà Nội, Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội đã phối hợp với Tổ chức Kỷ lục Việt Nam, tổ chức chương trình nghệ thuật “Ca khúc bạn bè năm châu”, và trao bằng kỷ lục Việt Nam “Người sáng tác nhiều ca khúc viết về các địa danh nổi tiếng trên thế giới” cho nhạc sĩ Vũ Mão.

Tới dự có: ông Nguyễn Hạnh Phúc - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội; ông Nguyễn Khắc Định - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật; ông Prak Nguon Hong - Đại sứ Campuchia tại Việt Nam; ông Nguyễn Khánh - nguyên Phó Thủ tướng; ông Trần Văn Hằng - nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại; bà Trần Thị Tâm Đan - nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng; các nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận và Phan Trung Lý; các nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Ngọc Thanh và Trần Đình Đàn; lãnh đạo Hội Hữu nghị Việt Nam - Campuchia; nguyên Tổng thư ký Quốc hội Thụy Điển; đại diện Đại sứ quán CHDCND Lào…

Về phía Hội Nhạc sĩ Việt Nam có: NSND Phạm Ngọc Khôi – Phó Chủ tịch Hội; các nhạc sĩ lão thành: TS. nhạc sĩ  Doãn Nho; nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ, cùng đông đảo các nhạc sĩ và bạn bè thân thiết của nhạc sĩ Vũ Mão…   

Trong gia tài các tác phẩm âm nhạc của nhạc sĩ Vũ Mão, có 64 ca khúc viết về các địa danh, các nước trên thế giới. Nhiều ca khúc được lựa chọn và trao giải thưởng trong các cuộc vận động sáng tác, để lại dấu ấn trong lòng bạn bè trong nước và quốc tế như: “Bài ca Asean”; "Tình hữu nghị Việt Nam – Campuchia"; "Huy hoàng Angkor"; và các ca khúc sáng tác về Hàn Quốc; Trung Quốc, Thụy Điển, Cộng hòa Pháp, Lào… 

Chương trình nghệ thuật đã giới thiệu một số ca khúc bạn bè năm châu và giao lưu với nhạc sĩ Vũ Mão như:

“Bài ca ASEAN” - Bài hát được viết vào năm 1995, khi Nhà nước Việt Nam gia nhập ASEAN và Quốc hội Việt Nam gia nhập AIPO, nay gọi là AIPA. Đây là một thắng lợi to lớn về ngoại giao của nước ta và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao lên rất nhiều. Đến nay đã hơn 20 năm tham gia ASEAN và có nhiều đóng góp to lớn cho tổ chức này. Bài hát được vang lên trong các buổi giao lưu văn nghệ của các nước trong cộng đồng ASEAN và AIPA. Nghị sĩ các nước vui vẻ hoà đồng cùng hát vang những bài ca hữu nghị; “Tình Hữu nghị Việt Nam – Campuchia” - Việt Nam và Campuchia là hai nước láng giềng anh em, gian khổ có nhau, hạnh phúc có nhau. Đặc biệt trong thời kỳ 10 năm (1979 – 1989) Việt Nam giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng của Pôn Pốt. Các chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam mà theo cách gọi của nhân dân Campuchia là đội quân Nhà Phật đã hết lòng vì sự hồi sinh của Campuchia không hề tiếc xương máu của mình. Ngày nay hai nước tiếp tục phát triển quan hệ hữu nghị. Đây là điều vô cùng quan trọng để hai nước được sống trong hoà bình hữu nghị và xây dựng đất nước nước trở nên giàu mạnh và hạnh phúc; “Huy hoàng Angkor” - Ca khúc ca ngợi đất nước Campuchia với Angkor là kỳ quan thế giới. Lịch sử đất nước Campuchia huy hoàng, rạng rỡ. Tập đoàn Pôn Pốt dã man, lòng người dạ thú đã gây ra nạn diệt chủng. Đây là thời kỳ đen tối. Ngày nay, được sống trong thanh bình, đất nước Angkor đang trên đà phát triển mạnh mẽ. Một kỷ niệm khó quên, trong đêm Quốc yến chiêu đãi Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam vào năm 2006, với tình hữu nghị chan hoà, Quốc vương Norodom Sihanouk đã đề nghị tác giả hát ca khúc này tới 3 lần; “Từ Viêng Chăn nhớ về Hà Nội” - Việt Nam và Lào có quan hệ gắn bó đặc biệt. Hai nước đồng cam cộng khổ, chung một chiến hào trong sự nghiệp giải phóng dân tộc. Thủ đô Viêng Chăn nằm bên dòng sông Mê Kông thăng trầm cùng lịch sử của nước Lào trong sự nghiệp bảo vệ tổ quốc. Mỗi lần tới thăm Viêng Chăn, người Việt Nam ta lại nhớ về Thủ đô Hà Nội với niềm tự hào tha thiết. Viêng Chăn và Hà Nội là những bông hoa rực rỡ của tình hữu nghị hai nước Việt Lào anh em; “Tạm biệt Matxcơva” -  Đại hội liên hoan (Festival) Thanh niên – Sinh viên thế giới lần thứ 12 được tổ chức tại Matxcơva vào mùa hè năm 1985. Đây là Festival có quy mô lớn nhất từ trước tới nay. Đoàn đại biểu Việt Nam có 500 người với thành phần phong phú và đa dạng. Sau 7 ngày hoạt động sôi nổi, đêm liên hoan chia tay thật cảm động. Bài hát Mùa hè Matxcơva của tác giả Vũ Mão, được bạn bè quốc tế cùng nhịp nhàng say sưa trong điệu valse đầy lưu luyến để chia tay nhau; “Tự hào Korea” - Korea (Hàn Quốc) là đất nước phát triển rất nhanh chóng. Nhưng nỗi đau nơi họ là tổ quốc vẫn còn bị chia cắt. Sau nhiều năm gian khó, Việt Nam đã dành được độc lập, tự do và thống nhất. Hàn Quốc rất khâm phục Việt Nam và muốn học hỏi những kinh nghiệm quý báu ấy. Những nhà lãnh đạo của Hàn Quốc khi làm việc với các nhà lãnh đạo của Việt Nam đều có lời xin lỗi về việc giúp Mỹ đưa quân sang tàn sát nhân dân ta. Với tấm lòng cao thượng, Việt Nam chúng ta rộng lòng thông cảm và đưa quan hệ 2 nước phát triển lên tầm cao mới. Hiện nay, Hàn Quốc là nước đầu tư lớn vào Việt Nam và quan hệ 2 nước đang phát triển tốt đẹp; “Cô gái hái nho” -  Năm 1989, Đoàn đại biểu Quốc hội thăm Cộng hoà Pháp. Đoàn đến thăm vùng sông Loire, trong đó nổi tiếng nhất là các lâu đài  Amboise, nơi mà đã được Unesco công nhận là Di sản thế giới nhờ giá trị văn hóa độc đáo, có giá trị cao về lịch sử và kiến trúc. Đây là vùng trồng nho với chất lượng cao nên rượu vang nơi này nổi tiếng thế giới. Ấn tượng sâu sắc được dâng trào khi đến thăm các đồi trồng nho với các thiếu nữ đẹp như các thiên thần đang làm việc. Chính cảm xúc ấy đã khích lệ tác giả viết ca khúc Cô gái hái nho; “Chiều xuân Vạn Lý Trường thành” - Vạn Lý Trường Thành là bức tường thành nổi tiếng của Trung Quốc liên tục được xây dựng bằng đất và đá từ thế kỷ 5 TCN cho tới thế kỷ 16. Để làm nên kỳ tích này, biết bao con người đã chịu đựng gian khổ, đói khát, và đã ra đi… Mùa xuân năm 1994, tác giả đã đến thăm nơi đây và xúc động viết ca khúc Chiều xuân Vạn lý Trường thành; “Bài ca du lịch quốc tế Phượng Hoàng” - Đồi Pháo Thủ có vị trí chiến lược được nhà cầm quyền Pháp xây dựng để bảo vệ thành phố Bắc Ninh và bảo vệ chiếc cầu nằm trên quốc lộ số 1 bắc qua sông Cầu. Trong thời chống Mỹ cứu nước, những trận oanh tạc ác liệt của máy bay giặc Mỹ và sự chống trả quyết liệt của quân và dân ta đã trở thành những huyền thoại của vùng đất này. Nơi đây đã trở thành di tích lịch sử, văn hóa quý báu của tỉnh Bắc Ninh. Công ty phát triển du lịch quốc tế Phượng Hoàng nằm trên đồi Pháo Thủ, bên dòng sông Cầu thơ mộng là một vinh dự lớn lao và tạo nên một dấu ấn đặc biệt. Hơn 10 năm qua, vừa xây dựng vừa phát triển, công ty phát triển du lịch quốc tế Phượng Hoàng đã trưởng thành nhanh chóng và mang một thương hiệu rất đáng tự hào.

NSND Phạm Ngọc Khôi – Phó Chủ tịch Hội nhạc sĩ Việt Nam bày tỏ vui mừng khi nhạc sĩ Vũ Mão - hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam nhận được Danh hiệu Kỷ lục gia. Tại đây ông đã đọc bức thư thấm đẫm tình cảm của PGS.TS. nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, trên cương vị Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam vì điều kiện công tác đã không thể đến dự sự kiện trọng đại này. Qua đó, Hội Nhạc sĩ Việt Nam cũng đánh giá cao những đóng góp có ý nghĩa to lớn của nhạc sĩ Vũ Mão trong hoạt động đối ngoại văn hóa. Những bài thơ và ca khúc của ông luôn thấm đượm tình người, nồng cháy tình yêu thương, đoàn kết và hữu nghị:

“Kính gửi nhạc sĩ Vũ Mão,

Kính thưa Quý vị đại biểu,

Rất tiếc vì bận tổ chức Liên hoan Âm nhạc Hội Nhạc sĩ Việt Nam khu vực Miền Trung – Tây Nguyên tại TP. Đà Nẵng từ ngày 7 đến 10 tháng 7 năm 2017, nên em không thể dự Lễ trao bằng Kỷ lục của Tổ chức Kỷ lục Việt Nam cho cá nhân anh với tư cách là một nhạc sĩ có nhiều ca khúc về đề tài “Các địa danh nổi tiếng trên thế giới và Tình hữu nghị giữa các dân tộc”. Đây không chỉ là vinh dự đối với anh, mà còn là vinh dự cho Hội Nhạc sĩ Việt Nam – nơi mà anh là một thành viên trong tổ chức Hội. Những ca khúc của anh, cả những bản hợp xướng như “Thu vàng Stockhom” đã được dàn hợp xướng Thụy Điển biểu diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội là một phần trong sự nghiệp sáng tạo văn học nghệ thuật mà anh đã cống hiến cho Đảng, cho Dân tộc từ khi còn trẻ cho đến ngày hôm nay.

Nhạc sĩ Vũ Mão đến với thơ văn trước khi đến với âm nhạc. Nhưng ngay từ thời trai trẻ ông đã được nghe và tập hát những ca khúc Cách mạng của Văn Cao, Đinh Nhu, Đỗ Nhuận, Phạm Tuyên… Chính nhạc sĩ Phạm Tuyên là người thầy đầu tiên dạy nhạc cho ông, nên sau này bằng kiến thức âm nhạc tích lũy được, ông đã phổ những bài thơ của mình thành những ca khúc hay về các miền quê đất nước, về tình yêu tuổi trẻ, về thanh niên, bộ đội, phụ nữ… Trong đó có một mảng về các địa danh nổi tiếng trên thế giới mà ông đã đi qua, cùng với những lời ca về tình hữu nghị giữa Việt Nam và các nước. Bài hát của ông mộc mạc, giản dị, chân thành, nồng cháy như chính con người ông vậy, dễ nghe dễ hát và dễ thuộc. Các tác phẩm của ông đã được các ca sĩ nổi tiếng như: NSƯT Bích Việt, Thanh Vinh, Kim Tiến, Đức Chính, Tố Uyên, Đăng Dương, Anh Thơ… thu âm, ghi hình, phát trên sóng phát thanh và truyền hình quốc gia.

Nhân ngày vui hôm nay, em xin thay mặt Ban Chấp hành Hội Nhạc sĩ Việt Nam xin chúc mừng anh và gia đình, chúc anh chị sức khỏe dồi dào, hạnh phúc và anh tiếp tục sáng tác nhiều bài thơ, bản nhạc hay cho cuộc đời này mãi mãi xanh tươi!

 Em Đỗ Hồng Quân

Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam”

 

Nhạc sĩ Vũ Mão xúc động chia sẻ: “Từ một cậu bé nghèo khó, trưởng thành qua hai cuộc kháng chiến, môi trường Thiếu sinh quân, môi trường Quân giới… là những cái nôi quan trọng rèn luyện chúng tôi nghiêm túc, nhưng lại rất tình cảm. Chính nhờ đó đã khơi gọi cho tôi những đam mê trong thi ca, âm nhạc. Tôi viết ca khúc đầu tiên năm 13 tuổi. Mặc dù hoạt động trong nhiều lĩnh vực, nhưng ở cương vị nào, lĩnh vực nào tôi cũng làm tròn nhiệm vụ của mình. Tuy nhiên, tâm hồn nhạy cảm luôn cho tôi những xúc cảm đặc biệt để có thể viết nên những tác phẩm. Với tôi âm nhạc, thơ ca là điều không thể thiếu trong một con người làm chính trị như tôi, giúp tôi cân bằng cuộc sống, công việc, bởi người làm chính trị tôi hiểu ai cũng có những điểm mạnh, điểm yếu và cũng không tránh khỏi những lúc căng thẳng. Vì thế tôi cố tránh bằng cách tìm đến thơ ca và âm nhạc để tâm hồn thấy nhẹ nhàng hơn. Tôi rất xúc động được nhận bằng của Tổ chức Kỷ lục Việt Nam. Đây là những bài hát tôi viết về các nước trong mỗi dịp đến thăm. Mỗi chuyến đi công tác nước ngoài, tôi thường để tâm học hỏi những kinh nghiệm của họ trong các lĩnh vực cần nghiên cứu, đồng thời dành thời gian ghi nhật ký bằng thơ, bằng âm nhạc. Số ca khúc tôi viết ở các nước đã là con số hơn 60”.

Nhạc sĩ Vũ Mão sinh năm 1939 tại Hà Nội, quê gốc của ông tại huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định, là một chính khách, nhà thơ, nhạc sĩ. Ông từng giữ các chức vụ Bí thư Thứ nhất Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh từ năm 1982 đến năm 1987, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội và Hội đồng Nhà nước từ năm 1987 đến 1992, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội từ năm 1992 đến năm 2002, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội từ năm 2002 đến năm 2007, Ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam các khóa 5, 6, 7, 8, 9 (từ năm 1982 đến năm 2006), Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội các khóa 9, 10, 11; Uỷ viên Uỷ ban sửa đổi Hiến pháp 1992.

 

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.