You are here

Nghệ nhân Lê Thanh Quý với những cây đàn “độc và lạ”

Tác giả: 
Tú Anh

Là người đam mê nghệ thuật đàn ca từ nhỏ, do cuộc sống cơ cực nên nghệ nhân Lê Thanh Quý (thường gọi là Chín Quý, ngụ phường Hiệp Thành, thị xã Ngã Bảy tỉnh Hậu Giang) sớm bước vào đời từ khi lên 14 tuổi. 

Vì làm thuê cho các gánh hát từ miền Trung đến ĐBSCL nên ông có dịp tiếp xúc học hỏi với nhiều nghệ nhân lớn tuổi. Được các nghệ nhân gánh hát truyền nghề, năm 17 tuổi, ông đã chơi thành thạo nhiều nhạc cụ khác nhau. Đến nay, ngoài việc dạy học trò ca hát các bản, tuồng cổ, chơi các loại đàn…, ông còn được mọi người trong xóm tôn làm “bậc thầy sáng chế” với các loại đàn “độc và lạ”.

Dù đã ở tuổi 70, nhưng ông Chín Quý vẫn tỏ ra nhanh nhẹn, vui tính khi kể về cơ duyên gắn bó với các nhạc cụ phục vụ loại hình đàn ca tài tử, cải lương, nhạc lễ gần 50 năm qua. Ông Chín Quý nói:  “Năm 15 tuổi, tôi làm quen với cây đàn bầu do cha ông biểu diễn tại quê nhà (tỉnh Khánh Hòa). Năm 17 tuổi khi ngón đàn khá điêu luyện, tôi đầu quân cho các đoàn cải lương. Được giao lưu học hỏi nghệ thuật chơi đàn từ các nghệ nhân lớn tuổi nên tôi đã có dịp học được cách chơi của nhiều loại đàn khác nhau. Sau nhiều năm khổ luyện, tới nay, tôi có thể chơi gần chục loại nhạc cụ, từ các loại đàn của ta như bầu, sến, cò… tới đàn Tây như violon, hạ uy di (ghita Hawaii)… ”.

Nói về việc chế tạo các loại đàn “độc và lạ”, ông Chín Quý tâm sự: Trước đây, khi đi đàn phục vụ văn nghệ cho bà con ở đây thì phải tập hợp đầy đủ thầy đàn mới chơi được. Do điều kiện kinh tế mỗi người mỗi khác nên muốn tập hợp đầy đủ thầy đàn ngồi lại với nhau là rất khó, nghĩ đến đây tôi quyết sáng chế ra một cây đàn mà có thể chơi được nhiều loại nhạc cụ khác nhau. Nghĩ là làm, tôi đã chế ra nhiều loại nhạc cụ như đàn tam huyền di (thay thế cùng lúc 3 loại đàn tranh, đàn bầu và đàn hạ uy di); đàn vĩ cầm kết hợp đàn gáo; đàn măng-đô-lin kết hợp trống nhạc lễ và đàn sến; đàn ngũ âm huyền (kết hợp cùng lúc 5 cây đàn bầu sắp xếp từ nhỏ tới lớn, độ dài dây từ ngắn tới dài) …

Để chúng tôi hiểu rõ hơn về loại nhạc cụ “độc và lạ” do ông sáng chế, ông đem cây ngũ âm huyền chơi một đoạn trong bản "Đoản khúc Lam Giang" cho tôi nghe thử. Âm thanh phát ra từ cây ngũ âm huyền đa dạng và biến chuyển liên tục. Ông Chín Quý vừa đàn vừa nói: “Tiếng đàn của cây ngũ âm huyền có thể trầm như xuống địa ngục mà cũng có thể bổng lên tận mây xanh” vì âm thanh phát ra hay gấp mấy lần cây đàn bình thường khác. Cách chơi ngũ âm huyền có nét khác với đàn bầu, vừa kết hợp với rung cần, người chơi vừa có thể gảy vừa đàn liên tục trên 5 dây”.

Chia sẻ thêm về sự kế thừa, phát huy về thể loại nhạc cụ “độc và lạ” của gia đình, ông Chín Quý cười nói: Gia đình tôi hiện có 4 người, hầu như người nào cũng biết chơi các loại nhạc cụ, riêng những học trò ông đang dạy có trên 20 người đã thành thạo từng loại nhạc cụ.

"Thời gian tới, tôi sẽ cố gắng sáng chế ra nhiều loại nhạc cụ “độc và lạ” khác để phục vụ cho bà con nơi đây, nhằm nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho người dân, đồng thời truyền dạy cho các học trò của tôi cách chế đàn và sửa chữa đàn để mai này tôi nằm xuống thì cũng còn có người nối ngôi tôi", ông Chín Quý nói.


Ông Chín Quý giới thiệu nhiều cây đàn “độc và lạ” do mình làm ra.


Với sự say mê, hiện ông có thể chơi được nhiều loại đàn khác nhau.

(Nguồn: https://laodong.vn)

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.