You are here

“Nguyên soái” không quân hàm Liên Xô Solovjov Sedoi

Tác giả: 
Lê Hùng (tổng hợp)

Vasili Solovjov–Sedoi là tác giả hàng trăm bài hát nổi tiếng, một “thiên tài tự học” cổ điển, tấm gương về sự xả thân.

Có lẽ trong các thế hệ thanh niên Miền Bắc thế hệ 4x, 5x, và đầu 6x, nhất là giới học sinh - sinh viên có rất nhiều người biết và thuộc những bài hát Xô Viết như “Chiều Moscow”, “Giờ này anh ở đâu” … Nhưng chắc không nhiều người biết về chính tác giả của những bài hát đó. (25/4/1907 -25/4/2017).

Đấy là nhạc sỹ huyền thoại Vasili Solovjov – Sedoi ( 25/4/1907 -2/12/1979 – giới âm nhạc Nga vừa mới long trọng kỷ niệm 110 năm ngày sinh của Ông).

Ông là tác giả hàng trăm bài hát nổi tiếng, một “thiên tài tự học” cổ điển, tấm gương về sự xả thân. Ông còn được ví là vị “nguyên soái” của các ca khúc. Bắt đầu sự nghiệp âm nhạc từ chiếc đàn “Balalaika” cha tặng, ông đã trở thành “nhà soạn nhạc toàn dân” và đã viết những giai điệu trở thành biểu tượng âm nhạc của đất nước Liên Xô.


Vasili Solovjov – Sedoi . Ảnh / Rudol Kucherov / RIA Novosti

Vasili Solovjov sinh ngày 25/4/1907 tại Thủ đô Đế quốc Nga Sant – Peterburg. Nếu không có biệt danh “Sedoi” (tóc bạc) đi kèm, thì cái họ Solovjov có lẽ cũng không nói lên nhiều điều. Thật ngạc nhiên, nhưng một cái họ nghe có vẻ rất quý tộc - Solovjov – Sedoi lại bắt đầu từ một biệt danh trẻ em đường phố. Cậu bé Vasili lúc nhỏ có mái tóc rất sáng, tuy sau đó nhanh chóng đổi màu, nhưng ông bố đã đặt đùa cho con một biệt danh là “Cu bạc” và sau đấy các bạn đều gọi Vasili là “Vasili bạc” . – Sau này trở thành họ ghép: Solovjov – Sedoi (tiếng Việt là – Solovjov bạc).

Thiên tài tự học

Cha của Vasili – Pavel Pavlovich (Solovjov) – là người phụ trách nhóm quét dọn Đại lộ Nhevski (kiểu như tổ trưởng tổ công nhân môi trường đô thị khu phố ở ta hiện nay). Vào thời bây giờ thì công nhân môi trường không phải là một nghề được trả lương quá cao, và cũng không đòi hỏi quá nhiều kiến thức chuyên ngành.

Nhưng ở nước Nga trước cách mạng (Tháng mười) – đấy là một nghề có giá. Tổ trưởng không chỉ đảm bảo cho đường phố luôn ngăn nắp sạch sẽ, mà còn có chức năng tương tự như “cảnh sát khu vực“ (giám sát trật tự tại khu phố được phân công) và thậm chí còn đóng cả vai trò của một “thanh tra xây dựng”.

Chính vì thế mà “tổ trưởng vệ sinh môi trường” Pavel Solovjov ở một đại lộ quan trọng bậc nhất của Đế quốc Nga – là một người không nghèo, không những thế, còn là một nhân vật quan trọng (kiêm cảnh sát khu vực lẫn thanh tra xây dựng) và gia đình Soloviov sống rất ổn.

Vợ của ông – bà Anna Fedorovna – làm nghề “Osin” (người giúp việc). Nhưng chính cái nghề này của bà đã quyết định con đường sự nghiệp của con trai sau này. Nguyên do là thế này: những cư dân sống trên Đại lộ Nhevski là những người không bình thường chút nào.

 Chủ nhân của các ngôi nhà trên đại lộ thủ đô của một quốc gia rộng lớn toàn những người giàu có và nổi tiếng. Anna Fedorovna giúp việc nữ ca sỹ lừng danh Anastasia Vjaltseva.

Đấy là một nghệ sỹ tên tuổi – nói chung là một trong những nghệ sỹ có tiếng nhất và giàu có nhất ở Nga thời bấy giờ. Có điều bà này cũng vốn xuất thân từ “Osin” nên đối xử với “người giúp việc” Annna Fedorovna rất chu đáo. Để tỏ lòng biết ơn người giúp việc, A. Vjaltseva đã tặng Anna Fedorovna một chiếc máy quay đĩa (lên dây cót – xem ảnh) và các đĩa hát ghi âm các bài hát của mình.

Vào thời đó, thậm chí đối với những gia đình rất khá giả, máy quay đĩa cũng là một cái gì đó rất xa xỉ. Và cậu bé Vasili trong suốt tuổi thơ đã được nghe các romans qua biểu diễn của một trong những nữ Diva xuất sắc nhất thời bấy giờ.  


Máy quay đĩa thời nhỏ của Solovjov Sedoi ( ảnh minh họa )

Vasia không chỉ có năng khiếu về âm nhạc – cậu còn có khả năng tổ chức. Đầu tiên cậu xin bố mẹ mua cho cây đàn Balalaika. Tự mình học chơi đàn, và sau đó – cũng tự học – chơi đàn ghita. Đỉnh cao sự nghiệp “âm nhạc nghiệp dư” của Vasia – đấy là một “tam tấu” gồm các cậu bé do cậu đứng ra tập hợp.

Một trong những thành viên ban nhạc là con một bà thợ giặt là tên là Sasha Borisov. Sau này Borisov trở thành một diễn viên nổi tiếng, nghệ sỹ nhân dân Liên Xô, đã từng đóng trong nhiều phim ăn khách, trong đó có phim “Thép đã tôi thế đấy” (ông đóng vai Corchaghin). Nhưng đó là câu chuyện về sau, khi còn nhỏ, Borisov chơi măng dô lin trong ban nhạc của Vasia Solovjov. Lúc đó các bạn trẻ mới chỉ 12 tuổi.

Hàng xóm của các cậu bé là một nghệ sỹ đàn Cello – ông này rất quý Vasia và dẫn cậu đến Nhà hát nghệ thuật biểu diễn Sant – Peterburg để nghe những bản opera du dương nhất thời đó.

Nhưng sau đó là Cách mạng tháng mười, và Nội chiến. Solovjov – Sedoi trở thành nhạc sỹ nhưng ở một nước Nga mới.

Nhạc sỹ “khởi nghiệp”

Bước đi phức tạp nhất đối với nhiều nhạc sỹ - đó là biến đam mê của mình thành sự nghiệp. Solovjov đã làm được điều đó nhờ sự kiên trì. Trong những năm đói kém sau nội chiến Vasila làm nghề quét dọn trong một rạp chiếu bóng, và không những được trả tiền, mà còn được phép chơi chiếc đàn piano cũ mà người chơi nhạc đệm thường sử dụng sau cánh gà mỗi khi chiếu phim (thời ấy mới có phim câm). Vasili cũng tự học loại nhạc cụ này– nghe những giai điệu và sau đấy tự mày mò chơi lại.

Anh chơi khá đến mức về sau được mời chơi nhạc đệm cho phim và cả cho đài phát thanh – Solovjov đã trở thành nhạc sỹ dương cầm trên đài phát thanh – một phương tiện “thông tin đại chúng” tân tiến nhất thời kỳ đó mà chưa hề qua một trường lớp đào tạo bài bản nào như thế đó.

Cùng trong thời gian này, anh tốt nghiệp trường “bổ túc công nông”. Nhưng tài năng thì đã rõ – nhạc sỹ nổi tiếng Alecsey Zivotov khuyên Vasili đi học nhạc.

V. Solovjov vào học Trường trung cấp nhạc trung ương Leningrad vào năm 1929, khi đã có tương đối nhiều kinh nghiệm biểu diễn trên đàn dương cầm. Sau đó – vào Nhạc viện. Lúc này anh đã nổi tiếng dưới cái tên “Vasili Bạc“, một nghệ sỹ biểu diễn hiếu động đồng thời là một nhạc sỹ “khởi nghiệp”. Cũng từ giai đoạn này, họ chính thức của anh đã là “Solovjov – Sedoi”.

Nhạc sỹ của một nước lớn

Solovjov – Sedoi mê mải sáng tác. Ngay trong năm tốt nghiệp Học viện anh đã nhận giải thưởng âm nhạc cho tác phẩm “Duyệt binh“ lời của Gitovich và “Bài hát về Leningrad“ lời của Ryvina (đã trở thành nhạc hiệu của thành phố cho đến tận bây giờ - như ta hay nói- “thành phố ca” – “Chiều Matxcova“ cũng trở thành nhạc hiệu của thành phố Matxcova).

4 năm sau, vở ba lê “Taras Bulba” của ông đã được biểu diễn tại cả hai thành phố lớn nhất nước. Tổng cộng trong những năm 30 ông đã viết vài trăm tác phẩm. Những bài hát của ông được các ngôi sao thời kỳ đó như Irma Jaunzem và Leonhid Utesov biểu diễn.

Sau đó là Chiến tranh Vệ quốc và Solovjov - Sedoi (lúc này đã có vợ và một con gái) được đưa đi sơ tán cùng Nhà hát opera Malyi. Nhưng nhạc sỹ không hề có ý định “ngồi một chỗ ở hậu phương”. Cũng như lúc còn trẻ, ông nhanh chóng thành lập một ban nhạc để biểu diễn trên các mặt trận.

Ban nhạc chiến trường “Yastrbok” của ông đã biểu diễn tại những chiến trường ác liệt nhất, - Solovjov – Sedoi cùng các nghệ sỹ đã đi biểu diễn trên các trận địa suốt những năm chiến tranh. Sau này, các cựu chiến binh khi hồi tưởng lại những buổi biểu diễn đó đều cho rằng chính chúng đã có tác động khích lệ tinh thần chiến đấu của các chiến sỹ rất mạnh.

Cũng trong thời gian chiến tranh, nhạc sỹ không chỉ biểu diễn mà còn tiếp tục sáng tác. Năm 1943, Solovjov – Sedoi được trao giải thưởng danh giá nhất của Liên Xô – Giải thưởng Stalin. Một sự kiện quan trọng nữa trong đời nhạc sỹ trong giai đoạn này – đó cuộc gặp với nhà thơ Akeksey Fatjanov. Sau này họ cùng nhau viết hơn 40 bài hát được nhân dân yêu mến.

Sau Chiến tranh, chủ đề người lính vẫn là chủ đề xuyên suốt trong các bài hát của Solovjov – Sedoi. Ông ca ngợi chiến công của nhân dân qua những bài hát đã trở thành huyền thoại như: “Giờ này anh ở đâu, hỡi người bạn cũ cùng trung đoàn“ và tất nhiên, bài “Chim họa my” (Những bài hát này đã được các dịch giả tâm huyết và tài năng của ta chuyển tải sang tiếng Việt cực kỳ thành công).

Nguyên soái Zukov đã có lần “phong” cho ông là “Nguyên soái ca khúc”.

“Bài hát không tồi “ trở thành biểu tượng âm nhạc của đất nước

Tuy nhiên, chiến tranh – không phải là đề tài duy nhất trong các bài hát của Solovjov – Sedoi . Ông cũng viết những bài hát “đi cùng năm tháng” như “Chúng ta vắng nhà đã lâu”, “Đêm đã trở nên sáng hơn”, “ Đã đến lúc lên đường” ….

Năm 1956, Solovjov Sedoi viết bài “Chiều Matxcova”. Chính bản thân tác giả cũng chỉ cho rằng “đó là một bài hát không tồi ” và không hơn. Nhưng ông đã rất ngạc nhiên khi “Chiều Matxcova” trở thành một trong 5 bài hát được chọn cho bộ phim tài liệu về Đại hội thể thao các dân tộc Liên Xô lần thứ nhất.

Bài hát này cũng được trao giải nhất trong Liên hoan thanh niên và sinh viên toàn thế giới tại Matxcova năm 1957. Hơn thế nữa, “Chiều Matxcova” đã trở thành biểu tượng của Nước Nga đối với toàn thế giới. Đã có rất nhiều ca sỹ trên thế giới trình bày bài hát này, trong đó có nữ ca sỹ Pháp Mireille Mathieu, được nghệ sỹ Mỹ Van Cliburn chuyển soạn chơi cho đàn Piano v.v ...

Trong những năm cuối đời, người nhạc sỹ được nhận rất nhiều giải thưởng danh giá(Anh hùng lao động xã hội chủ nghĩa, Nghệ sỹ nhân dân Liên Xô, hai lần Giải thưởng Stalin và Giải thưởng Lê Nin). Ốm rất nặng nhưng ông vẫn tự coi mình là người hạnh phúc – cả trong sự nghiệp và cả trong đời tư.

Vasili Solovjov, Solovjov- Sedoi mất tại Leningrad (nay là Sant – Peterburg) ngày 2/12/1979. Cả Liên Xô biết và yêu những bài hát của ông. Chỉ riêng con gái ông, Natalia, là không nghe các bài hát của Cha. Cô (giờ đã là Bà) bị điếc- nhưng là một nghệ sỹ lớn làm việc tại Nhà hát kịch câm Matxcova.

(Nguồn: http://baodatviet.vn)

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.