You are here

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung: Âm nhạc - mạch nguồn nhựa sống!

Tác giả: 
Trần Lệ Chiến

Con số 140 triệu đồng tiền tác quyền (Quý II/2017) mà nhạc sĩ trẻ Nguyễn Văn Chung nhận được từ Trung tâm tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) thật đáng tự hào. Tuy nhiên, để có được số tiền tác quyền như thế đối với một nhạc sĩ trẻ hẳn cũng không phải ngẫu nhiên.

Nhắc tới nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung, công chúng yêu nhạc trong cả nước, kiều bào Việt Nam ở nước ngoài khó có thể quên được những ca khúc có giai điệu đẹp, ca từ giàu chất thơ và đậm chất nhân văn như: Nhật ký của mẹ, Vầng trăng khóc, Cầu vồng sau mưa, Trái tim của gió, Chiếc khăn gió ấm, Mùa đông không lạnh...


Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung: Âm nhạc - mạch nguồn nhựa sống!

Ngược dòng thời gian, khi chưa bắt đầu sự nghiệp âm nhạc chuyên nghiệp, nguồn sống của Nguyễn Văn Chung chủ yếu dựa vào việc bán tác phẩm của mình cho một vài ca sĩ với giá rất rẻ, chỉ khoảng 2 đến 3 triệu/bài. Và cũng không phải tháng nào cũng có tác phẩm để bán, và ngược lại khi có tác phẩm cũng chưa chắc đã có giao dịch.

VCPMC cho tôi một nguồn thu nhập ổn định

Khi quyết định chuyên tâm vào sự nghiệp âm nhạc chuyên nghiệp cũng là lúc Nguyễn Văn Chung tìm hiểu về Luật sở hữu trí tuệ và về hoạt động của Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam. Nhận thấy việc trở thành thành viên của VCPMC sẽ mang lại quyền lợi to lớn cho nhạc sĩ không chỉ về mặt tài chính mà còn bảo vệ chủ sở hữu tác phẩm trước những tranh chấp, xâm hại về quyền tác giả mà không phải tổ chức, cá nhân nào khi sử dụng tác phẩm cũng hiểu rõ về quyền và nghĩa vụ của mình đối với chủ sở hữu. Điều đó đã thôi thúc nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung gia nhập VCPMC.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung tâm sự: Tôi vẫn còn nhớ thời điểm mà những bài “Hít” của tôi như: Đêm Trăng Tình Yêu, Vầng Trăng Khóc được biểu diễn liên tục và xuyên suốt trên các sân khấu từ Nam ra Bắc, nhưng lúc ấy tôi chỉ vui vì tác phẩm của mình được nổi tiếng thôi, chứ chưa biết đến quyền lợi chính đáng của mình. Tôi vẫn còn nhớ cảm giác đầu tiên nhận tiền từ Trung Tâm, anh em vui lắm và gọi đó là "tiền từ trên trời rơi xuống"!

Ban đầu thì số tiến nhận được nhỏ thôi nhưng tăng dần theo cấp số nhân vì ngoài tiền tác quyền bài hát từ hoạt động biểu diễn của ca sĩ, tác giả - chủ sở hữu tác phẩm còn thu được bản quyền từ nhiều lĩnh vực khác như: in ấn, xuất bản, phát hành, hoạt động từ các đơn vị biểu diễn, kinh doanh.v.v Số tiền tác quyền của nhạc sĩ cứ thế tăng qua từng năm. Điều quan trọng là khi đã ký ủy thác kể cả sau 50 năm khi tôi mất đi, Trung Tâm vẫn thu và trả về gia đình. Như vậy có phải là một điều tốt không? Cả di sản và gia tài tôi sẽ được để lại cho con cháu. Tôi rất vui vì quý II năm 2017 tôi đã nhận được tới 140 triệu tiền tác quyền.

Không có VCPMC, 2 lần tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ, tôi biết trông cậy vào ai?

Do chưa nhận thức đúng đắn về Luật cũng như quyền và nghĩa vụ của người sử dụng tác phẩm nên dường như các cá nhân (ca sĩ, nhạc công), các tổ chức (đơn vị biểu diễn, kinh doanh) thường xuyên sử dụng tác phẩm mà ít khi xin phép hoặc thậm chí không có khái niệm xin phép thì lấy đâu ra chuyện trả tác quyền cho chủ sở hữu tác phẩm. Chính vì thế, không riêng nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung mà nhiều nhạc sĩ khác khi chưa tham gia VCPMC chẳng bao giờ nghĩ đến chuyện ai đó trả tiền khi họ biểu diễn tác phẩm của mình trước công chúng. Mặt khác những tranh chấp xảy ra có “ lùm xùm” rồi cũng đi vào quên lãng và người nhạc sĩ vì tự trọng và cả sự tứ ái cũng đành ngậm ngùi cho qua.

Luật sở trí tuệ được ban hành từ khá lâu, Việt Nam cũng đã tham gia công ước Berne nhưng để Luật đi vào cuộc sống thì không chỉ trông chờ vào mỗi Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam mà đó phải là sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị mà đặc biệt là các cơ quan quản lý văn hóa.

Khi bị nghi “đạo nhạc”, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung đã rất khổ tâm với những tin đồn. Lúc ấy chính VCPMC đã đứng lo toàn bộ chi phí để anh bay sang Singapore giải quyết vụ kiện tại Liên minh Quốc tế các Hiệp hội âm nhạc và lời thế giới (CISAC).

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung kể: Nói thật, lúc ấy ở Việt Nam, không một cơ quan nào lên tiếng bảo vệ tôi và sáng tạo trí tuệ của tôi, thậm chí báo chí còn chỉ trích. Thử hỏi nếu không có VCPMC can thiệp kịp thời, nỗi oan bao giờ rửa được mà lại là tranh chấp quốc tế thì không chỉ riêng tôi chịu thiệt thòi mà sẽ làm ảnh hưởng tới cả sự phát triển hội nhập của nền âm nhạc Việt Nam.

Đó là vào khoảng năm 2005, khi bài hát “Vầng Trăng Khóc” xuất hiện những phiên bản nhạc Lào, Thái Lan, Trung Quốc, thì khắp nơi dấy lên tin đồn nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung đạo nhạc. Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung đã vất vả đi thanh minh khắp nơi nhưng chẳng ai chịu tin. Anh đã gửi đơn lên VCPMC nhờ đơn vị xác nhận, vì năm 2002 sau khi sáng tác bài hát này, anh đã ký ủy quyền với trung tâm.

Ngay sau đó, Trung Tâm liên hệ với các Trung Tâm bảo vệ quyền tác giả ở các nước khác và cả Hiệp Hội bảo vệ quyền tác giả khu vực Châu Á Thái Bình Dương đặt tại Singapore. Sau thời gian thẩm tra, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung và một số cán bộ của Trung Tâm, trong đó có cố nhạc sĩ Đức An, đã qua Singapore xác minh "trước thời gian của Vầng Trăng Khóc sáng tác, không có một bài hát nào tương tự giai điệu đó từ các nước được phổ biến và cấp phép cả", điều đó chứng minh là bài hát Vầng Trăng Khóc của tôi là bài hát gốc và tôi là chủ sở hữu tác phẩm. Lúc ấy, tôi cũng đã kịp xin Hiệp Hội truy xuất mã số bài hát của tôi trong hệ thống máy chủ các tác phẩm trên toàn lãnh thổ châu Á để người yêu nhạc, báo chí và cả giới chuyên môn biết rõ về việc này.

Hay như gần đây nhất, tác phẩm của tôi bị mang lên chương trình “Phiên bản hoàn hảo” mà không xin phép tôi cũng như không xin phép Trung tâm bảo vệ quyền tác giả mà tôi đã ủy thác, tùy tiện thay đổi, chuyển tác phẩm của tôi sang “phong cách Bolero”. Trước phản ứng của tôi về sự việc này, VCPMC cũng đã đứng ra giải quyết vấn đề bằng những lập luận pháp lý, buộc đơn vị tổ chức phải xin lỗi chủ sở hữu tác giả và trả tiền tác quyền cho tác phẩm phái sinh. Riêng trong trường hợp này tôi nghĩ: tiền không phải là vấn đề quan trọng mà lớn hơn thế - đó là sản phẩm trí tuệ của mình được bảo hộ, ủy tín và sự tôn trọng cần có đối với tác giả - chủ sở hữu tác phẩm được đảm bảo. Đó là những câu chuyện luôn khiến tôi trân trọng biết ơn sự cộng cảm, giúp đỡ của anh chị em trong Trung Tâm.


Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung- âm nhạc cho tôi nguồn sống

Người nhạc sĩ phải sống lới tâm hồn rộng mở để tác phẩm được thăng hoa

Có là thành viên của VCPMC mới hiểu được nỗi khó khăn, vất vả của các nhạc sĩ, luật sư là các cán bộ, nhân viên trung tâm, chứ còn đối với các nhạc sĩ khi ủy thác rồi thì cứ có tiền là nhận mà chẳng cần phải đắn đo gì, bới mọi thứ đều đã rõ ràng theo quy định của Luật sở hữu trí tuệ và những ràng buộc pháp lý về quyền bảo vệ tác giả âm nhạc Việt Nam.

Xung quanh những tranh chấp về tiền tác quyền cũng như những phản ánh trái chiều của một số văn nghệ sĩ, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung thẳng thắn phân tích: Tôi thấy một số những mâu thuẫn đều xuất phát từ sự đố kỵ, hẹp hỏi của một bộ phận nhỏ. Thực tế, VCPMC được sự tin tưởng của số đông các hội viên, dẫn tới luồng suy nghĩ rằng nguồn thu sẽ "khủng" lắm, nhưng họ không biết rằng, nếu không có "tâm" thì làm sao người khác tin tưởng được? Phần nữa là đối chọi trực tiếp đến quyền lợi của những đơn vị tổ chức sản xuất, tổ chức biểu diễn, vì họ quen kiểu “xài chùa”, nên họ tiếc khi phải đóng 1 khoản phí tác quyền cho các tác giả hoặc chi trả qua trung tâm. Một số ít là những người do chưa hiểu luật, và có một vài bài báo “ giật tít câu view” dẫn tới thông tin không đầy đủ để dư luận hiểu lầm như vụ việc "Trung tâm thu tác quyền trên tivi" trong thời gian vừa qua.

Là người đã phải giải quyết tranh chấp bằng luật pháp quốc tế và cả Việt Nam, tôi nhận thấy được tầm quan trọng và cả sự lớn mạnh của VCPMC. Trung tâm phải đủ mạnh thì mới được bạn bè quốc tế công nhận và trở thành thành viên của họ. Bản thân khi tôi đi tham quan và làm việc với Hiệp Hội Bảo Vệ quyền tác giả Châu Á Thái Bình Dương mới thấy được con số thực thu tác quyền ở các nước phát triển khủng khiếp thế nào.

Tôi quan niệm, đã là người nghệ sĩ thì hãy luôn sống với tâm hồn rộng mở để những sáng tạo nghệ thuật được thăng hoa theo cách của mỗi người.

Theo thông tin từ Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam ( VCPMC), số tiền tác quyền mà Trung tâm thu được hàng năm khoảng 3,4 triệu đô la. Tuy nhiên con số này chỉ bằng 1/9 so với Hồng Kông, 1/37 so với Hàn Quốc; 1/6 so với Singapore, 1/8 so với Trung Quốc và 1/300 so với Nhật Bản.

(Nguồn: http://www.tamnhin.net.vn)

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.