You are here

Ngô Tự Lập: "Nhiều kiệt tác của thế giới bị biến thành thứ không bằng nhạc chế

Tác giả: 
Thegioitre.vn

Ngô tự Lập cho rằng, nhiều kiệt tác của thế giới hiện nay bị biến thành một thứ thậm chí không bằng nhạc chế – bởi lẽ, người làm và hát “nhạc chế” ý thức rất rõ, rằng mọi người đều biết rõ ca từ thật của bài hát.

Việc dịch lời Việt cho các ca khúc nước ngoài gần đây ngày càng dễ dãi

Ngô tự Lập cho rằng, nhiều kiệt tác của thế giới hiện nay bị biến thành một thứ thậm chí không bằng nhạc chế – bởi lẽ, người làm và hát “nhạc chế” ý thức rất rõ, rằng mọi người đều biết rõ ca từ thật của bài hát.

Lời chế, vì vậy, chỉ có mục đích đùa cợt hoặc phê phán một điều gì đó. Lời chế không những không hề làm tổn hại, mà trong nhiều trường hợp còn tôn vinh ca từ gốc – thông qua sự liên tưởng, so sánh và phổ biến ca từ gốc.

Nhạc sĩ Ngô Tự Lập

Tuy nhiên với một số ca khúc hiện nay, thì việc viết lời Việt thể hiện trách nhiệm của người viết lời, đó là do sự thiếu văn hóa căn bản, sự dễ dãi và cẩu thả, khiến cho phần ca từ của ca khúc trở nên tẻ nhạt, sáo rỗng và dung tục.

Một ví dụ điển hình về thứ “lời Việt” dễ dãi là bài “Say tình” được giới trẻ trong nước khá yêu thích. Nhưng có lẽ ít người biết bản gốc là bài “L’Italiano” (Người đàn ông Italia) của Toto Cutugno vốn là một bài thơ tuyệt hay, vừa sinh động, chân thực, vừa thâm thúy về “một người đàn ông Italia đích thực của xã hội Italia vào thập niên 1980.

Không hiểu tác giả sẽ choáng hay phì cười khi biết được ca khúc nổi tiếng của mình, “Người đàn ông Italia đích thực”, lịch lãm và kiêu hãnh ấy đã hóa thành một gã “Say tình” bệ rạc, bước “lêu bêu”, “lang thang” với “trái tim tật nguyền”, thật đáng tiếc.

Hay ví dụ thứ 2 là trường hợp của Ca khúc Happy new year vô cùng nổi tiếng của ban nhạc Abba. Ra đời năm 1979, bài hát của ABBA trĩu nặng lo âu về tương lai của nhân loại đang đứng bên bờ vực thảm hoạ diệt vong với chiến tranh lạnh, chạy đua vũ trang, những cuộc đảo chính đẫm máu, những cuộc diệt chủng, và xa hơn là mối hiểm họa của một thế giới kỹ nghệ hóa.

Đây là một đoạn ca từ của bài hát: “Bây giờ em cảm thấy/ Rằng mọi giấc mơ ta từng có ngày nào/ Đều đã chết/ Chẳng còn gì ngoài xác hoa giấy trên sàn/ Một thập niên vừa chấm dứt/ Nào ai biết một thập niên tới đây/ Những điều gì sẽ đến…” Vậy mà trong nhiều năm qua, bài hát này vẫn được trình bày với lời Việt với những lời chúc khuôn sáo, vui vẻ, vừa không ăn nhập với nhạc, vừa hạ thấp tầm tư tưởng của tác giả.

Về sau này, việc sáng tác lời Việt cho ca khúc nước ngoài chủ yếu được sử dụng như là phương tiện để chuyển tải tình cảm, tư tưởng và những thông điệp của người viết lời (nếu không kể « nhạc chế », được áp dụng với cả các bài hát Việt Nam).

Nhiều bài hát, chẳng hạn bài dân ca Anh « Scarborough Fair » được Phạm Duy biến thành « Ôi ! Giàn thiên lý đã xa » và trở nên cực kỳ phổ biến ở Việt Nam, mặc dù lời Việt khác hẳn lời Anh. Thế nhưng, gần đây cách làm nghiêm túc này cũng đang mất dần.

Vậy tại sao người ta lại có thể viết một “lời Việt” như vậy cho những bài hát tuyệt hay kia? Vấn đề không phải là ngoại ngữ. Nếu không biết ngoại ngữ, người ta có thể nhờ dịch. Vấn đề là sự cẩu thả, dễ dãi và thiếu chuyên nghiệp của người dịch/viết lời, của ca sĩ và có lẽ phải nói là cả người nghe nữa.

Dịch ca từ là một công việc nhọc nhằn và mạo hiểm

Trước hết, ta cần nhìn nhận một vấn đề rằng, trong ca khúc, phần lời quan trọng không kém, và trong một số trường hợp thậm chí còn quan trọng hơn, phần nhạc.

Thật khó hình dung những bài hát của Văn Cao, Trịnh Công Sơn, hay Jacques Brel, Bob Dylan không có ca từ. Khi thay lời, bài hát trở thành một bài hát khác, cũng giống như khi một bài thơ được phổ nhạc theo hai cách, ta có hai bài hát khác nhau. Khi chúng ta nghe một bài hát, cảm nhận rất khác nhau khi chúng ta hiểu và không hiểu ý nghĩa ca từ.

Do tầm quan trọng ca từ như vậy, khi tiếp xúc và giới thiệu ca khúc nước ngoài, người ta có hai xu hướng ngược nhau trong cách xử lý ca từ: một là dịch thật sát nghĩa, hai là phóng tác lời mới. Cả hai xu hướng đều có lịch sử lâu dài và kinh nghiệm cả thành công lẫn thất bại.

Dịch giả Ngô Tự Lập cho hay: ‘Dịch thuật là công việc nhọc nhằn và mạo hiểm, dịch ca từ càng nhọc nhằn và mạo hiểm hơn’, bởi dịch giả còn phải vượt qua những khó khăn khác, do những bó buộc của giai điệu và sự khác biệt về ngữ âm.

Dịch sát nghĩa và nhuần nhuyễn ca từ là công việc rất khó, khó hơn dịch thơ nhiều, bởi lẽ đó chính là dịch thơ trong điều kiện bó buộc của giai điệu và dấu thanh tiếng Việt.

Do tầm quan trọng ca từ, và nhằm những mục đích khác nhau, khi tiếp xúc và giới thiệu ca khúc nước ngoài, người ta có những cách tiếp cận khác nhau trong xử lý ca từ.

Chúng ta có thể phân biệt ba xu hướng chính: dịch sát nghĩa, phỏng dịch và phóng tác. Khảo sát một số bản dịch tiêu biểu, tác giả Ngô Tự Lập cùng các thành viên nhóm M6 và khán giả tìm hiểu vẻ đẹp của những ca khúc nước ngoài nổi tiếng, đồng thời đề cập đến một số vấn đề về dịch và dịch ca từ.

Thứ 6 ngày 01/06/2018, Ngô Tự Lập cùng nhóm tác giả M6 (Gồm Nguyễn Lê Tâm, Trần Đức Minh, Nguyễn Vĩnh Tiến, Giáng Sol, Nguyễn Thắng) có buổi chia sẻ và giao lưu với khán giả về vấn đề ca từ và dịch ca từ trong âm nhạc hiện đại.

Ngoài chia sẻ kiến thức về dịch thuật và âm nhạc, khác giả còn được giao lưu và thưởng các tác phẩm âm nhạc nổi tiếng thế giới đã được dịch ra tiếng Việt thành công nhất, và đặc biệt còn được thưởng thức một số sáng tác đặc sắc nhất của nhóm tác giả M6, những người nhạc sỹ tiên phong trong việc gìn giữ và sáng tạo những ca từ đẹp cho âm nhạc hiện đại.

Theo Thegioitre.vn

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.