You are here

Một dòng sông chở đầy chiến tích & giai điệu

Tác giả: 
  FAN FƯƠNG

Thu đông 1947, thực dân Pháp dùng chiến thuật đánh nhanh thắng nhanh âm mưu tiêu diệt căn cứ địa Việt Bắc của ta. Chúng mở 2 gọng kìm: phía đông là đường bộ số 4 từ Lạng Sơn lên Cao Bằng, phía tây là đường thủy trên sông Lô từ Việt Trì lên Tuyên Quang hòng bao vây kẹp chặt khu Việt Bắc.

Tại gọng kìm phía tây, ngày 10-10-1947, 35 tàu chiến, canô của binh đoàn thủy quân và công binh Pháp do đại tá Communal chỉ huy, xuất phát từ Hà Nội, ngược sông Hồng qua Sơn Tây rồi tập kết tại Việt Trì.

Nắm được âm mưu địch, bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích chiến khu 10  được lệnh sẵn sàng phản công tiêu diệt địch suốt các địa phương dọc sông Lô như Lập Thạch (Vĩnh Yên), Phù Ninh, Đoan Hùng (Phú Thọ), Sơn Dương, Yên Sơn (Tuyên Quang).

Trận thứ nhất: Sáng 11-10-1947, đoàn tầu đầu tiên của quân Pháp gồm 4 tầu chiến và 3 canô xuất phát từ Việt Trì ngược sông Lô để lên Tuyên Quang, đến Đoan Hùng, pháo của ta bắn 2 phát thì bị tắc đạn, quân Pháp ùa lên bờ, quân ta vừa chôn giấu pháo vừa chiến đấu quyết liệt có lúc giáp lá cà, quân Pháp thua phải rút xuống tầu đi tiếp.

Trận thứ hai: 16 giờ chiều 12-10-1947, hai tốp tầu địch đến khu vực làng Bình Ca (thuộc xã Vĩnh Lợi, phía tây huyện Sơn Dương - Tuyên Quang) cách thị xã Tuyên Quang khoảng 10km về phía nam thì lọt vào trận địa mai phục của trung đội 12 - đại đội 4 - tiểu đoàn 42 - trung đoàn thủ đô. Quân ta bắn 2 phát bazoka vào 2 chiếc đi đầu nhưng quá xa nên không trúng, pháo binh đổi chiến thuật đặt gần bắn thẳng nên khi tốp tầu chiến thứ 2 vào đúng tầm, ta bắn 1 phát bazoka trúng ngay thân tầu đổ bộ, tầu bốc cháy, cố chạy ngược được gần 1 km thì chìm nghỉm !

Ngày 13-10-1947 địch đổ bộ lên Bình Ca, bị bộ đội  và quân du kích Bình Ca chủ động đánh trả tiêu diệt 20 lính Pháp, đẩy lui cuộc đổ bộ. Lần đầu tiên bắn chìm tầu chiến và phá tan âm mưu đổ bộ càn quét của giặc, chiến thắng Bình Ca đã làm nức lòng nhân dân chiến khu 10.

Cuối 1947, nhạc sĩ Nguyễn Đình Phúc (sinh năm 1919) đã sáng tác bài hát Bình Ca ca ngợi chiến thắng và gương chiến đấu dũng cảm của một du kích địa phương có mẹ là người làng Bình Ca, bố là người Mactinic (Martinique - 1 hòn đảo thuộc địa Pháp tại vùng biển Caribê - Nam Mỹ) tuy anh du kích đó bị thương nhưng anh rất hãnh diện vì đã chiến đấu và chiến thắng với mục đích giải phóng các thuộc địa:

Tháng 1-1948, khi qua chiến trường, buổi tối dừng chân trong túp lều gần bến Bình Ca, nhạc sĩ Lương Ngọc Trác (sinh năm 1928) đã sáng tác bài hát Lô Giang giản dị & hào hoa để ca ngợi cảnh đẹp thiên nhiên, con người và sự tích anh hùng nơi đây:

ngay tết nguyên đán năm đó, bài hát đã được các em thiếu sinh quân biểu diễn, Bác Hồ khen bài hát tuy viết về chiến tranh nhưng rất nhẹ nhàng, nhạc sĩ Lưu Hữu Phước (sinh năm 1921) thì ví bài Lô Giang như một chiếc khuyên ngọc được chạm trổ theo những nét cổ truyền.

Trận thứ 3 và 4: Đoàn tầu thứ 2 và 3 của Pháp ngược dòng Lô cũng bị quân ta đánh đuổi nhưng cả 2 bên đều không có thiệt hại đáng kể.

Trận thứ 5: Ngày 23-10-1947 đoàn tầu thứ tư của quân Pháp gồm 2 tầu vận tải lớn chở quân và hàng tiếp viện từ Việt Trì ngược sông Lô, khoảng 1 giờ chiều tầu chạy đến ghềnh Khoan Bộ (thuộc làng Khoan Bộ, xã Phương Khoan, huyện Lập Thạch, Vĩnh yên, nay là huyện Sông Lô - Vĩnh Phúc), pháo ta bắn thẳng phá tan tầng trên của cả 2 tầu, địch hoảng sợ rồi đổ bộ lên bờ tàn sát dân thường, bộ đội dân quân kiên quyết phản công, buộc chúng phải rút chạy và cấp báo lên ban chỉ huy ở Tuyên Quang.

Trận thứ 6: Được cấp báo từ Khoan Bộ, quân Pháp điều 5 tầu xuôi sông Lô để ứng cứu. Bộ đội ta đã chuẩn bị mọi phương án chiến đấu, mai phục tại đoạn ngã 3 sông (nơi sông Chảy đổ vào sông Lô) thuộc xã Chí Đám - huyện Đoan Hùng - Phú Thọ. Sáng 24-10 đoàn tầu đi vào trận địa phục kích, pháo binh ta nã 4 phát trúng thân tầu đi đầu khiến tầu đắm ngay, nã tiếp 6 phát vào tầu thứ 2, bể chứa nhiên liệu trên tầu nổ tung cháy rực trời, lính Pháp phần lớn chết ngay, phần nhảy ào xuống sông, tốp chết đuối, tốp bơi được vào bờ. Còn 3 chiếc thì có 1 chiếc chạy thoát ngược lên Tuyên Quang, 2 chiếc bị trọng thương chết máy trôi tự do dập dềnh trên sông đến đoạn dưới thì chìm nốt, lũ lính Pháp bơi được vào bờ có 1 khẩu 12 ly 7 vẫn nhả đạn về phía ta, nhưng đã bị pháo 75 của ta dập tắt ngay, sau đó pháo ghếch nòng lên bắn rơi luôn 1 thủy phi cơ. Sau gần 6 giờ chiến đấu, quân ta toàn thắng, tiêu diệt 350 tên giặc. Đêm 24-10 và mấy ngày sau, ta thu chiến lợi phẩm từ những chiếc tầu đắm gồm 1 xe Jeep; nhiều loại súng, pháo, đạn dược và quân trang quân dụng.

Trận Đoan Hùng là trận lớn nhất trên sông Lô khiến thủy quân Pháp đại bại. Sau này trong hồi ký của đại tướng Salan - cựu tư lệnh quân Pháp ở Bắc Bộ đã gọi đây là thảm họa Đoan Hùng.

Tháng 12-1947 khi lên chiến trường gặp Trưởng ban pháo binh chiến khu 10 Doãn Tuế (sau này là Trung tướng Tư lệnh pháo binh), trung đội trưởng pháo binh Siêu Hải (sau này là Đại tá - nhà văn quân đội), trung đội trưởng ở Bình Ca Phạm Hồng Cư (sau này là Trung tướng), nhìn thấy quang cảnh chiến trường, con người dũng cảm nơi đây, ý nghĩa và tầm cao chiến thắng, nhạc sĩ Văn Cao đã sáng tác bài hát dài Sông Lô (hoặc Trường ca sông Lô) đăng trên báo Văn nghệ tháng 3-1948, được nhiều thế hệ ca sĩ biểu diễn thành công, bộ đội và nhân dân yêu mến, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng rất thích bài hát này, nhạc sĩ Lưu Hữu Phước thì ví bài Sông Lô của Văn Cao như một tòa biệt thự sang trọng kiến trúc kiểu Âu Mỹ:

Nhạc sĩ Phạm Duy (sinh năm 1921) sáng tác bài Tiếng hát trên sông Lô với giai điệu đậm chất dân ca, được công chúng một thời kháng chiến yêu thích:

Trước chiến thắng lẫy lừng trên sông Lô, các nhà thơ kháng chiến cũng viết nhiều bài ca ngợi, nổi bật là bài thơ Trận Đoan Hùng của nhà thơ - nhà viết kịch hiện đại Việt Nam Lưu Quang Thuận (sinh năm 1921):

 

TRẬN ĐOAN HÙNG

Rừng Phủ Đoan trọng pháo đã ra uy

Hùm với sói trôi theo dòng nước đỏ

Trong 6 chiếc, đắm liền 3 tại chỗ

1 chiếc lên Tuyên, 2 chiếc xuôi về

Nhưng rồi 2 chiếc bị thương

Dắt dìu về đến Vân Nương

10 phát đạn lại làm cho đắm nốt.

Cười ngạo nghễ tiêu tan trong phút chốc

Mắt kiêu căng nhắm lại giữa dòng sông

Thương cho ai mê mải ý điên cuồng

Khi biết rõ, lại là khi quá chậm !

Người lác đác trở về thôn Chí Đám

Bưởi Đoan Hùng rao khắp chợ cùng quê

Đoàn pháo binh súng nặng đã khuân về

Xác tầu chiến nhô đầu lên khỏi nước

Đoan Hùng ! Đoan Hùng ! trời mây bát ngát

Mộng quân thù tan tác, ô hô !

Theo tiếng súng một ngày thu Việt Bắc

Tên Đoan Hùng vang khắp cả trời Nam

Hăm bốn tháng mười đỏ thắm vinh quang

Mùa Việt Bắc - một mùa thu lịch sử.

Đoan Hùng! Đoan Hùng !

Thây giặc về sông Nhị, xác thù ra Biển Đông

Nước Lô Giang xanh biếc hóa nên hồng

Sông óng ả quật cường gây bão táp

Rực rỡ quân công, kinh hồn giặc Pháp

Non sông đau thương tan biến cả sương mù

Súng Đoan Hùng còn vọng đến thiên thu./.

Bài thơ này được nhạc sĩ Lê Yên (sinh năm 1917) phổ nhạc theo lối khoái hoạt ca (để cười vui hoặc cười giễu, như bài Con voi của Nguyễn Xuân Khoát, Tôi là Lê Anh Nuôi của Đàm Thanh, Đế quốc Mỹ là cái thân con ruồi của Trọng Bằng…), chưa cần sự sáng tạo của ca sĩ, trong giai điệu đã đầy tiếng cười sảng khoái của người chiến thắng, giễu cợt sự ngu muội của quân giặc dám xâm lược Việt Nam để hàng trăm tên tan xác trên dòng sông, máu giặc chan hòa loang mặt nước khiến nước Lô Giang xanh biếc hóa nên hồng! Năm 1950, bài này được giải thưởng đặc biệt của Hội Văn nghệ khu 4:


(bút tích của nhạc sĩ Lê Yên)

Ngoài Trận Đoan Hùng, nhạc sĩ Lê Yên còn sáng tác một số bài hát phổ thơ Lưu Quang Thuận như: Bữa cơm chiều, Nhớ ngày Bác về Thủ đô, Cẩm Nhượng đất lửa anh hùng, Lời chim, Con cua…

Trận thứ 7: Ngày 09-11-1947 đoàn tầu chiến Pháp từ Chiêm Hóa rút lui xuôi sông Gâm về Tuyên Quang. Quân ta mai phục tại Khe Lau (thuộc xã Thắng Quân - Huyện Yên Sơn - Tuyên Quang) là ngã 3 sông, nơi sông Gâm đổ vào sông Lô, cách thị xã Tuyên Quang khoảng 20km về phía bắc, pháo binh bố trí đối diện cửa sông Gâm, bộ binh, du kích bố trí bên bờ 2 sông. Chiều 10-11-1947 khi 2 tầu chiến và 1 ca nô địch lọt vào trận địa của trung đội pháo binh chiến khu 10 cùng trung đoàn 112 Hà Tuyên và bộ đội dân quân du kích địa phương, pháo binh ta đã bắn đắm cả 3, diệt 200 lính Pháp. Sau chiến thắng này, nhạc sĩ Nguyễn Đình Phúc đã sáng tác bài hát Chiến sĩ sông Lô:

Trận thứ 8: Thất bại liên tiếp, không thể mở gọng kìm phía tây, đêm 21-11-1947 binh đoàn Communal đã bí mật rút theo 2 đường: đường bộ từ Bình Ca qua Sơn Dương về Lập Thạch đường thủy buộc phải từ Tuyên Quang xuôi sông Lô về Việt Trì. Khi đoàn tầu địch đến Đoan Hùng thì trúng thủy lôi của ta, toàn bộ ban tham mưu, kỹ thuật và 100 lính bị tiêu diệt.

Trận thứ 9: Những chiếc còn lại vội vàng tăng tốc tháo chạy xuôi về đến Phan Lương lại bị trung đoàn Ký Con của ta bắn trọng thương 1 chiếc. Đến 19-12-1947 tàn quân thủy bộ Pháp mới rút hết về được Việt Trì, chấm dứt kế hoạch vây hãm Việt Bắc từ phía tây.

Tổng kết chiến dịch sông Lô, với 9 trận lớn nhỏ, quân ta đã tiêu diệt 900 sĩ quan và binh lính Pháp, bắt sống 290 tên, 6 tầu chiến, canô bị bắn chìm, hàng chục chiếc khác bị thương, bắn rơi 1 máy bay, thu nhiều chiến lợi phẩm, vũ khí, đạn dược.

Năm 1947 - 1948 nhạc sĩ Bùi Công Kỳ (sinh năm 1919) đang phụ trách Đội ca nhạc kịch tuyên truyền của Ty thông tin Phú Thọ, chuyên sáng tác & biểu diễn phục vụ quân dân chiến khu 10. Trong kháng chiến ông đã sáng tác nhiều bài hát như: Hồn Việt Nam, Máu anh linh (lời Thanh Tịnh), Đứng lên con đất Việt (lời Thanh Tịnh), Anh và tôi, Vang vang đây tiếng loa vang, Bài ca biên giới, Chào người lính mới, Hát mừng chiến sĩ thi đua, Ba Đình nắng, Hát dâng Hồ Chủ tịch… Ông còn là 1 nghệ sĩ biểu diễn tài năng, để lột tả hết cái hay cái đẹp của một bài hát, ngoài giọng ca truyền cảm ông còn sử dụng điệu bộ và động tác một cách sinh động, rất có duyên được bộ đội & nhân dân chiến khu 10 thích thú và yêu mến. Là người trong cuộc, ông đã trực tiếp tham gia chiến đấu trong chiến dịch, tận mắt chứng kiến những trận chiến trên sông Lô, với ý thức và cảm hứng của người nhạc sĩ cách mạng, cùng góc nhìn chọn lọc và tài năng sáng tạo, ông đã sáng tác bài Tiếng quạ sông Lô (lời của Mai Hanh) mô tả 1 người khách dừng chân bên bờ sông Lô, nhìn thấy 2 con quạ đang rỉa rồi nuốt chửng từng miếng thịt lớn của 2 xác giặc cụt đầu, bụng trương phềnh đang trôi trên sông Lô mà tưởng như thần chết đang lảng vảng đâu đây chờ quân xâm lược, hình ảnh hết sức rùng rợn thê lương nhưng qua đó toát lên chủ đề tư tưởng của tác giả - cũng là ý chí của nhân dân Việt Nam cảnh báo và răn đe tất cả quân xâm lược hãy nhìn vào hậu quả thê thảm của đồng bọn để đừng bao giờ đụng đến Việt Nam:

Nhạc sĩ Bùi Công Kỳ viết bài hát này rất công phu & nghệ thuật với 4 lần chuyển giọng, nhiều chỉ dẫn sắc thái, kỹ thuật thể hiện, nhiều dấu hóa bất thường, bài hát có cấu trúc của một aria đầy kịch tính, vì vậy rất khó hát, thời đó chỉ một mình ông nhiều lần hát bài này cho bộ đội và nhân dân nghe, được hoan nghênh nhiệt liệt. Năm 1948 bài Tiếng quạ sông Lô đã được Chi hội văn hóa cứu quốc tỉnh Phú Thọ xuất bản với lời giới thiệu của nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát:


​(năm 1949 nhạc sĩ Bùi Công Kỳ còn sáng tác bài Sông Lô 49 ca ngợi nhân dân Sông Lô xây dựng lại quê hương,
nhưng không thuộc chủ đề bài viết này).

Sau Công Nguyên, trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta, có rất nhiều trận chiến diễn ra trên sông nước như:

- Năm 938 trên sông Bạch Đằng, ông Ngô Quyền đã đánh tan quân Nam Hán, chấm dứt 1000 năm Bắc thuộc.

- Tháng 2 năm 981: trên sông Lục Đầu, ông Lê Hoàn đánh thắng quân Tống lần thứ nhất.

- Tháng 4 năm 981: trên sông Bạch Đằng, ông Lê Hoàn đánh tan quân Tống lần thứ 2.

- Năm 1285: trên sông Lục Đầu, vua tôi nhà Trần đánh thắng quân Nguyên Mông lần thứ nhất.

- Năm 1288: trên sông Bạch Đằng, ông Trần Quốc Tuấn đánh tan quân Nguyên Mông lần thứ 2.

- Năm 1785: trên sông Rạch Gầm (Mỹ Tho-Tiền Giang) ông Nguyễn Huệ đánh tan 2 vạn quân Xiêm.

- 1948: trên các nhánh của Cửu Long Giang, tiểu đoàn 307 Nam Bộ nhiều trận đánh thắng giặc Pháp.

Nhưng có lẽ không một dòng sông nào đặc biệt như sông Lô, với chiều dài 470km phát nguyên từ dãy núi Nghiễn Sơn, tỉnh Vân Nam, chảy trên đất Trung Quốc 196km gọi là Bàn Long Giang rồi chảy vào đất Việt ở gần cửa khẩu Thanh Thủy - huyện Vị Xuyên - Hà Giang, đoạn từ Thanh Thủy đổ vào sông Hồng ở Việt Trì dài 274km gọi là sông Lô. Đoạn từ Khe Lau (ngã ba sông Lô - Gâm) đến Việt Trì (ngã ba sông Lô - Hồng) dài khoảng 170km chính là đoạn đã diễn ra 9 trận đánh chỉ trong vòng 2 tháng cuối 1947 bẻ gãy gọng kìm phía tây, cùng với chiến thắng Đèo Bông Lau ngày 30-10-1947 bẻ gẫy gọng kìm phía đông, đẩy quân Pháp đến thất bại thảm hại, làm phá sản kế hoạch của địch bao vây tấn công Việt Bắc, và cũng không có chiến công trên sông nào có tới 7 bài hát mang tính nghệ thuật và giáo dục cao, do các nhạc sĩ dưới 30 tuổi sáng tác liên tục ngay trong hoặc sau cuộc chiến ít ngày, ca ngợi và tôn vinh chiến thắng.

Ngày nay khi hát những bản anh hùng ca về sông Lô ta luôn nhớ đến 9 trận chiến oai hùng của cha anh ta một thời đánh giặc, đã dựng lên những tượng đài bất diệt của khí phách và lòng dũng cảm, tiêu biểu cho ý chí chống ngoại xâm của toàn dân tộc. Sông Lô đúng là một dòng sông chở đầy chiến tích và giai điệu./.

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.