You are here

Nhạc sĩ Kpa Ylăng - Cánh chim Ch’Rao của núi rừng Tây Nguyên

Tác giả: 
Lư Nhất Vũ

Nhạc sĩ Kpa Ylăng

Kpa Ylăng đang học đàn accordéon tại Trường Âm nhạc Việt Nam, sơ tán ở Yên Dũng, tỉnh Hà Bắc (nay thuộc tỉnh Bắc Giang) thì được lịnh chuẩn bị về Nam cùng với các ca sĩ Tô Lan Phương, Thế Hải, Mai Lâm… vào buổi sáng chủ nhật cuối tháng ba năm 1967.

Về trú quân tại Thư viện Quốc gia để chờ lực lượng tăng cường được tuyển chọn từ nhiều đơn vị nghệ thuật như: Đoàn Ca múa Trung ương, Đoàn Ca múa Tây Nguyên, Nhà hát Giao hưởng hợp xướng, Trường Nhạc Hà Nội. Tất cả dưới sự chỉ huy của soạn giả cải lương Phạm Ngọc Truyền.

Về miền Nam bằng con đường vòng: qua Bằng Tường rồi lên xe lửa tới Quảng Châu, đi máy bay qua Hồng Kông, cắt ngang Đà Nẵng, hạ cánh ở Phnom Penh trong tư thế một nhóm diễn viên của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đi biểu diễn ở nước ngoài mới về.

Đoàn nhập làm một với lực lượng Đoàn Văn công Giải phóng từ chiến khu lên, đã biểu diễn đêm đầu tiên thành công  rực rỡ. Hoàn thành nhiệm vụ ở Campuchia, tất cả về căn cứ miền Đông Nam bộ.

***

Tháng Tư năm 1970, tôi giã từ Hà Nội, sau bốn tháng vượt Trường Sơn về Tiểu ban Văn nghệ R. Được biệt phái đến Đoàn Múa hát Giải phóng do anh Thái Ly phụ trách, tôi mới gặp lại “thằng em” dân tộc Tây Nguyên: Kpa Ylăng! Hai anh em vui mừng  khôn xiết. Anh Thái Ly và tôi bàn bạc với nhau phải có một tiết mục dài hơi nhằm tập hợp các bộ môn ca, múa và nhạc để kịp thời xuống đường phục vụ chiến dịch Nguyễn Huệ năm 1972.

Nhạc sĩ Thanh Trúc và nhạc sĩ Kpa Ylăng che giúp tôi một túp lều dưới gốc cây da. Một bầy sâu (ấu trùng) chưa thành bướm đỏ cứ lúc nhúc “chào ra mắt” tôi trên bàn viết, trên võng, trên nền nhà. Tôi dự định viết một nhạc cảnh, nhưng chưa biết chọn đề tài nào, chất liệu âm nhạc nào thì… Kpa Ylăng  gợi ý: “Anh Năm viết về phong trào đồng khởi của các dân tộc ở Tây Nguyên, em sẽ cung cấp cho anh chị tên các loài cây, các thứ hoa, các loài chim, một số địa danh. Nghe nói, năm 1968, anh Năm đã từng viết nhạc cho vũ kịch Chén rượu diệt địch của Y Brơm ở Đoàn Ca múa Tây Nguyên rồi mà!”.

Bấy giờ tôi bị sốt rét cách nhật, vừa run lẩy bẩy vừa lẩm nhẩm một số giai điệu. Nhà thơ Lê Giang viết lời hát tới đâu tôi phổ nhạc tới đó.

Đêm đêm, nhạc sĩ Hoàng Thọ và Kpa Ylăng vác súng đi săn. Lúc thì được con cheo, khi thì được con… mèo rừng. Anh em xúm xít quây quần quanh nồi cháo, vừa đập muỗi vừa cười nói râm ran.

Đêm tổng duyệt chương trình có nhạc cảnh Tiếng cồng vượt thác do anh Thái Ly đạo diễn đạt kết quả tốt đẹp. Và Đoàn Múa hát Giải phóng đã lên đường biểu diễn phục vụ vài đơn vị quân giải phóng và các anh chị em được trao trả từ những nhà tù Mỹ ngụy về, tại Lộc Tấn - Lộc Ninh. Và biểu diễn chào mừng Đại hội Đoàn Thanh niên Nhân dân Cách mạng miền Nam Việt Nam lần thứ hai tại Thiện Ngôn - Xa Mát.


Người ngồi bên phải ngoài cùng là NS. Kpa Ylăng, trong tổ nhạc dân tộc Đoàn Múa hát Giải phóng,
1974 (Người hát là nghệ sĩ Hương Loan)

Đầu năm 1974, Đoàn Múa hát Giải phóng, Đoàn Cải lương Giải phóng và nhiều anh chị em sáng tác đều lên đường ra Hà Nội để bảo toàn lực lượng chuẩn bị cho kế hoạch mới. Kpa Ylăng được giao giữ tổng phổ nhạc Tiếng cồng vượt thác. Và sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, người anh em nhạc sĩ dân tộc Ba Na trao lại cho tôi tổng phổ đó.

Nhờ vậy mà đêm ngày 9 tháng 9 năm 2005, Nhà hát Giao hưởng và Vũ kịch thành phố Hồ Chí Minh chính thức ra mắt đoàn Nhạc kịch với nhạc cảnh Tiếng cồng vượt thác tại Nhà hát Lớn. Ngày 23 tháng 1 năm 2007, nhạc cảnh được trình diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội.

*
*  *

Năm 1976-1977, Kpa Ylăng và tôi là cán bộ của Phòng sưu tầm và nghiên cứu thuộc Viện Âm nhạc Việt Nam do Giáo sư nhạc sĩ Lưu Hữu Phước làm Viện trưởng.

Sau nhiều năm miệt mài, lặn lội khắp buôn làng núi rừng Tây Nguyên, nhạc sĩ Kpa Ylăng  sưu tầm hàng trăm làn điệu dân ca, dân nhạc và một số nhạc cụ đặc trưng hết sức quý hiếm, trong đó có bộ cồng chiêng lâu đời. Kpa Ylăng là một trong những người đầu tiên tham gia sưu tầm đàn đá Khánh Sơn, năm 1979. Được sự giúp đỡ của lâm trường La Ngà, tôi và Kpa Ylăng  đi cùng kỹ sư Lành và anh Hải lên tận nguồn sông Đồng Nai để tìm các loại gỗ làm dàn giá, đóng hộp và làm búa cho các nghệ sĩ biểu diễn. Kỹ sư Lành cho rằng chỉ có cây xoay ở rừng Đồng Nai làm búa tốt nhất.

Năm 1979, đoàn nhạc sĩ về thăm Đất Mũi Cà Mau gồm có: cụ nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát, nhạc sĩ Huy Du, nhạc sĩ Tô Hải, ca sĩ Quốc Trụ, nhạc sĩ Kpa Ylăng, nhà thơ Lê Giang và Lư Nhất Vũ. Tàu đưa chúng tôi qua những con sông: Bảy Háp, Tam Giang, Ông Đốc. Khi chạy ra biển, vòng qua Mũi Đất tận cùng của Tổ quốc, tất cả đều xúc động. Còn Kpa Ylăng , đứa con của núi rừng Tây Nguyên, lần đầu tiếp xúc với cảnh sông nước mênh mông quá hồi hộp, cứ nhắm nghiền mắt lại!

Năm 1994, tôi mới bỏ thuốc lá được vài ngày thì phải đi Bảo Lộc, thác Đambri, Đà Lạt để thực hiện bộ phim Âm vang đất nước. Trước những thắng cảnh nên thơ, hữu tình, giữa trời se se lạnh mà không ngậm điếu thuốc lá để thưởng ngoạn cảnh thiên nhiên thì uổng thiệt. Rồi giữa đêm, tôi lén ra ngoài sân khách sạn Đà Lạt châm điếu thuốc hút. Mới hít được một hơi, bỗng nghe sau lưng tiếng nhạc sĩ Kpa Ylăng: “Chị Năm ơi! Anh Năm lén hút thuốc nè!”. Tôi giựt mình, mắc cỡ, bèn liệng điếu thuốc ba số 5, miệng đắng nghét, phun nước miếng lia lịa. Cũng nhờ vậy mà tôi bỏ thuốc lá luôn. Thật cảm ơn thằng em Ba Na quá!

***

Kpa Ylăng bắt đầu sáng tác âm nhạc từ năm 1968, viết không nhiều, nhưng phong cách độc đáo do thấm nhuần từ chất liệu dân ca như Ba Na, Ê Đê, Gia Rai…

Ca khúc Trên những nẻo đường xuân (lời: Trọng Thủy - Ylăng) đã phổ biến thời chống Mỹ:

Con chim tung bay vút trên trời cao

Líu lo báo tin mùa xuân đã về

Chim ơi chim ơi hát lên cùng ta

Theo anh dũng sĩ sông Ba mến yêu…

Hầu hết ca khúc của Kpa Ylăng  đều phản ánh về con người, sinh hoạt, núi rừng Tây Nguyên, được thể hiện qua các bài hát: Tiếng đàn goong nhớ Bác, Đêm trăng buôn mới, Tây Nguyên quê em, Nhạc đàn t’rưng, Hoa pơ-lang thành phố, Cao nguyên xanh, Nhớ mưa cao nguyên, Gió ru em, Xuân Tây Nguyên… Đặc biệt ca khúc Suối hát Ây-Rey đạt giải Nhất năm 2002 của Hội Nhạc sĩ Việt Nam.

Kpa Ylăng  còn là một nhà thơ dân tộc có nhiều bài thơ được in trên báo, được phát sóng trên Đài Phát thanh và Truyền hình Việt Nam, một số bài thơ được phổ nhạc. Sau đây là trích vài câu trong Mùa rẫy mới, in trong tập thơ Mặt trời (2004):

Pôlôtôk! Pôlôtôk!

Con chim kêu, kêu báo mùa rẫy tới

Báo con suối tháng này chẳng chảy được xa

Báo mùa rẫy mới, tháng ba về mật ngọt.

 

Pôlôtôk! Pôlôtôk!

Con chim nó hót, hót gọi đàn

Bay vào rừng sâu nó làm tổ mới

Tháng ba về, mùa rẫy đợi người thương.

Nhạc sĩ Kpa Ylăng thừa hưởng những đức tính tốt đẹp của các dân tộc Tây Nguyên: khẳng khái, bộc trực, năng nổ, sống có nghĩa có tình, hết mình với đồng đội đã từng đồng cam cộng khổ ở chiến khu thời chống Mỹ. Kpa Ylăng thường lên Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum để hàn huyên với bạn bè ngày xưa cùng ở Đoàn Tây Nguyên trên đất Bắc. Hễ có ai bịnh tật hoặc có người quen qua đời đều nhắn tin thông báo cho mọi người biết để đến thăm viếng hoặc tiễn đưa người đã mất…

Cháu Y San, con trai duy nhất của Kpa Ylăng đang nối nghiệp cha. Người nhạc sĩ Ba Na từ lâu đã lên “chức”… ông nội.

Vẫn là người chịu khó đi nhiều để tích lũy vốn sống, để làm thơ và viết nhạc, thích tung bay giữa bầu trời khoáng đạt như “Cánh chim Ch’rao của núi rừng Tây Nguyên”.

***

Tên khai sinh của nhạc sĩ Kpa Ylăng là La Mai Chửng, sinh ngày 17 tháng 7 năm 1942, quê ở xã Phú Mỡ, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên, người dân tộc Ba Na.

Cuối năm 1954, tập kết ra miền Bắc, học trường Các dân tộc tại Hà Nội. Năm 1959, vào Đoàn Ca múa Tây Nguyên làm diễn viên. Từ năm 1962 đến 1964, thi đỗ vào Trường Âm nhạc Việt Nam, học đàn accordéon đồng thời theo học lý luận và sáng tác. Từ năm 1965 đến 1967, học tại Nhạc viện Thượng Hải (Trung Quốc). Từ năm 1967, là diễn viên của Đoàn Múa hát Giải phóng miền Nam Việt Nam.

Kpa Ylăng đã từng là Ủy viên Ủy ban Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Ủy viên Ban chấp hành Hội Nhạc sĩ Việt Nam (khóa 3, 1983), Ủy viên Ban chấp hành Hội Âm nhạc Thành phố Hồ Chí Minh (khóa 1, 1981), hội viên Hội Văn học Nghệ thuật các Dân tộc thiểu số Việt Nam.

Được trao tặng: Huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng Nhì, Huân chương Quyết Thắng hạng Nhất, Nhì và Ba, Huân chương Lao Động hạng Ba, Huy chương Vì sự nghiệp Âm nhạc Việt Nam, Huy chương Vì sự nghiệp Văn học - Nghệ thuật Việt Nam, Huy chương Chiến sĩ Văn hóa; giải Nhất ca khúc năm 2002 (Hội Nhạc sĩ Việt Nam).

10-2015

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.