You are here

Nhạc sĩ Huy Du: Chuyện đời và nhạc (phần 2)

Tác giả: 
Huy Du

Nhạc sĩ Huy Du và nhạc sĩ Nguyễn Thị Nhung

(Tiếp theo)

Tóm gọn cuộc đời tôi và hiểu tương đối về nó là GS Trần Quốc Vượng - người đã khái quát con đường âm nhạc của tôi (nhân dịp tôi 60 tuổi) từ sơ khai cho đến sau này. Đây là phần giới thiệu của GS Trần Quốc Vượng trong đêm nhạc của tôi:

Hôm này là ngày quốc tế phụ nữ 8/3, nhà triết gia lớn và nhà văn lớn André Maurois có nói rằng: “Sự nghiệp của mỗi gã đàn ông chúng ta đều có vị trí và vai trò trọng yếu của một người đàn bà nào đó”, cho nên tôi cho rằng lời mở của đêm nhạc Huy Du hôm nay tốt nhất là chúng ta gửi lời cảm ơn nữ nhạc sĩ Nguyễn Thị Nhung và các bạn gái của anh có mặt trong đêm hôm nay.

Thưa các đồng chí và các bạn! “Không có âm nhạc cuộc sống sẽ là một sai lầm” - đó là lời của triết gia Nietzsche; “Cuộc đời thiếu tiếng hát khác nào cuộc sống vắng ánh mặt trời” - đó là lời của triết nhân Fuchsick. Trớ trêu thay cả hai đều đồng quy trong tư tưởng phương Tây, thể hiện rõ vị trí trọng yếu của âm nhạc trong lịch sử loài người. Tư duy phương Đông cổ truyền bí nghiệm hơn từ lâu đã nâng âm nhạc lên hàng Đạo. Nhạc đạo đã khiến nảy sinh những nhạc sư lớn có nhân cách có thể nói thẳng với người Quân chủ rằng: “Đức độ và phẩm hạnh của Chúa công chưa đủ lớn để nghe nhạc đó, tôi không dám gẩy hầu Chúa công”. Ở Đại Việt ta cuối thời Lý, một thiền sư - nhạc sĩ thấy vua ham nghe những khúc thức ủy mị đã có thể can gián thẳng thắn trước mặt vua và quần thần: “Đấy là điềm nước loạn, nước mất”.

Ngày nay, chúng ta đều thừa nhận rằng âm nhạc là thuộc kiến trúc thượng tầng và những mâu thuẫn đối kháng phát triển ở cấp độ kinh tế và xã hội là ở bình diện cơ sở của âm nhạc nhưng phép biện chứng mở lại cho rằng âm nhạc cũng như văn hóa nói chung một khi đã đi sâu vào trong lòng quần chúng thì cũng có thể trở thành sức mạnh vật chất.

Tôi cho rằng cái thái cực nhạc Huy Du nói theo danh từ Đạo học Đông phương nằm trong thái cực nhạc Việt Nam trong ba bốn chục năm qua trên bán đảo hình rồng này đã có một sức mạnh như thế. Người nhạc sĩ mặc áo lính với ngôi sao vàng trên mũ ngoài ba chục năm này có lẽ chưa hề bắn ngã một tên giặc thực dân cũ, mới nào, nhưng âm hưởng hào hùng của nhạc Huy Du có một sức mạnh lớn. Người bạn chiến đấu và người bạn văn của anh là Xuân Thiều bảo với tôi: “Có vào chiến trường mới nghiệm sinh hết mình ảnh hưởng của Huy Du”; và nhà thơ Phạm Tiến Duật khi còn là chiến sĩ thì bảo:“Cái chất xao xuyến của nhạc Huy Du đã đi vào lòng chiến sĩ”.

Đêm Trường Sơn mưa ướt núi rừng và cô chiến sĩ nuôi quân trẻ đẹp hết lòng vì đồng đội mà phục vụ trên lưng đèo Trường Sơn ấy, đã xui đã khiến cái giai điệu tiềm ẩn Nổi lửa lên em đến với bản thân Huy Du; để đến lượt mình Huy Du trả lại khúc ca tình nồng đượm ấy cho đồng đội, cho mọi người kể cả cho người con gái xinh đẹp ấy cho dù hương hồn nàng có chăng thì chỉ còn vương vấn quanh nấm mồ Trường Sơn. Một con người tài hoa như Nguyễn Khải mà cũng phải phát ghen lên vì cô gái nuôi quân ấy được chính nó (tức là Huy Du) ca ngợi chứ không phải là mình. Còn tôi, thì lại chẳng dám ghen tị với Cao Nhị, với Xuân Khách nữa khi các anh đã chắt lọc ra nét thần thái nhạc Huy Du, nhận định rằng Huy Du là nhạc sĩ mà “bài hát này thì nâng tâm hồn trẻ thơ lên ngang tầm vóc anh hùng, bài hát khác lại đưa người anh hùng bước vào trang sách các em thơ!”.

Antoni Barnets bảo rằng: “Cuộc cách mạng Pháp liệu sẽ ra sao nếu không có bài La Marseillaise (quốc ca Pháp) và cuộc cách mạng cộng sản liệu sẽ ra sao nếu không có bài L’internationale (Quốc tế ca)”, còn tôi cũng muốn nối lời ông mà bảo: cuộc Cách mạng Tháng Tám liệu sẽ ra sao nếu không có bài Tiến quân ca và công cuộc chống Mỹ cứu nước sẽ ra sao nếu không có những đàn em của Văn Cao như Huy Du và bao nhạc sĩ khác, bài ca khác. Nếu một Văn Cao, một Huy Du hay một ai khác trong giới nhạc tự nói to như vậy e rằng có ai đó sẽ phán rằng các anh cao ngạo tự đặt mình lên trên hay lên ngang cách mạng nhưng tôi là người ngoại đạo. Tôi tự cho mình cái quyền nói to lên như vậy dù là quyền sai lầm, rằng chính nghệ sĩ đã làm ra chứ không phải chỉ tham gia cách mạng trong kháng chiến như mấy chục năm qua với mọi sự sôi nổi, mọi sự vụng về và ngu dại nữa kia như mọi người.

Trước cử tọa, các bậc minh triết bao giờ cũng nói theo trật tự sau: “ Thưa các nghệ sĩ yêu kính, thưa các nhà khoa học yêu kính…”, là nhà khoa học tôi không hề tự ái. Khoa học đến với giới tôi bằng ngả đường hữu thức, còn giai điệu đẹp đầy sức sống đến với Văn Cao, Huy Du và giới anh từ đâu vậy? Chúng, phần lớn nếu không phải là tất cả đến với các anh mà chẳng hề báo trước, xuất xứ từ đâu ai có hay và chỉ đến với những tài năng âm nhạc với những ai có hồn nhạc. Giai điệu bất ngờ đến với những hồn nhạc từ vô thức đâu phải cứ muốn gọi chúng đến lúc nào cũng được.

Người nhạc sĩ mà bởi cớ đó đêm nay chúng ta, những bạn bè mến mộ anh thuộc đủ mọi lứa tuổi trẻ già trai gái, có chức danh lớn như các anh Lê Quang Đạo, Trần Độ, v.v… hoặc có danh phận tầm phào như tôi tập họp nhau tại đây. Người nhạc sĩ ấy, người chiến sĩ ấy đã đi trọn một chu kỳ sinh học của đời người ở độ tuổi 60 lẻ một hai gì đó và lẻ bao nhiêu là đã lãi bấy nhiêu vì anh đã sống đủ đầy cuộc sống cách mạng và kháng chiến. Cuộc sống thời quá độ và qua gần 300 ca khúc, nhạc phim, nhạc sân khấu, kể cả vài bản nhạc không lời nữa. Anh đã trả lại cũng khá sòng phẳng cho đời với đặn đầy niềm yêu thương và tin tưởng, đôi khi ngờ nghệch ngây thơ nữa.

Tôi sẽ không nói đến một Huy Du được giác ngộ cách mạng từ trước cuộc cách mạng mùa thu và đã cầm cờ đỏ sao vàng chiếm trại Bảo an ninh ngày Tổng khởi nghĩa giữa lòng Hà Nội. Tôi cũng không nói đến một Huy Du Trưởng đoàn văn công Bộ Tư lệnh Liên khu III - cái lò lớn của âm nhạc kháng chiến, âm nhạc lãng mạn cách mạng thời đánh Pháp. Tôi cũng không nói đến một Huy Du - Trưởng đoàn ca múa Tổng cục Chính trị thời đánh Mỹ, một Huy Du - Bí thư Đảng Đoàn, rồi Huy Du - Tổng thư ký Hội nhạc sĩ từ 9-10 năm nay. Tôi rất kính trọng các chức vụ lãnh đạo của anh và các chức vụ lãnh đạo khác nói chung, nhưng tôi muốn cố ý nhắc lại ở đây lời Thủ tướng Phạm Văn Đồng hơn hai chục năm trước nói với chính tôi và giới của tôi rằng vấn đề là làm được việc gì chứ không phải là làm cái ông gì? Tôi muốn trên tình bè bạn nói với Huy Du rằng: “Những chức vụ lãnh đạo sẽ qua đi, còn những giai phẩm âm nhạc của anh đã và sẽ để đời”.

Huy Du đến với âm nhạc khi đã trưởng thành, gần như cùng lúc đến với cách mạng. Hình như đã có người viết như thế về anh, đã có người lấy Huy Du làm đề tài luận văn đại học và cũng viết gần như vậy khi viết về anh, nhưng tôi lại thích cái tứ này do học lỏm được của nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát: “Người ta phải học nhạc từ khi còn nằm trong bụng mẹ”, từ thuở bé thơ chú bé Huy Du vẫn cùng bè bạn đi nghe đàn hát trong các dịp tế lễ, hội hè đình đám ở quê hương xứ Bắc. Những âm hưởng của các làn điệu Ca trù trong đám cưới, điệu kèn Lâm khốc trong đám ma, tiếng hát Chèo sân đình ngày hội làng, tiếng nhạc Chầu văn quyện trong khói hương của Mẫu, tiếng hát ví véo von ngoài đồng ruộng, tiếng sáo diều sáo trúc sau lũy tre xanh đã hồn nhiên minh nhiên lọt vào tâm thức Huy Du. Theo tôi đấy là cái tảng nền dân tộc dân gian tiềm ẩn của nhạc Huy Du để chờ dịp phát lộ sau này.

Nhưng cội rễ không có nghĩa là cơ cấu, cấu trúc âm nhạc Huy Du cũng như phần lớn nhạc sĩ đồng thời với anh là cấu trúc âm nhạc phương Tây hiện đại được tiếp thu và hội nhập vào dòng nhạc Việt Nam trong và sau thời thuộc địa. Kiến thức âm nhạc của Huy Du trước năm 1945 thì cũng ít ỏi thôi qua tự học, chỉ sau năm 1955 - 1962 học đại học sáng tác ở nước ngoài thì tri thức âm nhạc Huy Du mới được nâng lên có hệ thống. Nhưng tạo nhạc cũng như tạo hình chủ yếu là nghệ thuật chứ đâu phải chủ yếu kỹ thuật, âm nhạc cũng như mọi nghệ thuật khác được phát lộ từ tâm từ tình chứ không phải từ trí từ lý, kỹ thuật hướng tới khách thể, còn nghệ thuật là cái nhìn nội quan của chủ thể của sáng tạo.

Ba Vì năm xưa, Sẽ về thủ đô, Những gác chuông giáo đường, Tôi yêu hòa bình v.v.. thì về mặt kỹ thuật còn nhiều cái non nớt, còn nhiều chất bản năng như chính Huy Du tự thú trước bình minh nhưng sao nó đi vào lòng người đến thế! Chính vì nó mang đậm xúc cảm chân thực của Huy Du, yêu chân thành, thương nhớ thiết tha, uất hận thực lòng, đấy chính là hiện thực - hiện thực nhạc Huy Du. Một hiện thực mà lãng mạn, nét cơ yếu của thế hệ anh, duyên dáng mà sức lực, say đắm mà rộn rã, thiết tha mà hào hùng.

Bạn bè âm nhạc bảo nhạc Huy Du đã tương đối chín từ thời kháng chiến chống Pháp. Kết thúc thời học hành đại học với nhiều tác phẩm mà nổi bật là hai bản nhạc không lời. Nhưng nhạc Huy Du thực sự nở rộ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước “khi cả vũ trụ theo ta vào trong chiến trận”, với vốn sống vốn chín trải qua cuộc kháng chiến chống Pháp, nghệ thuật và kỹ thuật thanh âm được nâng cao qua đại học nước ngoài, Huy Du lao vào đi và viết, đi biên giới, đi hải đảo, lên đỉnh Trường Sơn, vào Nam ra Bắc, viết trong khi đi, viết trong khi ngồi ở Hà Nội soi tâm tình hồi cố những ngày đi.

Đa dạng về đề tài, đa dạng về hình tượng chủ đề - giai điệu, chắc tay hơn và sâu sắc hơn, trữ tình hơn mà chất hùng ca cũng đậm đà hơn sức lay động lòng người vì thế mà cũng lớn hơn lên. Nhạc sĩ, đảng viên, chiến sĩ quân đội nhân dân già dặn tuổi đời - tuổi Đảng - tuổi quân thì cố nhiên là anh phải tìm cảm hứng trong cuộc sống chiến đấu lao động sôi động của quân đội và nhân dân, lấy đề tài từ số phận nóng bỏng của dân tộc từng ngày từng giờ được đặt thành vấn đề tồn tại hay không tồn tại, độc lập hay là chết dưới ngọn cờ vẻ vang của Đảng và Bác Hồ vĩ đại. Nhưng, cái giỏi cái hay nơi tài năng âm nhạc Huy Du là những nhu yếu khách quan đó của cuộc đời Việt Nam không áp đặt lên anh như một gánh nặng nhọc nhằn mà đã được nội tâm hóa như một lòng tự nguyện rồi được xuất lộ ra qua ca khúc như một sự hiến dâng. Những ca khúc của Huy Du thời chống Mỹ mang đậm đà bản sắc cá nhân, các giai điệu cuộc đời đã được Huy Du hóa. Có người bảo chất nhạc của Huy Du là chất militaire (quân đội) trữ tình, tôi thì tôi cho rằng trữ tình - lãng mạn cách mạng là hằng số văn hóa, hằng số âm nhạc Huy Du, hằng số trên các biến số Cùng anh tiến quân trên đường dài, Đường chúng ta đi, Trên đỉnh Trường Sơn ta hát, v.v... Hơn 10 năm gần đây vẫn vậy, ca từ của nhạc Huy Du phần nhiều là thơ, đã mang sẵn âm điệu trữ tình và Huy Du sòng phẳng bày tỏ lời tạ ơn với những thi sĩ Chính Hữu, Hữu Loan, Quang Dũng, Trần Hữu Thung năm trước, với những Trinh Đường, Xuân Sách, Phạm Tiến Duật, Dương Hương Ly, Phan Thị Thanh Nhàn, Giang Lam,v.v… hôm nay. Và ca từ riêng anh cũng mượt như thơ, cái chất lãng mạn cách mạng trong hằng số âm nhạc của Huy Du mà Cao Nhị bảo giản dị như lời yêu của mẹ, trong sáng như tiếng sáo diều, bay bổng như cánh cò và hào hùng như tiếng đoàn quân rầm rập ra trận vẫn ẩn hiện trong các ca khúc gần đây của anh: Khát vọng mùa xuân, Nhớ về cửa biển, Chợ Chờ em vẫn chờ ai

Chúng ta thấy một Huy Du đã chín trong kháng chiến chống Pháp, một Huy Du nở rộ trong thời chống Mỹ, một Huy Du vẫn vững vàng, sôi nổi trong hòa bình xây dựng, từ một Huy Du trẻ trung, vụng dại đến một Huy Du già dặn. Huy Du đã và vẫn là một nhạc sĩ của quân đội, một nhạc sĩ của tuổi trẻ, tình yêu và khát vọng của mùa xuân” (GS Trần Quốc Vượng).

(Còn nữa)

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.