You are here

Nhạc sĩ Lương Ngọc Trác: Câu chuyện về đời và nhạc (phần 1)

Tác giả: 
Lương Ngọc Trác (Lương Thị Hồng Thắm ghi chép từ băng tư liệu Viện Âm nhạc)

Vào năm 2000, năm đầu thế kỉ XXI, Viện Âm nhạc đã quyết định tổ chức định kỳ hàng tháng một sinh hoạt khoa học và tự thuật về âm nhạc có tên gọi Câu lạc bộ tác giả - tác phẩm. Mục đích của hoạt động này nhằm tìm hiểu một cách chân xác đời sống và những suy tư sáng tạo tác phẩm âm nhạc cũng như công trình nghiên cứu âm nhạc của các thế hệ nhạc sĩ Việt Nam do chính các nhạc sĩ trò chuyện chia sẻ. Trong 5 năm hoạt động, câu lạc bộ đã nhận được sự hưởng ứng tham gia của nhiều nhạc sĩ trong nước như: Tô Vũ, Phong Nhã, Phan Huỳnh Điểu, Lương Ngọc Trác, Nguyễn Đức Toàn, Phạm Tuyên, Hồ Bắc, La Thăng, Doãn Nho, Vĩnh Cát, Huy Thục, Văn Dung, Phó Đức Phương, Vũ Nhật Tân,… và một số nhạc sĩ người Việt ở nước ngoài: Trần Văn Khê, Phạm Duy, Nguyễn Thiên Đạo... Đến nay Câu lạc bộ tác giả - tác phẩm đã dừng sinh hoạt tròn 17 năm, nhiều nhạc sĩ đã ra đi vĩnh viễn, nhưng những câu chuyện về cuộc đời và tác phẩm của họ vẫn còn mãi với thời gian.

Tập san Nghiên cứu Âm nhạc sẽ lần lượt giới thiệu tới độc giả nội dung những buổi sinh hoạt Câu lạc bộ tác giả - tác phẩm thời kỳ đó, để quý vị có thể hiểu thêm về các nhạc sĩ Việt Nam cùng những tư duy sáng tạo âm nhạc của họ.

Nội dung đầu tiên trong chuỗi bài được giới thiệu là lời tự sự của nhạc sĩ Lương Ngọc Trác về cuộc đời và những tác phẩm của ông.

Tôi chân thành cám ơn Viện Âm nhạc đã tổ chức buổi gặp gỡ ngày hôm nay, cám ơn những người bạn cao tuổi - những bậc lão thành trong ngành âm nhạc đã bớt chút thì giờ đến tham dự.

Trong buổi nói chuyện này, tôi không đi sâu vào vấn đề kỹ thuật, học thuật trong các tác phẩm mà chỉ trao đổi như một lời tâm sự của cá nhân.

Tôi sinh năm 1928 tại Gia Lâm. Ngày đó bố mẹ tôi thường lên Hà Nội bán hàng rong, về sau học nghề rồi sản xuất. Khoảng những năm 1940, gia đình tôi thành lập một hãng buôn, trở thành nhà sản xuất với thương hiệu mũ Bắc Lâm (nhãn hiệu độc quyền thời đó).

Vào quãng những năm 1940, tôi học đàn violon từ thầy Lưu Quang Duyệt rồi chuyển sang học piano với thầy Antoine Đô. Thầy Đô chơi đàn organ tại nhà thờ Hàm Long vào các ngày lễ lớn và mở một phòng dạy đàn ở sân nhà thờ, buổi tối thầy đánh đàn ở Dancing (Vũ trường) Ta-ca-ra của Nhật ở Khâm Thiên. Tôi học thầy Đô, ngoài các bài classic favorite (nhạc cổ điển chọn lọc), còn có các bài tango, folk…

Bạn bè tôi thời đó phải kể đến hội nhạc Bình Minh của nhạc sĩ Minh Tâm. Hội nhạc chủ yếu là những thanh niên trẻ, thường đi làm từ thiện và truyền bá quốc ngữ. Những buổi đi làm từ thiện không sử dụng được piano, nên tôi xoay sang học thêm accordeon. Tôi trở thành một trong số những cây accordeon sớm ở Hà Nội.

Đến tuổi trưởng thành, bố muốn tôi đi tu để làm cha đạo nhưng tôi không theo. Về sau ông lại muốn tôi theo học trường thương mại để kế nghiệp gia đình, tôi cũng từ chối vì tôi thích âm nhạc. Khoảng tháng 11, 12 năm 1944, một người bạn của ông mở Dancing, ngỏ ý mời tôi vào làm và tôi đồng ý. Thế rồi một hôm, một số nhạc công người Pháp mang nhạc cụ đến thử tay pianist này. Sau khi thử, tôi được ký hợp đồng và Dancing đầu tiên tôi làm là Lucky Star nằm ở Cầu Mới. Lương làm ở Dancing của tôi là 1.200 đồng tiền Đông Dương tương đương với 12.000 Franc/1 tháng.

Tháng 3 năm 1945 Nhật đảo chính Pháp, nên Dancing đóng cửa. Tôi xoay sang làm tại Huỳnh Lan Anh, một gánh hát ở rạp Olympia mà bây giờ là rạp Hồng Hà ở chợ Hàng Da. Dưới chính quyền của Nhật, dân mình đói và chết nhiều lắm. Được tuyên truyền, tôi vào Việt Minh, đi rải truyền đơn.

Giai đoạn này tôi đã viết một số tác phẩm. Ở Hiệp Thành có bài Ta theo điệu Tây Kim Thoa với Tư chơi; ở Huỳnh Lan Anh, sau một bài Vọng cổ cũng có thêm Bóng ai qua thềm (đệm piano). Nhưng tôi muốn sáng tác bài bản hơn. Một hôm gặp anh Thẩm Oánh, một nhạc sĩ sáng tác nổi tiếng lúc bấy giờ, tôi hỏi: “Anh Oánh ơi, tôi muốn sáng tác mà không có thầy hướng dẫn, không có sách”. Anh nghe xong thì kéo tôi vào một quán nước cạnh hồ, anh vừa rót bia vừa giảng. Anh nói: “Tao cứ phân tích Sông Danube của Johann Strauss, rồi Rêverie của Schumann, rồi Serenade của Schubert, nói chung cứ 4 nhịp 1 câu. Cuối cùng nó kết ở Tonic (chủ âm), hoặc kết Dominant (át âm). Mày cứ đếm đi, đếm để ra nhiều thứ lắm”. Hết hai chai bia anh cũng giảng xong. Tôi liên hệ lại những bài học từ thầy Duyệt, thầy Đô, khi bắt vào tác phẩm của Schumann, Schubert thầy cũng phân tích các đoạn, các câu, kết thúc tác phẩm… Tôi “à” lên một tiếng, vậy là giữa thầy Oánh, thầy Đô, thầy Duyệt có điểm giống nhau. Và đấy là bài học vỡ lòng của tôi về sáng tác.

Cách mạng ít lâu thì Tàu (Trung Quốc), Mỹ sang, Dancing lại mở. Tôi làm ở Dancing Moulin Rouge ở Khâm Thiên. Đến khoảng tháng 4, tháng 5 năm 1946, Tàu rút về nước, một ông chủ người Tàu cảm tình với dàn nhạc Moulin Rouge nên ký hợp đồng mời chúng tôi sang làm ở Côn Minh. Khoảng tháng 9, tháng 10, nghe tin Pháp theo quân Anh, chúng tôi bàn với nhau, đấu tranh, xé hợp đồng để đòi về nước. Tôi còn nhớ, khi trở về không có đường bộ, chỉ có đường tàu bay của lính Pháp. Một lần nữa, chúng tôi lại đấu tranh với đại sứ quán Pháp ở Côn Minh để về nước. Kết quả của chuyến về nước đó là về sau có một nhạc sĩ, chiến sĩ Lương Ngọc Trác; một thầy giáo, tác giả của bài hát Bộ đội về làng - Lê Yên; một nhà lãnh đạo âm nhạc đài phát thanh - Lê Lôi; nhạc sĩ, tác giả của Đóng nhanh lúa tốt, tác giả Sonata - Nguyễn Văn Quỳ…; nếu không thì còn biệt ở bên Tàu.

Bây giờ tôi xin nói về một số tác phẩm của tôi.

Về 5 ca khúc được Giải thưởng Nhà nước

Ca khúc Mơ đời chiến sĩ

Khoảng tháng 9, tháng 10 khi trở về từ Trung Quốc, ban ngày tôi làm cho một phòng trà và buổi tối làm hợp đồng cho Tacara ở Khâm Thiên, đồng thời ký hợp đồng ở Hotel Coloni. Cách đấy mấy tháng tôi gặp anh Thiện Tơ. Anh nhắc: “Này có ký cùng tớ hợp đồng mà không phải làm, ăn lương xong thì kháng chiến”.

Ngày 19/12 là ngày toàn quốc kháng chiến. Tôi nhớ chiều hôm ấy ra quán, quán đóng cửa mà xe Pháp chạy đầy đường. Tối đến, tình hình trở nên căng thẳng, tôi về phố anh em tự vệ đã tập hợp đông đủ, bảo: “Trác ơi, mau lên không đánh nhau đến nơi rồi”. Trời tối thì súng nổ, tôi cũng thành tự vệ chiến đấu. Khi thành lập Trung đoàn Thủ đô, tôi là vệ quốc quân Trung đoàn Thủ đô. Đánh nhau mấy trận, trung đội trưởng chọn tôi làm trinh sát quân báo của đại đội phố Hàng Gai.

Mùng 5 Tết tôi bị thương ở phố Hàng Hòm, bom nổ tôi bị mảnh ngói, mảnh gạch bắn vào nên mặc dù vết thương không nặng nhưng chi chít. Tôi được khiêng về quân y Hàng Buồm. Lúc tỉnh dậy tôi tìm được ở đầu giường tờ báo Sao vàng của Vệ quốc đoàn Hà Nội, trong đó có một bài thơ tôi rất thích của tác giả Mạt Tần. Tôi ấn tượng với mấy câu thơ:

Mùa xuân đi không tiếc nữa đời hương

Em lòng ơi giữ lấy giấc mơ hường

Ai mải miết một trời son với phấn

Ta hùng anh lừng hát tiến lên đường…

Ngẫm lại mình, “mùa xuân đi không tiếc nữa đời hương”, năm 1947 mình 19 tuổi đúng mùa xuân rồi, thế nhưng không tiếc cái mùa xuân ấy nữa. “Em lòng ơi”, mình hiểu đây là một mối tình cũng được mà tấm lòng của mình đang mơ ước điều gì thì thôi, bây giờ mơ ước đấy tạm ngừng đi. Rồi “một trời son với phấn”, tôi làm Dancing, làm rạp hát đúng là một trời son với phấn rồi. Thôi, thôi cái trời son với phấn này đi, “hùng anh lừng hát tiến lên đường”. Tôi ngồi viết ở bệnh viện, lúc bấy giờ tiếng súng ở mạn chợ Đồng Xuân nổi rõ lắm, bom nổ rất ghê, khói vào cả bệnh viện Ngõ Gạch (đoạn Hàng Buồm ăn sang Ngõ Gạch) rồi. Chiều ngày 14/2 sắp tối tôi viết xong bài Mơ đời chiến sĩ và hát ngay cho mấy anh thương binh ở bệnh viện Hàng Buồm nghe.

Ngày hôm sau, mấy anh khiêng cáng đến đưa cho tôi quyết định của Trung đoàn, phân tôi về công tác tại Ban chính trị Trung đoàn, sau đó khiêng tôi về Trung đoàn bộ, Ban chỉ huy Trung đoàn. Họ hỏi tôi: “Nhận công tác cậu cần gì?”. Tôi đề nghị cho tôi cái đàn accordeon. Các anh nhiệt tình đi lùng khắp các phố rồi mang đàn về cho tôi. Accordeon của người ta 80-100 nút bass, cái accordeon của tôi chỉ có 8 nút bass, nó bằng một cái thùng lạc rang của anh Hoa kiều, nhưng thế cũng được rồi.

Sang ngày 17/2 có lệnh toàn Trung đoàn rút và trên đội hình rút quân có Lương Ngọc Trác nằm trên cán bốn người khiêng. Ngày 22/2 Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Võ Nguyên Giáp đến thăm Trung đoàn đã rút lui thành công, tôi được anh em khiêng ra rồi tự chống nạng đi. Trước toàn Trung đoàn, Ban chỉ huy giới thiệu các đơn vị, trong đó có giới thiệu Trang Công Lũy, em bé ném lựu đạn chết Pháp; nhà nhiếp ảnh Tiến Lợi, chủ hiệu ảnh Benla photo tham gia chiến sĩ quyết tử, đứng chụp ảnh ở đây; tay Trác, nhạc công ở rạp, tham gia chiến đấu và đang bị thương. Tôi được yêu cầu hát bài Mơ đời chiến sĩ. Đây là lần thứ hai, tôi hát bài này trước toàn Trung đoàn và Bộ trưởng Võ Nguyên Giáp.

Sau hôm đó một thời gian toàn Trung đoàn được lệnh hành quân lên Việt Bắc nhận nhiệm vụ, tôi sẽ biểu diễn văn nghệ dọc đường hành quân. Đây cũng là cơ duyên tôi kết nạp được Trần Chất tham gia biểu diễn. Tôi phát hiện ra Trần Chất vào một đêm nằm trong nhà sàn, nghe tiếng hát của anh. Buổi biểu diễn tiếp theo được tổ chức vào đầu tháng 4, sau các báo cáo chính trị, tôi đánh accordeon cùng Trần Chất hát Mơ đời chiến sĩ, Chiến sĩ Việt Nam... Rồi thành một cuộc biểu diễn lưu động dọc qua các tỉnh Phúc Yên, Vĩnh Yên, Phú Thọ, Tuyên Quang, Thái Nguyên, chuẩn bị đường cho Trung đoàn hành quân. Đến Phú Thọ, Tuyên Quang thì gặp nhóm các anh Văn Cao, Nguyễn Đình Thi… Anh Văn Cao có rủ tôi: “Trác ơi, tao nhận lệnh lên mở Dancing trên biên giới, đây là Dancing tình báo. Mày lên với tao”. Tôi bảo thôi, giờ tôi đã từ biệt son phấn rồi, tôi ở lại bộ đội thôi.

Bài Mơ đời chiến sĩ có hai luồng dư luận. Có ý kiến cho rằng ca khúc mang tính tiểu tư sản khi không phản ánh được cuộc chiến đấu của Trung đoàn Thủ đô, không hiện thực. Anh Phùng Quốc Thụy trên báo Âm nhạc thành phố Hồ Chí Minh lại coi đây là tuyên ngôn mà anh Trác từ biệt cuộc đời cũ và bài hát như một lời tâm sự. Một số nhà bình luận âm nhạc như nhạc sĩ Doãn Nho xếp ca khúc vào loại hành khúc trữ tình.

Sau này tôi đọc được trên báo Âm nhạc thành phố Hồ Chí Minh năm 2000, tác giả Phùng Quốc Thụy có thống kê “Những khúc ca xuân” và Mơ đời chiến sĩ là một khúc ca xuân, hình ảnh đón xuân trong chiến đấu. Với tôi, đấy cũng là một kỷ niệm.

Ca khúc Ngày về

Ngày về được viết trong khung cảnh các chàng trai Hà Nội trong Trung đoàn Thủ đô hành quân lên Việt Bắc làm nhiệm vụ mang theo nỗi nhớ Hà Nội da diết nhưng không thể trở về.

Cơ duyên tôi viết Ngày về khi được nói chuyện cùng Chính Hữu và bắt gặp bài thơ của anh:

Có đoàn người lên đóng trên rừng sâu

Đêm nay mơ thấy trở về Hà Nội

Súng tuốt gươm lau, mắt ngời sáng quắc

Nhà siêu mái sập, sát quan cừu ngập lối chân đi. 

Và Ngày về ra đời vào tháng 8 năm 1947, phổ thơ Chính Hữu - một thi sĩ, chiến sĩ quyết tử thuộc Trung đoàn Thủ đô, viết tại Đại Từ (Thái Nguyên), trong hoàn cảnh cuộc kháng chiến chống Pháp còn nhiều khó khăn ác liệt và ước mơ trở về Hà Nội còn nhiều hy sinh, gian khổ. Để phản ánh tình hình, khi biểu diễn tác phẩm, tôi chọn một bộ quần áo rách, lấy nhọ nồi bôi trũng mắt, trũng má rồi ra hát.

Về sau gặp anh Nguyễn Xuân Khoát ở Đại Từ, tôi hát cho anh nghe. Anh nói: “Bài này có tính chất một aria opera”. Nhiều năm sau, trong hồi ký của Phạm Duy về Những chặng đường cách mạng, ông viết: “Trong kháng chiến đây là một trong những bài hát mà tôi hát nhiều nhất”. Hay một trong những kỷ niệm của tôi có ông Nguyễn Đức Toàn. Sau khi viết bài Ngày về một thời gian, một hôm có một bản nhạc in, tác giả Nguyễn Đức Toàn - Đêm trăng nhớ Hà Nội, ở dưới có đề: “Thân mến tặng Lương Ngọc, tác giả Ngày về”.

Thế nhưng, giống như Mơ đời chiến sĩ, Ngày về cũng là ca khúc có nhiều dư luận đối lập và khác nhau. Dư luận chung thì thấy bài này tiểu tư sản quá, nhất là nó khó hát. Nhà nghiên cứu Hoàng Dương trong bản in Các bài hát về Hà Nội, lại viết: “Ngày về là một sự nối tiếp logic và nhất quán của Mơ đời chiến sĩ, Thủ đô huyết hệ của nhạc sĩ Lương Ngọc Trác. Chùm ba ca khúc này xứng đáng được ghi nhận như những bản anh hùng ca tuyệt vời trong giai đoạn đầu của cuộc kháng chiến anh dũng của thủ đô. Ngày về là một bài hát có nhiều đặc tính của một bản aria, một ballade, một ca khúc nhiều tính thanh nhạc chuyên nghiệp. Với âm vực rộng, bước nhảy quãng xa và khó với tính cách tự sự, bi tráng, anh hùng khi thì thầm thì kể lể, khi thì thét lên khí phách, hào sảng…”. 

Một bài tương đối đặc biệt của một nhà nghiên cứu văn học và hội họa Dương Tường. Ông có một kỷ niệm về bài Ngày về rất vui: “Ký ức có nhiều phương tiện để người ta ngược dòng về quá khứ, dai dẳng nhất trong tôi là những hình ảnh về chiến tranh. Đêm nọ tôi mơ một giấc mơ, một giấc mơ thuộc loại mà khi tỉnh dậy cảm thấy như có một vị ngai ngái của hoài niệm. Hình như đó là mùa thu, gió bứt từng chiếc lá ném xuống đất và mỗi chiếc lá khi chạm đất lại bật lại thành một bài ca. Phút chốc trời bỗng đầy những bài hát, những bài hát thời kháng chiến chống Pháp. Tôi thức dậy bồi hồi, xao xuyến. Những bài hát thời kháng chiến chống Pháp có lẽ không chỉ riêng tôi mà cả lớp người ở lứa tuổi tôi, lớp người đã hát cùng Trung đoàn Thủ đô: “Nhớ đêm ra đi đất trời bốc lửa/ Cả đô thành nghi ngút cháy sau lưng…” - Ngày về của Lương Ngọc Trác, phổ thơ Chính Hữu. Những bài hát đó trở thành góc tâm hồn của tôi”.

Ca khúc Lô Giang

Khoảng tháng 10 năm 1947 địch đánh lên Việt Bắc, nhảy dù Bắc Kạn và tiến quân theo hai đường: đường thủy và đường bộ dọc sông Lô. Lúc này tôi đang là Trưởng Ban chính trị, tiểu đoàn 54, tức Trung đoàn Thủ đô thu nhỏ. Được lệnh của Chính ủy Trung đoàn, tôi và anh Trần Hoàn (phóng viên báo Chiến Thắng của Trung đoàn, về sau là đại sứ Việt Nam ở Anh) tạm ngừng công việc ở Ban, nhận nhiệm vụ công tác viết bài mừng chiến thắng sông Lô. Đến tiểu đoàn 42, khi đó tiểu đoàn chưa nhập về Trung đoàn, tôi gặp toàn người Hà Nội, vũ nữ cũng có, anh chị cũng có, nhà buôn cũng có mà trang bị rất thô sơ: chỉ mã tấu rồi cung nỏ và một số súng. Đến đơn vị pháo binh, khi đó ông Doãn Tuế làm tiểu đoàn trưởng (về sau ông là tư lệnh) có mấy khẩu pháo 75 (hiện tại được trưng bày ở Pháo Đài Láng), lúc bắn không bắn cầu vồng được mà ngắm vào đít pháo bắn như bắn súng cao su. Thế nhưng họ chiến thắng, tôi ngỡ ngàng lắm. Từ biệt đơn vị 42, tôi và anh Trần Hoàn chọn một túp lều bên sông Lô vừa ngắm sông Lô vừa viết. Trần Hoàn viết báo, tôi viết Lô Giang.

Chiến thắng sông Lô hiện ra như câu chuyện thần thoại: đất trời nổi giận, cả sông cả núi đánh giặc, súng bắn không phải là canon mà là thần công (nó cũ quá nhưng chúng ta chiến thắng nên nó như câu chuyện thần thoại). Tôi định hướng viết hợp xướng nên viết Lô Giang có bè cho đội thiếu sinh quân và các nhân viên Ban chính trị Trung đoàn hát, do vậy bè cũng hạn chế và Lô Giang thành hình.

Sau này tôi sưu tầm được bài báo của Lưu Hữu Phước, ông viết: “Tất cả các nhạc sĩ đổ xô về sông Lô, ca sông Lô, hát sông Lô, yêu sông Lô, thành người sông Lô, những lời ca ấy những điệu hát ấy nổi bật lên trong một số rất nhiều nhạc phẩm của Phạm Duy, Văn Cao, Lương Ngọc, Đình Phúc, Ngọc Liên…”. Ông bắt đầu bình luận về các bài, trong đó bài Lô Giang ông nói: “Hay nhất là những câu nhạc trong một bài ngắn như thế vẫn vừa theo dõi được các giai đoạn chiến đấu trên mặt nước sông Lô, đồng thời lại phản chiếu được tấm lòng người nghệ sĩ trước những cảnh đó. Tuy chỉ bình phẩm cung điệu của Lương Ngọc nhưng tôi không thể không nhắc đến phần hòa thanh của Đinh Ngọc Liên, nhạc trưởng đoàn nhạc binh, phần hòa thanh của Đinh Ngọc Liên là kính chiếu đại, làm nổi bật những tế nhị tài tình trong cấu phong giai điệu của Lương Ngọc. Bài Lô Giang ngắn nhưng ngắn mà tạm đủ là phần nói về nhạc tạm đủ là hơn thừa. Bài Lô Giang ngắn nhưng nó là chiếc khuyên ngọc chạm trổ rất kỹ theo những nét cổ truyền”. Tôi xin cám ơn anh Lưu Hữu Phước nhưng có một chi tiết tôi phải đính chính, khi nhắc đến phần hòa thanh là nhắc đến ông Đinh Ngọc Liên thì chắc là chỉ có ông Đinh Ngọc Liên viết bè, nhưng bè trong Lô Giang lúc bấy giờ do tôi viết.

Ca khúc Trường chinh ca

Sau khi viết Lô Giang ở ven sông Lô cũng là lúc cuộc tấn công lên Việt Bắc của Pháp thua, quân Pháp bắt đầu rút, tôi và anh Trần Hoàn đi ngược theo dòng rút của quân Pháp. Quân Pháp đi đường cái, chúng tôi ngược lên tìm Trung đoàn Thủ đô ở Bắc Kạn.

Trên đường Pháp rút, nhìn ven đường thì nhà cháy, trâu bò chết rồi người chết, mọi thứ xáo xác hết cả. Tôi đi quá Chợ Chu đến bản Lắt, nhìn thấp thoáng bên ven đồi là một đơn vị bộ đội. Tiến vào hóa ra một đại đội của Trung đoàn Thủ đô, họ đang tiến hành tang lễ cho đại đội phó, cũng là anh bạn người Hà Nội của chúng tôi, anh đã hy sinh. Chúng tôi vào dự tang lễ xong thì ngược lên tìm Ban Chính trị, đến lúc gặp Trung đoàn bộ ở bản Lắt, Trưởng Ban Chính trị Hoàng Đức Nghi từ trên nhà sàn bước xuống: “Ôi Trác ơi, Trung đoàn Thủ đô trưởng thành lắm, vừa rồi oánh tơi bời khói lửa mấy trăm cây số, chiến thắng, chiến thắng, vạn lý trường chinh mày ơi, vạn lý trường chinh”. Câu “vạn lý trường chinh” của anh Đức Nghi cứ phấp phới trong đầu tôi. Tôi gặp Trung đoàn Thủ đô thấy khác quá, họ xanh xao, yếu đuối nhưng vẫn vui cười rồi tán chuyện, chuyện chiến thắng, chuyện chiến đấu. Khác với chiến thắng sông Lô bất ngờ như câu chuyện thần thoại, chiến thắng của Trung đoàn Thủ đô nó thật, nó trên một chặng đường dài, có khúc vui khúc buồn. Tối hôm đó tôi viết không phải một ca khúc ngắn mà thành một tổ khúc theo kiểu rondo, đó là Trường chinh ca. Về mặt kỹ thuật, Trường chinh ca tôi viết theo lối phức điệu rồi tập cùng dàn đồng ca nghiệp dư Ban Chính trị và họ tập rất nhanh.

Mấy ngày sau khi hoàn thành Trường chinh ca là đến Tết. Tết năm ấy toàn Trung đoàn tập trung đón giao thừa trên một đỉnh đồi cọ, anh em làm một tháp rùa bằng tre rất đẹp và có đống củi rất to. Toàn Trung đoàn tập họp, Ban chỉ huy Trung đoàn báo cáo chiến công, rồi chúc Tết. Một anh chỉ huy cầm ngọn đuốc bắt nhịp Trung đoàn hát Mơ đời chiến sĩ, đứng trên đỉnh tháp rùa tôi nghe ông Trần Chất hát bài Ngày về, rồi cả hợp xướng Ban Chính trị hát Lô Giang và Trường chinh ca. Năm 1998, trên báo, nhạc sĩ Doãn Nho làm tổng kết các bài hát, có đánh giá về thể loại hành khúc thì trong đó Mơ đời chiến sĩ là một hành khúc trữ tình và Trường chinh ca là một hành khúc nghệ thuật không phải cho bộ đội đi đều bước mà là biểu diễn. Hai bài này đóng góp vào kho tàng hành khúc của chúng ta, làm cho ngôn ngữ hành khúc thêm phong phú.

Ca khúc Những ô cửa sổ

Sau năm 1975, tôi đi công tác đến một số đơn vị miền Nam, bấy giờ đất nước đã thống nhất, cách mạng dân tộc đã hoàn thành, cuộc kháng chiến 30 năm thắng lợi vĩ đại. Đến các đơn vị bộ đội tôi bắt gặp nhiều đơn vị chiến đấu đã chuyển thành đơn vị xây dựng, gọi là đơn vị doanh trại. Tức là những người lính hôm qua lái xe tăng thì bây giờ đứng trên giàn giáo, những anh lính hôm qua vừa bắn tàu bay, bắn đại bác hôm nay lại leo lên giàn giáo… Những suy nghĩ đó cứ luẩn quẩn trong đầu tôi cho đến khi gặp anh Tạ Hữu Yên. Anh đưa tôi một bài thơ của anh, trong đó có những câu tôi rất tâm đắc.

Bây giờ tiếng súng đã im

Trèo lên giàn giáo anh nhìn tầm cao

Ô cửa này lấp lánh sao

Tay anh gọi gió lọt vào phòng em

Đầy như mơ ước nỗi lòng của anh…

Và hợp xướng Những ô cửa sổ ra đời, tôi viết tặng các chiến sĩ binh đoàn xây dựng, những người vừa rời tay súng để xây dựng những ngôi nhà mới, ước mơ một ngôi nhà hạnh phúc. Tôi suy nghĩ: sau 30 năm cả dân tộc Việt Nam chiến đấu, người lính đã trải qua vào sinh ra tử, bây giờ chiến thắng, những anh lính ấy tìm hạnh phúc như thế nào? Họ có tìm được hạnh phúc không? Người lính là hình tượng của dân tộc. Cả dân tộc đã chiến đấu anh hùng, vậy sau chiến thắng cả dân tộc được hưởng hạnh phúc như thế nào?

Có bình luận: Lương Ngọc Trác mở đầu cuộc kháng chiến bằng Mơ đời chiến sĩ, trong 30 năm là ước mơ chiến đấu và ước mơ chiến thắng, sau 30 năm Lương Ngọc Trác có ước mơ mới là cả dân tộc và những chiến sĩ xây dựng hạnh phúc của mình. Vậy, ước mơ trước là Mơ đời chiến sĩ và ước mơ sau là Những ô cửa sổ.

(Còn nữa)

(Nguồn: tập san Nghiên cứu âm nhạc N65)

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.