You are here

Nghĩ về những bài hát Đà Nẵng

Tác giả: 
Nguyễn Duyên
AttachmentSize
Image icon da_nang.jpg200.97 KB

Trong các thành phố lớn xinh đẹp của chúng ta như Hà Nội, Hải Phòng, Đà Lạt, Nha Trang, Sài Gòn (TP HCM)… từ xưa đến giờ ít nhiều đều có những bài hát hay, nổi tiếng khắp cả nước..., chỉ trừ ra Đà Nẵng? Cho dù hiện nay, công tâm mà nói thì Đà Nẵng vẫn có nhiều bài hát chất lượng, nghe được và chúng ta cũng không khó tìm nó trên mạng, chỉ click vào Google search một cái thì ra ngay thôi! Nhưng sức lan toả phủ sóng của nó trong cả nước thì thật hạn chế, cho đến nay cũng không biết vì sao? Khi ngồi cà phê tán gẫu cùng anh em tại 81 Trần Quốc Thảo (trụ sở của Hội Âm nhạc TP HCM), tôi có hỏi một số anh em văn nghệ sĩ, kể cả người Đà Nẵng thì nhiều ý kiến khác nhau: có người cho rằng vì từ Đà Nẵng khó thể hiện trong nhạc, người cho rằng tuỳ theo cảm hứng nhạc sĩ không thể nói trước được. Cũng có người nói rằng khó định hình cảm xúc một địa danh vì vùng đất nầy lúc tách, lúc nhập, trước 75 thì gọi thành phố Đà Nẵng, sau năm 1975, sáp nhập lại thành tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng đến 20 năm sau 1997, tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng mới tách ra hoạt động độc lập… 

Trong một dịp tôi ra tham gia trại sáng tác Đà Nẵng tháng 9/2017 có gặp nhà thơ Nguyễn Nho Khiêm TBT Tạp chí Non Nước, khi hai anh em ngồi hàn huyên dưới Cầu Rồng anh cũng có nói viết về Đà Nẵng mà chung chung hay kiểu hô hào lên gân phong trào thì khó thành công lắm, khó đi vào lòng người. Xét cho cùng, đề tài, từ ngữ dù khô khan, hạn chế cỡ nào cũng do tài năng người nhạc sĩ lèo lái cho mạch lạc xúc tích thôi! Trong nền âm nhạc chúng ta đã từng thấy như bài Người đi xây hồ Kẻ Gỗ - cũng là một từ khó nhưng Nguyễn Văn Tý đã biến thành nhẹ nhàng trữ tình hay Tiểu đoàn 307 cũng không dễ cho chúng ta sáng tác hay mà Nguyễn Hữu Trí làm được!? Hoặc một đoạn trong bài Hà Tiên tôi cho rằng từ ngữ khó sử dụng nhưng nhạc sĩ Lê Dinh đã làm rất mạch lạc tình cảm: “Tôi qua lăng Mạc Cửu, nằm trên con voi cùn/ Tôi vô thăm Thạch Động, trời bát ngát mênh mông/ Nghe chuông ngân chiều vắng như tiếng nói cô miên/ Xao xuyến tâm tư người ghé thăm Hà Tiên…
Trở lại với nội dung nầy thì chúng ta thấy Đà Nẵng đâu có khô khan, mà là một vùng đất tràn đầy nhựa sống, gây ấn tượng với du khách với cảnh sắc thiên nhiên thơ mộng, đẹp mê hồn với biển trời bao la, núi non sừng sững. Đà Nẵng hội tụ biết bao vẻ đẹp tinh hoa của đất trời, tựa như một hòn ngọc quý giá nằm giữa dải đất hình chữ S mà không đủ cảm hứng cho các nhạc sĩ sao?

Từ lâu Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu quê  ở Quảng Nam, đã cho ra nhiều ca khúc hay về  đất Quảng như : Quảng Nam yêu thương, Đà Nẵng là nỗi nhớ, Tiếng hát từ Đà Nẵng, Có ai về Quảng Nam...

Gần đây có một số bài hát về Đà Nẵng như: Đà Nẵng tình người, Huyền diệu sông Hàn (Đình Thậm) Em có về Đà Nẵng cùng anh, Tình yêu Đà Nẵng (Trần Ái Nghĩa), Sông Hàn tình yêu của tôi (An Thuyên)... được nhiều người yêu thích, được trình bày nhiều trong các lễ hội, các cuộc giao lưu nhưng cũng chưa đủ làm một cuộc viễn chinh cả nước.

Tôi đã đi Đà Nẵng vài lần trong các dịp giao lưu và sáng tác, cảm nhận đây là một thành phố đẹp nguy nga có chiều dài lịch sử lâu đời với những chiếc cầu độc đáo, ấn tượng  như Cầu Rồng, Cầu Sông Hàn, Cầu Thuận Phước… Tôi có tâm sự vài anh em văn nghệ sao ít thấy bài hát hay về Đà Nẵng có sức lan tỏa cả nước như một số bài hát của nơi khác thì mọi người cũng cười trừ: hãy đợi đấy!?

Từ lâu, ta đã nghe những bài hát hay trữ tình của các vùng miền khác như Huế rất nhiều bài, chỉ đơn cử vài bài tiêu biểu thôi như Thương về miền Trung của Châu Kỳ, Đêm tàn bến Ngự của Dương Thiệu Tước, Ai ra xứ Huế của Duy Khánh, Mưa trên phố Huế, Thương về Cố Đô, Huế  đẹp và thơ, Người em Vỹ Dạ của Minh Kỳ, gần đây là Huế tình yêu của tôi của Trương Tuyết Mai. Đà Lạt thì có Đà Lạt hoàng hôn của Minh Kỳ - Dạ Cầm, Ai lên xứ hoa đào của Hoàng Nguyên... Bài Sài Gòn của Y Vân đã vang mãi trong lòng người yêu nhạc trên nửa thế kỷ qua. Hải Phòng được mọi người biết đến qua bài hát hay Thành phố hoa phượng đỏ của Lương Vĩnh – Hải Như. Xuôi về miền Tây thì ngày trước có Hà Tiên nổi tiếng của Lê Dinh, Dòng An Giang của Anh Việt Thu. Nha Trang được nhắc nhiều đến với bài Nha Trang ngày về của Phạm Duy, Nha Trang mùa thu lại về của Văn Ký, Dáng dứng Bến Tre của Nguyễn Văn Tý. Gần đây, người ta còn hát nhiều bài hát rất thịnh hành như Áo mới Cà Mau của Thanh Sơn, Chiếc áo bà ba của Trần Thiện Thanh, Đàn sáo Hậu Giang của Trần Long Ẩn... Còn Đà Nẵng thì sao? Vẫn còn bỏ ngỏ?

Tại Đà Nẵng bây giờ thì người ta hay nhắc nhiều đến bài Sông Hàn tình yêu của tôi của An Thuyên, Đà Nẵng tình người của Đình Thậm..., nhưng độ vang xa thịnh hành của nó cũng chưa bằng mấy bài kể trên. Dến các tụ điểm Hát nhau nghe hay thậm chí quán nhạc karaoke thì người ta chọn các bài quen thuộc như Đà Lạt hoàng hôn, Huế tình yêu của tôi, Hà Tiên, Sài Gòn đẹp lắm, Thương về cố đô… mà ít người chọn bài về Đà Nẵng, mặc dù có khá nhiều nhạc beat về thành phố nầy, cho thấy sức hút của nó chưa được nhiều, công chúng chưa quen hay là bài khó hát?

Những năm sau nầy, khi rộ lên những ca khúc hay, trữ tình nổi tiếng, ta thấy đó một Đắc Lắc sôi động, mạnh mẽ trong Ly cà phê Ban Mê của Nguyễn Cường, một Hà Nội da diết sâu lắng trong Có phải em mùa Thu Hà Nội của Trần Quang Lộc hay nhẹ nhàng tình cảm với Hà Nội mùa thu của Trịnh Công Sơn hay một Huế mơ mộng trong Huế thương của An Thuyên.. thì cũng chưa thấy bóng dáng một nàng Đà Nẵng xinh đẹp nằm đâu trong làng nhạc Việt Nam? 

Nhìn lại, Đà Nẵng ngoài một vùng đất tuyệt đẹp thơ mộng còn đi vào lịch sử với những dấu mốc quan trọng của dân tộc trong cuộc chiến bảo vệ tổ quốc như trận đánh mở đầu cho cuộc chiến tranh Pháp - Việt 1858. Năm 1965, những tốp lính Mỹ đầu tiên đổ bộ vào bãi biển Đà Nẵng, khởi đầu cho cuộc chiến khốc liệt và kéo dài tại Việt Nam. Với bề dày lịch sử nầy, với cảnh sắc tươi đẹp nầy, thiết nghĩ đủ tư liệu, nguồn cảm hứng dạt dào cho các nhạc sĩ để cho ra  đời những ca khúc rất hay thấm đẫm về Đà Nẵng làm lay động lòng người yêu nhạc trong cả nước!?

Tác giả: Nguyễn Duyên
 

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.