You are here

Một nhạc sĩ có nhiều bài hát hay về Bác Hồ

Tác giả: 
Nguyễn Đình San

Công chúng yêu âm nhạc cả nước hẳn không xa lạ với nhạc sĩ Thuận Yến – tác giả nhiều ca khúc nổi tiếng: Người mẹ miền Nam tay không thắng giặc, Mỗi bước ta đi, Bài ca đội nữ tiếp vận, Hương tràm, Chia tay hoàng hôn, Tình yêu không lời… Đặc biệt, ông đã gặt hái được thành công lớn ở mảng sáng tác về Bác Hồ với 4 bài hát xuất sắc: Bắc Hồ- một tình yêu bao la, Vầng trăng Ba Đình, Miền Trung nhớ Bác, Người về thăm quê.


Nhạc sĩ Thuận Yến

Có thể nói Thuận Yến là một hiện tượng đặc biệt, hiếm hoi trong giới nhạc sĩ Việt Nam. Thường thì viết được một bài hay về vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc đã là quý lắm, bởi rất nhiều nhạc sĩ nổi tiếng từng có hàng trăm ca khúc hay mà chưa dám viết về Bác. Tình cảm của họ với lãnh tụ lớn lao, sâu nặng nhưng nhiều tác giả đã không vượt qua được ý nghĩ: Người vĩ đại là thế, làm sao diễn tả được hết công đức cùng tình cảm thiêng liêng của toàn thể dân tộc dành cho Người? Nhạc sĩ nào kết hợp được tài năng với việc vượt qua được ý nghĩ ấy sẽ có cơ may sáng tác thành công. Thuận Yến ở trường hợp như vậy. Thực ra, ông đã viết được 22 bài về Bác, công bố 14 bài và 4 bài đậu lại lâu bền được trong lòng người hâm mộ. Quả tình lao động miệt mài cộng với sự trăn trở về một đề tài lớn đã không phụ công sức của ông.

Thuận Yến kể: Từ nhỏ, ông được nghe người ta đã đồn đại về Bác như một vị Thánh, chứ không phải người bình thường. Năm 1954, tập kết ra Bắc, sống ở Hà Nội, vào những dịp quốc khánh hàng năm, tuy đã được nhìn Bác qua ảnh nhưng ông vẫn muốn đến quảng trường Ba Đình để nhìn tận mắt. Nhưng đứng từ xa ngước lên kỳ đài, ông không thể nhìn rõ. Rồi đến năm 1967, sau khi trở lại chiến trường Huế – Trị – Thiên làm một chiến sĩ văn công, ông có dịp ra Bắc. Hồi ấy hễ cứ có đoàn nào ở miền Nam ra Bắc là đều được vào thăm Bác. Thuận Yến cùng với đoàn vào biểu diễn để Bác coi. Đó là lần đầu tiên trong đời Thuận Yến được nhìn rất gần và tiếp xúc với Bác. Ông thấy từ Bác toát lên một vẻ giản dị, trìu mến, hết sức thân thương như người cha trong gia đình chứ không có gì cách biệt. Bác đã gây một ấn tượng rất đặc biệt đối với người nhạc sĩ vừa từ nơi bom đạn khốc liệt ra thủ đô. Thuận Yến nuôi quyết tâm phải viết bài hát về Bác.

Mùa xuân năm Mậu Thân 1968, sau thất bại tạm thời của quân dân ta trong cuộc tổng tiến công, Bác có viết thư gửi bà con Huế – Trị -Thiên, căn dặn 7 điều để động viên, cổ vũ tinh thần, hãy vượt qua thất bại tạm thời để bước tới chiến thắng không xa. Ở trong hầm chiến khu cùng với Học Phi (nhà viết kịch) và Phạm Ngọc Cảnh (nhà thơ), Thuận Yến đã xúc động mãnh liệt sau khi đọc thơ Bác. Ngay lập tức, ông viết bài Mỗi dòng thư Bác sáng ngời niềm tin. Bài hát khai thác chất liệu dân ca Huế, nhưng chưa có sáng tạo gì đặc biệt nên sau khi phát trên đài Giải phóng một vài lần đã chưa đủ sức lan toả rộng rãi. Đó là bài đầu tiên Thuận Yến viết về Bác. Lần thứ 2, sau ngày Bác đi xa (1969), cùng với niềm đau thương của toàn dân tộc, ông viết bài Mẹ ru theo tiếng Bác Hồ. Chất nghẹn ngào bi lụy đã khiến bài hát này không vượt qua được một số bài khác cùng ra đời có giá trị hơn.

Thuận Yến tự thấy sau nhiều lần sáng tác về Bác chưa thành công (mà 2 bài trên là ví dụ), ông thấy như mắc nợ với chính bản thân mình. Để chuẩn bị 90 năm ngày sinh của Bác (vào năm 1980), nhà xuất bản Văn hóa có “com măng” một số nhạc sĩ viết về Người. Đến hẹn nộp bài, Thuận Yến vẫn chưa viết được. Ông có phần “run tay” trước nhiều bài hát viết về Bác rất hay đã có lúc ấy. Bỗng ông chợt nhận ra: Hầu hết các bài hát đã nổi tiếng đều nghiêng về việc ca ngợi công đức vị lãnh tụ ở những tầm rất cao siêu, mang tính lý tưởng, khái quát. Ông nghĩ tới việc khắc hoạ hình ảnh vị lãnh tụ gắn với đời thường, gần gũi với mọi người bình dân nhất. Ông nhớ đến hai câu thơ của Tố Hữu:

“Người là cha, là bác, là anh

Quả tim lớn lọc trăm dòng máu đỏ”

Về phong cách âm nhạc, ông tìm đến nhạc nhẹ thử nghiệm xem sao. Thế là bài Bác Hồ- một tình yêu bao la ra đời. Tiết tấu Slow Rock đã khiến bài hát trở nên gần gũi với lớp trẻ. Điều thú vị là khi viết về những chủ đề lớn như Tổ quốc, Đảng, lãnh tụ, giới nhạc sĩ ít nghĩ đến nhạc nhẹ, nhưng Thuận Yến đã thể nghiệm thành công. Bài hát dung dị, tha thiết, dễ được số đông người bình dân ưa thích, nhưng giai điệu lại vẫn rất trang trọng, nếu dựng thành hợp xướng vẫn rất bề thế. Qua đây càng khẳng định thêm một lẽ: Bản thân nhạc nhẹ không đáng bị thành kiến, vấn đề ở người sáng tác xử lý, sáng tạo ra sao. Tên bài hát lúc đầu tác giả đặt là Bác Hồ- Người Việt Nam kính yêu nhất. Nhưng khi gửi đến Đài Tiếng nói Việt Nam, nhạc sĩ Hiền An khi ấy là Phó ban biên tập nhạc góp ý: Bác Hồ đương nhiên là vĩ đại rồi. Nhưng ngộ nhỡ sau này lịch sử lại sản sinh ra một người Việt Nam vĩ đại như Bác thì sao? Lẽ nào tác giả lại mong bài của mình chỉ sử dụng trong một giai đoạn nhất định? Vả lại sinh thời vốn dĩ Bác là người giản dị, khiêm nhường, không muốn ai đề cao, tôn sùng. Bị thuyết phục, Thuận Yến mới đổi tên bài như sau này. Về bài hát này, ca sĩ Thanh Hoa kể: Lần chị cùng đài Truyền hình Việt Nam vào quay hình trong vườn nhà Bác đúng dịp diễn ra Đại hội Đảng lần thứ 5. Đúng lúc đang quay, Tổng Bí thư Lê Duẩn dẫn đoàn đại biểu Đảng Cộng Sản Liên Xô sang dự đại hội Đảng ta vào thăm nơi Bác ở (Khi ấy Liên Xô chưa tan rã). Đồng chí yêu cầu Thanh Hoa hát mộc (nghĩa là hát không có nhạc đệm) để ông nghe rõ lời. Nghe xong, cựu Tổng Bí thư đã khóc nức nở, và đoàn đại biểu Liên Xô cũng khóc theo.

Năm 1984, lúc này công trình Lăng Bác đã hoàn thành, thi thể Bác đã đặt trong Lăng để bà con cả nước đến viếng. Bộ Tư lệnh Lăng mời Thuận Yến sáng tác về sự kiện này, nhưng nêu rõ yêu cầu: Không ca ngợi Bác chung chung, giống như nhiều bài hát đã có mà nói cụ thể về việc bảo vệ Lăng của các chiến sĩ, từ đó thấy được tình cảm sâu nặng của họ dành cho vị lãnh tụ kính yêu. Nhạc sĩ được đi thăm nơi tạm để thi hài Bác lúc xây Lăng ở Đá Chông. Cảm xúc thì đã có, nhưng Thuận Yến vẫn bí lời (Cánh nhạc sĩ sáng tác không phải ai cũng dồi dào khả năng tư duy văn học). Giữa lúc đang loay hoay, ông nhận được bài thơ của Phạm Ngọc Cảnh nhan đề Trăng lên. Thế là nhạc sĩ phổ nhạc thành bài hát Vầng trăng Ba Đình. Sự kết hợp các chất liệu chèo, ca trù ở miền Bắc với ví dặm Nghệ Tĩnh đã tạo nên một giai điệu đậm đà phong vị dân tộc, khiến bài hát nhanh chóng di vào lòng người.

Vào năm 1988, một lần về thăm quê ở Đà Nẵng, bạn bè nói với Thuận Yến rằng ông chưa viết được gì cho quê hương. Người trưởng đoàn văn công quân khu 5 lúc ấy dẫn ông đi thăm thú khắp nơi. Chưa biết viết gì thì ông đọc được cuốn tiểu thuyết Búp sen xanh của nhà văn Sơn Tùng. Nhạc sĩ đã vô cùng xúc động trước việc chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành từ bỏ công việc dạy học để đi tìm đường cứu nước. Trên đường vào Sài Gòn để tìm cách sang Pháp, Người đã ghé vào Bình Khê (huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định) thăm người cha là cụ phó bảng Nguyễn Sinh Sắc đang bị bọn Pháp đày vào đây do có những việc làm yêu nước. Và thế là bài Miền Trung nhớ Bác ra đời với giai điệu thật ngọt ngào, đằm thắm: “…Trời Bình Khê xanh trong bát ngát, lưu luyến một chiều Bác đến thăm cha, chia sẻ ngọt bùi trứơc lúc đi xa…” Lại thú vị là bài hát này cũng có hơi hướng nhạc nhẹ, trong khi chất liệu lại đặc sệt âm hưởng dân ca miền Trung  Người hát thường tìm đến tiết điệu Bolero khi thể hiện bài này).

Khi khắp nơi đang còn say sưa hát Miền Trung nhớ Bác thì năm 1989, Thuận Yến lại được tỉnh Nghệ An mời vào sáng tác, chuẩn bị cho kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Bác. Tỉnh yêu cầu phải viết làm sao để người nghe thấy rõ yếu tố quê hương xứ sở đã tạo nên con người vĩ đại là Bác, làm nổi bật hình tượng Bác gắn với Nghệ Tĩnh. Nhớ lại năm 1956, lần đầu tiên Bác Hồ trở về thăm quê kể từ khi rời xa tìm đường cứu nước. Lúc này Thuận Yến đóng quân ở Đô Lương, đã cùng với nhân dân Nghệ An nô nức đón Bác ở hai bên đường. Kỷ niệm lần ấy lại trỗi dậy, Thuận Yến đã nhanh chóng hoàn thành bài Người về thăm quê với nội dung và giai điệu thật cảm động. Bài hát gợi lại những kỷ niệm về Bác khiến người nghe rất dễ trào nước mắt: “Đi suốt cuộc đời mới được thăm quê hương, gặp lại tiếng thoi mẹ ngồi dệt vải, gặp lại giọng trầm đêm trăng cha đọc thơ…”

Với 4 bài hát đặc sắc được công chúng rất tán thưởng như vừa nói, có thể nói Thuận Yến là nhạc sĩ viết được nhiều bài hát hay nhất về Bác Hồ. Đều triệt để khai thác chất liệu dân gian và có khuynh hướng nhạc nhẹ hoá nhưng không bài nào giống bài nào và đều đạt được mức độ sâu sắc, tới được tận cùng của cảm xúc. Đó là điều rất khó đạt được khi có ý định thổi vào ca khúc hơi hướng nhạc nhẹ. Và Thuận Yến đã thành công.

Ngày 24/5/2014, Thuận Yến qua đời, để lại niềm luyến tiếc mênh mông cho công chúng yêu âm nhạc. Người nhạc sỹ tài hoa đã ra đi nhưng những giai điệu của ông vẫn luôn vang lên ở mọi nơi, nhất là những dịp tháng 5 về.

(Nguồn: http://congluan.vn)

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.