You are here

Nhạc sĩ Tố Hải và những ca khúc đi suốt Trường Sơn xanh

Tác giả: 
Anh Chức

Những ngày cuối tháng 5/2012, Nhạc sĩ Tố Hải đón nhận hai tin vui lớn: Ông vừa được Chủ tịch nước tặng Giải thưởng Nhà nước về âm nhạc với chùm tác phẩm: Đăkkrông mùa xuân về, Lời ca không tắt, Những ngôi sao xanh, Em thương cô giáo vùng cao; và, Nhà xuất bản Âm nhạc (Hội Nhạc sĩ Việt Nam) in tập ca khúc Phía ấy Trường Sa gồm 65 ca khúc nhạc sĩ Tố Hải viết về đất nước, quê hương Khánh Hòa, nơi ông đã có hơn 35 năm sống và làm việc…


Nhạc sĩ Tố Hải 

Nhạc sĩ Tố Hải tên thật là Tô Trấp, sinh năm 1937 tại Bắc Bình, Phan Rang. Năm 1949, nhạc sĩ Tố Hải tham gia kháng chiến cứu quốc. Năm 1953 ông trở thành chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam – tham gia bộ đội Trung đoàn 812; năm 1954 tập kết ra Bắc, năm 1961 trở về miền Nam chiến đấu… Là một người sáng tác âm nhạc, nhạc sĩ Tố Hải lớn lên từ lực lượng Giải phóng quân miền Nam anh hùng, vai đeo đàn, tay cầm súng, vượt Trường Sơn theo chân những đoàn quân ra trận…

Tâm sự cùng tôi, ông nói: “Năm tháng qua đi thật giản đơn và dung dị như chiếc võng bạc buộc cây rừng, như những cơn sốt rồi trở thành quen. Tôi có nhiều đồng đội chưa kịp chia nhau hút tàn điếu thuốc quấn lá rừng đã vĩnh viễn ra đi…”.

Nhìn tập bản thảo 65 ca khúc chuẩn bị in ấn, người nhạc sĩ hơn bảy chục tuổi đời rưng rưng: “Chiến khu Đỗ Xá giữa đỉnh Trường Sơn bao la, không quên và không thể nào quên trong ký ức của nhiều người. Từ điểm tựa đầu tiên của cả núi rừng Khu 5 lên tiếng, đỉnh Ngọc Linh khẳng định ý chí và niềm tin ngày giải phóng miền Nam, chưa ai tính được sự mất còn, nơi ta tìm ra ngọn măng rừng, nơi ta thèm hạt muối, nơi ta giàu có tiếng cười và ngập tràn nước mắt. Tôi không thể nhớ hết, không thể nhớ nổi bao điều kỳ diệu…”

Ngày 8 tháng 7 năm 1961, Đoàn Văn công quân giải phóng khu 5, gồm 24 chiến sĩ - nghệ sĩ trẻ trung, đầy nhiệt huyết được Cục Chính trị Quân khu tập hợp, xếp hàng dưới mái núi trang nghiêm nghe quyết định thành lập đoàn: “Trong 8 ngày đêm cấp tốc luyện tập chương trình, mệnh lệnh Quân khu chia đoàn thành hai, một nửa theo Tiểu đoàn 90 giải phóng Đăk Hà, một nửa về với Tiểu đồn 95 hạ đồn Tà Ma…”. Thế rồi, Đoàn V37 Văn công Quân khu 5 lớn dần theo những năm tháng đầy gian nan và khắc nghiệt. Nhật ký của V37 được chuyền tay nhau ghi vội vã nhưng không sót một ngày, một tháng năm nào. Danh sách họ tên 24 chiến sĩ, nghệ sĩ năm xưa cũng gắn liền với những tháng năm đầy lửa khói chiến trường B1…


Vợ chồng Nhạc sĩ Tố Hải

Những tuyến đường không tên, Đoàn V37 lần theo dấu chân những trung đòan nữ vận chuyển - giao liên Trường Sơn. Theo chân những người con gái giao liên nhanh nhẹn, mắt sáng như sóc rừng, nhạc sĩ Tố Hải đã viết trong ca khúc Bốn mùa em đi:

“Khi con chim rừng chưa thức em đi
Khi ông mặt trời đi ngủ em chưa về
Bốn mùa em đi vai mang gùi hàng
Mang nặng tình đất nước quê hương
Mang nguồn vui đến bao người.
Bàn tay người con gái Tây Nguyên
Chỉ “xe tay thù” xe tay thù bốc cháy
Vung tay lên rẫy, rẫy trổ lúa vàng…”.

Không có nỗi cực nào giống nỗi cực nào. Mà cũng không có niềm vui nào lặp lại niềm vui nào! - nhạc sĩ Tố Hải tâm sự. Sống với Trường Sơn hơn chục năm trời, vậy mà tôi không hiểu nổi Trường Sơn, không hiểu được chính mình và luôn cảm thấy như mình mắc nợ:

“Nợ bếp nhà sàn, nợ mái nhà rông
Nợ tiếng chim “Khắc phục”,
Nợ những dòng sông khi trong, khi đục
Tiếng hát xé lòng át tiếng bom rơi…”.

Bởi vậy, ca khúc Đăkkrông mùa xuân về được khởi thảo từ năm 1968, những giai điệu ca khúc ấy thật sự hoàn chỉnh phải đợi đến mùa xuân 1975, có nghĩa là nhạc sĩ phải thai nghén gần 10 năm trời để có một Đăkkrông mùa xuân về – một tác phẩm đã đi cùng năm tháng… Thật ra, theo nhạc sĩ Tố Hải, không có một Đăkkrơng nào cụ thể hơn l Trường Sơn, như một dòng sông lớn không hề đổi giòng, màu xanh thẳm của núi rừng Trường Sơn trên đường Hồ Chí Minh như giòng sông lửa, như những ánh sao bay cuồn cuộn đổ về phương Nam. Và mùa xuân, mùa xuân…, điệp khúc của mùa xuân, điệp khúc của giòng sông cứ như niềm vui ào ạt, dồn dập trong lòng người không một ai nén nổi:

Chim Kơtia bay tới, nghiêng cánh chào Đăkrông
Pơlang khoe sắc thắm, gió đưa hương đôi bờ.
Xuân về đậu vai áo cô gái của Trường Sơn
Xuân về theo chân bước quân đi rộn ràng.
Ánh sao của mặt đất
Hay ánh sáng lòng ta
Soi về bao đình núi
Bay thẳng về phương Nam…
Ta nối tấm lòng dân bằng tình yêu cách mạng
Đi suốt Trường Sơn xanh nghe giòng sông chảy mãi…”.

Và Đăkrông đã hân hạnh lên đường theo chân những đoàn quân giải phóng giành đại thắng mùa xuân…

Đúng như những nhận xét trong lời giới thiệu tập ca khúc tuyển chọn của nhạc sĩ Tố Hải do Nhà xuất bản âm nhạc, Hội Nhạc sĩ Việt Nam xuất bản năm 1995 đã viết: “Nhạc sĩ Tố Hải như một cánh chim đầy nhiệt huyết bay đi khắp mọi miền Tổ quốc… Tình yêu những giòng sông, những ngọn núi, những cánh đồng…, đã in đậm dấu ấn trong nhiều tác phẩm của ông. Tất cả được toát lên từ một giai điệu thắm thiết, trữ tình với tính chân thật sâu sắc…”.

Có thể nói, sáng ngời trong anh, rực cháy trong anh đó là tình yêu cách mạng, đó là những lời ca vút lên, bay lên vì độc lập tự do của Tổ quốc. Ngày xưa, sống và chiến đấu ở Trường Sơn nên ca khúc của anh viết nhiều về Trường Sơn, về đồng đội… Ngày nay, sống ở Nha Trang, sống trong thời bình nhưng trách nhiệm của một chiến sĩ Trường Sơn năm xưa, trách nhiệm của một công dân đối với sự bình yên, trọn vẹn của Tổ quốc ở trong anh chẳng bao giờ nguôi cạn.

Ca khúc Phía ấy Trường Sa, trong tập 65 ca khúc sắp được Nhà xuất bản âm nhạc in ấn, phát hành, nhạc sĩ Tố Hải viết:

“Người lính đảo Trường Sa hát bài ca người lính
Bài ca không thể tính nhịp phách đảo sóng dồi.
Biển nối bến nối trời
Biển nối lời vô tận…
Nhịp bài hát quê hương có tình yêu người lính.
Lính soi gương biển sóng ngôi sao nổi sao chìm
Lòng biển chờ lặng im, tình đảo ghìm xao xuyến
Ta nguyện làm người lính vững lòng trước phong ba
Nơi phía ấy Trường Sa qua bao mùa nắng rát
Gửi Trường Sa bài hát vẫn muôn đời trong ta”!

(Nguồn: http://baicadicungnamthang.net)

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.