You are here

Nhạc sĩ Hoàng Vân và con trai, Nhạc trưởng Lê Phi Phi

Tác giả: 
Trần Thị Trường


Cha và con (Ảnh: Nguyễn Đình Toán)

Thế giới văn học nghệ thuật xuất hiện những “cặp” nghệ sĩ  mà tên tuổi của cả cha và con đều được người đời mến mộ, như ngạn ngữ: “hổ phụ sinh hổ tử”. Trong văn học như: Lưu Quang Thuận- Lưu Quang Vũ; Hoàng Tuệ- Bảo Ninh; Nguyên Hồng- Nguyễn Thị Thanh Thư; Chế Lan Viên- Phan Thị Vàng Anh; Nguyễn Đình Thi- Nguyễn Đình Chính; Hữu Mai- Hữu Việt… Trong Âm nhạc có: Đỗ Nhuận- Đỗ Hồng Quân; Doãn Nho- Doãn Nguyên; Trương Ngọc Ninh- Trương Anh Quân; Hoàng Kiều- Giáng Son; Trung Kiên- Quốc Trung… Ở đây, và trước hết, tôi muốn viết về Nhạc sĩ Hoàng Vân và Nhạc trưởng Lê Phi Phi.      

Người Việt không mấy ai là không biết nhạc sĩ Hoàng Vân. Những tác phẩm Âm nhạc của ông không chỉ là tài sản của cá nhân ông, làm nên tên tuổi của ông mà là tài sản của cộng đồng, của lịch sử âm nhạc Việt Nam.

Nhạc sĩ Hoàng Vân tên thật là Lê Văn Ngọ, sinh ra trong một gia đình có truyền thống đáng kính, cha và ông nội của NS Hoàng Vân đều là nhà nho yêu nước. Từ ảnh hưởng gia đình, NS cũng là người yêu nghệ thuật thư pháp, một số bức thư pháp của NS được văn nghệ sĩ yêu thích. Nhạc sĩ hiện vẫn sống ở Hàng Thùng thuộc khu phố cổ Hà Nội. Ngôi nhà bây giờ đã rất cũ, ấn tượng nhất về sự cũ ấy là cái cầu thang gỗ tôi tối đi lên tầng 2 có phòng ở của gia đình nhạc sĩ. Trong một cuộc trò chuyện, ông bảo với tôi: không phải có mấy người  sống ở phố cổ từ lúc sinh ra đến năm hơn 80 tuổi như ông, đó cũng là một điều thú vị…

Hồi nhỏ, như một thôi thúc của số phận, của tài năng, của tình yêu tổ quốc, ông gia nhập Đội thiếu niên cứu quốc Mai Hắc Đế, là liên lạc viên tự vệ khu Đông Kinh Nghĩa Thục (Liên khu I), Hà Nội, rồi làm phụ trách Thiếu sinh quân Trung đoàn 165, Sư đoàn 312 từ khi mới 16 tuổi. Ban đầu ông làm báo, làm công tác địch vận, phụ trách văn nghệ ở Sư đoàn 312 rồi được cử đi tu nghiệp âm nhạc ở nước ngoài. Khi về nước, mới chưa đầy 30 tuổi ông đã là chỉ huy dàn nhạc Đoàn ca nhạc Đài TNVN, kiêm chỉ đạo nghệ thuật, đồng thời tham gia giảng dạy môn sáng tác và phối khí tại Nhạc viện Hà Nội. Năm 33 tuổi ông đã là uỷ viên Ban CH Hội NS VN ( 1963 đến 1989) … Khả năng làm việc của ông thật đáng khâm phục, bên cạnh việc của Hội đoàn, sức sáng tạo của ông rất dồi dào. Ông có hàng 100 tác phẩm âm nhạc, trong đó rất nổi tiếng với khoảng 30, 40 ca khúc, dăm bẩy tác phẩm giao hưởng, hợp xướng và những tác phẩm dành cho thiếu nhi, những bản nhạc phim. Ngoài những tác phẩm đã in dấu sâu đậm trong lòng chông chúng và giới chuiyeen môn, nhiều tác phẩm còn trong trình trạng tư liệu gốc, chưa được dàn dựng, khám phá, và giới thiệu với công chúng đúng với chiều kích  giá trị thực có.

Ông bắt đầu sáng tác khi mới 21 tuổi ( 1951) với những ca khúc “ Chiến thắng Hoà Bình", "Tin chiến thắng", "Chiến thắng Tây Bắc", Khi 24 tuổi vụt sáng với "Hò kéo pháo" và từ đó liên tiếp với hàng loạt ca khúc: “Tôi là người thợ lò”, “Hà Nội - Huế - Sài Gòn”, “Quảng Bình quê ta ơi”, “Chào anh giải phóng quân - Chào mùa xuân đại thắng”, “Bài ca xây dựng”, “Hát về cây lúa hôm nay”, “Tình ca Tây Nguyên”… Khi ở độ tuổi trung niên ông đã được coi là một tác giả bậc thầy trong âm nhạc Việt Nam. Ông cũng là người thầy trực tiếp giảng dạy, trong số học trò của ông giờ cũng là những tên tuổi thành danh như: An ThuyênTrương Ngọc Ninh, Phó Đức Phương, Trần Tiến, Nguyễn Cường…

Nhiều người ở thế hệ của ông, sau ông, thế hệ con ông và tôi tin sau này nhiều nhiều năm nữa, sau khi được nghe “Hồi tưởng”- bản hợp xướng viết cho dàn nhạc giao hưởng sẽ phải thốt lên: Thật là vi diệu: 

Trời cao trong xanh sương sớm long lanh
Mặt nước xanh xanh cành lá rung rinh.
Bầy chim non hát ca vang
Đàn bướm lượn bướm tung tăng lượn
Theo bước chân em đi đến trường.
Mùa xuân đang đến nhìn đất nước đổi mới muôn màu…

Chỉ một tác phẩm này thôi, đã làm nên tên tuổi Hoàng Vân lừng lững. Lời hay, nhạc hay, phần hòa âm phối khí, theo thời gian ngày càng hay, và mỗi thời đều chuyển tải được tâm hồn thời đại.

*

Nhắc đến “Hồi tưởng”, tôi nhớ đến con trai ông, nhạc trưởng Lê Phi Phi, người đã chỉ huy tác phẩm này năm 2006, và năm 2015 trong chương trình "Giai điệu tự hào"; năm nay vào ngày 2/9/2017 sẽ lại được vang lên, dưới cây đũa chỉ huy của anh trong chương trình kỷ niệm 20 năm Vietnamnet "Điểu còn mãi 2017". Lê Phi Phi là con thứ hai của ông, sau nữ tiến sĩ Y Linh, nhà nghiên cứu âm nhạc. Lê Phi Phi không chỉ có tầm vóc cao lớn và điển trai như nhạc sĩ Hoàng Vân hồi cùng độ tuổi 40, anh giống cha ở nhiều phương diện,  nhất là phong thái của người sống trong gia đình truyền thống của Hà Nội cổ. Cũng có thể nói, “hổ con” Lê Phi Phi khác “hổ cha” Hoàng Vân ở chỗ, anh đặt tên mình trong nghệ thuật biểu diễn với vị trí Nhạc trưởng, và danh tiếng của anh được biết đến ở nước ngoài, nơi những dàn nhạc nổi tiếng với những tác phẩm kinh điển được trình diễn ở chiều kích xứng đáng. Anh sinh sống cùng với vợ con ở Maxedonia, gặp anh người dân thường tỏ sự tôn kính vị nhạc trưởng của dàn nhạc thành phố. Nếu chỉ huy tác phẩm của cha mình, lấy được nước mắt xúc động và những tràng vỗ tay của khán giả trong nước, bởi đã từng hát từ bé, nghe từ bé, gần gũi nhất với bố, hiểu tác giả và tinh thần tác phẩm cha mình viết ra thì thành công của Lê Phi Phi trong vai trò nhạc trưởng chỉ huy những tác phẩm kinh điển tầm vóc quốc tế lại là ở: tài năng, ngưỡng cảm thụ, mỹ cảm, lòng tận tụy và sự chuyên nghiệp. Lê Phi Phi có một bề dày cầm đũa chỉ huy dàn nhạc, từng thực hiện thành công với hàng trăm buổi diễn tại Macedonia, và ở các nước khác như: Nga, Pháp, Đức, Ý, Hy Lạp, Nam Tư cũ, Thụy Điển, Albania, Bulgaria...

Mặc dù, mỗi chương trình hòa nhạc là một bao gồm tổng thể các tài năng trong một Dàn nhạc, nhưng bao nhiêu đi nữa thành công của nó vẫn phụ thuộc vào rất nhiều cây đũa chỉ huy của nhạc trưởng. Thế nên, người ta vẫn nói, nhạc trưởng là linh hồn của Dàn nhạc. Trên bục chỉ huy, không chỉ chiếc đũa vung lên, mà mỗi cử chỉ, từ thần thái gương mặt đến biểu hiện sinh động của nó, từ ánh mắt đến điệu bộ hình thể… đều là ngôn ngữ biểu cảm, truyền cảm hứng cho dàn nhạc, khích lệ cảm xúc nghệ sĩ , đỡ cho thiếu hụt nếu có của solist, làm hạ nhiệt thái quá của các bè… Nhạc công có thể buông bỏ một nhịp, nhưng nhạc trưởng thì phải quán xuyến tất cả, không có gì được bỏ sót.v.v. Muốn làm được điều đó một cách rất tự nhiên người nhạc trưởng không chỉ dựa vào cảm xúc thông thường, phải có quá trình nghiên cứu, thẩm thấu tác phẩm, công với tài năng giời cho của mình... Đi nghe giao hưởng tôi thường chọn chỗ dễ quan sát nhất người nhạc trưởng, và tôi thấy Lê Phi Phi xứng đáng là một tên tuổi đáng ngưỡng mộ, anh như người nhập đồng cùng với cây đũa chỉ huy của mình trong các tác phẩm do anh chỉ huy.

  *

Là con của một nhạc sĩ tên tuổi, Lê Phi Phi cũng chọn con đường âm nhạc. Học Lý luận phê bình âm nhạc ở Nhạc viện, nhưng định mệnh dắt số phận Lê Phi Phi vào ngả khác. Học xong trong nước, ra nước ngoài, Lê Phi Phi học chỉ huy ở Nhạc viện Tchaikovsky, địa chỉ danh tiếng thế giới. Và anh thành công trong sự nghiệp chỉ huy dàn nhạc, anh có một gia đình hạnh phúc,  vợ là người cùng học với nhau thời sinh viên, chị sinh ở Macedonia. Bây giờ họ đã có 1 cậu con trai 20 tuổi.

Từ năm 1995, cứ mỗi tháng 8,  nhân kỳ nghỉ ở Macedonia là Lê Phi Phi lại về VN thăm gia đình, không ít năm anh đưa cả vợ con cùng về. Lịch làm việc hằng năm như vậy nên không ít các CT được nhà tổ chức xây dựng để tận dụng cơ hội khi anh có mặt ở trong nước. Còn anh thì cũng hài lòng, cùng lúc được tận hưởng mùa thu Hà Nội, được làm việc và có cả đại gia đình ở bên.

*

Hai cha con Hoàng Vân - Lê Phi Phi, mỗi người mỗi khác biệt trong lĩnh vực sáng tạo nghệ thuật nhưng đều đặt dấu ấn sâu sắc trong lòng người hâm mộ. Nhạc sĩ Hoàng Vân giờ đã là cây đại thụ trong nền âm nhạc Việt Nam, đã được vinh danh bằng Giải thưởng Hồ Chí Minh của Nhà nước và nhiều sự tưởng thưởng cao quý từ người yêu nghệ thuật âm nhạc. Nhạc trưởng Lê Phi Phi vào 2005 cũng được vinh dự bầu chọn là một trong những Việt kiều 'Vinh danh nước Việt'; là chỉ huy thường trực cho các chương trình từ thiện do quĩ học bổng “Thắp sáng niềm tin” tổ chức hàng năm. Anh cũng là chỉ huy khách mời thường xuyên cho trương trình mang âm nhạc cổ điển tới thanh niên, học sinh, sinh viên “Giai điệu trẻ” do Nhà hát nhạc vũ kịch thành phố Hồ Chí Minh tổ chức. Mỗi lần Lê Phi Phi đứng trên sân khấu, nếu sức khỏe cho phép NS Hoàng Vân vẫn cùng vợ đến nhà hát xem con trình diễn. Cha con thường nói với nhau những câu chuyện về xã hội, về văn hóa và nhất là về sáng tạo âm nhạc…

Năm nay NS Hoàng Vân đã 87 tuổi, hồi 2015 cả ông và vợ ông, bác sĩ Ngọc Anh đều lầm bệnh nặng. Lê Phi Phi đã về nước hẳn 2 tháng để chăm sóc cha mẹ (việc này không hề đơn giản đối với người có cuộc sống ở châu Âu). Sau khi ông bà qua khỏi, Lê Phi Phi hỏi bố: “Bố nhớ nhất điều gì trong thời gian ở bệnh viện?”. NS Hoàng Vân cảm động bảo: “Bố chỉ nhớ duy nhất là hình ảnh của Phi ở bên cạnh bố”.

*

Hiện Nhạc trưởng Lê Phi Phi đang có mặt tại Hà Nội để thăm cha mẹ, cùng về với anh là con trai của nhà nghiên cứu Y Linh. Trong dịp về nước lần này, sau thành công trong chương hòa nhạc đặt vé trước của DN GHVN ngày 4.08, anh tiếp tục vào TPHCM tham dự Festival âm nhạc "Giai điệu mùa thu 2017" do Nhà hát nhạc vũ kịch TpHCM tổ chức và “Điều còn mãi” vào đầu tháng 9, những chương trình có nhiều trông đợi từ công chúng yêu nghệ thuật…

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.