You are here

Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ: Tài năng và khổ luyện

Tác giả: 
Hoàng Thu Phố

Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ là người viết kỹ, cả cuộc đời âm nhạc của ông đến nay cũng mới chỉ công bố chưa đến 20 ca khúc cùng một số tác phẩm khí nhạc. Tuy vậy, nhắc đến ông, người ta nhớ ngay đến Xa khơi, Tiếng hát giữa rừng Pác Bó, đến Mơ quê. Ông tâm niệm: “Trong sáng tạo nghệ thuật không có chủ nghĩa trung bình, không có cái kha khá, được được. Phải là hay, tuyệt tác thì càng tốt”.

Bén duyên với âm nhạc

Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ hẹn tôi tới nhà riêng của ông ở phố Khương Trung (Hà Nội). Ông dặn dò tỉ mỉ về đường đi, về số nhà, về nhận biết cánh cửa sắt sơn màu gì. Đến đã thấy ông đóng bộ sơ mi ngồi đợi.

Gặp gỡ và trò chuyện với nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ, người ta không tìm thấy cái chất lãng tử mà thường nhận ra sự chỉn chu, tỉ mỉ. Ông chỉn chu cả trong cuộc sống lẫn trong việc sáng tác ca khúc. Gặp ông ở nhà riêng hay trong những cuộc họp của Hội Nhạc sĩ cũng đều thấy ông có vẻ gì rất mô phạm, như một nhà giáo. Và điều này, cũng có nguyên do…

Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ sinh năm 1936 ở Thanh Chương, Nghệ An. “Tôi sinh ra trong một gia đình Nho giáo, dòng họ Nguyễn Tài có một người rất nổi tiếng là Giáo sư ngôn ngữ học Nguyễn Tài Cẩn. Các cụ có tư tưởng cấp tiến, rất chú trọng đến việc học của con” - nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ kể - “Năm 1955, bố mẹ lại gửi tôi ra Hà Nội để theo học ngành sư phạm với mong muốn tôi sẽ trở về làm thầy giáo…”.

Nhưng cái “chất nhạc” đã có trong tâm hồn Nguyễn Tài Tuệ từ những ngày thơ bé. Bởi vùng đất Nghệ Tĩnh ấy với những làn điệu dân ca những điệu ví dặm, hát phường vải đã ngấm sâu vào trong máu thịt của ông. Khoảng năm 1956, trong một lần được đi tham dự Đại hội Thanh niên ở Nhà hát Lớn Hà Nội, Nguyễn Tài Tuệ bị choáng ngợp bởi một chân trời mới được mở ra trước mắt mình. Ban đầu với sự dẫn dắt của nhạc sĩ Trọng Bằng, Nguyễn Tài Tuệ trở thành một giọng nam cao tham gia trong dàn hợp xướng cùng các nghệ sĩ Quốc Hương, La Thăng, Mai Khanh… Đến năm 1957, Nguyễn Tài Tuệ được cử lên công tác tại vùng Lao Cai, Hà Giang, Yên Bái. Chính những năm tháng này đã đem lại cho ông vốn sống, những hiểu biết quý giá về văn hóa của bà con các dân tộc vùng cao. Nhưng với một trái tim đầy nhiệt huyết và khát vọng, Nguyễn Tài Tuệ sớm từ bỏ ca hát và ngả dần sang sáng tác. Đầu năm 1959, ông về Hà Nội công tác tại Ban Nghiên cứu âm nhạc dân gian - tiền thân của Viện Nghiên cứu âm nhạc dân gian hiện nay.

Quý hồ tinh bất quý hồ đa

Trái với sự nghiệp đồ sộ của nhiều đồng nghiệp: người này vài trăm ca khúc, người kia lên tới 500-700 tác phẩm, trò chuyện với nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ lúc nào ông cũng khẽ khàng và quyết đoán: “Về ca khúc mình chỉ có 15 cái thôi”. Rồi ông chậm rãi: “Tôi sáng tác vất vả lắm, không thể viết nhanh được”.

15 ca khúc, một con số đương nhiên là ít sau một đời đắm mình với âm nhạc như Nguyễn Tài Tuệ. Nhưng ông luôn cảm thấy hài lòng. Ông vẫn bình thản với con số ít ỏi đó, không vội vã, dù ngày ngày ông vẫn ngồi bên cây đàn, luôn sẵn sàng giấy bút để viết khi ý tưởng đã chín và cảm xúc bật ra.

Bước qua tuổi 82, hàng ngày nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ vẫn ngồi viết. Nhưng viết xong ông thường để đó. Một thời gian sau xem lại, nghiền ngẫm, sửa chữa. Nếu thấy không hài lòng, ông sẵn sàng “vứt đi”, không thương tiếc. “Quý hồ tinh bất quý hồ đa” là cái cách ông chọn cho sự nghiệp của mình. Cũng là cách để ông làm trong sạch cho đời sống âm nhạc, để người nghe không phải tiếp cận với những bản nhạc mà chính “cha đẻ” ra nó cũng còn chưa tuyệt đối hài lòng. Với ông, làm nghệ thuật dù có hàng ngàn tác phẩm mà không có tuyệt tác thì không có gì cả.

Trong căn phòng tầng hai với giá sách chứa hàng trăm cuốn sách đông tây kim cổ, nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ vẫn khẳng định, làm nghệ thuật với ông, chỉ có 1% là tài năng, còn 99% là sự lao động, khổ luyện. Ông cũng đã đúc rút ra phương châm bốn chữ T: Tài năng thiên phú, chỉ chiếm 1%. Chữ T thứ hai là trí tuệ và tri thức của thời đại, đó là suối nguồn văn hóa của đất nước, cái nôi hình thành nhân cách và sự sáng tạo của người nghệ sĩ. Chữ T thứ ba là chữ Tâm. Đó là sự dấn thân, là lòng tự trọng, thành thật với chính mình, gạt ra ngoài những bon chen danh lợi. Và cuối cùng, đó chính là Tầm cỡ của tác phẩm. Theo ông, một đời sáng tác mà không có tuyệt tác nghĩa là không có gì. Nhiều người đến khi chết vẫn phải khóc vì vài ba trăm tác phẩm mà vẫn không để lại cho đời được một kiệt tác...

Trách nhiệm đến cùng với tác phẩm

Nhất quán với phương châm sống và sáng tác “không vội” và “không quan tâm đến những thứ ngoài mình”, nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ cần mẫn và chắt chiu từng nốt nhạc. Ông nỗ lực sáng tác không theo số lượng, không theo đặt hàng, vì tự thấy danh vọng, tiền bạc cũng chỉ là phù du, chỉ có sự sáng tạo đích thực của người nghệ sĩ mới ở lại với cuộc sống này.

Cũng chính bởi sự không vội đó mà ông lại có nhiều thời gian chăm chút một cách kỹ lưỡng cho từng “đứa con” nghệ thuật của mình. Người ta sáng tác xong một ca khúc khi đã phổ biến rồi là coi như xong, “khóa lại” đi làm cái mới. Nguyễn Tài Tuệ thì không. Ông vẫn tiếp tục đào sâu từng ca từ, từng nốt nhạc để phát hiện sự bất hợp lý, hoặc “cập nhật” với từng thời kỳ. Ông cười hiền bảo, mình phải có trách nhiệm với tác phẩm của mình, đến khi nào không còn sức, không sửa được nữa mới thôi. Ví như ca khúc Xa khơi khởi viết từ năm 1961, đến nay đã rất quen thuộc với nhiều thế hệ, nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ không vì thế mà coi như đã xong. Suốt mấy chục năm qua, ông đã nhiều lần sửa chữa. Mỗi lần sửa, có khi chỉ là một chữ thôi nhưng ông coi đó là việc vô cùng quan trọng, không thể không làm, không thể buông xuôi trách nhiệm. Ông kể, gần đây tự thấy cái câu hát “Kề vai bên nhau nắng biển cùng mưa nguồn” không ổn, nên sửa thành “chớp biển, mưa nguồn”. “Già rồi mình ngẫm lại dân gian có câu: Đêm qua chớp bể mưa nguồn/ Hỏi người tri kỷ có buồn hay chăng?, nhà thơ Tú Xương cũng đã từng tự trào: “Trời không chớp bể với mưa nguồn/Đêm nảo đêm nao tớ cũng buồn”. Cái câu “chớp biển mưa nguồn”, nó sâu sắc hơn hẳn. Chính vì thế, khi thấy có ca sĩ biểu diễn bài hát này trên một sự kiện nào đó, hay biểu diễn trực tiếp trên sóng truyền hình, mà không chịu cập nhật, cha đẻ của Xa khơi cảm thấy không vui…

Người ta có thể viết ca khúc trong vài tiếng, thậm chí một đêm là xong, nhưng Nguyễn Tài Tuệ thì khác. Ca khúc nào ông viết cũng “tốn” đến mươi năm. Như Mơ quê mấy năm nay được ca sĩ Anh Thơ hát, ít người biết nó được ông khởi viết từ năm 1994 với tựa đề Nhớ quê. Khi viết xong, Thanh Thanh Hiền đã hát, nhưng không có tiếng vang. Tám năm sau ông ngồi sửa lại, đổi lại thành Hồn quê, và tự thấy “thực quá cũng vứt đi”. Phải đến năm 2010, nhạc sĩ quyết liệt sửa lại, và Mơ quê đã đến với công chúng.

Về ca khúc Tiếng hát giữa rừng Pác Bó, nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ cho biết, ông viết khi mới 23 tuổi và chưa một lần được đặt chân tới Cao Bằng, tới Pác Bó. “Đúng là cho tới lúc viết tôi chưa được lên Cao Bằng nhưng Tiếng hát giữa rừng Pác Bó” được viết trong một tình yêu lớn lao với Bác Hồ, nên cảm xúc dào dạt” - nhạc sĩ từng tâm sự: “Hồi làm ở Ban Nghiên cứu âm nhạc, tôi trẻ nhất, được phân công nghiên cứu dân ca H’Mông. Tôi rất mê dân ca Việt Bắc. Nghiên cứu nghĩa là phải trèo đèo, lội suối, phải sống và yêu cái vùng đất mình đến: Mèo Vạc, Hoàng Su Phì, Mù Cang Chải… Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước bảo tôi trước khi cử đi rằng phải “nắm” lấy cái sli, lượn, cọi, then… mà làm tiết mục cho đoàn. Tất nhiên là làm tiết mục cho đoàn nhưng tôi ý thức rằng phải góp cho cái vốn của người sáng tác… Đoàn chúng tôi vừa làm văn nghệ phục vụ đồng bào, giác ngộ đồng bào, vừa tiễu phỉ… Đôi khi cả đoàn hát cho một gia đình nghe thôi, nhà họ Vương ấy mà cảm tình cách mạng thì sẽ có nhiều người theo cách mạng… Tất cả tình yêu, sự kính trọng với Bác Hồ và vốn liếng tích lũy được trong những ngày sống ở rừng núi đã được tôi “huy động” khi đặt bút viết Tiếng hát giữa rừng Pác Bó”.

Nhiều người bảo nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ là người tỉnh táo. Ông không bị chi phối bởi những xu hướng của đời sống âm nhạc với những khuynh hướng tân kỳ. Ông chọn âm hưởng dân gian, bởi theo ông, đó là con đường gần nhất để chạm đến trái tim con người. Trên cái nền âm nhạc dân tộc, những giai diệu của Nguyễn Tài Tuệ vút lên, với những Tiếng hát giữa rừng Pác Bó, Suối Mường Hum còn chảy mãi, Xa khơi, Mơ quê… Khi sáng tác ca khúc, dù đọc rất nhiều tập thơ của các tác giả, nhưng ông không phổ nhạc, mà thường tự viết lời. Vì vậy, trên bản thảo, ông thường ghi: nhạc và lời: Nguyễn Tài Tuệ.

Bên cạnh ca khúc, nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ còn sáng tác một số tác phẩm khí nhạc như: Những cánh chim cao nguyên, Kỷ niệm quê hương (cello và piano)... Ngoài ra, ông còn viết phần âm nhạc cho múa và một số ca cảnh, tổ khúc dân ca. Bằng những sáng tác này, Nguyễn Tài Tuệ để lại dấu ấn khó mờ phai mờ trong lòng nhiều thế hệ người yêu nhạc. Ông được trao tặng Giải thưởng Nhà nước đợt I (2001) về Văn học N9ghệ thuật, Huân chương Lao động hạng Nhì, Huy chương Vì sự nghiệp Âm nhạc Việt Nam và một số giải thưởng của Hội Nhạc sĩ Việt Nam… 

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.