You are here

Nhạc sĩ Trương Quang Đức: Cần quan tâm hơn nữa đến Giáo dục âm nhạc

Tác giả: 
Minh Anh

Trong giới nhạc sĩ sáng tác, có một lực lượng các nhạc sĩ đang làm công tác giảng dạy. Nhiều người trong số họ cũng đã có những đóng góp đáng kể trong việc định hướng thẩm mỹ cho thế hệ trẻ thông qua các bài giảng trực quan sinh động và cả những tác phẩm âm nhạc của họ. Chúng tôi giới thiệu cùng quý vị và các bạn về Thầy giáo, nhạc sĩ Trương Quang Đức – Trưởng bộ môn âm nhạc tại Đại học sư phạm – Đại học Đà Nẵng.

Trò chuyện với nhạc sĩ Trương Quang Đức, chúng tôi được biết, Trương Quang Đức đến với âm nhạc từ nhỏ, nhưng mãi cho tới năm 2006 anh mới chính thức bước vào con đường âm nhạc chuyên nghiệp khi quyết định theo học tại Học viện âm nhạc Huế, chuyên ngành sư phạm âm nhạc. Chưa dừng lại ở đó, ngày sau khi ra trường Đức theo học Thạc sỹ tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Hiện nay, Trước Quang Đức đang là Trưởng khoa âm nhạc tại Đại học Sư phạm – Đại học Đà Nẵng. Nhạc sĩ Trương Quang Đức cho biết: "Năm 2013 tôi đạt giải Khuyến khích Cuộc thi sáng tác về thành phố Đà Nẵng. Đó cũng gần như sáng tác đầu tay của tôi, bài “Đà thành trong tim tôi”. Giải thưởng khích lệ tôi rất nhiều. Từ giải thưởng đó tôi tự tin để sáng tác thêm nhiều ca khúc mới. Sáng tác về Đà Nẵng có rất nhiều. Khi Đức sáng tác về Đà Nẵng, luôn nghĩ đến làm thế nào để nổi bật lên giai điệu dân ca của Quảng Nam – Đà Nẵng, để đi sâu vào lòng nhân dân Đà Nẵng hơn. Ngoài ra Đức cũng học hỏi rất nhiều từ các nhạc sĩ đi trước. Các nhạc sĩ có rất nhiều các góc tiếp cận khác nhau: như thành phố tươi trẻ, sáng tác với nhịp điệu vui tươi, thể hiện thành phố trẻ, năng động. Bên cạnh đó cũng nhiều nhạc sĩ mang âm hưởng dân ca Quảng Nam vào. Đức tiếp cận theo hướng thứ 2".

Là nhạc sĩ trẻ, những chuyến đi thực tế không chỉ tạo động, lực cảm hứng cho Đức sáng tác nhiều tác phẩm mới mà còn là cơ hội để Đức tiếp cận với nhiều thể loại âm nhạc vùng, miền, trải nghiệm cuộc sống và có những cảm nhận về những vùng đất mới làm cơ sở cho những bài giảng của mình, đồng thời từ đó xây dựng được những chương trình cụ thể nhằm phục vụ công tác giảng dạy tại trường. Hiện tại Trương Quang Đức cũng đang viết luận án tiến sĩ với đề tài dạy âm nhạc dân ca Quảng Nam. Trước Quang Đức chia sẻ: "Là một nhạc sĩ trẻ Đức thấy vinh dự và hạnh phúc khi được kết nạp vào Hội Âm nhạc thành phố Đà Nẵng, có động lực thúc đẩy, cũng như có môi trường thuận lợi tạo điều kiện cho việc sáng tác. Tôi được học hỏi từ các nhạc sỹ đi trước, tham gia trại sáng tác, tôi học hỏi nhiều điều trong khoảng thời gian tách ra khỏi công việc hàng ngày, cùng sống, cùng trao đổi, học hỏi, giao lưu. Đó là khoảng thời gian tôi có thể tập trung vào sáng tác. Trong các tác phẩm của mình, tôi thường lựa chọn ngôn ngữ, chủ đề gắn liền với cuộc sống, triết lý sống. Tôi cũng hay tìm hiểu triết học Phương Đông, ngoài ra có một số chủ đề như về tình yêu, cuộc sống".

Giáo dục âm nhạc hiện nay đang đặt ra cho những người làm công tác quản lý, đào tạo những trách nhiệm căn bản nhằm tìm ra phương pháp hữu hiệu, góp phần định hướng thẩm mỹ, giáo dục nhân cách cho thế hệ trẻ. Bên cạnh việc giáo dục theo khung chương trình của Bộ, của Sở thì mỗi trường cũng có những chương trình mở nhằm làm tốt hơn vai trò của mình. Đây cũng là những trăn trở của người làm nghề..Trương Quang Đức cho biết: "Hiện tại tôi là Trưởng bộ môn âm nhạc của Đại học sư phạm - Đại học Đà Nẵng. Theo tôi, ngành sư phạm âm nhạc ở đây, ngoài những môn chung về lý thuyết âm nhạc cơ bản, những môn thực hành cơ bản, thì Tổ bộ môn cũng chú trọng dạy Mỹ học âm nhạc cho sinh viên chuyên ngành. Theo mình đây là môn học rất cần thiết với sinh viên âm nhạc nói chung và sinh viên sư phạm âm nhạc nói riêng. Bởi các giáo viên, ngoài việc giảng dạy còn là người định hướng thẩm mỹ âm nhạc cho thế hệ trẻ. Theo quan điểm của tôi, ở các trường phổ thông vẫn xem nhẹ các môn nghệ thuật nói chung và âm nhạc nói riêng. Còn taị Đại học Sư phạm Đà Nẵng, đây là chuyên ngành khá mới nhưng cũng được nhà trường quan tâm, tạo điều kiện phát triển. Ngoài chương trình chính ra, Khoa Âm nhạc cũng giúp sinh viên tổ chức nhiều chương trình biểu diễn, dàn dựng các chương trình, để sau này các em về công tác tại các trường phổ thông thì có thể dàn dựng cho các trường. Ngoài ra chúng tôi có các Semina nâng cao chất lượng giảng dạy. Mình mong muốn môn âm nhạc được quan tâm nhiều hơn, định hướng cho phụ huynh và học sinh thấy được tầm quan trọng của âm nhạc nói riêng và nghệ thuật nói chung rất cần thiết cho việc bổ trợ, hình thành nhân cách cho học sinh".  

(Nguồn: http://vovworld.vn)

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.