You are here

Nhạc sĩ Đặng Tuệ Nguyên: Tìm về quá khứ để thấy chính mình

Tác giả: 
Hương Giang

“Với tính sáng tạo độc lập, tôi muốn có không gian riêng để làm những thứ mình thích. Cho đến hết cuộc đời, tôi vẫn thích là nhạc sĩ tự do”.

 Với sự chắt lọc những giá trị văn hóa tinh túy của dân tộc như chèo, tuồng, chầu  văn,... ở tuổi 36, nhạc sĩ Đặng Tuệ Nguyên sớm khẳng định tên tuổi qua những show diễn từ “đối thoại” sang “độc thoại” khi kết hợp giữa nghệ thuật truyền thống với âm nhạc thính phòng đương đại.

Chọn con đường ít người đi

Đặng Tuệ Nguyên được học piano từ lúc 5 tuổi. Khi đang học đại học chuyên ngành sáng tác, tác phẩm đầu tay piano và cello của Tuệ Nguyên mang phong cách Pháp nhưng phảng phát âm hưởng dân gian, đã được vợ chồng giáo sư người Pháp đem về Nhạc viện Paris biểu diễn rất thành công.

Điều bất ngờ, khi vợ chồng vị giáo sư này ngỏ lời mời Tuệ Nguyên sang Pháp du học miễn phí, Tuệ Nguyên đã từ chối. Tuệ Nguyên nghĩ đơn giản: Là nhạc sĩ, không cần học đâu xa, mà có thể tìm tòi, tiếp nhận luồng văn hóa dân tộc để chắt lọc, tổng hợp thành chất folklore (dân gian) cho riêng mình. “Tôi dựa vào truyền thống để từ đó nối tiếp mạch phát triển, hy vọng có thể tạo được chiếc chìa khóa vàng cho những tác phẩm của mình”, Tuệ Nguyên trải lòng.

Nhạc sĩ Đặng Tuệ Nguyên (áo xanh) cùng ekip trong show Độc hành.

Có lẽ tư tưởng này được ảnh hưởng từ gia đình, bởi Tuệ Nguyên may mắn thừa hưởng những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc khi sinh trưởng trong cái nôi âm nhạc: Bố là nhạc sĩ Lương Nguyên - nhà nghiên cứu âm nhạc dân gian, nguyên là Phó ban Âm nhạc - Đài TNVN. Mẹ là nghệ sĩ sáo Minh Nga và bác ruột là nhạc sĩ, nhà nghiên cứu âm nhạc dân gian Đặng Hoành Loan. Tuệ Nguyên luôn được gần gũi, cảm nhận dòng nhạc dân tộc từ những chuyến điền dã, sáng tác, thu thanh, nghiên cứu cùng bố và những chuyến đi cũng cho anh nhiều tư liệu quý từ những nghệ nhân.

Duyên nghề

Nói về cái duyên nghề mà mình lựa chọn, Tuệ Nguyên nhớ lại đêm diễn đầu tiên cùng nghệ sĩ piano Phó An My ở Festival Huế năm 2006 ngay trong Đại nội Hiển Lâm Các. Buổi diễn này đã được giới chuyên môn ngạc nhiên và đánh giá cao bởi sự kết hợp giữa âm nhạc phương Tây và âm nhạc phương Đông. “Đêm diễn ấy, nhà nghiên cứu âm nhạc dân gian Trần Văn Khê và đồng nghiệp đã rất xúc động. Tôi nhận thấy con đường mình lựa chọn có thể tiến xa hơn”, Tuệ Nguyên khẳng định.

Cũng nhờ “cú hích” từ dấu ấn khởi đầu ấy, Tuệ Nguyên nhận ra, con đường của một nhạc sĩ viết khí nhạc phải gắn với bạn đồng hành. Từ đó anh kết hợp với pianist Phó An My như một “cặp đôi” định mệnh. “Nếu không có nghệ sĩ biểu diễn thì tác phẩm của mình chỉ nằm trên giấy. Nhờ nghệ sĩ biểu diễn thổi hồn vào đấy, tác phẩm của mình mới có cơ hội cất cánh, chạm vào trái tim của khán giả” - Tuệ Nguyên chia sẻ.

Những năm gần đây, Tuệ Nguyên đã tham gia những dự án sáng tác táo bạo, kết hợp rất ăn ý cùng pianist Phó An My và một số nghệ sĩ khác với hình thức “đối thoại” với nghệ thuật truyền thống Việt Nam như tuồng, chầu văn, chèo, quan họ, hát văn…

Nếu như ở tác phẩm “Bóng” (năm 2011) là sự đối thoại giữa piano và hát văn thì “Lửa” (năm 2014) đã gây ấn tượng khi Tuệ Nguyên mạnh dạn sử dụng nghệ thuật diễn xướng tuồng với trống chiến, kèn bóp… Tác phẩm “Gió” (năm 2016) là sự tương tác giữa âm nhạc bác học phương Tây với chèo cổ, lấy cảm hứng từ vở “Quan Âm Thị Kính”. “Gió” viết cho piano, bộ gõ giao hưởng và contrabass kết hợp với các nhạc cụ truyền thống như bộ gõ dân tộc, sáo tiêu, nhị.

Tuệ Nguyên tâm sự: “Cứ mỗi chuyến điền dã, thấy giới trẻ dần quay lưng lại với nghệ thuật truyền thống, đôi khi còn nhìn nhận méo mó về nó, khiến tôi thấy chạnh lòng. Tôi thấy tiếc vì yếu tố dân tộc bị biến tướng một phần. Chẳng hạn, với người Tày, cây đàn tính phải đánh riêng thì một số nơi biểu diễn lại đánh tốp”.

Mỗi loại hình nghệ thuật có đặc tính riêng. Chầu văn là loại hình nghệ thuật tiêu biểu cho văn hóa tín ngưỡng của Việt Nam, do vậy rất gần gũi với mọi người. Còn nói đến tuồng, người chưa nghe, chưa biết, chưa hiểu về tuồng sẽ từ chối tiếp cận nhưng khi trực tiếp đi xem nhiều vở tuồng sẽ phải rơi lệ. “Từ khán giả, tôi thấy tuồng đã mang lại những cảm xúc vô cùng mãnh liệt. Từ đấy tôi nung nấu muốn có buổi hòa nhạc để đưa nghệ thuật này gần khán giả hơn. “Lửa” ra đời đã gây một sự sửng sốt và được khán giả và giới truyền thông để ý, là tín hiệu đáng mừng” - nhạc sĩ chia sẻ.

Từ “đối thoại” tới “độc hành”

Sau những show diễn “Bóng”, “Lửa”, “Gió”… và những tác phẩm khác từ chuỗi sáng tạo mang tên “đối thoại” được khán giả đón nhận, trân trọng bởi giá trị nghệ thuật truyền thống, Tuệ Nguyên và pianist Phó An My đang có những thay đổi trong cách khám phá mới. Đó là không có vở diễn, không có nghệ nhân mà chỉ dùng những nhạc cụ phương Tây tạo ra những tác phẩm khí nhạc nhưng vẫn làm nổi bật được tinh thần, hồn cốt nguồn cội của Việt Nam. Đêm diễn “độc thoại” mang tên “Độc hành” vừa ra mắt mới đây tại Nhà hát Lớn Hà Nội đã đánh dấu sự thay đổi đó.

Nếu “đối thoại” mang tới những khoảnh khắc trò chuyện thú vị giữa piano với tuồng, chèo, chầu văn... thì “độc thoại” là những mảnh ghép thăng hoa của nghệ thuật độc tấu và hòa nhạc từ âm nhạc cổ truyền thể hiện bằng ngôn ngữ âm nhạc thính phòng giao hưởng đương đại. Tác phẩm chia thành 6 chương, mỗi chương nhạc là một khoảnh khắc tự ngẫm, tự cảm, tự vấn của người nghệ sĩ mà Tuệ Nguyên đã thai nghén suốt 12 năm. Qua cách kể lại hành trình lên núi bằng âm nhạc, khi thưởng thức, khán giả như được sống và thả mình vào không gian của núi rừng, của tiếng đàn tính, tẩu, của tiếng hát then, hát lượn, hát cọi... Âm nhạc thính phòng mang âm hưởng không gian của đồng bào Tày Nùng vùng Đông Bắc.

Qua những nhạc cụ phương Tây, âm nhạc, hồn cốt của những vùng quê được hiện lên đậm nét đã phần nào khẳng định lối đi riêng của Tuệ Nguyên./.

(Nguồn: http://vov.vn)

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.